Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019

Ngày phát hành: 24/12/2018 Lượt xem 8129

1-Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018

      Mặc dù chịu tác động của những nhân tố bất lợi, khó khăn của tình hình kinh tế khu vực và thế giới như: tác động của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung ( tạo ra thách thức và những cơ hội mới), công ty Samsung giảm sản lượng… tuy khởi đầu năm 2018 một cách thuận lợi, hiện nay mức tăng trưởng GDP đã giảm từ 7,4% xuống mức dưới 6,9% vào quý III, dự báo sẽ giảm trong quý IV, song theo các chuyên gia vẫn có những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, vẫn còn những điểm sáng được coi là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đáng chú ý là sự phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp, tính chung qua 11 tháng, công nghiệp tăng trưởng ở mức 10,1%, công nghiệp chế biến, chế tạo có bước chuyển dịch tích cực. Ngành dịch vụ trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế, trong đó có những điểm sáng như ngành dịch vụ bán buôn bán lẻ, du lịch với mức tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2018 ở mức 21,3%; ngành vận tải với tăng trưởng luân chuyển hành khách và hàng hóa ở mức 11% và 74%. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ với việc kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng 2018 đã bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2017; giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017, tính đến thời điểm hết tháng 11 năm 2018, nông nghiệp đã xuất siêu 7,5 tỷ USD. Trong năm 2018 nổi lên 4 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc; các mặt hàng nông sản dẫn đầu xuất khẩu là: rau, gạo, sau đó là nhóm cây công nghiệp ( cà phê, cao su, hạt tiêu, điều), thủy sản và các mặt hàng đồ gỗ cũng tăng mạnh.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng nhanh trong thời gian qua, tính đến ngày 20/09/2018, cả nước có 26.646 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 185,62 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Thực tế quá trình đổi mới vừa qua cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng còn nhiều mặt hạn chế như mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt được như kỳ vọng; hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực trong nước còn hạn chế; một số dự án được cấp phép nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dự án FORMUSA trong thời gian qua.

     Là nền kinh tế có độ mở cao thể hiện qua tỷ trọng của xuất nhập khẩu/GDP đạt mức gần 200%, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam chịu sự tác động mạnh của những biến động bên ngoài.Theo đánh giá tại Báo cáo điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 11/12/2018, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 sẽ ở mức 6,8%, tuy nhiên sau đó sẽ giảm dần xuống 6,6% và 6,5% vào các năm 2019 và 2020 vì rủi ro tiềm ẩn vẫn đang tích tụ theo hướng xấu đi. Chỉ số lạm phát (CPI) năm 2018 dự báo 4,0% , các năm sau 2019-2020 cũng duy trì ở mức 4%.

Các chỉ số của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn theo WB

 

2015

2016

2017

Dự báo 2018

Dự báo 2019

Dự báo 2020

Tăng trưởng GDP(%)

6,7

6,2

6,8

6,8

6,6

6,5

Chỉ số lạm phát (CPI)%

0,6

2,7

3,5

4,0

4,0

4,0

Cân đối tài khoản vãng lai(% GDP)

0,1

2,9

2,2

2,2

2,1

1, 9

Nợ công (% GDP)

61,8

63,7

61,4

61,5

61,5

61,4

          (Nguồn báo cáo Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới. Thời báo Kinh tế Việt Nam số 297 ngày 12/12/2018 ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam cũng gặp những khó khăn hạn chế như: năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với mức bình quân khu vực và thế giới; tính theo sức mua PPP của năm 2011 năng suất lao động của Việt Nam trong mấy năm gần đây chỉ bằng 7,0% mức tăng năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indoxia và bằng 56,7% của Philippines. Điều này cho thấy đây là thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức tăng năng suất lao động của các nước ASEAN-4. Bên cạnh đó sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế mặc dù có bước chuyển song còn chậm chưa chắc chắn.

Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng như: trong khi thế giới đang tiến vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì Việt Nam vẫn chủ yếu ở giai đoạn 2 tức thực hiện dây chuyền gia công, lắp ráp.Nguyên nhân của chỉ số năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam chậm được cải thiện, còn thấp do nhiều nguyên nhân như: quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu (phần lớn doanh nghiệp nước ta với 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang sử dụng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, chỉ có khoảng 10% là công nghệ tiên tiến). Chất lượng cơ cấu hiệu quả sử dụng lao động còn thấp, tính đến hết năm 2017 chỉ có khoảng 21.5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, tỷ lệ này ở vùng nông thôn rất thấp khoảng 13%. Ngoài ra quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nội địa hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia. Năng lực cạnh tranh của ngành logistics còn thấp, nợ nần đè nặng lên ngân sách nhà nước, việc quản lý sử dụng tài nguyên nhất là đất đai còn lãng phí nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

2-Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019

Những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và có thể tác động tiếp trong năm tiếp theo đó là căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể tác động làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân mặc dù được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế song còn gặp nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh, nhất là tiếp cận với nguồn vốn, mặt bằng đất đai, thông tin, thị trường thế giới...

Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là chủ trương đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên trong điều kiện mới cần đổi mới tư duy trong việc thu hút FDI, không thu hút nguồn vốn này bằng mọi giá mà chú trọng chất lượng, đi vào chiều sâu, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này.

 Nhận thức được những thuận lợi và thách thức thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2018 và triển vọng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 theo tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Theo hướng này Chính phủ tích cực quyết liệt loại bỏ điều kiện kinh doanh, đây là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 được các thành viên Hội đồng quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững thống nhất trong phiên họp ngày 12/12/2018 vừa qua. Ngoài 3 đột phá chiến lược đã được xác định và đang thực hiện về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá chiến lược mới và coi đó là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới là thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và thúc đẩy, phát huy vai trò khu vực kinh tế tư nhân.

Để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề: thứ nhất, gia tăng nội lực bản thân trong khi hết sức tích cực tranh thủ nguồn lực thế giới dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế với những biểu hiện mới và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thứ hai, tiếp tục phấn đấu cho một thế giới tự do hóa thương mại là chủ yếu; thứ ba đất nước cần thích nghi với thay đổi này theo hướng tranh thủ, tận dụng thời cơ đem lại đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức nảy sinh.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP Việt Nam trong năm 2019  là 6,7%  tăng 0,1% so với mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là 6,6%, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh cải cách nhất là cải cách thể chế, nhất là đổi mới cơ chế chính sách, cải thiện nhanh môi trường kinh doanh và đầu tư, giải phóng mọi tiềm năng của nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trước mắt là việc chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết cho việc triển khai Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể xã hội./.

 

PTS.TS KH Trần Nguyễn Tuyên

           Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tài liệu tham khảo:

-Thời báo Kinh tế Việt Nam số 289 ngày 3/12/2018, số 292 ngày 6/12/2018.

-Báo thế giới và Việt Nam ngày 12/12/2018.

-Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh tế Việt Nam năm 2018.

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết