Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Các vấn đề toàn cầu và tác động đến Việt Nam

Ngày phát hành: 29/04/2019 Lượt xem 15389


1. Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp là một trong những nguồn động lực chính của lịch sử thế giới. Các cuộc cách mạng công nghiệp là những cao trào đổi mới công nghệ sâu rộng, làm gia tăng vượt bậc năng suất lao động – đầu tiên là ở một vài ngành sản xuất mũi nhọn, sau đó lan rộng làm biến đổi toàn diện nền tảng kinh tế, làm chuyển biến sâu sắc cơ cấu chính trị-xã hội, thay đổi tương quan sức mạnh giữa các quốc gia, đảo lộn trật tự thế giới. Cho đến khi các công nghệ mới trở nên phổ cập đến mức bão hòa, yếu tố “cách mạng” của chúng mới kết thúc.

Thế giới hiện đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – sự hội tụ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, hệ thống cảm biến và phân tích dữ liệu lớn, mạng viễn thông 5G, Internet kết nối vạn vật, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng mới, và sắp tới là điện toán lượng tử. Các tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp mới này đã nảy sinh từ trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ ba (thập niên 1960 – đầu thập niên 2000), nhưng chính cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu “trăm năm mới có một lần” 2008-2009 đã gây hiệu ứng “phá hủy mang tính sáng tạo” – vừa đẩy nhanh quá trình “chọn lọc tự nhiên” những công nghệ thực sự có tiềm năng lớn, vừa giải phóng nguồn vốn khổng lồ khỏi các lĩnh vực không còn lợi thế cạnh tranh, tạo “cú huých” đầu tư lớn cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cách mạng công nghiệp 4.0 buộc người ta phải xem xét lại hàng loạt các khái niệm, cũng như nhiều dự báo về tương lai. Ví dụ như khái niệm tiền tệ khi có sự xuất hiện của tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain, sự xuất hiện của “kinh tế chia sẻ” như một hình thái kinh tế trung dung giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội[1], sự nổi lên của đô thị thông minh, chính quyền điện tử, … Kỳ vọng về “nền kinh tế tri thức” chắc chắn sẽ phải thay đổi nếu trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ “học máy” đạt tới khả năng như bộ não con người. Xu thế các nền kinh tế phát triển giải công nghiệp hóa để bước vào “kỷ nguyên hậu công nghiệp” dựa vào các ngành dịch vụ đang bị thách thức bởi xu thế tái công nghiệp hóa mới khi các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, … đang đầu tư rất lớn vào sản xuất công nghiệp dựa trên nền tảng robot, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy in công nghiệp 3D, năng lượng tái tạo, ... Nhưng trên hết, giống như cái mà nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Angus Deaton gọi là “cuộc đào thoát vĩ đại”, cách mạng công nghiệp luôn dẫn đến một giai đoạn phân kỳ, gia tăng khoảng cách phát triển rất lớn giữa những ai bắt kịp và những ai tụt lại sau[2].

 

Dẫn đầu cách mạng công nghiệp là nhân tố quyết định để chiến thắng trong cạnh tranh kinh tế và giành ưu thế quân sự. Sự sợ hãi bị tụt hậu về sức mạnh quân sự đã thúc đẩy hai siêu cường Mỹ và Liên Xô chạy đua quyết liệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tương tự như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang thúc đẩy cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn số một là Mỹ và nước lớn số hai là Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh này đã thực sự trở nên gay gắt với việc Trung Quốc dùng mọi cách để tiếp cận và thâu tóm các công nghệ cao của Mỹ và các nước phương Tây, năm 2015 công bố chiến lược “Trung Quốc chế tạo 2025” nhằm chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong 10 lĩnh vực công nghệ mới, trong khi đó các nước phương Tây đang xiết chặt luật đầu tư nhằm ngăn chặn rò rỉ công nghệ cao cho Trung Quốc, còn Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh thương mại hòng làm chậm bước tiến nhanh chóng của Trung Quốc về công nghệ.

Nếu lấy thời điểm khởi đầu cho cách mạng công nghiệp 4.0 là năm 2011, thì giai đoạn đến năm 2030 là thời gian quyết định để có thể bắt kịp. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, tụt hậu xa hơn nữa về trình độ phát triển, cũng như giảm sút khả năng quốc phòng, Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hoá – hiện đại hoá theo hướng hội nhập toàn diện về khoa học công nghệ, nâng cao vượt bậc năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia trên nền tảng giáo dục-đào tạo tiên tiến, đầu tư thích đáng vào R&D, thu hút và trọng dụng nhân tài, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp.

2. Toàn cầu hóa

Các cuộc thám hiểm hàng hải quy mô lớn vào thế kỷ XV được cho là khởi đầu cho toàn cầu hóa – điều đã trở thành một xu thế tất yếu trong tiến trình lịch sử nhân loại. Cách mạng công nghiệp – làm giảm chi phí giao dịch trong giao thông vận tải, thông tin liên lạc, tài chính tiền tệ, là động lực đầu tiên của toàn cầu hóa. Động lực thứ hai là chủ nghĩa tư bản – xóa bỏ các rào cản quốc gia đối với các dòng chảy thương mại, đầu tư, tài chính, thông tin và công nghệ. Đúng như C.Mác đã dự báo, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu … làm cho sản xuất và tiêu thụ trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không phải là quá trình chỉ theo một chiều tăng dần, mà như Thomas Friedman đã khái quát, diễn ra theo các làn sóng. Cho đến nay có tới ba làn sóng toàn cầu hóa với ba cao trào, xen kẽ là các giai đoạn thoái trào khi các động lực của nó giảm sút. Từ góc độ kinh tế, mỗi làn sóng toàn cầu hóa về bản chất đóng vai trò như cơ chế vận hành của một trật tự kinh tế thế giới hay chính xác hơn là của phần thế giới hội nhập vào làn sóng đó. Toàn cầu hóa 1.0 (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX) tương ứng với trật tự thế giới đa cực do các đế quốc thuộc địa Châu Âu chi phối. Toàn cầu hóa 2.0 (từ đầu thế kỷ XIX đến Chiến tranh thế giới thứ I) tương ứng với trật tự đơn cực do đế quốc Anh thống trị. Toàn cầu hóa 3.0 (từ thập niên 1970 đến nay) tương ứng với trật tự thế giới do Mỹ chi phối. Giai đoạn thoái trào giữa toàn cầu hóa 2.0 và 3.0 là thời kỳ bất ổn và xung đột ghê gớm của thế giới với hai cuộc đại chiến thế giới, xen giữa là cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới, và một cuộc chiến tranh Lạnh. Trong khuôn khổ tham luận này chỉ đề cập đến làn sóng toàn cầu hóa 3.0 hiện nay.

 

 

Toàn cầu hóa hiện nay được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đã tăng tốc liên tục trong bốn thập niên cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009. Về đại thể có thể hình dung cấu trúc của trật tự kinh tế này như sau. Khu vực trung tâm bao gồm Mỹ và các nền kinh tế tư bản phát triển phát triển (tạm gọi là nhóm OECD), có chức năng cấp vốn, tiền tệ và công nghệ, điều hướng các dòng chảy thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, đồng thời đảm bảo an ninh và việc thực thi các quy tắc vận hành. Khu vực ngoại vi bao gồm các nền kinh tế đang phát triển tham gia hội nhập vào trật tự này, chấp nhận các “luật chơi”, đóng vai trò “công xưởng sản xuất” trên cơ sở tiếp nhận các dòng đầu tư và công nghệ từ các nước phát triển. Bên ngoài trật tự này là các nền kinh tế bị loại trừ, từ chối hội nhập vào trật tự này. Trong thời gian dài cho đến trước thập niên 2000, mặc dù tỷ trọng GDP của Mỹ, tiếp đến là của các nước thuộc nhóm G7 giảm dần, nhưng GDP của khu vực trung tâm vẫn duy trì tỷ trọng khoảng 75% GDP thế giới do sự bổ sung của các nước phát triển mới vào nhóm OECD. Tỷ trọng lớn này cho phép khu vực trung tâm duy trì sức hút, đóng vai trò quyết định hậu thuẫn cho các định chế quản trị toàn cầu như WB, IMF, GATT/WTO, các “câu lạc bộ chủ nợ” Paris và London, … xử lý tương đối hiệu quả mọi rối loạn, khủng hoảng xảy ra, duy trì sự vận hành của toàn hệ thống. Trật tự này mở rộng và tăng tốc mạnh mẽ sau Chiến tranh Lạnh với sự gia nhập của các nền kinh tế chuyển đổi, đặc biệt là sự tăng trưởng thần tốc của kinh tế Trung Quốc.

Toàn cầu hóa 3.0 là nhân tố quyết định để nền kinh tế thế giới có được giai đoạn tăng trưởng nhanh kéo dài chưa từng có trong lịch sử, giúp cho gần một tỷ người thoát nghèo, hàng chục quốc gia hoàn thành công nghiệp hóa, các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ trỗi dậy nhanh chóng. Tuy nhiên, sự mở rộng và tăng tốc của toàn cầu hóa 3.0 sau Chiến tranh Lạnh cũng dẫn tới ba thay đổi nền tảng khiến quá trình này trở nên mất kiểm soát và cuối cùng là suy yếu. Một là cán cân thanh toán toàn cầu mất cân đối nghiêm trọng. Hai là sự dịch chuyển các ngành công nghiệp và công nghệ từ trung tâm ra ngoại vi diễn ra quá nhanh dẫn đến xu hướng giải công nghiệp hóa, việc làm thu hẹp và bất bình đẳng gia tăng tại khu vực trung tâm. Ba là cán cân quyền lực thế giới chuyển dịch ra xa khu vực trung tâm với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự phục hồi của Nga, sự lớn mạnh của Ấn Độ – các quốc gia hội nhập về kinh tế, nhưng tự chủ hoàn toàn về chính trị-an ninh, điều khiến nhiều người nhìn nhận như là sự hình thành trật tự đa cực. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu “trăm năm mới có một lần” 2008-2009 là hậu quả tất yếu của tình trạng mất cân bằng cán cân thanh toán toàn cầu, đánh dấu bước ngoặt căn bản của trật tự toàn cầu hóa hiện nay từ giai đoạn cao trào tăng tốc và mở rộng bước vào giai đoạn thoái trào giảm tốc và thu hẹp. Mười năm sau cuộc khủng hoảng, mặc dù kinh tế thế giới đã phục hồi mức tăng trưởng gần bằng trước đây, kinh tế Mỹ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, song toàn bộ khu vực trung tâm đã suy giảm mạnh sự gắn kết và quy mô chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP toàn cầu; các dòng tiền tệ, tài chính toàn cầu bị kiểm soát khá chặt, các dòng thương mại hàng hóa và đầu tư toàn cầu đã chậm hẳn lại. Cả hai động lực chính của toàn cầu hóa là cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và chủ nghĩa tư bản tân tự do đều đã qua giai đoạn cao trào. Sức hút của khu vực “trung tâm” đối với khu vực “ngoại vi” đã giảm sút.

Khi gánh nặng chi phí vận hành trật tự toàn cầu hóa vượt quá lợi ích thu được, với tư cách là trụ cột của toàn cầu hóa 3.0, Mỹ không còn có thể sử dụng sức mạnh một cách dàn trải, thiếu hiệu quả như giai đoạn vừa qua, do đó buộc họ phải điều chỉnh căn bản chiến lược toàn cầu: (1) Đơn phương rút khỏi hàng loạt cam kết quốc tế quan trọng, rút khỏi nhiều điểm nóng, giảm can dự vào nhiều vấn đề quốc tế, lùi về để giành nguồn lực củng cố sức mạnh quốc gia; (2) Trở lại chu kỳ tăng giá đồng đôla nhằm hút vốn trên toàn cầu sau một thập niên liên tục bơm tiền tệ để phục hồi tăng trưởng, tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nhằm giành lợi thế dẫn dắt sự phát triển của thế giới; (3) Chuyển trọng tâm chiến lược từ tái cân bằng sang tăng cường cạnh tranh chiến lược nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Về bản chất, Mỹ đang chủ động làm chậm lại quá trình toàn cầu hóa thông qua việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ, dùng sức ép chính trị để xét lại nhiều hiệp định thương mại tự do. Việc Mỹ co lại để tập trung vào “nước Mỹ trên hết” càng làm suy yếu quá trình này. Toàn bộ các định chế quốc tế như WB, IMF, WTO, … đều đang chịu thách thức suy giảm vai trò quản trị toàn cầu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, chính sách chống nhập cư, coi trọng các quyền chủ quyền trên cam kết quốc tế, … đều đi ngược lại toàn cầu hóa. Với tỷ trọng kinh tế đã chiếm tới 16% GDP thế giới,  gần 25% thương mại toàn cầu, Trung Quốc đang tranh thủ “thời kỳ cơ hội chiến lược” này để thúc đẩy các sáng kiến riêng khổng lồ như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), “Vành đai, con đường” (BRI), ... nhằm định hình lại trật tự toàn cầu hóa hướng tâm vào Trung Quốc, do Trung Quốc dẫn dắt và phụ thuộc vào vốn của Trung Quốc, chứ không tích cực tự do hóa kinh tế, mở cửa hơn nữa thị trường nội địa để thúc đẩy toàn cầu hóa 3.0. Không còn nghi ngờ gì nữa, toàn cầu hóa 3.0 đang suy yếu, và không loại trừ nguy cơ có thể rơi vào thoái trào.

Sự suy yếu của toàn cầu hóa gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho các nền kinh tế ở cả hai khu vực trung tâm và ngoại vi. Các dòng thương mại tăng trưởng chậm lại hạn chế hiệu quả của chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Các dòng đầu tư có thể bị hút mạnh về khu vực trung tâm. Dư địa phát triển của nhiều nước ngoài khu vực trung tâm bị thu hẹp. Trong bối cảnh các định chế toàn cầu suy yếu, nguy cơ một cuộc khủng hoảng nợ công đang lớn dần, đe dọa cả khu vực “trung tâm” và “ngoại vi” bao gồm cả Trung Quốc. Quá trình hội nhập tại một số khu vực có thể được tăng cường để bù đắp phần nào cho sự suy giảm của hội nhập toàn cầu, nhưng điều này lại làm gia tăng sự phân mảng của kinh tế thế giới.

Cũng giống như sự thoái trào của toàn cầu hóa 2.0 bắt đầu từ trước Thế chiến thứ nhất do mâu thuẫn đối kháng bùng phát giữa các cường quốc chủ chốt, toàn cầu hóa 3.0 cũng có thể rơi vào thoái trào nếu cạnh tranh giữa hai siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc chuyển thành thành mâu thuẫn đối kháng. 

 

 

3. Trật tự chính trị và an ninh thế giới

Sự trỗi dậy của Trung Quốc dựa vào toàn cầu hóa đã diễn ra trong suốt bốn thập niên qua, nhất là trong 10 năm gần đây. Điều này đã làm đảo lộn căn bản sự phân bổ quyền lực thế giới sau chiến tranh Lạnh. Thứ nhất, khoảng cách về sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang thu hẹp nhanh chóng: GDP của Trung Quốc năm 2018 đã ở mức 65% GDP của Mỹ và nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trong thập kỷ tới; chi tiêu quốc phòng danh nghĩa giữa Trung Quốc và Mỹ từ chỗ chỉ bằng 1/10 vào năm 2000 đã rút xuống chỉ còn bằng 1/4 vào năm 2018. Thứ hai, về sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc đã vượt xa so với bất cứ nước thứ ba nào khác. Thứ ba, về quân sự, không một nước nào có thể đe dọa hay thách thức Trung Quốc, lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc không quá lớn, nhưng đang phát triển nhanh, đủ sức răn đe bất cứ thế lực nào kể cả Mỹ.

Có thể nói, toàn cầu hóa vừa tạo điều kiện quyết định cho Trung Quốc trỗi dậy, vừa gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, trở thành chất keo dính quan trọng duy nhất cho quan hệ Mỹ-Trung. Nó giữ cho quan hệ Mỹ-Trung duy trì quỹ đạo hợp tác, thông qua đó góp phần quyết định vào ổn định của trật tự chính trị và an ninh thế giới trong gần bốn thập niên qua. Bước ngoặt diễn ra khi sự suy yếu về kinh tế và chính trị của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu được Trung Quốc xem như “thời kỳ cơ hội chiến lược”, và tận dụng sự co lại của hai trung tâm quyền lực này Mỹ và EU để nhảy vào lấp chỗ trống. Từ một quốc gia “giữ nguyên trạng” luôn “giấu mình chờ thời” Trung Quốc đã thay đổi chiến lược một cách căn bản: (1) Về đối nội: tập trung quyền lực, thực hiện chủ trương “nhà nước lớn, thị trường nhỏ” xiết chặt kiểm soát của nhà nước, hạn chế tự do hóa thị trường, bảo hộ thị trường trong nước, tăng cường hỗ trợ cho các tập đoàn nội địa nắm quyền chủ đạo các ngành công nghiệp 4.0; (2) Về đối ngoại: tăng cường vượt bậc sức mạnh quân sự, vươn mạnh ra toàn cầu, sử dụng sức mạnh cứng để mở rộng ảnh hưởng quốc tế, chủ động xét lại trật tự khu vực, từng bước đẩy Mỹ khỏi châu Á-Thái Bình Dương, ráo riết giành giật các công nghệ mới. Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành thách thức chiến lược lớn nhất đối với Mỹ, mạnh hơn nhiều về kinh tế so với đối thủ trước đây của Mỹ là Liên Xô, cũng như mạnh hơn nhiều so với Nhật Bản về quân sự. Điều này như “giọt nước tràn ly” làm chuyển biến quan điểm trong chính giới Mỹ, tạo sự đồng thuận phải thay đổi chiến lược từ can dự, hợp tác sang cạnh tranh và ngăn chặn đối với Trung Quốc.

Thế giới đứng trước tình huống hết sức đặc biệt khi cả siêu cường số 1 và số 2 đều muốn xét lại trật tự thế giới hiện hành và chuyển trạng thái quan hệ từ thiên về hợp tác là chính sang thiên về cạnh tranh chiến lược. Một thỏa thuận thương mại bao gồm một số nhượng bộ của Trung Quốc có thể đóng vai trò tương tự như một hiệp định kiểm soát hạt nhân Xô-Mỹ trước đây có thể tạm thời làm dịu tình hình, nhưng không thể hóa giải mâu thuẫn chiến lược giữa hai siêu cường – Trung Quốc không thể quay lại “giấu mình chờ thời”, cũng như Mỹ không thể chấp nhận rút lui khỏi vai trò siêu cường số 1. Tuy nhiên, do Trung Quốc có mức độ hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc lẫn nhau với Mỹ chưa từng có trong lịch sử nên kiểu quan hệ “thù địch hợp tác” (cooperative rivalry) giữa hai nước như cách gọi của Joseph Nye[3], sẽ rất khó kéo dài. Cùng với sự giảm tốc hơn nữa của toàn cầu hóa, xung đột về lợi ích và ý thức hệ giữa hai bên sẽ vượt quá lợi ích từ việc hợp tác đem lại nên nhiều khả năng quan hệ Mỹ-Trung sẽ trượt dần từ cạnh tranh sang đối đầu.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tìm mọi cách để giảm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, từng bước “tách khỏi nhau”, đồng thời đều tích cực tìm cách tập hợp lực lượng cho mình – điều đồng nghĩa với việc trật tự thế giới rơi vào vòng xoáy lưỡng cực. Các quốc gia sẽ ngày càng khó để có thể duy trì quan hệ cân bằng giữa hai siêu cường đối đầu. Hội nhập với một bên về kinh tế, còn với bên kia về chính trị-an ninh lại càng khó khăn hơn. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nguy cơ chịu sức ép lớn do trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa hai siêu cường. Trong bối cảnh đó, ASEAN có thể bị chia rẽ, giảm sút vai trò trung tâm hội nhập khu vực.

Đối với Việt Nam, môi trường quốc tế ổn định cho an ninh và phát triển đất nước đang đứng trước nhiều thách thức. Các trụ cột đối ngoại của Việt Nam là hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa, cân bằng giữa các nước lớn và tích cực phát huy vai trò của ASEAN đều đang gặp vấn đề. Không gian và dư địa cho sự phát triển bị thu hẹp. Ngay cả khi dự báo trên có rất ít khả năng xảy ra, thì cũng cần có sự quan tâm theo dõi sát tình hình, thường xuyên cập nhật các phân tích và đánh giá để có sự ứng phó kịp thời trong mọi hoàn cảnh, không để bị động, bất ngờ./.

 

TS. Đặng Xuân Thanh[4]

 



[1] A. Sundararajan, (2018), Nền kinh tế chia sẻ: sự kết thúc của việc làm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông, Nhà xuất bản Trẻ, Tr. 80.

[2] Angus Deaton, Cuộc đào thoát vĩ đại. Tr. 156.

[3] Joseph S. Nye, (2018), The Cooperative Rivalry of US – China Relations//Project-Syndicate, Nov. 6, 2018.

[4] Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hộiViệt Nam

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết