Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Chăm lo chế độ phúc lợi xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất- Góc nhìn từ Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng

Ngày phát hành: 06/01/2020 Lượt xem 2918

 

1. Tình hình chung về việc chăm lo phúc lợi cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trong 9 tháng năm 2019, cả nước có 327 khu công nghiệp (KCN), 17 Khu kinh tế (KKT) được thành lập, trong đó có 256 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với gần 3,7 triệu lao động (lao động nữ chiếm khoảng 60%).Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt gần 75%. Theo khảo sát của Bộ Xây dựng tại 98 KCN với hơn 800.000 lao động (chiếm 1/2 số công nhân tại các KCN trên toàn quốc), cho thấy chỉ có 6 KCN có nhà văn hóa, 6 khu có nhà tập luyện thể thao. Đáng nói là, chỉ 3 KCN có cơ sở y tế, trong đó riêng khu kinh tế Xuân Lộc (Đồng Nai) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá khoảng 200 tỷ đồng, khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) được Nhà nước đầu tư một bệnh viện trị giá 70 tỷ đồng. Tương tự, cơ sở mẫu giáo chỉ có 4 trường, tiểu học 3 trường, trung học cơ sở 4 trường, đạt tỷ lệ 3-4% trên tổng số các KCN được khảo sát. Thiết thực nhất với người lao động tại các KCN là cơ sở đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân thì cũng chỉ có 2/98 KCN được xây dựng, với tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng, trong đó riêng cơ sở đào tạo tại khu kinh tế Dung Quất trị giá 75 tỷ đồng.

Về thiết chế văn hóa, thiết chế Công đoàn như nhà ở công nhân, cơ sở y tế, công trình văn hóa, thể thao, trường học cho con em người lao động … dường như là những thứ "xa xỉ" đối với công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp,khu kinh tế trong cả nước. Theo báo cáo nhanh từ 21 Công đoàn các KCN,KKT các tỉnh phía Bắc thì hiện có 03/21 KCN có công trình xã hội : Vĩnh Phúc có 01 nhà trẻ (chủ đầu tư là Sở Giáo dục, nguồn vốn của UBND tỉnh); 1 nhà văn hoá công nhân, 3 sân cầu lông, 1 sân bóng đá với diện tích 1.700m2, mức đầu tư khoảng 16 tỷ, trong đó nguồn của Tổng Liên đoàn khoảng 6 tỷ đồng, đi vào hoạt động. KCN Hà Nam có 01 khu thiết chế Công đoàn đang xây dựng 1,5 năm, hiện chưa bàn giao. KCN Hà Nội có 03 KCN xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Còn lại có một vài KCN có doanh nghiệp tự xây dựng ký túc xá cho cho CNLĐ của đơn vị (Sam Sung Thái nguyên, LG Display Hải Phòng, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Formosa Hà Tĩnh..).

Thực trạng về nhà ở công nhân hiện nay, tại các KCN mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng, số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, nên ăn ở chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, gây ra các tệ nạn xã hội, nguy cơ một bộ phận công nhân lao động bị tha hóa là khó tránh khỏi. Việc xây nhà ở cho NLĐ tại các KCN, KCX thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng, một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng NLĐ không muốn vào ở, vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc. Số lượng công nhân tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN chưa tính tới nhu cầu về chỗ ở cho họ và các chính sách hiện có chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho NLĐ, nhất là vấn đề vốn và đất đai.

Về nguồn đầu tư xây dựng : Chỉ có số ít KCN được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước có công trình hạ tầng xã hội, trong khi việc xây dựng các công trình này bằng các nguồn vốn đầu tư khác hầu như không được thực hiện. Điều này thể hiện qua rất ít KCN có cơ sở hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư từ ngân sách để cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần được ban hành; ngân sách địa phương hạn chế. Trong khi, cơ chế khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này chưa thực sự hấp dẫn. hay nói đúng hơn là ít doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực không sinh lợi nhuận này. Quá trình phát triển KCN, khu kinh tế, khâu quy hoạch sử dụng đất thường "bỏ quên" cơ sở phúc lợi xã hội, không đưa công trình văn hóa, phúc lợi xã hội thành những công trình bắt buộc phải có khi được giao đất đầu tư KCN. Điều đáng lưu ý nữa là, ngay cả cơ sở văn hóa, trường học phục vụ con em người lao động tại các KCN đã được đầu tư đang hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất có chất lượng thấp, môi trường học tập, giảng dạy đơn sơ; vị trí cơ sở không phù hợp quy hoạch, quy mô chưa thích hợp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.

 

 

 

2. Vai trò Công đoàn trong việc chăm lo phúc lợi cho CNLĐ – Góc nhìn từ Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng

Trong những năm qua thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp Hải Phòng phát triển nhanh chóng, bình quân mỗi năm có 45-50 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, thu hút và giải quyết việc làm cho từ 15.000-20.000 lao động trên địa bàn thành phố và vùng lân cận. Đến thời điểm hiện nay thành phố Hải Phòng có 11 KCN đi vào hoạt động với tổng số lao động trên 131.500 người. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên ngoài các chế độ theo quy định của nhà nước (quy định mức lương tối thiểu và tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động), đời sống của người lao động chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Tùy vào từng cách thức quản lý của doanh nghiệp mà người lao động được hưởng các chế độ phúc lợi nhất định. Trong khi đó doanh nghiệp thường có xu hướng tìm nhiều cách để lách luật, giảm các chi phí trong đó có các khoản hỗ trợ phúc lợi cho người lao động để tăng lợi nhuận.

Một khó khăn nữa là mặc dù điều kiện sống những năm gần đây được cải thiện nhưng đời sống của đa số công nhân lao động trong các KCN Hải Phòng chưa đủ sống, vẫn còn nhiều trường hợp không có nhà, phải ở nhờ bố mẹ, người thân, thuê trọ, dẫn đến việc công nhân chưa yên tâm công tác, hay nhảy việc. Trong khi đó các công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… xung quanh khu công nghiệp, chuyên phục vụ công nhân lao động khu công nghiệp chưa được đầu tư thoả đáng. Theo kết quả khảo sát về nhà ở năm 2017 của Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng, hiện nay số lượng công nhân nhập cư trong khu kinh tế chiếm khoảng 18,4%, công nhân lao động phải thuê nhà ở 11,1 %. Các phòng có diện tích nhỏ từ 8- 15m2 cho từ 2- 4 người thuê với chất lượng ở thấp, giá thuê bình quân từ 500-700.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước. Trong tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh như những năm vừa qua thì thu nhập của người lao động chỉ thỏa mãn được 70% nhu cầu sống cơ bản của họ, chủ yếu về lương thực, tiền thuê nhà, đi lại, may mặc, sinh hoạt cá nhân... Một vấn đề khó khăn khác hiện nay đa phần công nhân khu công nghiệp là lao động trẻ, trong độ tuổi lập gia đình và sinh con, khi sinh con thì gửi trẻ hay cho con đi học rất khó khăn. Nhiều công nhân đã lựa chọn giải pháp tạm thời như nhờ ông, bà, bố mẹ từ quê xuống trông giữ hoặc gửi con ở các điểm trông giữ trẻ tư. Khi con lớn hơn, đến tuổi đi học thì gửi về quê. Do đó công nhân, đặc biệt công nhân rất mong có thành phố Hải Phòng sớm xây nhà ở, nhà trẻ ở gần các khu công nghiệp, có quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình hoặc quỹ hỗ trợ xây, mua nhà cho người lao động với lãi suất thấp để yên tâm làm việc.

Những vấn đề đó đã đặt ra cho Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng làm thế nào để đảm bảo việc làm, thu nhập, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, việc đầu tiên Công đoàn Khu kinh tế tập trung vào công tác giám sát, đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động phải được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm tổ chức giám sát và tham gia đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật lao động, công đoàn tại 40-45 doanh nghiệp. Chỉ đạo các công đoàn cơ sở tự giám sát, kịp thời báo cáo về Công đoàn khu. Kết quả, 100% doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng, 87,4% doanh nghiệp áp dụng mức lương cơ bản cao hơn so với quy định từ 7-12%, mức lương cơ bản bình quân hiện nay đạt 4.700.000đ/ tháng, tăng 227.400 so với quy định. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,1 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lao động được nâng lương đạt 98,7%, 99,3% lao động ký kết hợp đồng lao động; 92,4% lao động tham gia các bảo hiểm xã hội bắt buộc (còn lại là lao động thử việc), nhiều đơn vị bố trí nghỉ thêm 1-2 thứ 7/tháng, 100% lao động được khám sức khỏe định kỳ. Việc thanh toán lương, thưởng, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… đầy đủ, kịp thời.

Thứ hai, để nâng cao các chế độ phúc lợi trên cơ sở nguyện vọng nhu cầu chính đáng của người lao động. Công đoàn Khu kinh tế tập trung chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia xây dựng quy chế dân chủ tại cơ sở. Có 99,3% doanh nghiệp tổ chức đối thoại, 74,2% doanh nghiệp tổ chức hội nghị Người lao động. Bình quân hàng năm có 4.833 ý kiến, kiến nghị được giải đáp trực tiếp tại các cuộc đối thoại, hội nghị người lao động, nội dung tập trung vào chủ yếu vào tiền lương, các loại phụ cấp như tiền ăn ca, thâm niên, tiền thưởng, điều kiện làm việc... Hàng năm hướng dẫn, hỗ trợ trên 40 CĐCS thương lượng, ký kết thỏa ước lao động. Trực tiếp thương lượng, ký kết thỏa ước Nhóm doanh nghiệp với 20 doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua đối thoại, thương lượng đã mang lại nhiều chế độ phúc lợi cho cho người lao động như: Thưởng Tết, ăn ca, đi lại, chuyên cần, thâm niên, quà lễ Tết, thăm hỏi, độc hại, du lịch…

Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình phúc lợi của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đoàn viên và người lao động như Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Nghị quyết số 7c về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; các chương trình : Vì lợi ích đoàn viên, Tết sum vầy, Mái ấm công đoàn... Công đoàn Khu kinh tế đã triển khai và thực hiện có hiệu quả như sau:

- Đối với chương trình Tết sum vầy: Hàng năm tổ chức các chương trình Tết với các chủ đề năm như Tết sum vầy, Vui Tết cùng công nhân lao động, Tổ ấm ngày Xuân, Xuân trao yêu thương, Xuân gắn kết- Tết sẻ chia, Carnaval “Mùa xuân của người lao động” với nhiều nội dung như tặng quà, bán hàng giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, giao lưu với ca sỹ... thu hút hơn 6 nghìn người tham dự mỗi năm, đảm bảo mục tiêu “Không để người lao động nào không có Tết”. Điển hình là Phiên chợ Tết công nhân năm 2019 tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với 38 gian hàng phục vụ Tết với giá bán ưu đãi được giảm từ 10-70% theo từng mặt hàng sản phẩm. Phiên chợ diễn ra trong 02 ngày, thu hút gần 7 nghìn người tham dự. Trong mỗi dịp Tết, bình quân công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được nhận quà Tết là 12.788 người,7.655 lao động được trợ cấp khó khăn, hỗ trợ 5.428 vé xe, tổ chức 221 chuyến xe cho 9.945 lao động về quê đón Tết cùng gia đình; 100% lao động được thưởng Tết, mức thưởng bình quân là 1.4 tháng lương. 100% công đoàn cơ sở tổ chức tiếp xúc, tặng quà cho đoàn viên. Kinh phí tổ chức các hoạt động chăm lo Tết mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và ngân sách công đoàn.

- Đối với chương trình Vì lợi ích đoàn viên công đoàn: Vào dịp Tháng công nhân và chào mừng các ngày lễ, sự kiện lớn hàng năm thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động, Công đoàn khu phối hợp với công ty Yamaha Motor tổ chức 03 chương trình” Ngày Hội công nhân Hải Phòng ”, thay dầu, bảo trì xe máy miễn phí cho 12.076 lao động, phối hợp với Đoàn Thanh niên Tổng Liên đoàn tổ chức ”Giao lưu Công nhân trẻ”, bán hàng giảm giá từ 30-50%; phối hợp cùng Công ty cổ phần Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú, công ty cổ phần Citideal, tập đoàn Meed, Vico... triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên như hỗ trợ mua tiêu dùng với lãi suất 0%, hỗ trợ qua tài khoản 1.000.000đ/người... kết quả có trên 17.500 lao động được hỗ trợ.

 

 

- Đối với chương trình Mái ấm công đoàn: Ngoài trợ cấp cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm có từ 15-20 CNLĐ được hỗ trợ kinh phí xây nhà từ quỹ Mái ấm công đoàn LĐLĐ thành phố với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.

- Thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH, ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca của người lao động tổ chức rà soát, thống kê có 112 đơn vị tổ chức bữa ăn ca, mức ăn bình quân là 23.400 đồng/người, hàng năm kiểm tra giám sát bữa ăn ca tại 16 đơn vị. Có 87 công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp thành lập Tổ kiểm tra, giám sát bữa ăn ca, tiến hành giám sát hàng ngày, kiểm tra đột xuất vào các ngày làm việc và theo ca trong tuần, từ khâu thực phẩm đầu vào đến khâu chia đồ ăn. Tham mưu, đề xuất Ban quản lý xây dựng Chương trình phối hợp giám sát bữa ăn ca cho CNLĐ các KCN trên địa bàn thành phố với Sở Y tế Hải Phòng.

- Thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”: Hiện nay Công đoàn Khu kinh tế đang đề xuất xây dựng thiết chế công đoàn tại KCN Tràng Duệ và khu thể thao tại KCN Đình Vũ.

 

 

3. Một số hạn chế và kiến nghị

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động tại Hải Phòng vẫn còn một số hạn chế như: Việc triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn còn chậm, lúng túng; mặc dù việc chăm lo của tổ chức công đoàn rất hiệu quả nhưng thu nhập của công nhân lao động vẫn chưa đủ sống. Nguyên nhân là do Thành phố chưa thực sự quyết liệt, phối hợp ưu tiên giải quyết việc xây dựng các thiết chế công đoàn, thiết chế văn hóa; doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để lách luật, giảm các chi phí trong đó có các khoản hỗ trợ phúc lợi cho người lao động để tăng lợi nhuận.

Để khắc phục tình trạng trên đề nghị các cấp lãnh đạo cần quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề sau:

+ Cần có chủ trương, giải pháp cụ thể trong việc tạo quỹ đất sạch gần những KCN, KKT có đông công nhân lao động để xây dựng các thiết chế công đoàn, khu thể thao.

+ Hỗ trợ kinh phí đối ứng cho Tổng Liên đoàn trong việc xây dựng một số thiết chế công đoàn có quy mô lớn tại một số tỉnh,thành phố lớn có đông công nhân lao động.

+ Tiếp tục đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn.

+ Đề nghị lấy Tháng 7 là tháng Công đoàn Việt Nam vì đây là tháng có ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 để các cấp ủy Đảng quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để công đoàn các cấp tổ chức thêm được nhiều hoạt động chăm lo phúc lợi cho công nhân lao động.

+ Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở, tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo các nội dung thương lượng phúc lợi xã hội cho người lao động.

+ Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn trong dịp Tết, Chương trình “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, Quỹ tấm lòng Vàng, Quỹ Mái ấm Công đoàn....

+ Ngoài thiết chế công đoàn có quy mô lớn tại KCN Tràng Duệ, Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm đầu tư một số khu thể thao đa năng tại một số khu vực có đông công nhân lao động nhưng quỹ đất không đảm bảo để xây dựng thiết chế công đoàn tại KCN Đình Vũ, KCN Nomura Hải Phòng…

+ Đề nghị đưa việc hỗ trợ kinh phí chăm lo Tết, trợ cấp cho CNLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào quy chế hỗ trợ của thành phố hàng năm.

 

Phạm Thị Hằng

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng

 


 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết