Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về tự học và học tập suốt đời

Ngày phát hành: 06/06/2021 Lượt xem 14294

 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về tự học và học tập suốt đời

Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào[2]. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (năm 1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học[3]. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên sự cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ đề tham gia vào quá trình tự học. Cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về ý chí học tập, vươn lên không mệt mỏi.

Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Vasiliep: hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời[4], Người có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết sâu rộng và đáng khâm phục. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương, để đạt được tầm hiểu biết ấy là do Người không ngừng học tập và tự học. Người đã nêu tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam về tư tưởng “học tập suốt đời”. Bằng việc tự học, học ở nhà trường, học sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân...

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong khoảng thời gian 30 năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, nguy hiểm, bị bắt bớ, tù đầy, bị kết án tử hình... Hoàn cảnh đặc biệt đó đòi hỏi Người phải vừa làm để kiếm sống, vừa không ngừng tự học để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tự học ở Hồ Chí Minh là kiên trì, sáng tạo, chẳng hạn như cách Người học viết báo. Tự học ở Người là sự kết hợp thực tế cuộc sống và cách mạng, lấy lao động làm cơ sở cho tự học. Không chỉ học ngoại ngữ, Người còn chủ động học nhiều kiến thức khác với nhiều hình thức mà không phải ai cũng làm được.

Nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 09/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm sự “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp. Công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau[5]. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, ngày 01/9/1961, Người cho biết: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađio lần đầu[6]....

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đọc sách báo không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Sách báo là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi mà chúng ta chưa lý giải được, như đối với Người: tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Và cũng chính nhờ sách báo mà Người đã tìm ra con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Ngày 16 và 17/7/1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân đạo (L’Humanité), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của V.I.Lênin Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Văn kiện lịch sử ấy của V.I. Lênin là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới ách thực dân.

Đọc sách báo là một việc hết sức cần thiết, nhưng phương pháp đọc như thế nào cho hiệu quả vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói người đọc luôn phải có suy nghĩ kỹ càng, không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách. Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn[7]. Với những sách báo quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu Người thường đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi.

Mỗi ngày, Người đọc rất nhiều loại báo, Người thường đọc báo trước giờ và cuối giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều còn buổi tối Người thường đọc sách. Vì vậy, ở phòng ngủ bao giờ cũng có chiếc bàn nhỏ để Ngưởi đọc sách vào ban đêm. Bất cứ khi nào có thời gian là Người đều tranh thủ đọc sách báo. Khi đọc bao giờ Người cũng thường dùng bút chì đỏ hoặc bút mực đỏ để đánh dấu lên những dòng, đoạn mà Người thấy cần dùng hoặc Người thường cắt dán cả bài để khi cần nghiên cứu sử dụng, tuyên truyền, phổ biến cho mọi người học tập và làm theo như gương “người tốt, việc tốt”, cách làm hay, hiệu quả trong học tập, lao động sản xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách báo không chỉ cho riêng bản thân mình, mà còn luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách báo. Thấy thông tin đó cần thiết cho những địa phương nào, ngành nào, Người thường cho cán bộ văn phòng chuyển những cuốn sách người đã đọc cùng với những nhận xét, đánh giá của Người, để nghiên cứu thực hiện.

Người kêu gọi mọi người, cả cán bộ và nhân dân đều phải “học tập suốt đời”. Người nói “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt[8]. Đến dự khai mạc lớp nghiên cứu chính trị ở Trường Đại học Nhân dân, ngày 21/7/1956, Người nói: Chúng ta phải học và hoạt động suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Trong những tháng năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước gian khổ, Người vẫn luôn nhắc nhở mọi người không được sao lãng việc học.

Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò quan trọng đối với việc hình thành nhân cách con người; trở thành điều kiện tiên quyết cho việc hình thành và phát triển bản chất con người; là vũ khí sắc bén để cải tạo, xây dựng con người phát triển toàn diện. Xuất phát từ quan điểm, “cán bộ là cái gốc của mọi việc[9], “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém[10]; “Không có thầy giáo thì không có giáo dục[11], Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò không thể thay thế của nhà giáo và cán bộ quản lý, bởi họ là người quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và đổi mới nền giáo dục cách mạng. Xác định vai trò quan trọng của nhà giáo và cán bộ quản lý, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, cao về chất lượng và gương mẫu về phẩm chất đạo đức. Người khẳng định: cán bộ, giáo viên phải là những người có đạo đức trong sáng, mẫu mực: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân[12]. Để rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh khuyên nhà giáo và cán bộ quản lý phải học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình[13].

Trong Thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc, tháng 3/1955, nói về giáo viên, Người nhấn mạnh “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sỹ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Đề làm trọn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi...[14].

Hồ Chí Minh xác định, các nhà giáo là những người lao động trí óc, làm công việc sáng tạo của tri thức. Do đó, phải là những tấm gương về lập trường quan điểm chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ tri thức thật cao, cho nên phải nêu gương tự học tập, tự đào tạo cho học sinh noi theo. Người thể hiện rất rõ tư tưởng giáo dục liên tục, giáo dục suốt đời và xây dựng xã hội học tập, với vai trò nòng cốt của các nhà giáo. Người cũng lưu ý các nhà giáo về đoàn kết - hợp tác giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với nhà quản lý giáo dục, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ học sinh, giữ mối quan hệ tốt với phụ huynh học sinh, với cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể nơi mình công tác. Ở đây, Người cũng nhắc nhở các nhà giáo chúng ta phải hết sức khiêm tốn, giản dị, trung thực, tự phê bình trước để luôn tiến bộ.

Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng[15] và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho[16].

Theo Hồ Chí Minh, trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm. Hồ Chí Minh luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm của đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Điều này đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ. Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt[17]. Đây là quan điểm mới trái ngược với phương pháp giáo dục nhồi sọ, áp đặt của chế độ thực dân, phong kiến.

Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể... và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt[18].

Đối với các trường sư phạm, nơi đào tạo những thầy giáo, cô giáo phải là những điển hình cho những gì tốt đẹp nhất của nhà trường, của ngành giáo dục và của xã hội. “Chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước[19]. Bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành giáo dục, năm học 1968-1969 đã thể hiện sâu sắc một lần nữa tư tưởng và triết lý giáo dục của Người. Bởi “không có thầy giáo thì không có giáo dục[20], không có giáo dục thì cũng không thể nói đến kinh tế và văn hóa.

Sau này, trên cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, khi tuổi cao, sức khỏe giảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng học tập, đọc thêm nhiều tài liệu sách báo trong nước và nước ngoài. Người luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng công tác. Cần tự học để nâng cao trình độ bản thân, coi đây là tiêu chuẩn, giá trị đạo đức của mỗi người và là nhu cầu, thói quen hàng ngày của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên cập nhật thông tin mới, hiểu biết mới cũng là một biểu hiện suy thoái đạo đức.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Điều này đòi hỏi chất lượng giáo dục phải được nâng lên, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục phải có sự điều chỉnh, nhằm thực hiện chức năng đào tạo những con người mới vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới.

Những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được Trung ương Đảng nêu ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...[21].

 

2. Vận dụng tấm gương tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là rất quan trọng. Đây là nguồn nhân lực nòng cốt có nhiệm vụ tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu trong bối cảnh mới, khi thế giới luôn vận động và ngày càng đổi mới, tri thức nhân loại ngày càng phong phú, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng cố gắng tự học và học tập suốt đời, vận dụng chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của bản thân. Cụ thể:

Mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng; tác phong chính quy mẫu mực của người thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng động cơ đúng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; có lương tâm nghề nghiệp, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Không ngừng nâng cao chất lượng việc học tập Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Rèn luyện theo phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là phong cách nêu gương, gần dân, trọng dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cùng đó, xây dựng hình ảnh người đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục có tác phong chuẩn mực trong công việc và trong cuộc sống; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, “nói đi đôi với làm”.

Nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác học tập, phải “lấy tự học làm cốt” để không ngừng tự học, tự tu dưỡng đạo đức; trau dồi kiến thức; tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ năng lực sư phạm, quản lý đáp ứng chuẩn, vị trí việc làm phù hợp với yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành và cho đất nước.

Nhận thức, hoạt động tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố hàng đầu đảm bảo xây dựng thành công đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ luôn luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng của mỗi người, khi tất cả các thành viên trong một tập thể đều tốt, chắc chắn tập thể đó tốt. Muốn vậy, bản thân nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu, phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cá nhân để mở rộng hiểu biết của mình về cả kiến thức chuyên ngành, liên ngành, đặc biệt là những tri thức mới về giáo dục hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong đội ngũ nhà giáo, kết hợp với ứng dụng các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin nhằm giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Đẩy mạnh công tác phối hợp, đề cao trách nhiệm giữa ngành giáo dục với các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương. Ngành giáo dục với các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm nòng cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Việc tự học của Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tùy ý mà là một hoạt động khoa học, một nghệ thuật, một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học.

Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc ta. Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với những biến đổi của xã hội.

Do vậy, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng học tập suốt đời, tự học tập, tự bồi dưỡng kết hợp với chủ động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cập nhật các vấn đề mới về giáo dục gắn với nhiệm vụ của mình; đồng thời mạnh dạn, năng động tham gia nghiên cứu khoa học; luôn tìm tòi, sáng tạo để nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, có ý chí vượt khó, đặc biệt phải có tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của mỗi người. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo nhằm tạo ra những học sinh phát triển hài hóa về thể chất, thẩm mỹ, trí tuệ và phẩm chất.

Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

 

TS. Lê Thị Mai Hoa

Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,

Ban Tuyên giáo Trung ương

 



[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.4., tr.7

[2] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.5., tr.312.

[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.6., tr.360.

[4] Xem Ủy ban Khoa học xã hội: Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1990.

[5] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.13., tr.273,187.

[6] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.13., tr.273,187.

[7] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.11., tr.98.

[8] Trích thư gửi đồng bào xã Duyên Trung, Tiên Hưng, Thái Bình, ngày 13/11/1947.

[9] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.5., tr.309.

[10] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.5., tr.280.

[11] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.10., tr.345.

[12] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.14., tr.400.

[13] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.11., tr.611.

[14] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.9., tr.388.

[15] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.14., tr.403.

[16] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.15., tr.507.

[17] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.9., tr.266.

[18] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.15., tr.507

[19] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.14., tr.404.

[20] Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđđ, t.10., tr.345.

[21]Các đột phá chiến lược, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, trang 338.  

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết