Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Công tác xã hội với thanh niên khuyết tật

Ngày phát hành: 06/12/2020 Lượt xem 3048

 

Luật Người khuyết tật Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền của Người Khuyết tật (CUQNKT) đã biểu thị một sự thay đổi trong chính sách và thực hành từ phúc lợi sang quyền để tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật. Tuy nhiên, công tác xã hội còn chậm trong việc đáp ứng các cơ hội mà Luật đưa ra và vẫn khiến người khuyết tật và gia đình họ là một thành phần bị bỏ quên trong giáo dục và thực hành công tác xã hội. Nhằm góp phần vào cam kết của chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật và gia đình họ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Năng lực Người Khuyết tật (DRD) đã phát triển Chương trình Học bổng Người bạn Đồng hành, một mô hình thí điểm toàn diện về thực hành công tác xã hội giúp nhiều thanh niên khuyết tật đang học tập tại TP.HCM thực hiện ước mơ tốt nghiệp đại học và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

 

Chính sách hỗ trợ người khuyết tật hiện nay

Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật(1) nhằm thực thi Công ước về Quyền của Người Khuyết tật(2). Luật có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 đề cập đến hầu hết các khía cạnh đời sống của người khuyết tật tại Việt Nam. Luật đảm bảo quyền của người khuyết tật được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, nhà ở và các tòa nhà chính phủ, giao thông công cộng, công nghệ thông tin truyền thông (ICT), các hoạt động văn hóa và giải trí. Luật này lần đầu tiên cấm phân biệt đối xử đối với người khuyết tật trong việc nhập học theo diện khuyết tật. Luật cũng đặt ra vấn đề ưu tiên cho giáo dục hòa nhập, và yêu cầu các trường giáo dục và đào tạo nghề cung cấp chỗ ở cho học sinh. Luật đảm bảo cho người khiếm thính, người có khó khăn về nói, khiếm thị và các khiếm khuyết khác có cơ hội tham gia các lớp học bằng cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi Braille được tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia hoặc bằng cách sử dụng các công cụ giáo dục, tài liệu được phát triển cho người khuyết tật. Luật Người khuyết tật cũng nghiêm cấm kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, vạch ra các biện pháp bảo trợ xã hội và yêu cầu cải tạo và nâng cấp tất cả các tòa nhà được xây dựng trước khi Luật ban hành.

CUQNKT và Luật Người Khuyết tật đặt người khuyết tật vào chương trình nghị sự tổng thể nhấn mạnh nhu cầu hòa nhập xã hội của họ nhiều hơn và thừa nhận họ là công dân có đầy đủ giá trị và được tôn trọng. Cách mà CUQNKT giải quyết vấn đề loại trừ người khuyết tật khỏi xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hành công tác xã hội(3).

 

 

Thực hành công tác xã hội

Công tác xã hội cam kết thực hiện công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng trong xã hội(4). Chất lượng cuộc sống là “có một cuộc sống phong phú và ý nghĩa đối với mỗi cá nhân”(5); do đó, chất lượng cuộc sống của người khuyết tật chỉ được đảm bảo bằng việc hoà nhập xã hội, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc công bằng xã hội, tôn trọng nhân phẩm và quyền con người. Những giá trị này hoàn toàn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người Khuyết tật và Luật Người Khuyết tật Việt Nam. Do đó, công tác xã hội cần xem xét việc tăng cường thực hành nghề nghiệp dựa trên quyền bằng cách tham chiếu cụ thể hơn đến CUQNKT và các khái niệm về trách nhiệm xã hội và cơ hội bình đẳng khi áp dụng cho người khuyết tật.

Với suy nghĩ đó, nhân viên xã hội hoạt động theo cách tiếp cận con người trong môi trường xã hội phải ứng dụng xử lý ca, đánh giá, tư vấn, làm việc với gia đình, vận động chính sách, nghiên cứu, công tác liên quan đến chính sách và cộng đồng để cung cấp các biện pháp can thiệp có thể giải quyết được vấn đề ở cả cấp độ cá nhân và xã hội. Điều đó có nghĩa là các nhân viên xã hội phải luôn tập trung vào việc cải thiện phúc lợi con người đồng thời với việc giải quyết bất kỳ vấn đề bên ngoài nào ảnh hưởng đến phúc lợi hoặc tạo ra bất bình đẳng, bất công và phân biệt đối xử. Nói cách khác, những người làm công tác xã hội với người khuyết tật cần có hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân của sự khuyết tật cùng với hoàn cảnh của người khuyết tật và gia đình họ.

 

Hiểu sự khác nhau giữa khiếm khuyết và khuyết tật

Trong cam kết nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật, nhân viên xã hội cần có hiểu biết tổng thể về người đó, phân biệt được khiếm khuyết và khuyết tật.

CUQNKT nhấn mạnh rằng “khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa người khuyết tật với môi trường sống nhiều rào cản và thái độ thiếu thân thiện của người xung quanh, vì vậy mà họ không thể tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”. Định nghĩa khuyết tật là kết quả của sự tương tác có nghĩa là “khuyết tật” không phải là một thuộc tính của con người. Mặc dù khiếm khuyết đề cập đến sự khác biệt về chức năng có thể gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày của người khuyết tật, nhưng chính sự tương tác rộng hơn và phức tạp hơn giữa một cá nhân có khiếm khuyết với các cấu trúc và quy trình của xã hội đã gây ra khuyết tật.

Tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật chỉ có thể đạt được khi hiểu và giải quyết được những rào cản mà người khuyết tật phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày của họ.

 

Hiểu những rào cản mà người khuyết tật đối mặt

Giáo dục và Việc làm

Mặc dù có khả năng học tập, nhưng nhiều người khuyết tật không thể đến trường vì nghèo hoặc các rào cản liên quan thái độ hoặc môi trường vật lý nói chung, ngay cả trong ngôi trường mà họ muốn theo học (6). Tình trạng khuyết tật trong thời thơ ấu được cho là có mối liên hệ đáng kể với vấn đề người khuyết tật có trình độ học vấn thấp (7). Chỉ có 24,22% tổng số trẻ em khuyết tật được đến trường(8). Kết quả điều tra của Bộ LĐTBXH(9) cho thấy so với người không khuyết tật, người khuyết tật ở Việt Nam có tỷ lệ biết chữ thấp hơn nhiều và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn so với người không khuyết tật. Giới tính cũng là một vấn đề với 55,5% trẻ em gái khuyết tật, so với 39,0% trẻ em trai, chưa từng đi học. 34,4% người khuyết tật trên sáu tuổi không biết chữ. Chỉ có 9,3% hoàn thành chương trình trung học. 1,7% học nghề 2 năm. Dưới 0,1% có trình độ cao đẳng hoặc đại học. 88,9% những người trên 16 tuổi không có trình độ chuyên môn. Kết quả là 70% người khuyết tật trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ 11% trong số họ có thu nhập ổn định.

Thái độ và hành vi của cộng đồng

Do nhu cầu và sự cần thiết của việc tham gia xã hội của người khuyết tật chưa được hiểu đúng và tôn trọng, thái độ của cộng đồng có thể được xem là rào cản quan trọng đối với việc hòa nhập của người khuyết tật (10). Thái độ có thể khác nhau về mức độ, hoặc là ‘chăm sóc và bảo vệ’, hoặc là bỏ mặc (theo quan sát của tác giả). Nhiều người khuyết tật bị xem như là gánh nặng của gia đình và xã hội (11), đặc biệt là những người khuyết tật nặng không có khả năng tự chăm sóc bản thân (12). Hầu hết những người tham gia hội thảo do DRD tổ chức trong vòng 15 năm qua liên tục nhấn mạnh rằng người khuyết tật ở Việt Nam đã bị bỏ quên. Ngay cả khi sẵn sàng bao gồm nhiều người khuyết tật nhiều hơn vào giáo dục, việc làm hoặc xã hội, vẫn có một khoảng trống trong kiến thức của những người thực hiện. Kết quả của một nghiên cứu năm 2009 (11) chỉ ra rằng chính thời gian dài bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử và được kỳ vọng thấp đã tước đi cơ hội phát triển tối đa của người khuyết tật. Đó là lý do tại sao mặc dù các chính sách mới về người khuyết tật đã được thông qua và kêu gọi sự tham gia đầy đủ của họ, nhiều người khuyết tật vẫn đóng vai trò là người thụ động tiếp nhận các chương trình từ thiện do những người giúp đỡ có tấm lòng nhân thực hiện - những người ít hiểu biết về mong muốn và nhu cầu của người khuyết tật (13).

Nghèo đói

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (7) cho thấy tỷ lệ nghèo đói cao hơn nhiều đối với các hộ gia đình có con hoặc người lớn bị khuyết tật. Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam cũng báo cáo rằng phần lớn các gia đình có thành viên khuyết tật đang có cuộc sống khó khăn (9). Ví dụ, 32,5% hộ gia đình có một thành viên khuyết tật sống dưới mức nghèo với tổng thu nhập dưới 1 USD/ngày, và con số này tăng lên 63% đối với các hộ gia đình có ba thành viên khuyết tật; 82,2% chỉ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở cho người khuyết tật; 65% đang sống trong điều kiện tạm bợ; trên 80% hộ gặp khó khăn trong việc khám bệnh cho người khuyết tật; 51,2% hộ gia đình gặp khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày; và chỉ có 4,62% số hộ được hỗ trợ về phục hồi chức năng và dụng cụ hỗ trợ. Nhiều gia đình trẻ khuyết tật không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để nuôi dạy trẻ khuyết tật (14).

Hiểu được nguyên nhân của khuyết tật và những rào cản mà người khuyết tật phải đối mặt hàng ngày, DRD đã xây dựng Chương trình Học bổng Người bạn Đồng hành để liên kết các nguồn lực giúp cho thanh niên khuyết tật có thể hoàn thành đại học/cao đẳng và chuẩn bị cho quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn trưởng thành và đi làm.

 

Mô hình công tác xã hội với thanh niên khuyết tật của DRD

DRD tin rằng, (1) tất cả mọi người không phân biệt sự khác biệt đều có quyền được tham gia vào xã hội và có được thành quả bình đẳng như các công dân khác, và (2) khi được trao cơ hội bình đẳng, ngay cả nhóm thiệt thòi nhất như người khuyết tật cũng có thể phát triển và đóng góp hết mình cho cộng đồng, thay vì cảm thấy bị lạc lõng trong xã hội.

Chương trình Học bổng Người bạn Đồng hành (NBĐH) được phát triển bằng việc áp (1) dụng mô hình dựa trên quyền của người khuyết tật của CUQNKT và (2) cách tiếp cận con người trong môi trường xã hội của ngành công tác xã hội vào các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cũng như quan niệm tích cực về bản thân cho thanh niên khuyết tật, và (3) cách tiếp cận dựa vào nội lực cộng đồng trong việc huy động các nguồn lực tài chính, vật chất và nhân lực để hỗ trợ các nhu cầu của thanh niên khuyết tật. Sinh viên khuyết tật sau khi qua được vòng phỏng vấn cá nhân được yêu cầu tham gia vào một số hoạt động nhóm và sau đó được chọn dựa trên các tiêu chí lựa chọn của chương trình. NBĐH nâng cao chất lượng cuộc sống của những thanh niên khuyết tật này thông qua các hoạt động giúp họ:

  • Nâng cao kiến thức và kỹ năng
  • Đạt được hạnh phúc về thể chất, tình cảm và vật chất
  • Phát triển các quan niệm tích cực về bản thân
  • Đề cao ý nghĩa cá nhân
  • Cảm thấy thuộc về, thay vì bị cô lập và cô đơn
  • Nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình
  • Thực hiện các hành động để cải thiện các điều kiện xã hội và môi trường

Các hoạt động bao gồm:

  1. Học bổng hàng tháng. Mỗi sinh viên được nhận 1 triệu đồng hàng tháng để trang trải chi phí hàng ngày.
  2. Hội thảo và các phần đào tạo. Những hoạt động này giúp nâng cao kiến thức về quyền và trách nhiệm, kỹ năng xã hội cũng như kỹ năng việc làm giúp họ chuyển tiếp sang giai đoạn đi làm sau khi tốt nghiệp suôn sẻ.
  3. Phát triển câu lạc bộ sinh viên khuyết tật. Các hoạt động của câu lạc bộ bao gồm tư vấn/tham vấn đồng cảnh khi họ gặp khó khăn trong học tập hoặc trong cuộc sống khi bước vào một môi trường mới như đại học hoặc cuộc sống nơi thành phố; và các cơ hội để tăng cường kỹ năng làm việc nhóm thông qua các dự án cộng đồng của nhóm.
  4. Các thiết bị hỗ trợ như xe lăn, nạng, chân tay giả, máy tính xách tay đã qua sử dụng... cho những người có nhu cầu. Học sinh khuyết tật nặng có thể nhận được hỗ trợ đặc biệt như người chăm sóc hoặc xe lăn điện, tùy thuộc vào việc huy động các nguồn lực của DRD.
  5. Cơ hội thực tập cho sinh viên năm cuối. DRD đã xây dựng một mạng lưới tốt với các doanh nghiệp và phương tiện truyền thông có thể giúp chúng tôi tìm cơ hội thực tập cho sinh viên khi cần thiết.
  6. Cơ hội việc làm thông qua dịch vụ giới thiệu việc làm của DRD.
  7. Người đồng hành có thể giúp họ khi họ gặp khó khăn trong học tập hoặc định hướng nghề nghiệp. Những người đồng hành được tuyển dụng từ các trường đại học và doanh nghiệp và từ các tình nguyện viên giàu kinh nghiệm.

 

đồ 1: Hoạt động tăng cường chất lượng sống của sinh viên khuyết tật

 

Chương trình toàn diện đã thay đổi những thanh niên khuyết tật luôn cảm thấy bất lực thành những công dân tự tin và năng động.

 

Các kết quả đối với sinh viên khuyết tật

Đầu tiên, bằng cách cùng những người khuyết tật khác tham gia vào một môi trường thân thiện (cảm giác thuộc về/ belonging), các bạn trẻ có cơ hội lắng nghe câu chuyện cuộc đời của người khác cũng như chia sẻ những thách thức của bản thân (tham vấn đồng cảnh) và nhận ra mình không phải là người duy nhất trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà còn có nhiều người khác có hoàn cảnh giống mình (về sức khỏe thể chất và tình cảm). Họ nhận ra rằng sự phân biệt đối xử là nguồn gốc của sự bất lực của họ (kiến thức được nâng cao). Nhận thức này dẫn đến sự gắn kết của họ với những người khuyết tật khác, khác với sự cô lập và né tránh trước đây. Thanh niên khuyết tật bắt đầu chấp nhận bản thân, thay đổi từ người thụ động nhận hỗ trợ thành người tham gia tích cực, từ người cố gắng tránh mặt người khác thành những người bắt đầu cuộc trò chuyện và cảm thấy thoải mái giữa mọi người ngay cả nơi công cộng (quan niệm tích cực về bản thân).

Thứ hai, các buổi sinh hoạt nhóm và hội thảo nâng cao nhận thức do DRD tổ chức đã nâng cao kiến thức của thanh niên về quyền của họ và giúp họ nhận ra gốc rễ của những rào cản mà họ phải đối mặt, nâng cao nhận thức của họ về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật (kiến thức về quyền và trách nhiệm). Nhận thức như vậy mang lại sức mạnh cho những người trẻ tuổi, hiểu rằng sự bất lực của họ không phải do sự khiếm khuyết của họ mà là sự tương tác giữa nó và những rào cản ngoài xã hội, và họ bất lực vì cái nghèo, sự thiếu thông tin, thái độ tiêu cực của người chung quanh và các rào cản của môi trường đã hạn chế cơ hội và sự lựa chọn của họ.

Thứ ba, các hội thảo và tập huấn của DRD cũng trang bị cho thanh niên những kỹ năng thiết yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kiểm soát cảm xúc và cả kỹ năng tổ chức sự kiện. Kiến thức và kỹ năng thu được giúp xây dựng lòng tự tin và củng cố niệm tin của họ vào năng lực của bản thân, củng cố mong muốn của họ về các cơ hội bình đẳng và do đó, họ đã thực hiện các hoạt động thúc đẩy việc xây dựng một môi trường dễ tiếp cận hơn cho người khuyết tật bằng cách tham gia chiến dịch “Một thế giới cho tất cả” của DRD, hoặc tự mình vận động để có không gian học tập và giao thông công cộng dễ tiếp cận hơn. Những hành động như vậy là cơ hội để thanh niên thực hành các kỹ năng mới học được và nâng cao kỹ năng lãnh đạo đã được áp dụng vào công việc sau này của họ, như họ đã chia sẻ.

Nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp với số điểm cao. Bây giờ họ có công việc tốt, tham gia các hoạt động xã hội và phụng dưỡng cha mẹ. Những câu chuyện thành công này có tác động sâu sắc đến cách suy nghĩ và hành động của người khác.

 

Tác động xã hội

Con đường đại học của thanh niên khuyết tật và việc họ hiện diện trên các phương tiện truyền thông hoặc trước công chúng đã giúp họ được xã hội công nhận nhiều hơn, điều này có thể góp phần thay đổi nhận thức của người khác về khả năng và giá trị của người khuyết tật. Những câu chuyện thành công như vậy của các bạn trẻ khuyết tật cũng đã tạo động lực cho các bạn trẻ không khuyết tật, đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện từ các trường đại học, cố gắng hơn nữa để hoàn thành mục tiêu cuộc đời. Tương tự như vậy, những người trẻ khuyết tật khác đang cảm thấy tuyệt vọng hoặc đầu hàng khi gặp những trở ngại trên con đường đến đại học/cao đẳng có thể được truyền cảm hứng từ những hình mẫu này và có thể quyết định quay lại trường học và thay đổi cuộc đời của họ. Ngoài ra, nhiều sinh viên khuyết tật tham gia chiến dịch tiếp cận của chúng tôi đã chia sẻ rằng các trường đại học và cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của của việc tạo môi trường học tập tiếp cận cho sinh viên khuyết tật. Một số thực sự đã sửa đổi cơ sở của họ để làm cho khuôn viên trường học dễ tiếp cận hơn.

 

Kết luận

Nhân viên xã hội có nhiều thứ để đóng góp vào nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật và gia đình họ. Với việc vận dụng mô hình xã hội của CUQNKT và sự phân tích đầy đủ nhất về con người trong môi trường xã hội, nhân viên xã hội có thể có những đóng góp quan trọng và giá trị qua việc cung cấp các dịch vụ phù hợp với các nhu cầu phức tạp của người khuyết tật, gia đình họ và cộng đồng, trong cả dịch vụ giành riêng cho người khuyết tật và các dịch vụ chung. Do đó, Chương trình Học bổng Người Bạn Đồng hành của DRD có thể được sử dụng như một mô hình (có thể được điều chỉnh) cho các cơ sở khác và dự án khác.

TS. Võ Thị Hoàng Yến

 Người sáng lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu
và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD)

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Vietnam. (2010). Law on Persons with Disabilities.Retrieved from http://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_protect/---protrav/---ilo_aids/documents/legaldocument/wcms_174606.pdf
  2. UN Convention on the Rights of People with Disabilities (2007). Retrieved from https://www.un.org/disabilities/documents/convention/convoptprot-e.pdf
  3. Hyung Shik Kim (2010). UN Disability Rights Convention and Implications for Social Work Practice. Australian Social Work, 63 (1). Retrieved from https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/03124070903471058
  4. Social Work. Retrieved from
  5. https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Social_work
  6. Ivan Brown & Roy I. Brown (2003). Introducing Quality of Life (17-34). In Quality of Life and Disability: Jessica Khingsley Publishers. London and New York.
  7. Tran, K. (2014). Exploring the experience of children with disabilities at school settings in Vietnam context. SpringerPlus, 3(1), 1-11. doi:10.1186/2193-1801-3-103
  8. Mont, D., & Cuong, N. V. (2011). Disability and Poverty in Vietnam. The World Bank Economic Review, 25(2), 323-359. doi:10.1093/wber/lhr019
  9. MOET. (2010). Report on Inclusive Education by MOET 2010
  10. NCCD. (2010). Annual Report on the Status of People with Disabilities in Vietnam 2010. Hanoi: Vietnam National Coordinating Council on Disability.
  11. Le, Hoang, Kim, & Nguyen. (2013). Economic cost of living with disability and stigma in Vietnam. Hanoi, Vietnam: W. s. P. House.

    Le, Khuat, & Nguyen. (2009). People With Disabilities in Vietnam-Findings from a social survey at Thai Binh, Quang Nam, Da Nang, and Dong Nai. The Institute for Social Development Studies (ISDS).

  12. Le, Khuat, & Nguyen. (2009). People With Disabilities in Vietnam-Findings from a social survey at Thai Binh, Quang Nam, Da Nang, and Dong Nai. The Institute for Social Development Studies (ISDS).
  13. Le, Khuat, & Nguyen. (2009). People With Disabilities in Vietnam-Findings from a social survey at Thai Binh, Quang Nam, Da Nang, and Dong Nai. The Institute for Social Development Studies (ISDS).

    Palmer, M., Groce, N., Mont, D., Nguyen, O. H., & Mitra, S. (2015). The economic lives of people with disabilities in Vietnam. PloS one, 10(7), e0133623.

    Palmer, M. G., & Nguyen, T. M. T. (2012). Mainstreaming health insurance for people with disabilities. Journal of Asian Economics, 23(5), 600-613.

    Palmer, M. G., Thuy, N. T. M., Quyen, Q. T. N., Duy, D. S., Van Huynh, H., & Berry, H. L. (2012). Disability measures as an indicator of poverty: A case study from Viet Nam. Journal of International Development, 24, S53-S68. doi:10.1002/jid.1715

  14. DRD observation;

    Yoder, J. (2002). Training and Employment of People with Disabilities: Vietnam 2002. International Labour Organization. Retrieved from http://digitalcommons.ilr.cornell.edu/gladnetcollect/464.

  15. Rosenthal, E. (2009). The Rights of Chidren with Disabilities in Vietnam: Bringing Vietnam’s Laws into compliance with the UN Convention on the Rights of Persons with Disabilities. UNICEF.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết