Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Để Việt Nam đi nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia

Ngày phát hành: 03/12/2021 Lượt xem 1542

 

Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) diễn ra trực tuyến tại Hà Nội từ ngày 1 đến 4/12/2021, với chủ đề “Tăng tốc chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số”. Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tăng tốc, để Việt Nam có thể đi nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi số quốc gia.


 Chuyển đổi số tạo ra những thay đổi lớn trong mọi lĩnh vực
Khái niệm chuyển đổi số (Digital Transformation) xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018, đến nay đã trở thành một từ khóa phổ biến, một vấn đề nóng từ trong các chương trình nghị sự cấp cao đến những câu chuyện thường ngày của người dân.
Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là: nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…; khả năng thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt...
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về chuyển đổi số. Theo đó, các chủ trương, thể chế, chính sách về chuyển đổi số là tương đối đầy đủ, các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành. Đáng chú ý, các ứng dụng công nghệ số được xây dựng nhanh chóng (góp phần cùng cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19); các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội, nhất là dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng, ngày càng được chú trọng, thứ hạng an toàn, an ninh mạng Việt Nam được cải thiện vượt bậc, năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2019; xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc). Đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng nhanh. Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Công an và ngân hàng là hai ngành có những ngành có bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Bộ Công an đã hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân. Đây là 2 dự án quan trọng, là dữ liệu gốc cho quá trình phát triển chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Qua số liệu thống kê của 10 ngân hàng thương mại lớn, mức đầu tư cho chuyển đổi số ước tính 15.000 tỷ đồng mỗi năm (chiếm từ 20-30% tổng chi phí đầu tư hoạt động). Nhiều ngân hàng, 90% giao dịch thực hiện trên nền tảng số.
Đối với ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế, trước đây, cơ bản dựa trên “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng”, đến nay đã dần chuyển qua "trông" vào dữ liệu đám mây, vào các thiết bị kết nối thông minh; từ dựa vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, chuyển sang tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa đánh giá, năm chuyển đổi số Quốc gia 2020 đã đánh dấu sự khởi động đầy tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội trong cuộc đua chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhìn nhận, năm 2021 là năm bắt đầu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, cũng là năm Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch COVID-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ - lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi số toàn diện quốc gia.

 

 Tăng tốc để đi nhanh hơn
Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với những mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trước đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Việc Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. Tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò của Cơ quan Thường trực, đã cùng với các bộ ngành xác định và đề xuất lên Ủy ban một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ phân công tới từng Thành viên Ủy ban. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia. Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số (Y tế, Tài chính-Ngân hàng, Logistics-Vận tải, Giáo dục, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp, Sản xuất nông nghiệp.
Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, tại phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (30/11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. “Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”. Chuyển đổi số tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ trung ương tới cấp cơ sở.
Phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp; và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả…
Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo đột phá. Theo đó, Bộ Công an tập trung xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quý IV/2022; xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện trong tháng 12/2021.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP và Nghị định thay thế nghị định số 43/2011/NĐ-CP; thúc đẩy phát triển hạ tầng số, bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong chuyển đổi số quốc gia. Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp đột phá để phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Nội vụ thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính và chuyển đổi số, Chính phủ số. Hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, để quản lý đồng bộ, thống nhất, minh bạch, kịp thời tạo nguồn dữ liệu cốt lõi cho phát triển Chính phủ số.
Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển đô thị thông minh theo Đề án 950 về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển chuyển đổi số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện tiêu chí, quy trình, quy chế về “giáo dục và đào tạo số”./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết