Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Dịch COVID-19: Để ngày về trọn nghĩa

Ngày phát hành: 20/03/2020 Lượt xem 1192

Người Việt Nam ở nước ngoài từ các vùng có dịch bệnh được tạo điều kiện để trở về nước, nhưng cùng với đó, điều này cũng gây nên nhiều áp lực cho các cơ quan chức năng, cho công tác chống dịch cũng như nguy cơ lây nhiễm.

 

Lực lượng y tế làm thủ tục khai báo y tế bắt buộc đối với hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). 

 

Những ngày này, trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, những người con xa xứ đang trở về. Khi đại dịch xảy ra, không có miền đất nào hứa hẹn an toàn tuyệt đối cả. Tuy nhiên, đại dịch đã làm cho nhiều người nhận ra ý nghĩa thực sự của hai tiếng "Tổ quốc" thiêng liêng, cũng như tinh thần nhân văn Việt Nam khi Chính phủ và các ngành, các cấp đang tập trung nguồn lực và điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho bà con trở về.

Dù chưa có tiềm lực kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng y tế hiện đại như nhiều nước khác, nhưng Việt Nam đã và đang làm tốt việc kiểm soát dịch COVID-19, tạo sự an tâm cho người dân cả trong nước và nước ngoài, được quốc tế đánh giá cao.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra vấn đề và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt. Nhiều nước trên thế giới đã phải chìm trong âu lo vì những con số hàng trăm nghìn ca nhiễm bệnh, hàng trăm người tử vong, thì Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, số người mắc ở mức hai con số, chưa ai bị tử vong.
Tại các quốc gia phát triển, lượng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tương đối nhiều, không ít gia đình Việt đã định cư nhiều năm. Các quốc gia đó có nền y học tiên tiến và hiện đại. Tại đây, đa số bà con đều tuân thủ nghiêm túc những khuyến cáo của nước sở tại. Thế nhưng, theo chia sẻ của nhiều người Việt Nam từ các vùng dịch quốc tế, họ vẫn tin tưởng rằng Việt Nam là nơi an toàn, vững tâm nhất để trở về.
Đang làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài, chị T.H.N (cùng chồng và 3 con nhỏ) cho biết đã sinh sống hơn 10 năm ở Slovakia, tình hình bên đó hiện không quá bị đảo lộn. Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin truyền thông và người thân ở Việt Nam, gia đình chị thấy công tác phòng, chống dịch ở trong nước rất được quan tâm, triển khai tốt và thấy an tâm hơn khi về nước.
Đáp chuyến bay muộn từ Praha (Cộng hòa Séc) về sân bay Nội Bài chiều 16/3, một nam thanh niên quê Hà Tĩnh đi xuất khẩu lao động tại Séc cho biết, anh may mắn khi kịp chuyến bay này vì trước mắt sẽ không còn các chuyến bay từ Praha về Việt Nam nữa. Một số người Việt Nam cùng chỗ làm việc với anh đã không mua được vé máy bay.
Cũng trở về từ Séc, N.T.L, sinh viên một trường đại học kinh tế ở Praha chia sẻ rằng: Ở Séc, trường vẫn mở cửa bình thường. Việc học và dạy vẫn diễn ra mà không có thay đổi gì. Tuy nhiên, bố mẹ không yên tâm khi con ở nước ngoài, do vậy cô đã gấp rút bắt chuyến bay về nhà.
Mặc dù sẽ phải vào khu cách ly 14 ngày, tuy nhiên N.T.L cho biết, cô không quá lo lắng vì đã tìm hiểu và được biết các cơ quan chức năng ở Việt Nam triển khai rất ổn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được chuẩn bị chu đáo. "Dù phải về cách ly 14 ngày, nhưng bố mẹ và em vẫn thấy yên tâm hơn khi về Việt Nam", N.T.L chia sẻ.

Nâng cao ý thức, không tạo áp lực cho trong nước

 

Hành khách chờ làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

 

Người Việt Nam ở nước ngoài từ các vùng có dịch bệnh được tạo điều kiện để trở về nước, đây là việc làm nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, cùng với đó, việc này cũng gây nên nhiều áp lực cho các cơ quan chức năng, cho công tác chống dịch cũng như nguy cơ lây nhiễm.
Chỉ riêng ở cửa khẩu Nội Bài, gần đây mỗi ngày có hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước trên các chuyến bay. Các cán bộ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với cường độ làm việc liên tục 24/24 giờ, chia làm 3 ca. Bình quân từ 1 - 3 phút, một kiểm soát viên giải quyết xong thủ tục cho một hành khách, áp lực rất lớn đối với cán bộ đơn vị trong những ngày dịch COVID-19 đang lan nhanh.
Một cán bộ Công an cửa khẩu hóm hỉnh chia sẻ rằng: Người xưa thường nói “không ai nắm tay từ tối đến sáng” nhưng đó lại là yêu cầu bắt buộc đối với chúng tôi. Với một lượng lớn hành khách gồm cả trong và ngoài nước, có thời điểm lên tới hàng nghìn người thì chỉ cần một chút chủ quan, lơ là của cán bộ Công an cửa khẩu là có thể xảy ra sai sót.
Áp lực công việc những ngày này là rất lớn, lực lượng Công an cửa khẩu không chỉ làm nhiệm vụ quản lý xuất nhập cảnh mà còn hỗ trợ các nhiệm vụ, lực lượng khác trong kiểm soát dịch. Tổ công tác của Công an cửa khẩu đang tiến hành điểm danh, điểm diện. Trong khi đó, ở một góc khác, một tổ công tác khác đang phỏng vấn các hành khách gồm người Việt Nam và người nước ngoài, hỗ trợ lực lượng kiểm dịch trong việc rà soát để tiến hành các thủ tục cách ly. 
Các thủ tục nhập cảnh trong giai đoạn này nhiều và phức tạp hơn so với thường lệ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, như có thêm các khâu: Khai báo y tế đối với 100% khách nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung với khách đến từ vùng dịch... Với số lượng hành khách tăng đột biến, lực lượng Công an, Hải quan, Y tế được tăng cường gấp 3 lần so với ngày thường để lấy mẫu xét nghiệm cho khách từ vùng dịch về, ngay tại sân bay. 
Theo lực lượng chức năng ở đây, đến thời điểm này, hầu hết hành khách đều ý thức được việc khai báo trung thực về hành trình, giúp cho các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn những người vì chưa hiểu rõ vẫn khai báo không trung thực. Bên cạnh phần lớn các hành khách đều hợp tác, cũng có một số cá nhân thiếu kiên nhẫn trong quá trình phân loại y tế đã có những hành xử không phù hợp, gây phản cảm, mất trật tự nơi công cộng. 

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video cho thấy hình ảnh người phụ nữ từ châu Âu về nước tránh dịch COVID-19 kích động đám đông hành khách khác ở sân bay Nội Bài đòi được đưa đi cách ly sớm hoặc về nhà tự cách ly gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, người cán bộ xuất nhập cảnh đã hết sức kiên nhẫn giải thích cho nhóm hành khách rằng việc cách ly tập trung hay cách ly ở nhà là do cơ quan y tế phân loại. Cơ quan chức năng yêu cầu hành khách đợi xe đến đưa đi cách ly; mong thông cảm vì xe đón cần được khử trùng nên hành khách phải chờ lâu. 
Nhiều ý kiến không khỏi bức xúc, khi nhóm hành khách từ nước ngoài về nước tránh dịch mà thái độ hơn cả đi... du lịch. Lẽ ra, họ cần chia sẻ, cảm thông với bà con trong nước, nghiêm chỉnh thực hiện, tuân thủ yêu cầu, quy định về cách ly và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 
Các lực lượng chức năng đã tăng cường nhân sự để có thể triển khai nhanh nhất các thủ tục, quy trình về phòng, chống dịch, song không tránh khỏi những thời điểm đông khách do khung giờ tập trung nhiều chuyến bay, với hàng nghìn hàng khách trở về.
Đất nước đã dang rộng vòng tay để đón người con xa xứ trở về trong cơn đại dịch. Do đó, hãy bằng tinh thần đoàn kết, mọi người cần nâng cao ý thức, nắm bắt và tuân thủ các quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và đồng hành với Chính phủ; tránh có thái độ không đúng mực, bức xúc hay bất hợp tác với các lực lượng chức năng trong bối cảnh cả nước đang "gồng" mình để chống giặc COVID-19.

 

 

Xuân Tùng (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết