Thứ Tư, ngày 17 tháng 04 năm 2024

Đổi mới dịch vụ công trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày phát hành: 20/02/2020 Lượt xem 3349

 

1.  Một số vấn đề về dịch vụ công và an sinh xã hội

Dịch vụ công

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về dịch vụ công. Cách hiểu chung nhất, dịch vụ công là bao gồm các hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội do nhà nước hoặc tư nhân được uỷ quyền đảm nhận (Từ điển Petit Larousse, Pháp,1995). Cũng có thể hiểu dịch vụ công là các hoạt động trợ giúp công cộng do Nhà nước hoặc các tổ chức chính thức cung cấp. Các hoạt động này không nhằm mục đích lợi nhuận, nhằm hỗ trợ các thành viên trong xã hội (Từ điển Oxford, 2000).

Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp ngành BHXH triển khai hiệu quả dịch vụ công

 

Ở Việt nam cũng có một số tác giả đưa ra khái niệm dịch vụ công. Theo Đinh Văn Ân và Hoàng Thu Hòa (2006), dịch vụ công là những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, do nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện. Theo Lê Chi Mai (2004), dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức, do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hoặc uỷ nhiệm cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện, nhằm đảm bảo trật tự và công bằng xã hội. Theo Nguyễn Thị Lan Hương, dịch vụ công có thể được hiểu là những dịch vụ do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hoặc do tư nhân được nhà nước uỷ quyền thực hiện cung cấp, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, phục vụ các nhu cầu thiết yếu, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân nhằm đảm bảo trật tự và công bằng xã hội.

Qua các cách nêu khái niệm về dịch vụ công nêu trên cho thấy dịch vụ công có tính chất chung là nhằm phục vụ cho nhu cầu và lợi ích chung thiết yếu của xã hội và cộng đồng dân cư, không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo các dịch vụ này cho xã hội. Ngay cả khi nhà nước chuyển giao một phần việc cung ứng dịch vụ công cho khu vực tư nhân thì nhà nước vẫn có vai trò điều tiết nhằm đảm bảo sự công bằng trong phân phối các dịch vụ này và khắc phục những bất cập của thị trường. Sự khác biệt giữa các dịch vụ công chỉ là ở các loại hình và cách thức thực hiện.

Tiếp cận từ việc chức năng quản lý, dịch vụ công là những hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm thực thi chức năng quản lý hành chính nhà nước và đảm bảo cung ứng các dịch vụ phục vụ nhu cầu chung, thiết yếu của xã hội. Cách hiểu này nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của nhà nước đối với việc cung cấp dịch vụ công.

Về lý thuyết, dịch vụ công là những dịch vụ có đặc tính không loại trừ (non-excludable) và không cạnh tranh (non-rival) trong tiêu dùng. Không loại trừ có nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền sử dụng, tiêu dùng dịch vụ này, không loại trừ bất cứ ai, bất kể họ có trả tiền cho dịch vụ đó hay không. Không cạnh tranh có nghĩa là việc sử dụng, tiêu dùng của người này không làm giảm đi hoặc ảnh hưởng đến việc sử dụng, tiêu dùng của những người khác. Những dịch vụ có cả hai đặc tính trên là dịch vụ công thuần khiết (pure public services), hay có thể gọi tắt là dịch vụ thuần công.

Bên cạnh các dịch vụ thuần công còn có những dịch vụ công không thuần khiết (impure or quasi-public services), hay gọi tắt là dịch vụ bán công. Đấy là các dịch vụ không phải ai cũng tự nhiên được sử dụng, tiêu dùng, và việc sử dụng, tiêu dùng của người này cũng có thể làm ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến việc sử dụng, tiêu dùng của người khác.

Dịch vụ công có thể được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Theo nghĩa rộng, dịch vụ công là những hàng hoá, dịch vụ mà Chính phủ can thiệp vào việc cung cấp nhằm mục tiêu hiệu quả và công bằng. Theo đó, dịch vụ công là tất cả những hoạt động nhằm thực hiện các chức năng vốn có Chính phủ, bao gồm từ các hoạt động bah hành chính sách, pháp lu ật, toà án…cho đến những hoạt động y tế, giáo dục, giao thông công công.

Theo nghĩa hẹp, dịch vụ công được hiểu là những hàng hoá, dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của các tổ chức và công dân mà Chính phủ can thiệp vào việc cung cấp nhằm mục tiêu hiệu quả và công bằng.

Ở Việt Nam, căn cứ theo tính chất và và tác dụng của dịch vụ được cung ứng, có thể phân chia dịch vụ công thành 3 nhóm cơ bản, gồm: i) Dịch vụ hành chính công; ii) Dịch vụ sự nghiệp công; iii) Dịch vụ công ích.

-Dịch vụ hành chính công: là dịch vụ do các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp quản lý cung cấp trong quá trình thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến những vấn đề trong lĩnh vực dược giao quản lý, không nhằm mục tiêu lợi nhuận.

- Dịch vụ sự nghiệp công là các hoạt động cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân gắn với các hoạt động QLNN về một lĩnh vực được giao quản lý ( ví dụ, dịch vụ đào tạo nghề nghiệp trong hệ thống GDNN).

- Dịch vụ công ích là các hoạt động cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và cộng đồng như: vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, cấp nước sạch, vận tải công cộng đô thị,  phòng chống thiên  tai,  cảnh quan môi trường…

An sinh xã hội

Như đã từng đề cập, ASXH được tiếp cận theo nghiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo tiếng Anh, ASXH thường được gọi là Social Security và khi dịch ra tiếng Việt, ngoài ASXH thì thuật ngữ này còn được dịch là bảo đảm xã hội, bảo trợ xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội… với những ý nghĩa không hoàn toàn tương đồng nhau (Bởi ngoài Social Security,  còn có từ Social Protection với những hàm nghĩa khác, nhưng khi dịch ra tiếng Việt cũng có nhiều từ trùng như bảo trợ xã hội, bảo vệ xã hội, an toàn xã hội…).

Theo nghĩa chung nhất, Social Security  là sự đảm bảo thực hiện các quyền của con người được sống trong hoà bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập, được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tai nạn, tuổigià…Theo nghĩa này thì tầm “ bao” của Social Security rất lớn và vì vậy khi dịch sang tiếng Việt có nhiều nghĩa như trên cũng là điều dễ hiểu.

Theo nghĩa hẹp, Social Security được hiểu là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những người bị thiên tai, dịch hoạ…

Với khái niệm này dù là theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đều cho thấy vai trò rất to lớn của ASXH đối với từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội, trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Để hiểu rõ hơn, hiện nay trong chính sách ASXH người ta phân ra ba loại (i) Những chính sách, chương trình phòng ngừa rủi ro; (ii) Những chính sách, chương trình giảm thiểu rủi ro và (iii) những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro. Còn khi bàn về các trụ cột của hệ thống ASXH (Hệ thống chứ không phải chính sách ASXH) thì người ta thường phân ra ba trụ cột cơ bản là: (i) BHXH (bao hàm cả BHYT); (ii) Trợ giúp xã hội (bao gồm cả cứu trợ xã hội) và (iii) Cơ chế tùy nghi/tùy biến (bao gồm các dịch vụ ASXH, trợ cấp từ quỹ công cộng; các chế độ bảo vệ của chủ SDLĐ…).

Ở Việt nam, trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020 đã đề ra những định hướng quan trọng phát triển ASXH và những vấn đề có liên quan đến ASXH, cụ thể là:

- Phát triển mạnh các dịch vụ ASXH. Hiện nay, trên thế giới, ASXH ngày càng phát triển đa dạng và phong phú và trở thành một ngành dịch vụ rất phát triển. Có thể nêu các loại dịch vụ có liên quan, như dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, dịch vụ chăm sóc người tàn tật tại cộng đồng hoặc tại các trung tâm công cộng…Thậm chí, BHXH (một bộ phận cấu thành và quan trọng của hệ thống ASXH) cũng trở thành một dịch vụ công do nhà nước thực hiện. Phát triển các dịch vụ ASXH sẽ tạo điều kiện và tạo cơ hội cho các nhóm dân cư, các nhóm lao động, nhất là các nhóm yếu thế được tiếp cận, được thụ hưởng các “ phúc lợi công cộng”, tạo ra một xã hội “an sinh” hơn. Theo chúng tôi, đây là một định hướng chiến lược rất đúng đắn của Đảng ta.

- Mở rộng và phát triển mạnh mẽ các loại hình, các hoạt động ASXH: Điều này được nêu rất rõ trong định hướng chiến lược, đó là: “ Phát triển hệ thống ASXH đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…Khuyến  khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi và không ngừng nâng cao mức sống đối với người có công. Mở rộng các hình thức trợ giúp và cứu trợ xã hội, nhất là đối với các đối tượng khó khăn”.

Tất cả các vấn đề nêu trên, về thực chất, chính là các nội dung cơ bản của ASXH đã được các tài liệu trong và ngoài nước đề cập. Như đã nêu, về mặt cấu trúc, trên giác độ khái quát nhất, ASXH, gồm những bộ phận cơ bản là:

-   Bảo hiểm xã hội; Trợ giúp  xã hội; Trợ cấp gia đình; Các quỹ tiết kiệm xã hội;   Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng…

Riêng BHXH, theo Luật BHXH của Việt nam, hiện nay đối với BHXH bắt buộc, có các chế độ là (i) Chế độ bảo hiểm ốm đau; (ii) Chế độ bảo hiểm thai sản; (iii)  Chế độ TNLĐ&BNN; (iv) Chế độ bảo hiểm hưu trí; (v) Chế độ bảo hiểm thất nghiệp và (vi) Chế độ bảo hiểm tử tuất. Ngoài ra, theo Luật bảo hiểm y tế, Việt nam đang thực hiện bảo hiểm y tế. Như vậy, việc phát triển, mở rộng các dịch vụ ASXH, như định hướng trong Chiến lược nêu ra phù hợp với xu hưởng hội nhập thế giới của Việt nam. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện các dịch vụ này như thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Dịch vụ công trong ASXH

Đối với ASXH, nghiên cứu này chỉ tập trung trong hai nhóm dịch vụ công cơ bản là (i) dịch vụ hành chính công và (ii) dịch vụ sự nghiệp công trong ASXH.

-Dịch vụ hành chính công trong ASXH: là dịch vụ do các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp quản lý về ASXH ( ngành Lao động, ngành BHXH...) cung cấp trong quá trình thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến những vấn đề trong lĩnh vực dược giao quản lý, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Đối với ngành Lao động Thương binh và Xã hội, đó là các dịch vụ liên quan đến BHXH, Trợ giúp xã hội, Việc làm, GDNN và người có công....Đối với BHXH Việt nam đó là các dịch vụ liên quan đến thủ tục, quy trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

- Dịch vụ sự nghiệp công trong ASXH là các hoạt động cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân gắn với các hoạt động QLNN về  ASXH (ví dụ, dịch vụ đào tạo nghề nghiệp, dịch vụ đào tào tạo nghề CTXH, dịch vụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công; dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH…).

 

 

2.  Những yêu cầu đổi mới dịch vụ công trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt nam

Trong kinh tế thị trường khái niệm về ASXH được mở rộng ra rất nhiều. Tuy nhiên, về mặt bản chất, như đã nêu, ASXH là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho mọi công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Theo các quan điểm hiện đại, ASXH trong kinh tế thị trường còn bao gồm cả việc tạo cho người lao động có việc làm  “ tử tế „(decent work) , người lao động có thu nhập không thấp hơn mức lương tối thiểu, có thu nhập công bằng với công việc; được đối xử công bằng trong công việc; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận tới các dịch vụ xã hội tối thiểu ( được học tập, được chữa bệnh, được dùng nước sạch...); đảm bảo cho mọi công dân trong xã hội được chăm sóc sức khoẻ, được khám chữa bệnh....

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và dưới tác động của CMCN 4.0, các quốc gia, tuỳ theo mức độ, người lao động đều có những điểm chung về thời cơ và những rủi ro tương tự nhau, đó là:

- Dễ bị mất việc làm nếu công ty/doanh nghiệp của người lao động bị phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ buộc chủ sử dụng lao động phải cắt giảm nhân công.

- Một số nhóm lao động không kịp thích ứng với những thay đổi về công nghệ của doanh nghiệp phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc phải rời khỏi doanh nghiệp.

- Một số nhóm  lao động không chịu được áp lực của công việc dẫn đến những stress hoặc những khủng hoảng cá nhân.

- Người lao động cũng có thể  bị bần cùng hoá vì những đối xử của chủ sử dụng lao động hoặc vì những ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu...

Trong bối cảnh đó, các nước phải có những đổi mới, cải cách hệ thống ASXH để thích ứng. Theo ILO, các rủi ro từ khủng khoảng kinh tế tạo nên "‘thế hệ bị đặt bên lề’, bao gồm những thanh niên nằm hoàn toàn ngoài thị trường lao động, không có hi vọng về khả năng làm việc để có một cuộc sống bền vững. “Thế hệ bị đặt bên lề” sẽ là những thanh niên nghèo ở các nước đang phát triển và theo ILO “Khi nhiều thanh niên vẫn tiếp tục trong (hoặc lâm vào) cảnh đói nghèo trong quá trình khủng hoảng thì hi vọng về một động lực thúc đẩy phát triển bởi nỗ lực của thanh niên ở các nước thu nhập thấp vẫn còn bế tắc”.

Khi người lao động bị thất nghiệp, bị mất việc làm, Chính phủ các nước phải có những giải pháp khác nhau để hỗ trợ, từ các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và từ các quỹ xã hội khác trong hệ thống ASXH quốc gia. Việt nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, do đó những rủi ro trong hội nhập luôn tác động trực tiếp tới đời sống xã hội nước ta, nhất là trong lĩnh vực việc làm và xã hội. Còn nhiều nhóm lao động, nhất là lao động trẻ dễ bị tổn thương trong thị trường lao động. Sự thiếu bền vững về việc làm  tạo ra nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội. Từ giác độ ASXH những hệ lụy đó là:

-Việc làm bấp bênh, dẫn tới thu nhập thấp và không ổn định. Điều này ảnh hưởng về khả năng (khả năng tài chính)  tham gia BHXH của người lao động, nhất là đối với những lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Khi không thuộc đối tượng của BHXH, họ sẽ không được sự bảo vệ về thu nhập, nhất là khi không còn khả năng lao động nữa khi đã về già. Đây là hệ lụy lớn nhất, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Bên cạnh đó, việc làm bếp bênh, đồng nghĩa với việc người lao động dễ gặp những rủi ro trong cuộc sống và dễ trở thành những đối tượng nghèo đói làm gia tăng các chi phí của hệ thống ASXH.

-Tỷ lệ thất nghiệp lớn, đặc biệt ở nhóm tuổi trẻ, một mặt làm cho TTLĐ kém hiệu quả (không toàn dụng lao động); mặt khác làm tăng chi phí BHXH (chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp), tăng chi phí đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động và tăng chi phí cho bộ máy quản lý. Ngoài ra, thất nghiệp còn dẫn đến những hệ lụy xã hội không mong muốn khác như vấn đề tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, nạn tự tử do bất lực trong cuộc sống…ảnh hưởng đến ASXH nói chung.

- Lao động trong khu vực phi chính thức còn quá lớn, chậm chuyển dịch sang nền kinh tế hiện đại hơn, kéo theo khó mở rộng độ bao phủ của BHXH và điều này cũng có nghĩa rằng quy mô của quỹ BHXH không thể mở rộng hoặc muốn tăng quy mô quỹ buộc phải tăng mức đóng BHXH hoặc kéo dài thời gian đóng BHXH của nhóm lao động ở khu vực kinh tế chính thức. Nhưng tăng mức đóng BHXH sẽ kéo theo những hệ lụy vê kinh tế và xã hội khác như giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp do chi phí cho nhân công cao, từ đó làm cho năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Từ phía người lao động, tăng mức đóng góp BHXH ảnh hưởng đến mức chi tiêu của gia đình họ, điều này lại dẫn đến chất lượng cuộc sống của dân cư bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh mới, hệ thống dịch vụ  an sinh xã hội của Việt Nam tập trung vào việc cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, gồm 4 nhóm chính sách sau đây:

- Nhóm chính sách tạo việc làm để đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo, nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia TTLĐ để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững;

- Nhóm chính sách BHXH nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, thông qua tham gia vào hệ thống BHYT để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên;

- Nhóm chính sách TGXH bao gồm chính sách thường xuyên và đột xuất nhằm hỗ trợ người dân khắc phục các rủi ro không lường trước như là mất mùa, đói, nghèo kinh niên;

- Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tăng cường cho người dân tiếp cận hệ thống giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và thông tin truyền thông.

3.  Khuyến nghị hàm ý chính sách

Trước yêu cầu mới, dịch vụ công trong ASXH ở Việt nam, theo chúng tôi, nên tập trung vào một số vấn đề sau:

(1) Đổi mới thể chế, chính sách và cơ chế cung cấp dịch vụ công.

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến ASXH Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ASXH một mặt, phải đảm bảo tính ổn định, đồng thời phù hợp với từng giai đoạn phát triển KT-XH của đất nước và xu hướng hội nhập. Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này phải được rà soát để đồng bộ hóa, nhằm đảm bảo các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi tổ chức, công dân trong xã hội, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích về ASXH của cộng đồng, xã hội và nhà nước. Cải cách mạnh mẽ hệ thống BHXH, bảo hiểm thất nghiệp  và hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt. Tạo cơ chế để chuyển giao cho khối tư nhân thực hiện những dịch vụ công mà nhà nước không cần thiết nắm giữ; đồng thời tăng cương hợp tác công- tư trong lĩnh vực này.

(2) Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH

Nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch để thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH. Dự báo phải vừa đảm bảo tính xu hướng, vừa có tính đột phá theo xu hướng thay đổi nhanh của thị trường lao động và công nghệ, nhất là dưới tác động của CMCN 4.0.

(3) Đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng của người dân, đối tượng thụ hưởng ASXH.

Cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện, internet, trên các website về danh mục các dịch vụ cung ứng, thủ tục, quy trình cung ứng và giải quyết nhu cầu của người dân về các vấn đề liên quan đến việc làm, học nghề và các dịch vụ trợ giúp xã hội … Công khai các chỉ dẫn cẩn thiết cho người dân khi đến giải quyết công việc; cung cấp các thông tin liên quan đến vấn đề mà người dân muốn biết, muốn tìm hiểu…

(4) Nâng cao hiệu quả và năng lực của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH

Để dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH đáp ứng được nhu cầu của người dân và xã hội, các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công cần phải đổi mới tổ chức và hoạt động, hướng tới tính chuyên nghiệp cao, hoạt động linh hoạt và hiệu quả. Các tổ chức, cơ quan cung cấp dịch vụ công cần đề xuất, kiểm soát và công bố công khai các quy trình, các tiêu chuẩn rõ ràng về việc cung cấp từng loại dịch vụ công trrong lĩnh vực GDNN; đưa ra các cam kết về chất lượng cung cấp dịch vụ công, trách nhiệm bồi thường nếu vi phạm cam kết…

Năng lực cuả các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH là cốt lõi tạo ra hiệu quả cung cấp dịch vụ của các cơ quan, tổ chức này. Năng lực của các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức này. Vì vậy,  cần nâng cao năng lực ( bao gồm, kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ công và thái độ thực thi công vụ) của đội ngũ này.

(5) Tôn trọng nguyên tắc “quyền lựa chọn” của người dân

Kinh nghiệm các nước cho thấy rằng có hai yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công, đó là (i) tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn cơ quan, tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực ASXH, kể cả công và tư; và (ii) tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói ( góp ý) về chất lượng dịch vụ công, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của họ và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ  của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực nà. Do vậy, cần có cơ chế để tiếp nhận, xử lý thông tin phản hổi từ khách hàng (người dân và các đối tác có liên quan).

(6) Đối mới hệ thống Dịch vụ hành chính công lĩnh vực ASXH

Đây là dịch vụ do các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp quản lý nhà nước các cấp cung cấp trong quá trình thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến những vấn đề trong lĩnh vực ASXH, bao gồm lao động, việc làm; giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội, gồm giảm nghèo và trợ giúp xã hội.... Cẩn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quy trình thực hiện cung cấp dịch vụ và quản lý hồ sơ; thực hiện triệt để “ cơ chế một cửa„ trong quy trình giải quyết thủ tục.

(7) Đổi mới hệ thống dịch vụ sự nghiệp công, tập trung vào các nhóm dịch vụ sau (thuộc ngành LĐTBXH):

Dịch vụ sự nghiệp GDNN

Nhà nước tập trung tổ chức Đào tạo nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đối với ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đào tạo sơ cấp nghề, đào tạo nghề dưới 03 tháng cho phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động đào tạo còn lại chuyển mạnh cho xã hội thực hiện, thông qua cơ chế đầu thầu dịch vụ và hợp tác công – tư; khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GDNN.

Dịch vụ Việc làm

Thực hiện hợp tác công- tư và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động; Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động. Các cơ quan QLNN có thể đặt hàng để khối tư nhân thực hiện.

Dịch vụ Trợ giúp xã hội

Nhà nước tổ chức các hoạt động chăm sóc đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; Chăm sóc dài hạn cho đối tượng bảo trợ xã hội.  Thực hiện xã hội hóa và trao quyền cho xã hội tổ chức các dịch vụ công tác xã hội, nhất là vấn đề tư vấn, tham vấn; trợ giúp pháp lý; hòa giải; phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi; hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng; tư vấn, truyền thông,…

8) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trrong quản lý và cung cấp dịch vụ công trong ASXH

Trước hết cần đầu tư đồng bộ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ở các cơ quan quản lý, các cơ quan cung cấp dịch vụ công về ASXH. Xây dựng cổng thông tin điện tử tích hợp các hoạt động ASXH. Đồng thời xây dựng các phần mềm quản lý để có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; quản lý đối tượng theo nhóm (BHXH, BHTN, TGXH, GDNN người có công…) và xây dựng cơ sở dữ liệu về ASXH, trong đó cần đảm bảo tính đồng bộ, tính liên thông và tính bảo mật trong quản lý đối tượng.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến

 

 

Tài liệu tham khảo

1.  Đinh Văn Ân và Hoàng Thu Hòa (2006), Đổi mới cung ứng dịch vụ công ở

Việt Nam. NXB. Thống kê,

2.   Phạm Thị Hồng Điệp (2013), Quản lý nhà nước đối với dịch vụ công, Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 3.

3.  Lê Chi Mai (2004), Quản lý dịch vụ công, NXB Thống Kê, Hà Nội.

4.  Trương Văn Huyền (2010), Hoàn thiện quản lý dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay”, Đề tài cấp Bộ,

5.   Nguyễn Thanh Tuyền và Nguyễn Lê Anh (2015), Mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử. Tạp chí Phát triển & Hội nhập số 22 .

6.  Chu Văn Thành (2004), Dịch vụ công và xã hội hóa dịch vụ công trong điều kiện cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Đề tài độc lập, mã số đề tài: ĐTĐL – 2004/13

7.  Mạc Văn Tiến, (2005), An sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực, NXB

Lao động-Xã hội.

8.  Mạc Văn Tiến (2016) Nguyên tắc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN, trong đề tài cấp Bộ Một số giải pháp hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và đổi mới cơ chế cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN


9.  Mạc Văn Tiến, (2019), Bàn luận về cải cách chính sách BHXH ở Việt nam, Tạp chí BHXH

10. Martin Painter và cộng sự (2009), Cải cách thể chế quản lý hành chính công

ở Việt Nam hiện nay. UNDP Vietnam.

11. Morten Jakobsen và Simon Calmar Andersen (2013), Sự hợp tác sản xuất và tính công bằng trong cung cấp dịch vụ công, Tạp chí Public Administration Review, Số 73.

12. Jakobsen, M., & Andersen, S. C. (2013). Coproduction and equity in public service delivery. Public Administration  Review, 73(5),.

 

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết