Thứ Ba, ngày 16 tháng 04 năm 2024

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng

Ngày phát hành: 11/01/2022 Lượt xem 4974

 

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng bao trùm, đường lối nhất quán, xuyên suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

1. Quan niệm và tính tất yếu giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình cách mạng Việt Nam

 

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở vị trí cao nhất, bao trùm, thống nhất hữu cơ, quyện chặt nhau, trở thành mục tiêu, lý tưởng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo, đường lối chiến lược, phương pháp và nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lợi ích quốc gia - dân tộc bao gồm cả lợi ích cơ bản và lợi ích phát triển. Lợi ích cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Lợi ích phát triển là tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc; môi trường chính trị - xã hội đất nước ổn định; môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới; uy tín, vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam được phát huy. Khi mất độc lập tự chủ thì giành lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền quốc gia là lợi ích tối thượng, ưu tiên cao nhất. Khi đã giành được độc lập dân tộc thì lợi ích quốc gia - dân tộc thể hiện ở việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích chiến lược của đất nước phù hợp luật pháp quốc tế, xây dựng quốc gia hùng cường, giàu mạnh, có vị thế xứng đáng trên thế giới, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng gồm 8 đặc trưng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[1]. Đặc trưng thứ nhất có tính bao trùm, đó là xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội còn hàm nghĩa bảo đảm mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được nhận thức và xử lý phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể từng giai đoạn. Ở đây có nhiều lớp quan hệ cần phải giải quyết, như: giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa hội nhập quốc tế và giữ vững độc lập tự chủ, giữa bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, giữa phát triển kinh tế thị trường và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa kiên định mục tiêu cuối cùng và hiện thực hóa mục tiêu đó trên từng chặng đường, bước đi cụ thể.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình cách mạng Việt Nam xuất phát từ quy luật khách quan, từ đòi hỏi của thực tiễn, từ lựa chọn tất yếu của lịch sử. Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, các quyền dân tộc cơ bản bị tước đoạt, nhân dân rơi vào cảnh lầm than, nô lệ. Giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người là bài toán lớn mà lịch sử đặt ra cần có đáp số. Nhiều lực lượng chính trị theo các lập trường tư tưởng khác nhau đã đứng lên khởi xướng các phong trào yêu nước sôi động, mạnh mẽ, nhưng rốt cuộc đều thất bại, đẩy cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX nằm ở một lý do rất căn bản là thiếu một tổ chức chính trị đủ sức hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn mà ở đó giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Với vai trò là người tìm đường, dẫn đường, thiết kế tương lai, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thời đại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với quảng đại quần chúng, quy tụ mọi lực lượng yêu nước làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khiến cho các lực lượng chính trị ở Việt Nam phân hóa sâu sắc. Một bộ phận những người yêu nước chân chính theo lập trường dân tộc chủ nghĩa, từ việc chứng kiến bản lĩnh, trí tuệ, đức hy sinh của những người cộng sản, nhất là các cuộc tranh luận trong nhà tù đế quốc và các cuộc đấu tranh giáp mặt với kẻ thù, đã bị thuyết phục, rồi chuyển biến lập trường tư tưởng, tự nguyện chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều người trở thành đảng viên cộng sản. Các lực lượng chính trị bám gót đế quốc làm tay sai, thực hiện chia cắt đất nước, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, đã bị lịch sử đào thải. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị được dịp tấn công chế độ xã hội chủ nghĩa từ nhiều phía, cổ xúy cho nền dân chủ phương Tây, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà lịch sử đã lựa chọn.

Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX chính là thắng lợi của ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử hơn 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Càng những lúc gặp khó khăn, thách thức, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam càng kiên định lập trường tư tưởng, giữ vững con đường đã lựa chọn. Năm 1991, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ dây chuyền, hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ ràng, đanh thép về tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng của mình. Các nhiệm kỳ đại hội của Đảng trong thời kỳ đổi mới đều rút ra bài học có tính nguyên tắc là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không được ngả nghiêng dao động trong bất kỳ tình huống nào.

 

 

2. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với tinh thần kiên định và sáng tạo, thể hiện nhất quán, xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam

 

Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đã nêu rõ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2]. Đại hội I của Đảng (tháng 3-1935) tiếp tục khẳng định đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong chuyến thăm Pháp (năm 1946), khi trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai nêu rõ: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[3], “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”[4]. Cương lĩnh chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2 - 1951) tuyên bố: “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”[5]. Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960) đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trên hai miền của đất nước: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đại hội IV của Đảng (tháng 12-1976) đề ra đường lối đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngay từ khi bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà nhằm làm cho mục tiêu đó đạt được bằng những hình thức, biện pháp phù hợp. Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) công bố “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, trong đó xác định rõ: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”[6]. Các Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới cùng với việc ra sức tìm tòi, sáng tạo lý luận luôn khẳng định phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, là cái bất biến, nhưng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể lại được triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.

Trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930-1954), độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt, còn chủ nghĩa xã hội là mục tiêu lâu dài. Dựa vào tư tưởng của Cương lĩnh đầu tiên, trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc (1930-1945), Đảng chủ trương đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, tạm gác cách mạng ruộng đất và các lợi ích giai cấp, nhờ đó xây dựng được khối đoàn kết dân tộc rộng rãi làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tuy vậy, nền độc lập dân tộc non trẻ bị đe dọa trước xâm lược Pháp. Do đó, trong giai đoạn 1945-1954, đường lối của Đảng tiếp tục đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, còn cách mạng ruộng đất và lợi ích giai cấp được giải quyết có chừng mực, phù hợp, không làm phương hại đến khả năng tập hợp lực lượng cho thực hiện kháng chiến chống xâm lược. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, phương hướng đi tới sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời chuẩn bị một số tiền đề cơ bản cho chuyển tiếp sang thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là tiền đề chính trị, tư tưởng. Mục tiêu, phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, có ý nghĩa tạo động lực lôi cuốn nhân dân tham gia kháng chiến, tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ hướng tới.

Trong điều kiện đất nước bị chia cắt làm hai miền (1954-1975), sáng tạo lý luận của Đảng là chủ trương tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm đem lại cuộc sống ấm no, tự do cho nhân dân miền Bắc, làm căn cứ địa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, chống đế quốc Mỹ và tai say, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đây là một sáng tạo lý luận đặc sắc, một hình thức sinh động giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong một điều kiện lịch sử cụ thể. Trong mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối của Đảng xác định cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đóng vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp cách mạng cả nước, là hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; cách mạng miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội còn giúp kết nối với cả hệ thống xã hội chủ nghĩa, tạo hậu phương rộng lớn ủng hộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trước hết là sự giúp đỡ to lớn, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, chống đế quốc xâm lược, bảo vệ hòa bình, cho nên, sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam được cả nhân loại tiến bộ ủng hộ. 

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đổi mới không phải là xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu đó đạt được bằng những hình thức, biện pháp có hiệu quả, phù hợp quy luật khách quan. Đổi mới, xây dựng đất nước nhằm làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, quốc gia - dân tộc hùng cường, có vị thế xứng đáng trên thế giới; tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, vật chất - kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa bao gồm từ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các lợi ích chiến lược của đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với kiên trì đường lối đổi mới là phải phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, gồm cả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tác động chuyển hóa bởi “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

3. Tiếp tục giương cao ngọn cờ lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ phát triển mới của đất nước

 

Kiên định và sáng tạo trong giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đại hội XIII của Đảng (tháng 01-2021) đã cụ thể hóa tinh thần Cương lĩnh với tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tính thống nhất biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới được thể hiện tập trung ở mục tiêu nêu trên, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, có vị thế cao trên trường quốc tế, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Hoàn thiện nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế để phát triển sức sản xuất, phân bổ có hiệu quả nguồn lực, tạo ra của cải ngày càng dồi dào, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không hoàn toàn vận động cùng chiều với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, do vậy, gắn với phát triển kinh tế thị trường phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi và từng chính sách phát triển, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sáng tạo và đột phá lý luận quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm bảo đảm quản trị có hiệu quả sự hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong từng giai đoạn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đổi mới là tìm tòi những hình thức, phương pháp phù hợp để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng thời tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, vật chất - kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường hòa bình, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là điều kiện tối quan trọng bảo đảm cho đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tính thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thể hiện ở sự quyện chặt giữa kiên trì mục tiêu cuối cùng với tìm mọi biện pháp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc với bảo vệ Đảng, bảo vệ nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữa phát triển kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực tự chủ chiến lược.

Kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Hội nhập quốc tế không chỉ có mặt thuận lợi mà còn chịu tác động bởi cả những mặt tiêu cực, nhất là các trào lưu tư tưởng, văn hóa, lối sống tư sản, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Do đó, cùng với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, khai thác mặt thuận lợi là phải chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ độc lập dân tộc, tự chủ quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

PGS.TS Đoàn Minh Huấn

                                                                          

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

 

 

 


 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70. 

[2] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 2.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 315.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 315. 

[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 174.

[6] Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 136.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết