Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Khu kinh tế cửa khẩu ở nước ta và một số vấn đề đặt ra với khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Ngày phát hành: 14/12/2020 Lượt xem 9424

                                                                     

Một số quan niệm về khu kinh tế cửa khẩu

Theo một số chuyên gia về kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu của một quốc gia là một không gian kinh tế xác định, có cửa khẩu biên giới đất liền giáp với quốc gia láng giềng; có ưu thế là đầu mối giao thông kết nối một số địa phương, vùng, miền, trong đó hàng hóa, hành khách được vận chuyển bằng một hoặc một số phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không; có hệ thống logistics cửa khẩu địa phương bảo đảm thuận lợi cho giao lưu thương mại biên giới và phát triển các loại hình doanh nghiệp (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đầu tư, sản xuất kinh doanh, gia công hàng xuất - nhập khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Khu kinh tế cửa khẩu có thể được quan niệm là một vùng lãnh thổ bao gồm một hoặc một số cửa khẩu biên giới được nhà nước cho áp dụng một số chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng cường giao lưu kinh tế với các nước, tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia và đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế các địa phương có cửa khẩu.

Còn theo các nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước về kinh tế ở nước ta:“Khu kinh tế cửa khẩu là một không gian kinh tế xác định, gắn với cửa khẩu quốc tế hay cửa khẩu chính của quốc gia, có dân cư sinh sống và được áp dụng những cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp với đặc điểm từng địa phương sở tại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất dựa trên việc phát huy các tiềm năng thế mạnh, lợi thế so sánh tại chỗ và thu hút các nguồn lực từ nơi khác, do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Trong khu kinh tế cửa khẩu có khu thương mại tự do, khu công nghiệp gia công, khách sạn, nhà hàng, khu triển lãm và hội chợ,… Khu kinh tế cửa khẩu chịu tác động chính sách của hai bên (hai nước) có chung biên giới, được quản lý theo cơ chế, chính sách riêng của mỗi quốc gia; đồng thời, hoạt động dựa vào sự thoả thuận giữa chính phủ hoặc chính quyền hai địa phương có chung cửa khẩu biên giới”[1].

Có thể nói, khu kinh tế cửa khẩu là khu vực có ranh giới địa lý xác định, thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, có không gian kinh tế riêng biệt và thường được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng như: khu cửa khẩu quốc tế, khu công nghiệp, khu tài chính, khu đô thị, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác; quy mô, vị trí từng khu vực được xác định trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu kinh tế cửa khẩu; cửa khẩu biên giới là căn cứ chủ yếu để Nhà nước ra quyết định thành lập khu kinh tế cửa khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu bao gồm các đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh (huyện, thành phố), có thể thêm một số đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện lân cận là các phường, xã, thị trấn; với toàn bộ diện tích tự nhiên khu kinh tế, trong đó có diện tích đất liền, diện tích mặt biển (nếu có); ranh giới địa lý được xác định rõ ràng, trong đó có ranh giới cụ thể giáp địa phương của nước ngoài.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, ban đầu khu kinh tế cửa khẩu được thử nghiệm với quan niệm là “khu vực cửa khẩu” khi vào ngày 19-6-1996 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 675/TTg cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, Hải Ninh, Quảng Ninh giáp với thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; trong đó có nội dung “Khu vực Cửa khẩu Móng Cái được ưu tiên phát triển thương mai, xuất khẩu, nhập khẩu, dịch vụ, du lịch và công nghiệp theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phù hợp với các thông lệ quốc tế” và yêu cầu “Sau 2 năm thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương tiến hành tổng kết việc áp dụng thí điểm các chính sách trên đây tại khu vực Cửa khẩu Móng Cái và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những điều chỉnh, bổ sung cần thiết”.

Sau 2 năm áp dụng thí điểm khu vực cửa khẩu Móng Cái, thực tế cho thấy quan hệ thương mại biên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có bước phát triển, cần phải có mô hình hợp tác kinh tế mới, phù hợp để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh kinh tế ở các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền của nước ta với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Căn cứ vào thực tế này, vào năm 1998, lần đầu tiên khái niệm khu kinh tế cửa khẩu được sử dụng chính thức ở Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnhTây Ninh (Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg ngày 27-10-1998).

Ngày 25-4-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020", trong đó có những nội dung chủ yếu sau: (1) về quan điểm “Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu bền vững và gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua các khu kinh tế cửa khẩu; Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu trong chiến lược và kế hoạch dài hạn, theo thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia; Lấy hiệu quả kinh tế, chính trị làm tiêu chí quan trọng, tính toán đầy đủ ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Các bên tham gia đều được hưởng lãi từ kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế cửa khẩu với phát triển nguồn nhân lực, đồng bộ với quy hoạch nguồn nhân lực, quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao, khu dân cư...); phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu phải chú ý tới yêu cầu bảo vệ môi trường và yêu cầu an ninh, quốc phòng”. (2) Điều kiện, tiêu chí để thành lập khu kinh tế cửa khẩu : “ Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu đã được phê duyệt; có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính quy định tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền; bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian; kết nối thuận lợi với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia; giao lưu thuận tiện với các nước láng giềng qua cửa khẩu biên giới đất liền của nước bạn; có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật; có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển tổng hợp của khu kinh tế cửa khẩu bao gồm các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có điều kiện phát huy tiềm năng tại chỗ và các vùng xung quanh; có khả năng phát triển thương mại và thu hút đầu tư; có khả năng gắn kết giữa phát triển kinh tế với việc giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia tại khu vực biên giới; không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên; không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại đến các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học; có điều kiện đảm bảo yêu cầu về môi trường, môi sinh và phát triển bền vững.” (3) Về mục tiêu, với mục tiêu tổng quát : “Xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu trên các khu vực biên giới trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến năm 2020 cả nước có 30 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó hình thành thêm 07 khu kinh tế cửa khẩu mới trên các khu vực biên giới. Xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách cho 9 khu kinh tế cửa khẩu: Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp để đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ qua biên giới Việt Nam với các nước láng giềng đạt 42 - 43 tỷ USD”. (4) Về nhiệm vụ, trong đó có giải pháp và chính sách tạo nguồn vốn: “ Đối với các khu kinh tế cửa khẩu là đầu mối của các hành lang kinh tế liên vùng, quốc tế: Nhà nước trung ương sẽ tập trung đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm có ý nghĩa động lực trong giao thương kinh tế và dịch vụ thương mại của quốc gia như: các khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai; khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Bờ Y, Mộc Bài, An Giang và Đồng Tháp;

Hiện nay ở nước ta, hoạt động và các cơ chế, chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

 

 

Thực trạng các khu kinh tế cửa khẩu ở nước ta

Báo cáo “3 thập niên phát triển các KCN, KKT Việt Nam” tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn, hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam vào cuối tháng 10-2020 đã đánh giá : “KKT cửa khẩu có vai trò quan trọng trong thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá, giao lưu văn hóa của cư dân biên giới, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hòa bình với các nước có chung đường biên giới. Đặc biệt, thông qua việc thu hút đầu tư vào KKT cửa khẩu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đa dạng hóa đối tác đầu tư, tạo ra sự đan xen về mặt lợi ích giữa các bên, tạo thế cân bằng trong kinh tế, ổn định về mặt chính trị, là nhân tố góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời kỳ mới”; “KKT cửa khẩu góp phần tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp; góp phần mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Nhiều tỉnh biên giới trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển, nay từng bước trở thành các trung tâm thương mại phát triển năng động, tạo động lực phát triển các khu vực lân cận”; “Hằng năm, KKT cửa khẩu nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng.”[2].

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết thực hiện Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 2016-2020” và đề xuất lựa chọn 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) thuộc tuyến biên giới đất liền tiếp giáp Campuchia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay các khu kinh tế cửa khẩu cả nước thu hút được trên 575 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và từ nguồn vốnđầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoản 83 nghìn tỷ đồng và trên 1 tỷ USD.Năm 2019, tổng kim ngạch xuát nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu đạt 28,9 tỷ USD, tăng 2,1 lần so với năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩuqua các khu kinh tế cửa khẩu giáp Trung Quốc đạt 24,8 tỷ USD (so với con số 10,6tỷ USD của năm 2015), chiếm 85,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khukinh tế cửa khẩu của cả nước và chiếm 21,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ViệtNam – Trung Quốc. Còn kim ngạch xuất nhập khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu giáp Lào đạt 1,1 tỷ USD (so với con số 1,5 tỷ USD của năm 2015), qua các khu kinh tế cửa khẩu Campuchia đạt gần 3 tỷ USD (so với con số 1,5 tỷ USD của năm 2015). Đối với 9 khu kinh tế cửa khẩu được tập trung, ưu tiên đầu tư, số thu ngânsách năm 2019 đạt 8.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng số thu ngân sách của toàn bộ 26 khu kinh tế cửa khẩu. Một số khu kinh tế cửa khẩu có mức thu đạt cao là Đồng Đăng – Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, Lao Bảo.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đưa ra danh sách 8 khu kinh tế cửa khẩu tập trung ưu tiên đầu tư: 4 khu kinh tế trên tuyến biên giới đất liền giáp Trung Quốc là cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cửa khẩu tỉnh Lào Cai, cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; tuyến biên giới đất liền giáp Lào gồm khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị); tuyến biên giới đất liền tiếp giáp Campuchia gồm khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.[3]

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hạn chế cơ bản của các khu kinh tế cửa khẩu là ít có khả năng thu hút các nguồn vốn khác như ODA, FDI, PPP, các doanh nghiệp tư nhân trong nước,… , nên việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng phụ thuộc chủ yếu dựa vào Ngân sách nhà nước; ngoài ra, thời gian qua, đóng góp của một số khu kinh tế cửa khẩu cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực và nền kinh tế đất nước chưa được nhiều. Đặc biệt, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra”[4]

 

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và một số vấn đề đặt ra

Sau hơn 10 năm ban hành việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg ngày 27-10-1998), vào ngày 10-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1849/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnhTây Ninh đến năm 2020. Theo đó : Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có tổng diện tích tự nhiên 21.284 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông. Phía Nam giáp tỉnh Long An. Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông. Phía Tây giáp biên giới Campuchia.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có 03 cửa khẩu: cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Khu kinh tế Mộc Bài nằm trên đường Xuyên Á (bắt đầu từ Myanma, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc). Hiện nay đường Xuyên Á đang được xây dựng, sửa chữa cầu đường, mở rộng nền, nâng cấp mặt đường theo tiêu chuẩn quốc tế. Với con đường này, Mộc Bài chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam có 70 km và Thủ đô Phnom Penh của Campuchia là 170 km. Khi đường Xuyên Á hoàn thành, cửa khẩu Mộc Bài và tỉnh Tây Ninh sẽ trở thành giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia ở miền Nam nước ta. Theo quy hoạch, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài dự kiến có quy mô dân số đô thị khoảng 100.000 người vào năm 2020, với diện tích đô thị khoảng 7.400 ha. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, với chiều dài toàn tuyến đường khoảng 53,5 km, có điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22, khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh); dự kiến dự án hoàn thành trước năm 2025.

Tuy nhiên đến nay, sau 22 năm áp dụng thí điểm một số chính sách và 11 năm thực hiện Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài của Thủ tướng Chính phủ, việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có chất lượng, tầm cỡ quốc tế vào đây vẫn còn hạn chế, bất cập, hầu hết là các dự án đầu tư trong nước, quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn thiếu chính sách thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn, công nghệ cao, chưa hấp dẫn được các doanh nghiệp lớn, đầu tư chiến lược, dẫn đến chưa tạo được động lực chính cho phát triển; nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và tỉnh Tây Ninh không đáng kể, còn hạn chế nên kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa được đầu tư đồng bộ;…[5] 

Có thể nói, vấn đề đặt ra và cũng là thách thức lớn hiện nay đối với khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, đó là: (1) mục tiêu và định hướng phát triển của khu kinh tế cửa khẩu này không còn phù hợp; (2) Sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực về thu hút FDI; (3) Thiếu động lực phát triển và chính sách phù hợp dẫn đến khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có chất lượng trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, tầm cỡ quốc tế[6].

 

Một số đề xuất kiến nghị về khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

 

1. Để có căn cứ định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian tới, cần sớm có chủ trương chỉ đạo tổng kết việc triển khai Đề án "Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020" (Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25-4-2008 của Thủ tướng Chính phủ), nhằm:

- Đánh giá làm rõ hơn một số nội dung thực hiện trong thời gian qua (việc lập và thực hiện quy hoạch phát triển của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và việc đầu tư xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài;

- Làm rõ hơn các vướng mắc, bất cập và các vấn đề đặt ra hiện nay đối với khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (như là quy hoạch, tính đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý và cơ chế, chính sách cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay,…);

- Chỉ ra được các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này và đề xuất các nhiệm vụ chủ yếu cùng giải pháp đột phá.

 

2. Cần sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch, về các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, trong đó có các khu kinh tế cửa khẩu.

Việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, trong đó có các khu kinh tế cửa khẩu là căn cứ pháp lý quan trọng để điều chỉnh các hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng xác định rõ hơn trọng tâm phát triển và cơ chế chính sách vượt trội, thông thoáng về tài chính, đất đai, thủ tục hành chính, liên quan chủ yếu đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các quy định về quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp và thực thi pháp luật, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường, hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, bảo đảm môi trường xanh, sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc thù của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, bảo đảm sự liên kết, đồng bộ với các khu vực khác trong tỉnh Tây Ninh, với Thành phố Hồ Chí Minh và cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, các quy định pháp luật về quy hoạch và liên quan đến công tác quy hoạch cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm cho các khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có vị trí quan trọng trong phương án phát triển hệ thống các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch của cả nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với đề án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch quản lý và sử dụng đất đai, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, phương án bảo vệ môi trường và các nội dung khác của quy hoạch tổng thể Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, quy hoạch chung của tỉnh Tây Ninh và các quy hoạch có liên quan khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia với định hướng phát triển khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch trong giai đoạn 2021-2030, góp phần bảo đảm “nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch trở thành động lực phát triển vùng”[7].

 

3. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các bộ, ngành liên quan trên một số lĩnh vực:

 - Nghiên cứu, đưa ra dự báo, bổ sung và làm rõ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian 05 năm tới, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó tập trung vào các yếu tố chính trị - ngoại giao - lịch sử, yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội; phân tích lợi thế so sánh trong hợp tác, giao lưu kinh tế và cạnh tranh; các nguồn lực cho phát triển; quan hệ bình đẳng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, cùng có lợi với nước bạn Campuchia, cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

- Xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2040.

 Đây là nội dung quan trọng để Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trình Bộ Xây dựng thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2040. Khi Quy hoạch chung này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Ninh có căn cứ để thể chế hoá thành các quy định, chính sách, chương trình cụ thể, sớm đưa khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển thành một trung tâm kinh tế và đô thị hiện đại, gắn với xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao, là trung tâm dịch vụ, hậu cần cửa khẩu, trung tâm tài chính, thương mại biên giới trên tuyến đường Xuyên Á, với mục tiêu phát triển trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững của tỉnh Tây Ninh và của cả Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ./.

 

TS. Nguyễn Hồng Sơn

Hội đồng Lý luận TW



[1] PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh, Giải thích thuật ngữ trong nghiên cứu phát triển (Bối cảnh và điều kiện của Việt Nam), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2013, tr. 153-154.

[2] Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 thập niên phát triển các KCN, KKT Việt Nam tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn, hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam, ngày 23-10-2020.

[3] Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đề án “Rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước 2016-2020 và đề xuất lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu tập trung đầu tư giai đoạn 2021-2025”, Trang Thông tin điện tử An ninh tiền tệ ngày 09-11-2020.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2020, tr 111.

[5] Văn bản số 2164/UBND-KTTC ngày 10-9-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tr 1-2.

[6] Văn bản số 2164/UBND-KTTC ngày 10-9-2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tr 3-4.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2020, tr 144.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết