Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Một số nét về tình hình phát triển kinh tế số ở Việt Nam ​

Ngày phát hành: 15/06/2021 Lượt xem 13605

 

Ở Việt Nam, kinh tế số mặc dù mới được phát triển trong một vài thập kỷ gần đây, một khoảng thời gian không dài trong quá trình công nghiệp hóa và nhất là trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước, phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhưng đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được những kết quả rất tích cực, ở một số lĩnh vực có sự phát triển mang tính đột phá; đồng thời, tạo ra nền tảng làm thay đổi phương thức quản lý, phương thức hoạt động, làm xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế.

 

1. Hạ tầng số phát triển nhanh, đạt trình độ tương đương với các quốc gia tốp đầu khu vực

 

Hạ tầng số, một cách đầy đủ nhất bao gồm: hạ tầng thiết bị số (gồm hệ thống máy tính, máy chủ các cảm biến...), hạ tầng kết nối (có dây hoặc không dây, kết nối các thiết bị), hạ tầng dữ liệu (các cơ sở dữ liệu then chốt của một quốc gia, một ngành, lĩnh vực), hạ tầng ứng dụng hay nền tảng số (các công nghệ số tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh trong các lĩnh vực), hạ tầng thể chế (các quy định luật pháp, chính sách), hạ tầng nhân lực (số lượng, chất lượng lao động trong ngành). Sau đây là một số kết quả nổi bật đạt được về phát triển hạ tầng số ở nước ta những năm qua.

 

Về hạ tầng kết nối: Hạ tầng kết nối đóng vai trò kết nối quan trọng trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Do đó, đây là lĩnh vực luôn được các nước quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện, đi trước một bước. Ở nước ta, đây cũng là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm phát triển. Nhà nước ta có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số, bao gồm cả hạ tầng có dây và không dây, tham gia vào thị trường công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều hoạt động, nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng. Theo số liệu của Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, đến nay (năm 2020), có 11 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động (trong đó, cố định mặt đất: 7 doanh nghiệp; di động vệ tinh: 3 doanh nghiệp; di động hàng hải: 1 doanh nghiệp) và 77 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định (trong đó, cố định mặt đất: 74 doanh nghiệp, cố định vệ tinh: 3 doanh nghiệp). Đến nay, gần như 100% lãnh thổ Việt Nam đã được phủ sóng di động và mạng cáp quang[1].

 

Đối với hạ tầng kết nối có dây: Trong những năm qua, việc chuyển đổi từ dòng thuê bao số DSL (Digital Subcriber Line, cung cấp kết nối kỹ thuật số thông qua cáp đồng của mạng điện thoại nội hạt) sang công nghệ cáp quang, vượt trội về dung lượng, tốc độ, độ ổn định, tin cậy, được đẩy mạnh. Đến nay (2020), Việt Nam đã có hơn 1 triệu km cáp quang phủ rộng khắp cả nước, tới từng thôn, bản, phường xã của 63/63 tỉnh, thành phố với tốc độ truy cập đạt hơn 27Mbps; có 6 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế (các tuyến AAG, APG, SMW-3, IA, AAE-1, TVH), tổng băng thông rộng quốc tế đạt hơn 8,1 Tbps[2]. Đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng lên nhanh chóng của số lượng người sử dụng Internet, mạng Internet của Việt Nam đã thực hiện việc chuyển đổi từ giao thức IPv4 sang giao thức thế hệ mới IPv6 với dung lượng (không gian truy cập) tăng lên gấp 4 lần (từ 32bit lên 128bit, từ 4 tỷ địa chỉ lên 16 tỷ địa chỉ). Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 ASEAN, thứ 4 châu Á và thứ 10 thế giới trong chuyển đổi mạng Internet sang thế hệ mới IPv6 (Báo cáo tổng kết công tác năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông).

 

Về hạ tầng không dây:  Sau giai đoạn sử dụng các mạng 2G, 3G, đến  nay, Việt Nam đã có nền tảng công nghệ 4G vững chắc. Mạng 4G của Việt Nam có chất lượng, tốc độ cao, ổn định, giá cả hợp lý so với các nước trong khu vực, hiện đã phủ sống trên rộng khắp nhiều vùng lãnh thổ đất nước bởi các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone. Một số lớn các thiết bị di động ở Việt Nam (trong hơn 134 triệu thuê bao) đã sử dụng mạng 4G. Hiện nay, Việt Nam là một trong số quốc gia trên thế giới có năng lực nghiên cứu, phát triển mạng 5G. Mạng 5G đã được công ty Viettel của Việt Nam đưa vào sử dụng thử nghiệm năm 2019 và đang tích cực hoàn thiện để đưa vào sử dụng trên diện rộng trong 1-2 năm tới (trong khi, một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia cũng đang thử nghiệm công nghệ 5G với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ lớn trên thế giới, như Nokia, Ericson, Huawei).

 

Về hạ tầng dữ liệu quốc gia: Trong nền kinh tế số, dữ liệu được xem là “dầu mỏ”, động lực chính tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp; do đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ, đồng bộ trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, cấp thiết đối với các quốc gia, các ngành, lĩnh vực để xây dựng và vận hành có hiệu quả nền kinh tế số. Ở nước ta, trong một số năm gần đây việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia được Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm đẩy mạnh, như các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, tài nguyên, nhà cửa; về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực, các địa bàn; về các sản phẩm, các thị trường, về người tiêu dùng, về hệ thống năng lượng, hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo của đất nước... Các cơ quan tài chính, như các ngành thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm đang là những cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho hoạt động của mình trong bối cảnh ngành tài chính tích cực chuyển đổi sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số. Các ngành văn hóa, thể thao, du lịch cũng tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về các di tích, các công trình văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đất nước, các vùng, các địa phương, các cộng đồng dân cư; về các danh lam thắng cảnh, các ngành nghề, sản phẩm truyền thống, các khách sạn, các cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, nơi vui chơi giải trí... để quảng bá văn hóa, phát triển du lịch trên nền tảng công nghệ số... Cùng với các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các tỉnh, thành phố cũng quan tâm tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương mình. Đặc biệt, các đô thị lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư nhiều công sức, kinh phí để đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện, đồng bộ về mọi lĩnh vực để phục vụ cho chủ trương chuẩn bị cho việc xây dựng các đô thị thông minh, thành phố thông minh.

 

Việc xây dựng thể chế và đầu tư mua sắm các trang thiết bị cho thu thập, lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu được tăng cường. Trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, vấn đề lớn đã được Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm xử lý là tình trạng biệt lập, chia cắt, không có khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành, các lĩnh vực do thiếu sự chỉ đạo thống nhất, thiếu phối hợp giữa các cơ quan về tiêu chuẩn, về công nghệ khi xây dựng cơ sở dữ liệu. Đến nay, hạ tầng số của nhiều ngành, lĩnh vực đã được xây dựng, nâng cấp, hoạt động có hiệu quả, như: hạ tầng thanh toán số, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt phục vụ cho thương mại điện tử, ngân hàng số; hạ tầng cho hoạt động thông tin truyền thông, phát thanh, truyền hình kỹ thuật số, các báo, các trang thông tin điện tử; hạ tầng cho du lịch số, gọi xe công nghệ, phát triển kinh tế chia sẻ; hạ tầng số cho hoạt động quản lý các ngành giao thông, năng lượng; hạ tầng số phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền các cấp trong quá trình xây dựng, chuyển đổi chính phủ, chính quyền các cấp thành chính phủ, chính quyền điện tử, hướng tới chính phủ số, chính quyền số...

 

 

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông phục vụ cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta được quan tâm đẩy mạnh. Cả nước hiện có hơn 400 trường đại học và cao đẳng (cả công lập, dân lập, liên doanh với nước ngoài và cơ sở đào tạo của nước ngoài), thì trong đó 2/3 số trường có chuyên ngành đào tạo công nghệ thông tin. Một số trường đại học lớn, một số Viện nghiên cứu khoa học của quốc gia còn đào tạo các chuyên ngành máy tính, công nghệ thông tin đến trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Ngoài ra còn nhiều trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) nhất là ở các thành phố lớn, như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, ở các trung tâm công nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài. Được đào tạo từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước, tổng số nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, truyền thông hiện nay (2020) ở Việt Nam khoảng 1,3 triệu người; trong đó, hơn 900 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp phần cứng, điện tử (gấp 4 lần năm 2011), hơn 200 nghìn người làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số (tăng 1,5 lần năm 2011), khoảng gần 100 nghìn người làm việc trong lĩnh vực viễn thông[3]. Theo Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử (E-Goverment Development Index - EGDI) năm 2020 của Liên hợp quốc (công bố ngày 10/7/2020), Việt Nam đứng ở vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; tăng 2 bậc so với năm 2018, nhưng trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc.

 

2. Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, bộ phận nền tảng của kinh tế số, phát triển mạnh mẽ

 

Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng nhận thức tương đối thống nhất, chung, phổ biến hiện nay kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số, nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số, nền tảng số, các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet. Từ thực tiễn phát triển kinh tế số trên thế giới từ khi ra đời, hình thành và phát triển đến nay, có thể thấy rằng trong nền kinh tế số, một cách tương đối, có thể chia thành các bộ phận: (1) có những bộ phận hoàn toàn mới, sự ra đời của nó tạo cơ sở ra đời cho kinh tế số, là nền tảng của kinh tế số, đó là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông, bao gồm cả sản xuất phần cứng (các thiết bị điện tử) và phần mềm, các nội dung số, các dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông; (2) có những mô hình kinh doanh mới, hoạt động kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, nhờ có công nghệ số mới xuất hiện và phát triển mô hình kinh doanh, hoạt động kinh tế đó, như thương mại điện tử, gọi xe công nghệ (kinh tế chia sẻ); (3) các ngành kinh tế truyền thống, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ truyền thống thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, chuyển những bộ phận đó thành kinh tế số. Đánh giá thành tựu phát triển kinh tế số của Việt Nam những năm qua, Đề tài sẽ đánh giá theo từng bộ phận này.

 

Các Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy[4] lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (công nghiệp ICT) ở nước ta có sự phát triển vượt bậc, trong 5 năm từ 2016-2020, tốc độ tăng trưởng trung bình là 26,1%/năm, thuộc tốp đầu các nước Đông Nam Á (ASEAN), trở thành ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho xuất khẩu và ngân sách nhà nước. Về số lượng doanh nghiệp thông tin và truyền thông (bao gồm doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, doanh nghiệp nội dung số, dịch vụ số): năm 2016, có 24.501 doanh nghiệp; năm 2018 có 30.000 doanh nghiệp; năm 2020, có 45.000 doanh nghiệp (tăng gần gấp 2 lần, 84% so với năm 2016). Về doanh thu: năm 2016: tổng doanh thu đạt 60,7 tỷ USD, năm 2018: 98,9 tỷ USD (hơn 1,5 lần năm 2016, gấp 13 lần năm 2010: 7,6 tỷ USD) và năm 2020: 120 tỷ USD (gấp 2 lần năm 2016 và gấp 25 lần năm 2010).

Phân tích sâu hơn về 3 năm gần đây. Năm 2018, trong Tổng doanh thu công nghiệp ICT 98,9 tỷ USD, ngành công nghiệp phần cứng, điện tử phát triển nhanh nhất, đạt 91,5 tỷ USD chiếm 89% tổng doanh thu của toàn ngành, phần mềm đạt 4,45 tỷ USD, nội dung số đạt 825 triệu USD, dịch vụ công nghệ thông tin đạt 5,18 tỷ USD; xuất khẩu thiết bị do ngành sản xuất, trong đó lớn nhất là điện thoại di động và thiết bị phát sóng trên 83,0 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2018, là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước; đóng góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Năm 2019, Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT là 112,50 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 91,5 tỷ USD, chiếm 81,5% tổng doanh thu, tiếp tục là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đất nước, nộp cho ngân sách nhà nước 54.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với năm 2018.

Năm 2020, trong tình hình nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành Công nghiệp ICT của Việt Nam vẫn phát triển với tốc độ cao. Tổng doanh thu 120 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng, điện tử 107 tỷ USD (xuất khẩu hơn 93 tỷ USD), phầm mềm: 5 tỷ, công nghiệp nội dung số hơn 900 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng là 14,7%, cao hơn 5 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,91%, giảm sút vì đại dịch Covid-19).

 

Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghiệp sản xuất phần cứng, thiết bị điện tử; viễn thông; cụ thể là: đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, đứng thứ 10 về sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và số 3 trong số 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là những sản phẩm xuất siêu lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam (năm 2019, xuất siêu 28 tỷ USD).

Nhiều tập đoàn, công ty điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư sản xuất ở Việt Nam, như SamSung, Intel, Dell, LG, Foxcom... để sản xuất, lắp ráp các linh kiện, thiết bị điện, điện tử, máy tính, điện thoại di động hiện đại, xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp công nghiệp điện tử, thông tin của Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, quy mô, nâng cao về chất lượng, phạm vi hoạt động. Một số doanh nghiệp Việt Nam, tiêu biểu như Viettel, FPT, VNPT, đã đầu tư ra nước ngoài, kinh doanh ở thị trường nước ngoài, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đến nay, Viettel đã triển khai kinh doanh chính thức, xây dựng được uy tín, hình ảnh tốt ở 10 quốc gia, trở thành một trong 30 nhà mạng lớn nhất thế giới. Đây là lực lượng quan trọng cho tạo cơ sở và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số ở Việt Nam. Năm 2020, có 68,7 triệu người Việt Nam (70% dân số) sử dụng mạng xã hội, có hơn 136 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó có 52,819 triệu thuê bao băng thông rộng di động (55,34 thuê bao/100 dân). Tên miền quốc gia “.vn” đã vượt mốc nửa triệu, đạt 516.699 tên miền trên hệ thống, tiếp tục đứng số 1 trong ASEAN. Việc Internet hoàn thành chuyển đổi sang giao thức thế hệ mới IPv6 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển các dịch vụ Internet kết nối vạn vật ở Việt Nam. Việt Nam đã hoàn thành số hóa việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; hơn 80% dân số cả nước, cả ở thành thị và nông thôn, đã được xem các kênh truyền hình có chất lượng cao.

 

Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ số của đất nước đã tạo nền tảng cho việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực, như: cho sự phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh tế chia sẻ (gọi xe công nghệ, cho vay ngân hàng P2P...), các ví điện tử, thanh toán trực tuyến; cho phát triển du lịch trực tuyến (thông minh), quảng cáo trực tuyến, truyền thông xã hội (Việt Nam, hiện nay, có hơn 300 trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, rất nhiều forum, diễn đàn...), dịch vụ OTT (như Zalo, Viber, Skype..), trò chơi điện tử; cho xây dựng chính phủ điện tử... Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công nghệ thông tin, công nghệ số đã được ứng dụng để tạo ra các nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến, nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, nền tảng hội nghị trực tuyến... Lợi ích kinh tế, xã hội của những mô hình mới, hoạt động mới này đem lại là hết sức lớn. Ví dụ như, theo thông tin của Văn phòng Chính phủ về hiệu quả đem lại trong việc xây dựng chính phủ điện tử những năm qua: Trục liên thông văn bản thông tin quốc gia khai trương ngày 12/3/2019, đến tháng 12/2020 đã kết nối, gửi, nhận văn bản điện tử 95/95 cơ quan Trung ương và địa phương, với hơn 3,6 triệu văn bản, tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng. Hệ thống thông tin phục vụ các cuộc họp và xử lý công việc của chính phủ (E-Cabinet) đã tiết kiệm được 16 tỷ đồng/năm. Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 1 năm vận hành đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, tiết kiệm được hơn 6.700 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm...

 

 

3. Xây dựng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực

 

- Thương mại điện tử (TMĐT), các giao tịch thương mại, mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến thông qua Internet, các mạng viễn thông và sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong các lĩnh vực kinh tế số ở Việt Nam[5] và thương mại điện tử của Việt Nam cũng có tốc độ tăng tưởng cao hàng đầu các nước Đông Nam Á trong những năm vừa qua (chỉ sau Indonesia). Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển: dân số đông (gần 100 triệu dân), thị trường hàng hóa, dịch vụ lớn, mạng viễn thông phủ kín (gần 100%) lãnh thổ, gần 70 triệu người có điện thoại thông minh và sử dụng Internet có kết nối với quốc tế; người Việt Nam năng động; thương mại điện tử có nhiều ưu thế, thuận lợi hơn so với thương mại truyền thống (như: thủ tục mua bán nhanh, dễ tìm sản phẩm và so sánh chất lượng, giá cả sản phẩm; không bị giới hạn bởi thời gian mua, bán, có thể mua, bán 24/7 - 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần; tiếp cận người mua, người bán không bị giới hạn về địa lý, khoảng cách; chi phí kinh doanh giảm đối với doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn).

Internet trở thành công cụ quan trọng của doanh nghiệp để trao đổi thông tin, giao dịch kinh doanh, mua bán vật tư nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trừ một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng, có website riêng để giới thiệu về doanh nghiêp, về các mặt hàng, các dịch vụ mà mình kinh doanh (điều  mà trước kia, doanh nghiệp phải thực hiện bằng việc in, phát hành sách, báo, ấn phẩm quảng cáo để giới thiệu, phạm vi tác động hẹp). Thông qua website của mình, các doanh nghiệp xúc tiến thương mại,  thiết lập quan hệ với các đối tác trong và nước ngoài, kết nối với thị trường trong nước và ngoài nước; giao dịch, ký kết các hợp đồng mua, bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tuyến. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các nông sản hàng hóa do các hộ nông dân sản xuất, nhiều loại rau, củ, quả, lương thực, thực phẩm, nhờ được đưa lên mạng giới thiệu, quảng bá, tiếp thị mà đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Mua hàng qua mạng đã trở nên phổ biến đối với người dân, nhất là ở các thành phố lớn, của giới trẻ Việt Nam.

 

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (VECITA), Bộ Công thương và ý kiến của các chuyên gia, thương mại điện tử ở nước ta xuất hiện và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XXI, tăng dần và phát triển nhanh từ năm 2016 đến nay, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nhiều hệ thống mạng, kể cả mạng xã hội không chuyên về thương mại điện tử, website của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhưng tập trung vào mạng của các công ty, tổ chức thương mại điện tử.

 

Theo Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 và năm 2020 của Google, Temasek và Bain, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2019 đạt 5 tỷ USD, cao gấp 12,5 lần năm 2015 (0,4 tỷ USD), lớn nhất trong tốp giá trị kinh tế số của Việt Nam năm 2019, hơn 12 tỷ USD (gồm thương mại điện tử 5 tỷ USD, du lịch trực tuyến gần 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến khoảng 3 tỷ USD và gọi xe công nghệ gần 1 tỷ USD); số lượng người mua sắm trực tuyến tăng từ 30,4 triệu người (2015) lên 39,9 triệu người (2019) và mức chi mua sắm trực tuyến của mỗi người cũng tăng từ 160 USD lên 202 USD trong thời gian này. Năm 2020, do đại dịch Covid-19, số người mới tham gia sử dụng dịch vụ trực tuyến của các nước Đông Nam Á tăng thêm 1/3, trong đó Việt Nam là có tỷ lệ người mới tham gia cao nhất; doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước (trong khi hai mảng thương mại điện tử đặt vé máy bay và đặt vé khách sạn trực tuyến giảm sút lớn do đại dịch Covid-19).

Nhiều hình thức thanh toán qua mạng, không dùng tiền mặt đã ra đời để phục vụ hoạt động thương mại điện tử, mua bán trực tuyến, nhất là đối với những giao dịch nhỏ, mua bán lẻ, hàng hóa, dịch vụ cho tiêu dùng; thời kỳ đầu là những thẻ thanh toán, thẻ tín dụng do các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát hành và những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức thanh toán trung gian, nhất là hình thức các ví điện tử. Ở nước ta, đến năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho 37 tổ chức thanh toán trung gian, trong đó có 34 ví điện tử; các ví điện tử lớn, được sử dụng tương đối rộng, có nhiều khách hàng trên thị trường hiện nay, như Momo, Zalopay, Vnpay Moca, Dayoo, Ainpay…. Tính đến hết quý I-2020, có trên 13 triệu tài khoản ví điện tử đã được kích hoạt với tổng số dư khoảng 1,36 nghìn tỷ đồng, hơn 225,6 triệu giao dịch thanh toán đã được thực hiện qua các ví điện tử với tổng giá trị giao dịch hơn 77,7 nghìn tỷ đồng.

 

- Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, 100% doanh nghiệp du lịch Việt Nam xây dựng các trang web, sử dụng các trang web để giới thiệu các sản phẩm của mình với khách hàng; nhiều doanh nghiệp làm các video bằng công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo đưa lên các trang mạng để giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giới thiệu các bảo tàng lịch sử, mỹ thuật, dân tộc của Việt Nam, giới thiệu sự phong phú, độc đáo của ẩm thực ở các vùng, miền của đất nước… với bạn bè quốc tế. Trang mạng Amazing Vietnam cung cấp những thông tin phong phú về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ở các vùng, miền của đất nước; Chương trình “Dọc đường ẩm thực” giúp du khách tìm hiểu những món ăn hấp dẫn của Việt Nam trên hành trình du lịch qua các vùng của đất nước đã thu hút được sự quan tâm theo dõi của khách du lịch ở nhiều quốc gia. Số liệu từ tổng hợp của Hiệp hội các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho thấy: 71% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tham khảo các thông tin trên các trang mạng để chọn điểm đến; 64% khách quốc tế du lịch đến Việt Nam đặt chuyến bay qua các kênh trực tuyến; 40-50% doanh số đặt phòng khách sạn là qua mạng, trong đó 70-80% là đặt qua những trang mạng đặt phòng của nước ngoài, như Agoda, Booking.com; một số trang mạng đặt phòng của Việt Nam, như Gotadi.com, Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.com, Vntrip…., dù đã có những thành công bước đầu, nhưng chiếm thị phần còn khiêm tốn…

 

- Nền tảng số cho hình thành và phát triển kinh tế chia sẻ đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới ở nước ta ở một số lĩnh vực. Một số hãng gọi xe công nghệ nước ngoài, như Uber (Mỹ), sau đó là các hãng Grab (Singapore), GoViet (Indonesia) đã vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam (2015 và 2018), tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các hãng tắc-xi truyền thống, đặt ra nhiều vấn đề mới cho quản lý nhà nước đối với hoạt động tắc-xi. Một số nhà đầu tư trong nước cũng lập ra những doanh nghiệp tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ, như Công ty Be Group (của Ngân hàng VP Bank), Mygo (của Viettel), Vato (của Công ty vận tải Phương Trang), Fastgo (của Tập đoàn Nextech)… nhưng cạnh tranh khó khăn với các hãng gọi xe công nghệ lớn của  nước ngoài. Cho vay ngang hàng (P2P), một mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ số, dịch vụ online để kết nối các nhà đầu tư (cho vay) với các cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để thực hiện các khoản vay (có bảo đảm hay không có bảo đảm) một cách trực tiếp,  không qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng truyền thống, cũng từng bước phát triển ở Việt Nam. Cho vay ngang hàng góp phần tạo nên kênh huy động và tiếp cận các nguồn lực tài chính trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội, như sinh viên, thanh niên, người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, có khá nhiều công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở Việt Nam, như Vaymuon, Huydong, ELoan, Mofin, Tima, LendBiz, VnVon, DragonLend... chủ yếu cho vay tiêu dùng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Có những công ty chỉ cung cấp công nghệ đơn thuần; những công ty này chỉ cung cấp nền tảng công nghệ, làm trung gian kết nối người cho vay và người đi vay và hưởng phí. Có những công ty bên cạnh cung cấp các nền tảng công nghệ còn hợp tác với ngân hàng, tổ chức tín dụng để huy động những người gửi tiền nhỏ trong cộng đồng và cho khách hàng cá nhân vay những khoản nhỏ (thông thường, một công ty cho vay ngang hàng hợp tác, phối hợp với nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng)...

 

 

 

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành y tế được đẩy mạnh, xây dựng nền tảng số để phát triển nền y tế thông minh với 3 trụ cột: phòng bệnh thông minh, khám và điều trị thông minh, quản lý y tế bằng công nghệ thông minh. Mô hình số hóa truyền thông y tế được nhiều bệnh viện từ Trung ương đến địa phương áp dụng. Cổng thông tin trực tuyến Medihub.vn cung cấp các thông tin của ngành y tế về những vấn đề phương pháp điều trị các loại bệnh, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe con người. Hệ thống quản lý lĩnh vực y tế được số hóa. Bộ Y tế thực hiện Đề án bệnh án điện tử ở các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước, cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng công nghệ số ghi lại và lưu trữ tất cả các dữ liệu y tế liên quan đến sức khỏe của người dân trong một hệ thống được quản lý thống nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu của mỗi người, của cả nước. Nhiều bệnh viện đã từng bước triển khai xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, người bệnh có thể đặt lịch khám qua hệ thống mạng của bệnh viện, có thể nhận được số thứ tự khám tự động; sử dụng các cảm biến, máy móc, thiết bị công nghệ số hiện đại để theo dõi sức khỏe của người bệnh: nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, nhịp thở..., để xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, đờm, tế bào, soi, siêu âm, chiếu, chụp các bộ phận trong cơ thể nhanh chóng với độ chính xác cao; sử dụng robot hỗ trợ phẫu thuật, chăm sóc người bệnh; sử dụng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán bệnh, xây dựng nền tảng số để kết nối hệ thống bệnh viện, thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện để các bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo ở bệnh viện địa phương được bác sĩ, thầy thuốc giỏi ở bệnh viện Trung ương khám, điều trị... Y tế là một trong những ngành ứng dụng công nghệ số, xây dựng nền tảng số cho hoạt động cả mình mạnh mẽ và hiệu quả.

 

- Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được đẩy mạnh trong các ngành công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, có chiến lược, chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và kế hoạch thực hiện; tích cực chuẩn bị các yếu tố, điều kiện cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, như đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị nguồn lực tài chính; đổi mới mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quy trình sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ; thiết lập hệ thống mạng, các dây truyền tự động hóa, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức mới; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng, làm chủ công nghệ mới và nghiên cứu phát triển, đổi mới sản phẩm... Nhiều doanh nghiệp xây dựng website để quảng bá về doanh nghiệp, hoạt động và sản phẩm của doanh nghiệp, để kết nối với thị trường, các đối tác trong và ngoài nước, với khách hàng, người tiêu dùng; sử dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhân sự, quản lý tiền lương, bảo hiểm, quản lý tài sản, tài chính của doanh nghiệp; quản lý quá trình sản xuất kinh doanh, giám sát và đánh giá chất lượng sản phẩm qua từng khâu, từng công đoạn sản xuất; quản lý chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc khách hàng sau bán hàng... Tuy nhiên, mức độ thực hiện và hiệu quả đạt được có sự khác biệt lớn giữa các ngành và giữa các doanh nghiệp.

 

Công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột của công nghiệp, của kinh tế đất nước; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên, khuyến khích phát triển trong đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong cơ cấu sản xuất công nghiệp nước ta trong những năm gần đây, có những chuyển biến tích cực, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm dần, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên (năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 20% GDP). Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được quan tâm đẩy mạnh, nhất là ở những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và khoa học công nghệ (các công ty ôtô Trường Hải, Vinfast, công ty cơ khí Hà Nội...). Ngoài những yêu cầu (nội dung) thực hiện chuyển đổi số như mọi doanh nghiệp công nghiệp khác, điểm đặc thù của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, mà nhiều doanh nghiệp đã bước đầu thực hiện là sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR) vào thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, mở rộng không gian cho sự sáng tạo, rút ngắn thời gian, tăng độ chính xác của quá trình này; đầu tư, lắp đặt các máy móc, thiết bị điều khiển bằng công nghệ số, các dây chuyền sản xuất tự động hoạt động theo chương trình cài đặt; sử dụng Internet vạn vật, hệ thống cảm biến để giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất để bảo đảm độ chính xác và chất lượng của sản phẩm chế biến, chế tạo.

 

Trong ngành năng lượng, tiêu biểu là ngành điện, việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, những năm qua, đã đạt được nhiều kết quả. Đối với khối phát điện, các nhà máy điện được trang bị nhiều máy móc, thiết bị công nghệ số, điều khiển từ xa, tự động hóa, hoạt động theo chương trình; thiết bị đo lường theo dõi sát trạng thái vận hành liên tục của các máy móc, thiết bị trong nhà máy về nhiệt độ, áp suất, độ rung, độ ổn định, an toàn, nâng cao hiệu quả và độ an toàn trong hoạt động. Đối với khối truyền tải điện, ngành điện có chương trình xây dựng lưới điện thông minh, xây dựng trung tâm điều khiển từ xa, các trạm biến áp không người trực. Đến nay (2020), đã ứng dụng công nghệ GIS, tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành hệ thống nhanh chóng, hiệu quả; hơn 70% trạm biến áp 220KV và 100% trạm biến áp 110KV đã trở thành trạm biến áp không người trực, được điều khiển từ xa và sử dụng thiết bị bay không người lái giám sát lưới điện. Đối với khối phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, ngành điện đã thực hiện “hợp đồng điện tử” với khách hàng mua, bán điện, lắp đặt thiết bị đo, đếm từ xa, thu thập dữ liệu sử dụng điện trong hơn 50% công-tơ điện đã lắp đặt cho khách hàng, sớm phát hiện được những bất thường trong hệ thống, theo dõi, dự báo được tình trạng quá tải hay mất cân bằng giữa các pha để khắc phục và tiết kiệm được nhiều lao động, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch...

 

- Nông nghiệp là một ngành kinh tế lớn, quan trọng của đất nước; phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc phát triển nền nông nghiệp 4.0, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh được đẩy mạnh. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ xác đinh nông nghiệp là một trong 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số của đất nước. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số nông nghiệp Việt Nam, hệ thống bản đồ số nông nghiệp Việt Nam được triển khai thực hiện tích cực. Ngoài việc phát triển thương mại điện tử, thông qua thương mại điện tử để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản, việc ứng dụng công nghệ số, sử dụng Internet vạn vật, cơ sở dữ liệu số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot, thiết bị bay không người lái... đã được thực hiện trong sản xuất nông nghiệp, cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, ở nhiều địa phương, đô thị, nông thôn, trung du, miền núi cả nước. Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam đã được thành lập và hoạt động tích cực. Trong trồng trọt, có nhiều trang trại trồng rau, hoa, quả trong nhà kính, toàn bộ quá trình sản xuất từ khi gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch đều được tự động hóa theo chương trình, được quản lý, giám sát bởi hệ thống máy tính. Các cảm biến kết nối với Internet thu thập mọi thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, không khí, ánh sáng, các chất dinh dưỡng trong đất, trong nước (với thủy canh)... Cung cấp cho trung tâm điều khiển để điều chỉnh, đáp ứng đúng, chính xác yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, về nước, về các chất dinh dưỡng,... với từng loại cây trồng, trong từng giai đoạn sinh trưởng. Trong chăn nuôi, ở các trang trại lớn, như các trại chăn nuôi bò của các tập đoàn Vinamilk, TH Truemilk, chế độ dinh dưỡng của bò trong trại được quản lý, điều phối bằng hệ thống máy tính phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Các cảm biến nối với hệ thống Internet giúp trung tâm quản lý nắm rõ, theo dõi sát tình hình mọi mặt của trại về nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng không khí... phục vụ cho hoạt động điều tiết của trung tâm. Sử dụng phần mềm quản lý để theo dõi ngăn ngừa bệnh dịch, bảo vệ an toàn sinh học, sức khỏe đàn bò. Robot được sử dụng trong một số khâu công việc, như chuyển thức ăn, vệ sinh chuồng trại; thiết bị bay tự lái (UAV) được sử dụng để quản lý đồng cỏ, quản lý đàn bò khi chăn thả... Trong thủy sản, hệ thống định vị toàn cầu, điện thoại vệ tinh, thiết bị dò cá sử dụng sóng âm được trang bị cho các tàu đánh bắt xa bờ. Công nghệ số được sử dụng trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong Chương trình OCOP (mỗi làng một sản phẩm) của kinh tế nông thôn... Dù quy mô còn nhỏ, kinh tế số đã bước đầu phát triển rộng trong nông nghiệp.

 

 

- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mạng, tấn công mạng. Cùng với sự phát triển của các mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số thì các loại tội phạm mạng, các cuộc tấn công mạng cũng diễn ra hết sức đa dạng, hết sức nghiêm trọng, từ tin giả, tin rác, bịa đặt, bôi nhọ đời tư cá nhân, cá cược, đánh bạc qua mạng, lừa đảo bán hàng đa cấp, đầu tư tài chính đa cấp, đầu tư tiền ảo, chiếm đoạt thông tin, tài khoản để chiếm đoạt tiền, tới tấn công mạng có chủ đích, chiếm đoạt quyền điều khiển, gây rối loạn, gián đoạn hoạt động của các ngành, các lĩnh vực (hàng không, ngành điện, tài chính - ngân hàng...), chiếm đoạt thông tin bí mật thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh... Theo đánh giá của Tập đoàn công nghệ thông tin Bkav (Việt Nam), Công ty bảo mật công nghệ thông tin Kaspersky (Nga), Công ty công nghệ thông tin và kết nối mạng Cisco (Hoa Kỳ), Việt Nam là nước có tỷ lệ tội phạm mạng, tấn công mạng cao, gây thiệt hại lớn. Do đó, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mạng, tấn công mạng là lĩnh vực được Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm. Nhà nước đã ban hành Luật an toàn thông tin mạng (2015) và Luật an ninh mạng (2018), thành lập Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia, lực lượng chuyên trách bảo đảm an toàn, an ninh mạng ở các cơ quan, đơn vị. Nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức cảnh giác của mỗi người khi tham gia mạng, của các cơ quan, đơn vị trong việc bảo vệ an toàn, an ninh thông tin; hoàn thiện quy trình, quy chế quản lý, sử dụng thông tin, đến rà soát, nâng cấp các phần mềm bảo mật, khắc phục các lỗ hổng, tăng cường kiểm tra, phát hiện, sử dụng nghiêm minh các sai phạm theo pháp luật...

Những nỗ lực đó đã có kết quả. Theo dữ liệu từ Công ty bảo mật công nghệ thông tin Kaspersky, số vụ tấn công trực tuyến ở Việt Nam năm 2019 đã giảm 30% so với năm 2018, số vụ tấn công ngoại tuyến cũng giảm hơn 10% so với năm 2018. Kaspersky đánh giá Việt Nam là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, sau Singapore. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2019 của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc, Việt Nam được xếp thứ 50/175 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng, thứ 11/38 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5/11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.  

 
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương



[1], 14 Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương: Kinh tế số Việt Nam năm 2019, triển vọng năm 2020.

[2]

[3] ????????

[4] Các số liệu phần này dẫn theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tổng kết các năm 2019 và 2020.

[5] Thương mại điện tử có nhiều hình thức: giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B), giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp (C2B). giữa người tiêu dùng với nhau (C2C), giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B), chính phủ với người tiêu dùng (G2C).

[6] Cục Thương mại điện tử và kinh  tế số. Sách trắng về thương mại điện tử năm 2019

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết