Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Một số vấn đề đặt ra về cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay

Ngày phát hành: 13/05/2019 Lượt xem 1147

 

1. Bối cảnh của việc tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay

(1) Bối cảnh quốc tế và khu vực

Trong phạm vi trực tiếp liên quan đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, có một số vấn đề về bối cảnh quốc tế và khu vực đáng chú ý là:

- Tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm, chịu tác động đan xen của nhiều nhân tố; không đồng đều giữa các khu vực. PwC (2019) dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 3,5% giai đoạn hiện nay giảm xuống còn khoảng 2,7% giai đoạn 2021 – 2030.  Ngân hàng HSBC (2018) dự báo tăng trưởng các nước phát triển giai đoạn 2018 – 2030 khoảng  1,5% và các nền kinh tế mới nổi ở mức 4,4% (giảm so với mức 1,7% và 4,7% giai đoạn 2010 – 2017).

Những nhân tố hậu thuẫn cho đà tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thời gian tới bao gồm: (1) sự tăng trưởng phục hồi ổn định của các nền kinh tế/khu vực chủ chốt, dù với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước; (2) một số động lực tăng trưởng mới xuất hiện của kinh tế thế giới trong giai đoạn này đặc biệt là sự phát triển nhanh của kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra những đột phá mới hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu[1]; (3) xu hướng thay đổi hợp tác thương mại qua các cơ chế song phương sẽ khắc phục dần việc kém hiệu quả của cơ chế đa phương giúp thương mại thế giới hồi phục. Tăng trưởng thương mại toàn cầu trong trung hạn sẽ có những động lực tăng trưởng mới, nhưng vẫn chứa đựng nhiều rủi ro do bất ổn từ các nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, những rủi ro cản trở đà tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn tồn tại, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại, xung đột thương mại và chủ nghĩa dân túy, chống toàn cầu hóa. Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chậm lại. Các nền kinh tế mới nổi sẽ có triển vọng tăng trưởng thương mại tốt hơn, dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 6% mỗi năm trong giai đoạn đến năm 2030, gần gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu.

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Các nước tăng cường đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Cạnh tranh công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh chiến lược; là nhân tố quyết định trong kinh tế toàn cầu.

- Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại và đầu tư toàn cầu, khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu. Trong giai đoạn 2020-2030, dự kiến các công việc được thực hiện bởi người lao động có tay nghề thấp (ở các nước đang phát triển) dần được thay thế bởi robot (ở các nước công nghiệp), điều này làm đảo ngược dòng chảy thương mại. Tiêu chí để trở thành điểm sản xuất có thể thay đổi, yếu tố chi phí lao động thấp ít quan trọng hơn so với sự sẵn có của lao động kỹ năng, hay cơ sở hạ tầng. Quá trình này có thể làm chậm, thậm chí làm đảo ngược xu hướng hội tụ phát triển; trong đó các nước kém phát triển có xu hướng ngày càng gặp phải bất lợi. Đồng thời, cuộc cách mạng này cũng đặt ra thách thức lớn đối với các nước dựa vào thu hút FDI và xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng thấp trong chiến lược tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

- Tăng cường cạnh tranh đô thị và hình thành các đô thị thông minh. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, tỷ lệ đô thị hóa của thế giới tăng từ mức 55% hiện nay lên khoảng 66-68% vào giữa thế kỷ 21. Các siêu đô thị (dân số trên 10 triệu người) tiếp tục trỗi dậy. Dự báo đến năm 2030 sẽ có 41 siêu đô thị trên thế giới, trong đó có 23 siêu đô thị tại châu Á. Cạnh tranh giữa các đô thị trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Trong các thập kỷ tới các thành phố thông minh sẽ dần thay thế khái niệm thành phố xanh. Các đặc điểm của một đô thị thông minh bao gồm: quản trị thông minh, năng lượng thông minh, nhà ở thông minh, giao thông thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh (quản lý cơ sở hạ tầng bằng công nghệ số), công nghệ thông minh, y tế thông minh và người dân thông minh. Việc phát triển các đô thị thông minh không chỉ góp phần giải quyết áp lực dân số cho các đô thị, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và mang lại cuộc sống văn minh hơn mà còn đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhở các công nghệ sử dụng cho phát triển đô thị thông minh.

- Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên tăng lên. Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề gây hậu quả toàn cầu nghiêm trọng nhất. Khí thải nhà kính dự kiến sẽ làm nhiệt độ hành tinh tăng thêm 3,5-4,0°C vào cuối thế kỷ này. Điều kiện khí hậu, các đợt nóng và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác ngày nay được coi là rất bất thường và chưa từng có sẽ trở thành hiện tượng bình thường mới. Những cơn bão lớn diễn ra thường xuyên hơn; nước biển dâng làm tăng rủi ro triều cường và biến động bất thường về lượng mưa.

- Cạnh tranh giữa các quốc gia về tài nguyên nước, năng lượng tiếp tục gay gắt và tăng khả năng tổn thương của nhiều quốc gia, nhất là ở khu vực châu Á. Hiện một nửa các đập thủy điện của thế giới nằm tại Trung Quốc, có hiện tượng chuyển dòng nam – bắc và Trung Quốc có thể từ chối dòng chảy do khan hiếm. Nhu cầu năng lượng tại Đông Nam Á tăng 80% trong 20 năm tới và dễ bị tổn thương hơn do nhập khẩu dầu nhiều hơn.

- Tăng trưởng xanh và bền vững đang trở thành xu hướng chính của thế giới, các vấn đề xã hội ngày càng được chú trọng

Tăng trưởng xanh và bền vững đang trở thành xu hướng chính của thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.

Thị trường thay đổi với ngày càng nhiều người gia nhập tầng lớp trung lưu khi các nền kinh tế mới nổi có thể duy trì nhịp tăng trưởng bền vững như hiện nay.Thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các vấn đề xã hội ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống sẽ được quan tâm, giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng.

(2) Bối cảnh trong nước

- Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều nhưng chưa tạo được nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế những năm gần đây đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên, bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút FDI lớn. Khu vực tư nhân ngày càng có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tỷ lệ nợ công cao, nợ xấu lớn, cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong khi khả năng huy động vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng khó khăn hơn khi nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế để đón bắt những xu hướng đổi mới sáng tạo của cuộc CMCN 4.0. Năng lực thể chế có cải thiện trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp. Năng lực cạnh tranh quốc gia không có nhiều cải thiện. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp.Với độ mở của nền kinh tế lớn, rủi ro của kinh tế thế giới sẽ có tác động đến Việt Nam nhanh hơn và sâu sắc hơn. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn[2].

- Hội nhập quốc tế sâu rộng tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy cải cách thể chế

Việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ mại tạo điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ; qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại, đặc biệt đối với các hiệp định thương mại thế hệ mới về cải cách hệ thống pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó khu vực tư nhân - động lực mới cho tăng trưởng sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ.

- Vị thế địa chính trị và địa kinh tế vừa giúp Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế song cũng tạo những sức ép lớn.

Trong môi trường cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng quyết liệt, xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư cạnh tranh tìm nơi đầu tư an toàn và có khả năng thu hồi vốn cao. Cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Với vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư ổn định và tham gia các hiệp định thương mại sẽ là yếu tố thúc đẩy thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

 Tuy nhiên, sự trỗi dậy sức mạnh của Trung Quốc với những thay đổi trong chiến lược mới đặt ra nhiều thách thức và sức ép lớn hơn đối với Việt Nam (trong giải quyết lợi ích kinh tế trên Biển Đông; an ninh nguồn nước; xử lý các vấn đề liên quan đến hợp tác đầu tư, thương mại và tiền tệ với Trung Quốc).

- Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội cho hiện đại hóa, lại vừa đặt ra thách thức về giáo dục – đào tạo và trọng dụng nhân tài

Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hình thành nền kinh tế số dự báo sẽ đem đến cho kinh tế Việt Nam cơ hội thay đổi cách thức sản xuất, thương mại và tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động. Thương mại điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế các hình thức giao dịch thương mại, sản xuất truyền thống. CMCN 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế đổi mới – sáng tạo. Đây là cơ hội để Việt Nam tiến thẳng vào công nghệ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tuy nhiên, cuộc CMCN này sẽ khiến cho phương thức sản xuất của một số ngành nghề mà Việt Nam đang phát triển với lợi thế lao động giá rẻ, lao động phổ thông không còn phù hợp dẫn đến nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp. Đồng thời, nếu không tận dụng được cơ hội này, Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, dễ sa lầy trong bẫy lao động giá rẻ, bẫy công nghệ lạc hậu do các nước đẩy mạnh đổi mới công nghệ.

- Xu hướng đô thị hóa nhanh vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, lại vừa đặt ra nhiều yêu cầu mới đối vớí việc quản trị quá trình này, đặc biệt là khía cạnh xã hội

 Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội. Liên Hợp Quốc dự báo một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở đô thị vào năm 2040. Quá trình đô thị hóa của Việt Nam diễn ra nhanh chóng sẽ kéo theo sự gia tăng mạnh lượng người di cư, tạo sức ép lớn về huy động vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo và ô nhiễm môi trường đô thị.

- Già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng dẫn đến áp lực hệ thống an sinh xã hội. Việt Nam đã được hưởng lợi thế từ cơ cấu “dân số vàng” với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao đã giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Lợi thế đó đang giảm dần với tỷ lệ số dân trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vào năm 2013 và đang trên đà đi xuống. Trong thời gian tới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy nước ta chỉ mất khoảng 27 năm chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già” (khi người cao tuổi chiếm 20% dân số cả nước), trong khi các quốc gia khác phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già (Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Australia 73 năm, Mỹ 69 năm, Canada 65 năm[3]. Hệ quả của vấn đề này tạo tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Đồng thời, các gánh nặng đối với quỹ bảo hiểm hưu trí và đầu tư cho hệ thống y tế sẽ là những thách thức nghiêm trọng đối với ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.

- Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng doãng rộng. Trong khi khoảng cách chênh lệch giàu/nghèo ở khu vực thành thị đang có xu hướng giảm dần, thì ngược lại, ở khu vực nông thôn lại đang tăng lên. Chênh lệch thu nhập của người dân giữa các thành phố và các vùng miền làm cho chênh lệch giàu/nghèo trên phạm vi cả nước có xu hướng gia tăng. Các hộ gia đình dân tộc thiểu số, các hộ gia đình có trình độ học vấn thấp ít có cơ hội hưởng lợi từ các quá trình tăng trưởng.

- Gia tăng tầng lớp trung lưu tạo các cơ hội và thách thức mới. Ngân hàng Thế giới dự báo đến năm 2035 sẽ có một nửa dân số Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu và là một trong năm quốc gia có tầng lướp trung lưu gia tăng mạnh mẽ[4]. Dự  báo từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở nước ta có xu hướng ngày càng tăng nhanh, năm sau gia tăng cao hơn năm trước và tăng nhiều hơn so với tăng bình quân hàng năm của giai đoạn 2011- 2018. Nguyên nhân cơ bản của xu hướng này được thể hiện ở thành tựu giảm nghèo duy trì liên tục trong nhiều năm, cũng như chất lượng và năng suất lao động không ngừng được cải thiện trong những năm qua.

Tầng lớp trung lưu chiếm ưu thế sẽ giúp Việt Nam nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tiết kiệm, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, kích thích sản xuất, qua đó tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, giam bớt được tác động từ những cú sốc từ bên ngoài[5]. Đồng thời, sự gia tăng của tầng lớp này cũng đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao chất lượng dịch vụ công và xây dựng xã hội minh bạch, hiệu quả hơn.

- Biến đổi khí hậu ngày càng nhanh và tác động mạnh hơn. Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Từ nay đến năm 2030, xu hướng BĐKH ở nước ta sẽ ngày càng diễn ra phức tạp, khó lường và có dấu hiệu diễn biến nguy hiểm hơn so với giai đoạn 2011- 2018 nói riêng và cho phát triển bền vững của đất nước nói chung. Vấn đề này thể hiện ở xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn với cường độ cũng mạnh hơn. Những hiện tượng thời tiết cực đoan khác ngày nay được coi là rất bất thường và chưa từng có sẽ trở thành hiện tượng bình thường mới. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu.

- Các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn tài nguyên nước. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt[6].

2. Nhận dạng những vật cản đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng

Hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gặp một số nhân tố đang gây khó (vật cản), bao gồm:

- Nhận thức chưa thống nhất, hiểu khác nhau về nội dung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, nội hàm của cả hai nội dung này được xác định một cách rất rộng nên khi triển khai thực hiện, mỗi nơi làm một khác. Ví dụ, mô hình tăng trưởng là mô hình “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp…”

- Quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều lực cản bởi “lợi ích nhóm”, cố tình gây khó khăn, trì hoãn… khi động chạm tới lợi ích của họ.

- Nguồn lực (tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ…) còn nhiều hạn chế.

3. Một số giải pháp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng tăng trưởng kinh tế theo hướng bao trùm, bền vững

(1) Quan điểm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cho đến nay, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn bị đánh giá là quá chậm chạp. Trong khi, khoảng cách với các nước phát triển hơn trên thế giới và khu vực vẫn cứ tiếp tục doãng ra. Đặc biệt, với nhịp độ và cách thức thực hiện như hiện tại, chắc chắn rất khó vượt qua được thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng.

- Coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược mới, là động lực chủ yếu để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.

- Vừa khuyến khích, vừa quyết liệt loại bỏ những gì là vật cản quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần có chế tài xử lý những đơn vị, cá nhân gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ này.

(2) Một số giải pháp chủ yếu

- Thống nhất nhận thức, đổi mới cách tiếp cận vấn đề cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trước đây coi cơ cấu lại nền kinh tế “gắn với” đổi mới mô hình tăng trưởng. Đề nghị nên coi cơ cấu lại nền kinh tế “để (thực hiện)” đổi mới mô hình tăng trưởng, tức đây là một quá trình thống nhất; không phải quá trình riêng rẽ nên cần phải được “gắn lại” với nhau.

- Tăng cường huy động và khơi dậy các nguồn lực cho cơ cấu lại nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng (vốn, nhân lực, khoa học – công nghệ, thông tin).

- Xây dựng thế chế hỗ trợ mạnh mẽ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, cũng cần có chế tài để bảo đảm việc thực hiện tiến trình này đúng tiến độ, đúng phương hướng đặt ra.

- Xác định hệ tiêu chí đánh giá việc thực hiện và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

 

PGS.TS Bùi Tất Thắng

 



[1]Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF (2018), sau một thập kỷ trì trệ năng suất, cuộc CMCN 4.0 dự kiến sẽ tạo ra tới 3,7 nghìn tỷ đô la giá trị vào năm 2025 nhờ các công nghệ IoT, robot và in 3D giúp năng suất tăng. Sự phát triển của kinh tế chia sẻ, chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc và xu hướng tăng cường ký kết FTA tại các nền kinh tế đang phát triển cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy lưu thông vốn và hàng hóa, tăng cường vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ

[2] Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6,0%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, và bằng mức Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, và bằng mức Hàn Quốc năm 2015[2]. Còn nếu tốc độ tăng trưởng chỉ là 5,5%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%), thì GDP theo đầu người năm 2030 sẽ đạt xấp xỉ 12.900 USD, tương đương với mức thu nhập của Ma-lai-xi-a năm 2000. Đến năm 2045, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 31.000 USD, và xấp xỉ bằng mức Hàn Quốc năm 2011. Những con số trên cho thấy thậm chí với việc duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7%/năm thì đến năm 2030 hay 2045, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

[3] Dự báo từ nay đến năm 2030, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra ngày càng nhanh hơn so với giai đoạn 2011-2018. Nguyên nhân chủ yếu của xu hướng này là: (i) Nước ta có mức sinh thấp và đã đạt mức sinh thay thế, cũng như liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh ở mức dưới 2,1 con từ nhiều năm trở lại đây; (ii) Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng và đã vượt trung bình thế giới kể từ năm 2015 (tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2 tuổi năm 2015, trong khi của thế giới là 69 tuổi). Tuổi thọ trung bình hiện nay ở nước ta đã đạt 73,5 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

[4] Báo cáo "Đông Á phục hưng: Điều hướng trong một thế giới đang thay đổi" của Ngân hàng Thế giới

[5]Tính toán cho thấy, bình quân mỗi ngày chi tiêu tối thiểu của tầng lớp trung lưu ở năm 2030 là khoảng 675 triệu USD theo giá sức mua tương đương năm 2011, trong khi mức chi tiêu này ở năm 2021 là 434 triệu USD.

[6] Một số dự báo cho thấy nếu tiếp tục khai thác như hiện nay, trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam chỉ đủ khai thác thêm trong khoảng 34 năm; khí thiên nhiên chỉ còn 63 năm còn than đá chỉ còn khai thác được 4 năm trong khi đây đang là những nguồn đầu vào chính cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết