Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phòng chống tham nhũng: Kinh nghiệm Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam ​

Ngày phát hành: 21/06/2021 Lượt xem 1822

 

Năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và cũng trải qua hơn 40 năm cải cách mở cửa. Trong suốt quá trình cách mạng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng giữ vị trị cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, từ Đại hội XVIII đến nay, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với “hạt nhân” là Tổng Bí thư Tập Cận Bình rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, chủ trương xây dựng Đảng nghiêm minh toàn diện, trong đó nhấn mạnh “then chốt ở số ít” (cán bộ và đảng viên). Công tác xây dựng Đảng bao gồm công tác chính trị tư tưởng, ưu hóa tổ chức, thay đổi tác phong, chống tham nhũng và kiện toàn quy định, chế độ. Nhân tố có ý nghĩa then chốt trong xây dựng Đảng là tư tưởng chính trị, đường lối đúng đắn của Đảng; vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; quy định kiện toàn.

Ở Việt Nam, hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII đều có riêng Nghị quyết về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định nhiệm vụ quan trọng này.

Bài viết này sẽ phân tích kinh nghiệm ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thực tiễn Việt Nam.

 

100.000 quan chức Trung Quốc bị bắt vì liên quan đến tham nhũng trong 2 năm 2014-2015 (Ảnh: Reuters)

 

1. Chủ trương, quan điểm về phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng ở Trung Quốc

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII, Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho rằng muốn giải quyết tốt mọi việc của Trung Quốc, then chốt nằm ở Đảng, Đảng phải quản lý Đảng, quản lý Đảng phải nghiêm[1]. Then chốt ở Đảng chính là việc lãnh đạo và quản lý đất nước, là đội ngũ cán bộ, đảng viên với vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, “then chốt ở số ít[2] (cán bộ, đảng viên), “rèn sắt thì bản thân phải cứng” (vai trò của đảng viên),... Đảng viên và các tổ chức đảng phải tuân thủ “8 điều quy định”[3], xóa bỏ “4 tác phong”[4] là: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và tác phong xa xỉ, đặc biệt các cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu, tiên phong. Cán bộ, đảng viên phải tuân thủ “Chuẩn mực sinh hoạt chính trị và giám sát trong Đảng (Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 6 khóa XVIII).

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khái quát 4 nguy cơ: “tinh thần buông thả, năng lực yếu kém, xa rời quần chúng, và tham nhũng tiêu cực”[5]. Suy cho cùng, đó là sự tha hóa về phẩm chất chính trị của người đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp. Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương và đẩy mạnh xây dựng Đảng, quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện.

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo sau Đại hội XVIII, Tập Cận Bình với tư cách là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quyết tâm tập trung lực lượng tuyên chiến với nạn tham nhũng, đánh đổ các tập đoàn lợi ích, tạo đột phá khẩu, mở đường cho quá trình cải cách theo chiều sâu và toàn diện. Chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Tập Cận Bình tổ chức và lãnh đạo không những nhằm “đánh hổ”, “diệt ruồi”, mà còn “bắt cáo” (“hổ”, “ruồi”: những kẻ tham nhũng các cấp; “cáo” là chỉ những kẻ tham nhũng chạy ra nước ngoài), được bài binh bố trận chặt chẽ, tiến hành rất quyết liệt và được quần chúng ủng hộ. Chống tham nhũng không thể chỉ giải quyết từ ngọn mà TBT Tập Cận Bình chủ trương còn phải giải quyết từ gốc bằng cách đi sâu cải cách thể chế, quản lý đất nước bằng luật pháp. Xây dựng thể chế, chế độ để “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng” mới là điều quan trọng và hiệu quả.

Trung ương Đảng và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đã xây dựng“8 quy định” về việc thực hiện cải tiến tác phong làm việc, liên hệ mật thiết với quần chúng; triển khai phong trào giáo dục đường lối quần chúng của Đảng; tập trung xóa bỏ “4 tác phong” là chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và tác phong xa xỉ, đặc biệt các cán bộ lãnh đạo cần gương mẫu, tiên phong.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong đảng được coi là chủ trương, giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phòng chống tham nhũng và tha hóa quyền lực. Đáng chú ý là công tác giám sát thanh tra (巡视:tuần thị) của Trung ương Đảng. Vấn đề “bảo đảm tư pháp công bằng, nâng cao hiệu lực và sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống tư pháp” trở thành mục tiêu tổng thể của cải cách tư pháp sau Đại hội XVIII. Cải cách tư pháp được tiến hành với danh mục lựa chọn các nội dung của ngành tư pháp.

 

2. Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt xây dựng Đảng về chính trị lên vị trí hàng đầu

Từ Đại hội XVIII, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đội ngũ đảng viên vẫn tiếp tục được tăng cường theo phương châm vừa có đức, vừa có tài, lấy đức làm đầu và nhiều tiêu chuẩn cụ thể khác. Một cán bộ tốt không chỉ nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác, lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc mà còn cần phải “nhanh chóng cập nhật kiến thức, tăng cường rèn luyện trong thực tiễn, làm cho tu dưỡng chuyên môn và năng lực công tác theo kịp bước tiến thời đại”[6]. Giáo dục tư tưởng được ví như là sự bổ sung “canxi” tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Niềm tin lý tưởng là “canxi” của tinh thần, nếu tinh thần thiếu “canxi” sẽ dẫn đến bệnh “loãng xương”, sẽ dẫn đến biến chất về chính trị, tham ô về kinh tế, hủ bại về đạo đức, tha hóa về lối sống”[7]. Tháng 2 năm 2016, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triển khai chương trình giáo dục “học tập quy định, Điều lệ Đảng, học tập các bài phát biểu, làm một đảng viên đủ tư cách”.

 Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu chủ trương “xây dựng Đảng về chính trị đặt lên vị trí  hàng đầu”. Báo cáo chính trị Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh “kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, kiên trì Đảng quản lý Đảng, quản lý nghiêm minh, toàn diện,.. lấy xây dựng Đảng về chính trị làm thống lĩnh, kiên định niềm tin lý tưởng,…đi sâu thúc đẩy đấu tranh chống tham nhũng, không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng Đảng,...[8] ; xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng mang tính cơ bản, quyết định phương hướng và hiệu quả của công tác xây dựng Đảng, toàn Đảng phải tăng cường “Bốn ý thức”[9].

Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới được khẳng định tại Điều lệ Đảng (Đại hội XIX) và qua kỳ họp lưỡng hội năm 2018 đã được ghi vào Hiến pháp, trở thành tư tưởng chỉ đạo tiến trình cải cách mở cửa, hiện đại hóa hướng tới mục tiêu cường quốc của Trung Quốc. “Tư tưởng Tập Cận Bình” được coi là kết quả của quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Xây dựng và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện là phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc “tư tưởng Tập Cận Bình”, ủng hộ quyền uy của Trung ương, ủng hộ “vai trò hạt nhân lãnh đạo” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Đại hội XIX đưa chủ trương “Đảng lãnh đạo các mặt công tác”, “bao quát toàn cục, điều phối các bên”[10]. Đảng kiên trì hệ thống giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác[11]. Đồng thời với đó là phải quán triệt, thực hiện các mục tiêu do Đại hội XIX đề ra.

 

3. Vai trò của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng

Theo thống kê năm 2019, Trung Quốc có 4.681 triệu tổ chức cơ sở đảng với 91.914 triệu Đảng viên[12]. Đây là lực lượng chính và là cơ sở để Đảng Cộng sản Trung Quốc triển khai các mặt công tác. Đây cũng là lực lượng lãnh đạo xã hội, lực lượng nòng cốt trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là lực lượng then chốt trong quản trị quốc gia.

Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định Đảng đang đối diện với “4 nguy hiểm”, đó là: tinh thần rệu rã, năng lực không đủ, thoát ly quần chúng, tham nhũng tiêu cực) và “4 thách thức”, đó là: thách thức của cầm quyền, thách thức của cải cách mở cửa, thách thức của kinh tế thị trường và thách thức của môi trường bên ngoài)[13]. Để vượt qua được những khó khăn và thách thức nêu trên, đồng thời giành được sự tin tưởng và ủng hộ của quần chúng nhân dân, từ đó củng cố sức quy tụ, nâng cao sức sáng tạo, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, thực hiện chấn hưng dân tộc, đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc v.v...cần phải có sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản, trong đó cán bộ, đảng viên đóng vai trò nòng cốt, vai trò tiên phong gương mẫu, tổ chức cơ sở đảng đóng vai trò tổ chức nền tảng.

Vai trò quyết định của Đảng Cộng sản đối với tiến trình cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước Trung Quốc là tư tưởng, đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhân tố then chốt trong xây dựng Đảng nghiêm minh toàn diện. Đồng thời với quá trình trên là việc hoàn thiện các quy chế trong đảng, tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng chống tham nhũng.

 

4. Phòng chống tham nhũng, xây dựng cơ chế giám sát

Thủ tướng Trung Quốc (nhiệm kỳ 2008-2013) Ôn Gia Bảo phát biểu: "trong thời bình, tham nhũng là nguy cơ lớn nhất với một đảng cầm quyền, và lý do căn bản của tham nhũng là quyền lực không được giám sát và ràng buộc một cách hiệu quả"[14].

Từ Đại hội XVIII đến nay, Trung Quốc đang tiến hành công cuộc chống tham nhũng rất mạnh tay. TBT Tập Cận Bình thực hiện cải cách cơ chế chống tham nhũng. Từ việc chống tham nhũng của TBT Tập Cận Bình có thể thấy mấy kinh nghiệm: (1) Cần đặt chống tham nhũng ở vị trí quan trọng hơn, nếu không đạt được kết quả toàn đảng, toàn dân công nhận thì không thể mở đường cho cải cách. (2) Phải có quyền lực mạnh, thực hiện “quyết liệt”; (3). Chống tham nhũng phải kết hợp với cải cách  thể chế và cơ chế chống tham nhũng.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII (tháng 10/2016) thông qua Điều lệ Giám sát trong Đảng[15]. Đây là bước quan trọng nhằm thúc đẩy quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, kiên trì kết hợp dùng tư tưởng xây dựng Đảng với dùng cơ chế quản lý Đảng.

Báo cáo Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ rõ: “Xây dựng hệ thống giám sát do Đảng thống nhất chỉ huy, bao phủ toàn diện, quyền uy hiệu quả, kết nối thông suốt giữa giám sát trong đảng với cơ quan giám sát quốc gia, giám sát dân chủ, giám sát tư pháp, giám sát quần chúng, giám sát dư luận, tăng cường năng lực giám sát tổng hợp”[16]. Điều này cho thấy xu hướng cải cách bộ máy cơ quan giám sát mang tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương là một nhu cầu trong quá trình cải cách thể chế ở Trung Quốc giai đoạn hiện nay.

Hiến pháp sửa đổi (2018)[17] của Trung Quốc khẳng định sự ra đời của hệ thống giám sát từ Trung ương tới địa phương. Ủy ban Giám sát quốc gia là cơ quan giám sát tối cao, do Quốc hội phê chuẩn, có vai trò ngang với Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao. Đồng thời, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua Luật Giám sát nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc cải cách giám sát ở Trung Quốc cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc trong cải cách chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

 

5. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, nâng cao năng lực quản trị quốc gia

Phòng chống tham nhũng  thúc đẩy quản trị nhà nước, góp phần xây dựng xã hội pháp quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý đất nước, nâng cao uy tín và niềm tin của người dân đối với Đảng.

Qua hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đối mặt với thách thức của các nhóm lợi ích, những lỗ hổng thể chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là quyền lực không được chế ước và giám sát chặt chẽ. Việc hình thành hệ thống giám sát, tiêu biểu là Ủy ban Giám sát quốc gia là cách làm mới của Trung Quốc.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2018), Hiến pháp (2018) đã được thông qua. Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định sự ra đời của Ủy ban Giám sát quốc gia - cơ quan giám sát tối cao, do Quốc hội bầu ra. Đánh dấu sự hình thành của hệ thống giám sát các cấp, có chức năng ngang hàng với cơ quan hành chính, tòa án, kiểm sát.

Nghị quyết về cải cách các cơ quan Đảng và Nhà nước được Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX[18] ĐCS Trung Quốc thông qua. Phương án cải cách các cơ quan Đảng và nhà nước đã được Quốc hội thông qua với việc hình thành 26 bộ, ủy ban thuộc Chính phủ (Quốc Vụ viện) Trung Quốc. Đây là lần cải cách cơ quan nhà nước có liên quan tới nhiều cơ quan đảng, nhà nước, bộ ngành. Trọng tâm cải cách các cơ quan lần này là nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, tích hợp các đầu mối, nâng cao hiệu quả, tăng cường ràng buộc, giám sát.

Cải cách các cơ quan Đảng và nhà nước ở Trung Quốc đợt này cho thấy sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với mục tiêu dốc sức cho xây dựng cường quốc, các cơ quan đảng và nhà nước tập trung vào nâng cao hiệu quả, chất lượng và phối hợp công tác. Xây dựng hệ thống chính trị cho mục tiêu “kiến tạo” phát triển, phục vụ mục tiêu “cường quốc”. Cải cách cơ quan Đảng và Nhà nước Trung Quốc năm 2018 cho thấy quá trình không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trình độ cầm quyền, nâng cao năng lực hệ thống quản trị quốc gia của Trung Quốc.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX của ĐCS Trung Quốc năm 2019 thông qua “Nghị quyết về kiên trì và hoàn thiện chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và nâng cao năng lực quản trị quốc gia[19]. Nghị quyết đặt trọng tâm không ngừng cải cách cơ chế, thể chế quản trị quốc gia, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, tăng cường và hoàn thiện hệ thống giám sát trong đảng và giám sát quốc gia.

 

6. Thực tiễn ở Việt Nam và một số gợi ý chính sách.

Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt nam đánh giá: “Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết trung ương 4 và việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tạo được chuyển biến tích cực bước đầu trong việc ngăn chặn trên một số mặt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đực, lối sống trong Đảng, khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”[20]. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghieem trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viênchuwa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số ít cán bộ đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[21]

          Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Nghị quyết chỉ rõ 27 biểu hiện của 3 nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được tiến hành trong cả nước, ở các cấp bộ, ngành và địa phương.

          Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt”[22], tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Vì vậy, Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định: “ Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng , đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức; củng cố nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ cao cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới[23]

          Từ kinh nghiệm thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, công tác phòng chống tham nhũng của Trung Quốc và thực tiễn ở Việt Nam chúng tôi kiến nghị một số điểm như sau:

Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ thường xuyên và phải được đặc biệt quan tâm mọi lúc, mọi nơi.  Văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII nêu rõ: “Tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.”[24]

 

Thứ hai,  Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng. Phải có chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có đủ đức, đủ tài để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo công tác cán bộ được toàn diện.

 

Thứ ba, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng và nhà nước ở tất cả các cấp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp quy liên quan. Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái; tiến hành phòng chống kiên quyết; đặt lợi ích của nhân dân và đất nước lên trên hết.

 

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách trên nền tảng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đảm bảo có cơ chế khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ có đức, có tài, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

 

Thứ năm, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng; không ngừng nâng cao năng lực quản trị quốc gia; kiện toàn hệ thống đổi mới quốc gia.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự là nhiệm vụ then chốt và thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo, tiên phong của Đảng cầm quyền. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sai lầm, suy thoái về đạo đức, lối sống và ngược lại. Vấn đề có tính nguyên tắc là phải thường xuyên quan tâm chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng; ra sức xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam. Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền, hoàn thiện hệ thống quản trị quốc gia trong bối cảnh mới./.

 

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương;

 TS. Nguyễn Xuân Cường

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam



[1] http://news.sina.com.cn/c/nd/2016-10-27/doc-ifxxfuff6960217.shtml

[2] http://www.gov.cn/xinwen/2015-02/07/content_2816078.htm

[3] http://www.xinhuanet.com/politics/2012-12/04/c_113906913.htm

[4] http://news.12371.cn/2017/12/26/ARTI1514299446288460.shtml

[5] Hồ Cẩm Đào: “Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc” / http://cpc.people.com.cn/GB/64093/64094/15053924.html

[6]Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Lễ kỷ niệm 95 năm thành lập ĐCS Trung Quốc ngày 1 tháng 7 năm 2016

[7]Tập Cận Bình: “Bài phát biểu của Tập Cận  Bình tại Hội nghị tổng kết đợt hoạt động giáo dục thực tiễn lần thứ nhất, triển khai đợt hoạt động lần thứ hai, Tạp chí “Nghiên cứu xây dựng Đảng, só 2 năm 2014.

[8] Báo cáo chính trị Đại hội 19 ĐCS TQ

[9] ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức cốt lõi, ý thức bao quát/  sự lãnh đạo của Đảng, của BCH Trung ương

[10] http://www.xinhuanet.com/politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm

[11] http://www.xinhuanet.com/politics/19cpcnc/2017-10/27/c_1121867529.htm

[12] http://www.gov.cn/xinwen/2020-06/30/content_5522999.htm

[13] http://www.chinareform.org.cn/Explore/explore/201107/t20110708_115470.htm

[14] http://news.xinhuanet.com/politics/2010-09/19/c_12586056.htm

[15] http://www.xinhuanet.com/politics/2016-11/02/c_1119838242.htm

[16] Báo cáo Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18 tháng 10 năm 2017

[17] http://www.xinhuanet.com/politics/2018lh/2018-03/22/c_1122572202.htm

[18] http://www.gov.cn/xinwen/2018-03/04/content_5270704.htm

[19] http://www.xinhuanet.com/2019-11/05/c_1125195786.htm

[20]Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXBCTQG-ST, tr 183

[21] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXBCTQG-ST, tr 185

[22] Văn kiện Đại hội XIII, NXB CTQG-ST, tr 73

[23] Văn kiện Đại hội XIII, NXB CTQG-ST tr 180

[24] Văn kiện Đại hội XIII, NXB CTQG-ST tập 2, tr 229

 

 

 


 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết