Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh – bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới qua tác động của đại dịch COVID-19

Ngày phát hành: 10/09/2020 Lượt xem 3445

 

I. Đại dịch Covid-19:  Bản chất kinh tế của vấn đề  

- Đại dịch Covid-19 làm xáo trộn hoạt động bình thường của thế giới. Lần đầu tiên, Kinh tế học Y tế trở thành một đề tài không thể không đem ra mổ xẻ một cách chi tiết. Đây là vấn đề không mới, nhưng cách nhìn nhận về vấn đề này không nên chỉ dừng lại theo cách truyền thống, cả ở khía cạnh vi mô lẫn vĩ mô. Lâu nay, Kinh tế học Y tế được xếp vào nhóm các bộ môn của Khoa Kinh tế công cộng, với hàm ý là y tế thuộc lĩnh vực đầu tư công; mặc dù ngày nay, trên thế giới y tế là mảng kinh tế tư nhân đầu tư rất lớn. Ở khía cạnh vi mô thì việc coi sóc sức khỏe cá nhân và gia đình là rất rõ ràng và dễ hiểu, cả ở khía cạnh đời sống thực tế lẫn khía cạnh kinh tế. Ở khía cạnh vĩ mô thì việc phân tích vấn đề chủ yếu là trên lý thuyết (lý thuyết Chi phí cơ hội) và hành xử theo kinh nghiệm (thói quen) của nhiều trăm năm không xuất hiện loại hình kiểu như dịch bệnh Covid-19. Vậy nên, khi xảy ra dịch Covid-19, thế giới tỏ ra lúng túng trong nhận thức và hành động. Bằng chứng là các phản ứng có phần chậm chạp của WHO, các cách phản ứng chống dịch khác nhau của các nước….

- Phải coi dịch Covid-19 là một cuộc đại khủng hoảng lần đầu tiên (chưa có tiền lệ) trong lịch sử thế giới hiện đại. Đây không phải chỉ là khủng hoảng kinh tế thông thường, mà là khủng hoảng liên quan trực tiếp đến sinh mệnh (sự sống-chết) của con người. Khủng hoảng sự sống trước khủng hoảng kinh tế. Vậy nên, những kinh nghiệm về giải pháp chống suy thoái kinh tế thông thường lâu nay vẫn áp dụng có thể không đủ. Cụ thể là:

+ Ưu tiên cứu người trước. Nhiều khoản chi không tính lỗ - lãi thông thường được. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường hoàn toàn không phải tính tới yếu tố này! Vậy nên, sức chịu đựng của năng lực y tế và ngân sách quốc gia, từng địa phương và cả năng lực kinh tế của từng hộ gia đình, trở thành một vấn đề rất lớn.

+ Kết hợp chống dịch với phát triển kinh tế = trạng thái bình thường mới. (Phát triển kinh tế nhưng không lúc nào được ngơi nhiệm vụ chống dịch và sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát trở lại. Khi dịch trở lại lại phải lo “ưu tiên cứu người trước”. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thông thường cũng hoàn toàn không phải tính tới yếu tố này mà chỉ lo phục hồi kinh tế, không phải lo dịch bệnh quay lại.

- Bản chất kinh tế của khủng hoảng này là sự đứt gẫy các dòng chảy vật chất (nguyên vật liệu, con người, tiền vốn…) gây ra bởi sự cách ly bắt buộc, trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đã phụ thuộc vào nhau rất chặt chẽ, phân công lao động xã hội toàn cầu rất sâu sắc. Các dòng chảy vật chất bị đứt đồng nghĩa với khủng hoảng không chỉ phía cầu mà còn là sự thiếu hụt nguồn cung. Nếu khối lượng cầu không đổi thì nguy cơ tăng giá do thiếu hụt cung cũng lớn! Mặt khác, đứt gãy thị trường làm cho có hàng không bán được, dẫn đến sản xuất đình trệ.

 

II. Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế  

 1. Đối với kinh tế thế giới

- Đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu. Nhưng mức độ cụ thể với từng khu vực, từng nền kinh tế thế nào thì không giống nhau và thay đổi từng ngày theo hướng nặng nề hơn.

- Đánh giá tác động của COVID-19 đến kinh tế thì có nhiều loại ý kiến khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm cho rằng rất nặng nề (và thực tế đã, đang và còn rất nặng nề). Sự khác nhau chỉ trở nên rõ ràng hơn khi gắn đánh giá với giải pháp giải quyết vấn đề trong và sau dịch, ngắn hạn và dài hạn. Chúng tôi cho rằng, xét về cách tiếp cận để giải quyết vấn đề - xây dựng và thực thi thể chế phát triển, về cơ bản, có 2 luồng ý kiến chính như sau:

+ Một là, Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn, thay đổi thế giới về nhiều phương diện: sản xuất, đời sống, mô hình kinh tế…; tức là nền kinh tế thế giới và các quốc gia sẽ được cấu trúc lại, định vị lại theo một cách thức hoàn toàn mới. Cách nhìn này thấy nhiều ở tiêu đề các bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cụ thể cách thức mới, mô hình mới như thế nào thì chưa có những bài phân tích đủ độ sâu sắc, thuyết phục.

+ Hai là, Đại dịch Covid-19 chỉ làm bộc lộ rõ hơn, nhanh hơn những mặt mạnh và nhất là những mặt hạn chế, yếu kém của quan hệ kinh tế quốc tế cũng như mỗi nền kinh tế đang có. Khi không giải quyết được (hoặc giải quyết mà không hiệu quả) một vấn đề nào đó (cụ thể ở đây là sự xuất hiện dịch COVID-19), người ta buộc phải nhìn nhận lại, đánh giá lại vấn đề một cách nghiêm túc, cụ thể. Mức độ trầm trọng của vấn đề khiến ta có cảm giác “đảo lộn” – cũng tương tự như hồi năm 2011, chúng ta đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, “tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. (Kết luận số 10-KL/TW, ngày 18/10/2011, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2006 - 2010 và năm 2011; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012). Lúc đó cũng có những cuộc tranh luận nên hiểu “tái cơ cấu nền kinh tế” như thế nào và khi nào thì đặt vấn đề “tái cơ cấu nền kinh tế”? (Về điểm này, chúng tôi sẽ trở lại thảo luận kỹ hơn ở Mục III).

- Cho đến thời điểm hiện nay, đã có một số tổ chức quốc tế đánh giá mức độ ảnh hưởng của Covid-19. (Lưu ý: Các thông báo về số liệu dự báo này liên tục được cập nhật, thay đổi. Vì thế, không nên chỉ lấy ở một báo cáo nào đó làm dẫn chứng. Vấn đề chỉ là gợi lên một xu hướng (xấu đi hay tốt lên) của tình hình để tham chiếu mà thôi!).

Ví dụ, IMF dự báo như sau:

 

 

Hình trên cho thấy, rõ ràng nếu chỉ nhìn riêng năm 2020 thì tình hình kinh tế hết sức bi quan. Mức tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế đề suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm và rất sâu (Mỹ, Nhật). Nhưng nếu nhìn tiếp đến năm sau (2021) thì lại không phải như vậy. Tất cả các nền kinh tế đều có xu hướng “tăng bù” với mức tăng cao hơn hẳn năm 2019 (trước COVID-19). Nếu xu hướng này mà hiện thực thì liệu có quá đáng lo ngại không? Chắc chắn sẽ có không ít người trả lời là KHÔNG (đáng lo ngại quá), và họ có lý.

NHƯNG, (lại là nhưng!) cho tới nay, hầu hết các dự báo đã công bố đều ở thời điểm trước tháng 5/2020 (trường hợp của IMF trong ví dụ trên là 14/4/2020) về cơ bản đều giả định là đỉnh dịch sẽ là khoảng tháng 6/2020. Nay đã sang tháng 8/2020, nhưng xem ra, chưa ai dám chắc dịch COVID-19 đã đến đỉnh hay chưa? Vậy vấn đề sẽ còn phục thuộc rất lớn vào thời điểm bao giờ thì khống chế được dịch? Ví dụ: trong năm nay (2020) khác, kéo dài sang năm 2021 sẽ rất khác!

 2. Thế giới đối phó dịch Covid-19 thế nào?

Các nước trên thế giới đều cơ bản có hai hành động chính, gồm:

a) Cứu người: giãn cách xã hội; phát triển công cụ test thử nghiệm virus, nghiên cứu vắc-xin…. (Lưu ý: Các nước khác nhau có lúc đã có cách cứu người không giống nhau, nhưng càng về sau càng giống nhau trong thực thi chính sách “giãn cách xã hội”, thậm chí cách ly cả những thành phố hàng triệu người).

b) Cứu kinh tế

Các chính sách “cứu kinh tế” cơ bản tập trung vào:

- Các chính sách tiền tệ: giảm lãi suất cho vay…

- Các chính sách tài chính: miễn, giảm, hoãn thuế

- Các gói cứu trợ đặc biệt: Trong tháng 3/2020, nhiều nước đã công bố gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế.

Nước

Số tiền (tỷ USD)

Thế giới

8.000

Mỹ

4.000

Nhật Bản

989

Trung Quốc

559

Châu Âu

826

Indonesia

43

…..

…..

Nguồn: Tổng hợp từ nhiều tài liệu

Có thể dễ dàng nhận ra về cơ bản, các chính sách nêu trên chủ yếu mang tính “chống đỡ” nhằm làm dịu bớt các nguy cơ mang tính xã hội: thu nhập, mức sống… của người lao động; khả năng sống sót, cầm cự… của các doanh nghiệp để cho qua thời hoạn nạn! Chưa có các chính sách nối lại, khắc phục các đứt gãy các dòng chảy vật chất như đã đề cập ở phần trên. Lý do chính vẫn là phải ưu tiên hay bắt buộc thực hiện cách ly/giãn cách xã hội trên quy mô toàn cầu.

Gần đây, cũng đã có nhiều quốc gia cho phép “nối lại” các hoạt động sản xuất và dịch vụ, nhất là du lịch. Nhưng cũng đã có nhiều thành phố lại phải áp dụng các biện pháp cách ly trở lại do số người bị lây nhiễm lại tiếp tục tăng cao.

 3. Đối với kinh tế Việt Nam

- Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động (4 tháng đầu năm 2020 có 22,7 nghìn doanh nghiệp giải thể/phá sản, tăng 33,6% so với cùng kỳ).

- Thiếu nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp (vì chủ yếu phải nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc)

- Thiếu chuyên gia và lao động kỹ thuật

- Số người thiếu việc làm tăng

- Tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn

- V.v…

(Lưu ý: vấn đề không phải chỉ dừng ở kinh tế mà còn là các vấn đề xã hội/an sinh xã hội, thậm chí còn là vấn đề chính trị-xã hội).

 4. Việt Nam đối phó dịch Covid-19 thế nào?

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; vừa duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH và bảo đảm đời sống của nhân dân.

a) Phòng chống dịch

- Nghiêm túc, quyết liệt thực hiện cách ly xã hội

- Chữa trị người bị nhiễm. Đến nay Việt Nam nằm trong số ít nước không có người bị tử vong vì Covid-19 và cũng khống chế được số người bị nhiễm ít, có tới 99 ngày không có các ca nhiễm từ cộng đồng. Hiện Việt Nam đứng thứ 161/215 nước và vùng lãnh thổ có người bị nhiễm virus Covid-19.

b) Duy trì và phát triển kinh tế

Các chính sách an sinh xã hội và duy trì, phát triển kinh tế đã được Đảng và Chính phủ ban hành liên tục trong thời gian gần đây. Cụ thể là: Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020; Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. (Nội dung cụ thể xin xem trực tiếp các văn bản nói trên).

 5. Dự báo mô hình hồi phục kinh tế

Mô hình kinh tế chữ U, V, W hay L sẽ tùy thuộc vào thời gian kéo dài của đại dịch COVID-19 cũng như mức độ ảnh hưởng của nó.

 

Nguồn:http://tapchitaichinh.vn/info-media/infographics-cac-mo-hinh-phuc-hoi-kinh-te-the-gioi-hau-covid19-322767.html

 

III. Xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh – bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới (trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19)

1. Nền kinh tế thế giới và Việt Nam phát triển đến nay hoạt động trên cơ sở nào?

- Về sức sản xuất: Nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay có nguồn gốc dài lâu từ lịch sử công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này vừa phát triển công nghệ - kỹ thuật của sản xuất theo hướng cơ khí hóa è tự động hóa; tăng năng suất lao động nhờ dùng điện làm động lực, dùng công nghệ - kỹ thuật của máy móc cơ khí hóa, tự động hóa làm công cụ, nhờ sự hợp lý hóa trong khoa học quản lý và nhờ sự phân công và hợp tác lao động xã hội ngày càng sâu rộng trên quy mô toàn cầu làm phương thức vận hành. Chính vì thế, nền sản xuất xã hội ngày nay đã phát triển sự phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc trên quy mô toàn thế giới. Hầu như bất cứ sản phẩm quan trọng nào trong sản xuất và tiêu dùng trong xã hội ngày nay đều có dấu vết của các chuỗi sản xuất (giá trị), chuỗi cung ứng mang tính khu vực và toàn cầu. Tương ứng với kiểu hoạt động kinh tế này là sự thống trị của các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia (TNCs), đa quốc gia (MNCs)…

- Về thể chế: Nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng mạnh bởi lý thuyết kinh tế học thuộc trào lưu chính – kinh tế hỗn hợp = kinh tế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước.

- Về các định chế kinh tế quốc tế hiện hành: để điều tiết (điều hòa) các mối quan hệ kinh tế thế giới, các quốc gia đã cùng nhau xây dựng các thiết chế/định chế. Các định chế này chủ yếu hình thành và phát triển từ sau chiến tranh thế giới thứ II (GATT è WTO; WB; IMF, ADB, UNDP; OECD; UNSTAD, UNICEF, v.v…), tuy đã có nhiều cải sửa so với ban đầu, nhưng về cơ bản, các nguyên lý sơ khởi vẫn còn giá trị và vẫn đang tiếp tục vận hành trong quan hệ kinh tế thế giới đương đại.

2. Thể chế phát triển nhanh – bền vững của Việt Nam trong giai đoạn mới

Giai đoạn tới đây là giai đoạn sống trong trạng thái bình thường mới do tác động của đại dịch Covid-19. Vậy việc xây dựng và thực thi thể chế có gì mới để đảm bảo phát triển nhanh – bền vững?

 Chắc chắn là, dù có thể phải chịu đựng thêm một thời gian nữa, nhưng dịch COVID-19 rồi cũng qua đi. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội của con người rồi sẽ trở lại bình thường với các nhu cầu sinh hoạt và giao tiếp xã hội như cũ trong một trạng thái hoàn toàn bình thường. Nói một cách thực sự chặt chẽ khoa học thì không hoàn bình thường “y như cũ” vì xã hội luôn biến đổi, và nhất với sự ra đời của công nghệ 4.0, cách cách thức sinh hoạt và giao tiếp xã hội sẽ có sự hỗ trợ của công cụ mới, mang tính “ảo”, “gián tiếp” nhiều hơn. Nhưng, đặc tính cơ bản nhất của con người là con người xã hội, tức là có các nhu cầu xã hội mang tính tự nhiên tất yếu!

Như vậy, trong ngắn hạn, không có nhiều lý do đề nghĩ về một thể chế hoàn toàn mới cho kinh tế thế giới và Việt Nam theo một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, việc thay đổi cấu trúc kinh tế quốc gia chắc chắn sẽ được nhiều nước tính đến và Việt Nam cần chủ động hơn trong vấn đề này.

Trong bối cảnh như vậy, hướng xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh – bền vững của Việt Nam là:

1. Tuân thủ tuyệt đối các biện pháp dập dịch và phối hợp với các bạn hàng để nhanh chóng phục hồi kinh tế

- Tăng cường nghiên cứu vắc-xin chống dịch.

- Phối hợp, theo dõi và từng bước nới lỏng giãn cách khi điều kiện cho phép.

- Nhanh chóng nối lại các dòng chảy vật chất bị đứt gãy khi điều kiện cho phép.

- Tận dụng triệt để các khả năng áp dụng công nghệ 4.0 và internet trong việc phục hồi các đứt gãy của các dòng chảy vật chất.

2. Chính sách của Chính phủ

- Giải pháp cấp bách trước mắt:

+ Tăng cường đầu tư công như một giải pháp mạnh, hỗ trợ duy trì tổng vốn đầu tư xã hội.

+ Xây dựng ngay chế độ “khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.

+ Hỗ trợ các doanh nghiệp gặp tồn tại qua thời kỳ khó khăn, đặc biệt là giữ chân được người lao động.

+ Khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI

+ Đẩy mạnh xuất khẩu

+ Khuyến khích tiêu dùng nội địa

- Giải pháp căn bản lâu dài

+ Cải cách thể chế

+ Đẩy mạnh tái cơ cấu và chuyển sang nền kinh tế số

+ Đẩy mạnh đào tạo nhân lực đáp ứng việc chuyển sang nền kinh tế số

+ Nâng cao năng lực của các đầu tàu kinh tế…..

3. Nâng cao năng lực thích ứng với trạng thái bình thường mới của cộng đồng doanh nghiệp

- Tìm kiếm hướng đi mới

- Nâng cao năng lực quản trị

- Nâng cao chất lượng nhân lực và công nghệ

- Tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới.

 

  PGS,TS Bùi Tất Thắng

                                                        Viện Chiến lược phát triển,

                                                          Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

  

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết