Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Phải chăng "Chỉ có chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ" ?

Ngày phát hành: 31/12/2018 Lượt xem 8065


Tham nhũng là một hiện tượng xã hội đã xuất hiện sớm trong lịch sử loài người, nó tồn tại trong mọi chế độ chính trị khác nhau, gắn liền với nhà nước và quyền lực. Có rất nhiều định nghĩa về tham nhũng, luật phòng chống tham nhũng của Việt Nam xác định: "tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi"1. Theo tài liệu của Liên Hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng, đã định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp đó là "sự lợi dụng quyền lực của Nhà nước để trục lợi riêng". Tổ chức Minh bạch quốc tế định nghĩa: "Tham nhũng là lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi". Như vậy bản chất của tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế và cho dù chế độ chính trị nào, chủ nghĩa xã hội hay tư bản chủ nghĩa, chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vẫn có xảy ra nạn tham nhũng. Vấn đề đặt ra là quan điểm và cách phòng chống "vấn nạn" này như thế nào?

Những năm gần đây, lợi dụng tình hình chống tham nhũng ở nước ta, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ cao cấp giữ vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, chính quyền, cơ quan kinh tế; công tác xây dựng đảng, ngăn chặn, đẩy lùi "quốc nạn" tham nhũng, suy thoái của Đảng tuy rất mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng cũng còn một số hạn chế, nên kết quả chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra... Trước tình hình đó, những kẻ chống lại đường lối, quan điểm của Đảng ta, đã đưa ra luận điểm xuyên tạc, chúng cho rằng: "Nguyên nhân thực sự của tham nhũng là do cái hệ thống chính trị độc tài, độc quyền và độc trị, thành ra muốn giải quyết triệt để nạn tham nhũng thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải cải tổ hệ thống chính trị thành hệ thống chính trị đa đảng, đa nguyên để những người cầm quyền cẩn trọng hơn. Mỗi một sự lạm dụng quyền lực của đảng viên cầm quyền, lập tức bị các đảng viên đối lập và người dân phát giác, ngăn ngừa và triệt tiêu trong trứng nước". Đây là một luận điểm vô cùng nguy hiểm, bóp méo, xuyên tạc sự thật mà bản chất là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ hệ thống chính trị ở nước ta, cũng có nghĩa là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để Việt Nam đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.

1. Có phải chỉ có chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ

Trong một thế giới hiện đại và văn minh ngày nay, mọi quốc gia đều được bình đẳng và có quyền tự lựa chọn chế độ chính trị khác nhau. Hiến chương Liên Hợp quốc khẳng định nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, không một quốc gia nào được can thiệp hoặc khống chế, xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác". Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn đầy đủ về mọi mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Quốc gia thể hiện chủ quyền của mình trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh và ngoại giao... Như vậy chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị là bất khả xâm phạm. Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định và được cả thế giới kể cả nước Mỹ thừa nhận - đó là một sự thật.

Vậy ở các nước có chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị đã dẹp được hết nạn tham nhũng chưa? mặc dù ở các nước đó luật pháp chống tham nhũng được quy định rất chặt chẽ, các đảng đối lập đấu tranh với nhau khá quyết liệt, nhưng tham nhũng vẫn xảy ra và nhiều vụ tham nhũng ở những người có quyền hành cao nhất của đất nước đó. Chúng ta có thể điểm ra những vụ tham nhũng nổi tiếng ở các nước có chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị.

Vụ Watergate - Vụ bê bối về quyền lực chính trị để trục lợi từ 1972 - 1974 của Tổng thống Mỹ Richard Nixơn. Trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất ngày 9/8/1974 Tổng thống Mỹ Richard Nixơn buộc phải từ chức, đây là Tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức khi đang là Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Cựu Thống đốc bang Illinois, Mỹ George Ryan 73 tuổi bị tù 6 năm (từ 11-2007) vì tội tham nhũng huy động tiền hối lộ cho cuộc vận động tranh cử.

Bernard Kerit nguyên chỉ huy trưởng cảnh sát New York, người năm 2004 đã được Tổng thống Mỹ Geory W.Bush đề cử làm bộ trưởng Bộ an ninh nội địa Mỹ, nhưng do buộc tội tham nhũng trốn thuế và nhận tiền hối lộ nên đã không được nhận chức Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa.

Thượng nghị sỹ thuộc Đảng dân chủ của tiểu bang California (Mỹ) có tên Ron Calderon xuất thân từ gia đình chính trị có tiếng tăm tại vùng ngoại ô Los Angeles đáng lẽ phải lĩnh án 400 năm tù vì tội "làm luật" để nhận hối lộ, nhưng lại "rút êm" sau một loạt vụ bê bối[i]2 ... Chính vì vậy mà thế giới đã xếp Hoa Kỳ là nước có "công nghệ vận động hành lang - Lobby" để tranh giành quyền lực chính trị, kinh tế hàng đầu thế giới.

Cựu Tổng thống Philippines Joseph Estrad, Tổng thống Phi Lippines từ 1998 - 2001 phạm tội tham nhũng phải ngồi tù chung thân2.

Tổng thống Nicaragua Arnoldo Aleman từ 1997 - 2002, ngay sau khi rời nhiệm sở năm 2002, vị Tổng thống đời thứ 81 của nước này bị bắt buộc tội tham nhũng liên quan đến 100 triệu USD trong các qũy của nhà nước thông qua các công ty vỏ bọc và tài khoản đầu tư giả ở Panama và Hoa Kỳ[ii]3.

Thủ tướng Ucraina (1996 - 1997) Pavlo Lazarenko đã biển thủ 200 triệu USD từ ngân sách nhà nước (tương đương nửa triệu USD/ngày trong thời gian làm Tổng thống) phải bỏ trốn sang Hoa Kỳ13.

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun - hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức Tổng thống vào tháng 12-2016 do Bà Park Geun - hye bị buộc tội tham nhũng dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính.

Theo tổ chức minh bạc quốc tế (Transparency International - TI) xếp hạng những quốc gia có nạn tham nhũng nhất thế giới năm 2013 lại là những quốc gia có chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị như: Somalia, Afganixtan, Sudan, Libya, Iraq, Uzbekistan, Turkmenistan, Syria, Yemen, Haiti, Venezuela, Myanmar... đại bộ phận là các nước có bất ổn về chính trị và kinh tế gặp khó khăn. Ở những nước phát triển, nạn tham nhũng có giảm, nhưng cũng không phải là được dẹp bỏ hoàn toàn.

Như vậy cả lý luận và thực tiễn đã bác bỏ luận điểm "chỉ có chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ".

2. Đảng Cộng sản Việt Nam và vấn đề phòng chống tham nhũng

Trước hết ở Việt Nam ngay từ thời kỳ chế độ phong kiến đã có những luật lệ chống tham nhũng hết sức chặt chẽ để chống lại những biểu hiện của tham nhũng, mà dân ta đã khái quát rất hay như "một người làm quan, cả họ được nhờ" "con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa", "nén bạc đâm toạc tờ giấy"... Triều Lý (1009 - 1225) coi "tội tham nhũng phải xử phạt rất nặng và nghiêm khắc", ban hành bộ luật hình sự với tên gọi "Hình Thư". Năm 1042 Vua Lý Thái Tông ban Chiếu" những người thu quá thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm; người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm; người ở kinh thành mà cáo giác sẽ được nhận thưởng bằng hiện vật thu được". Luật còn quy định "Ai ở kho lụa nhận riêng 1 thước bị phạt 100 trượng (roi). Nhận 1 tấm lụa trở lên bị phạt trượng và kèm 10 năm khổ sai".

Thời Vua Lê Thánh Tông, một vị vua được đánh giá là rất anh minh, đã cho ban hành luật Hồng Đức trong điều 138 Luật Hồng Đức quy định: "Quan lại tham ô từ 1 đến 9 quan tiền thì bị cách chức; từ 10 đến 19 quan tiền bị đánh trượng, đi đầy; từ 20 quan trở lên bị chém". Vua còn ban Sắc Dụ "Những ai mượn cớ để vòi vĩnh để được biếu xén, đi lại chè chén, cấu kết bạn với người đảm trách pháp luật đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt, hay căn cứ giầu, nghèo, chức trọng hay hèn kém". Luật còn quy định "Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản, không đưa quan lại về quê hương, bản quán trị nhiệm, không được tậu đất, nhà tại nơi cai quản".

Triều Nguyễn có Luật Gia Long (ban hành năm 1815) có 79 điều quy định về tội liên quan tới tham nhũng. Trong đó có điều 31, quy định "Quan lại nhận hối lộ, phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ". Dưới thời Minh Mạng, năm 1821, phó thống đốc trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý (là cha vợ vua Minh Mạng) bị xử tử vì tội tham ô 30.000 quan tiền.

Như vậy ngay từ thời kỳ chế độ phong kiến lạc hậu vấn đề phòng chống, tham nhũng đã được quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể trong luật pháp. Đến khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng, lãng phí là một trong những quan tâm hàng đầu trong cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Hồ Chí Minh từ 1945 cho tới khi Người qua đời. Người cổ vũ nhân dân giám sát công việc của Đảng, Chính phủ, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh.

Năm 1950, Hồ Chủ Tịch đã bác đơn xin giảm án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu Cục trưởng Cục quân Nhu, cho thấy sự trừng phạt nghiêm khắc của Người đối với tội tham nhũng của Trần Dụ Châu, mặc dù rất đau lòng, nhưng Người nói "một cái ung nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm". Chủ tịch Hồ Chí Minh coi "tham ô, tham nhũng là tội lớn, tội ấy cũng như tội làm việt gian, mật thám", đây là "giặc nội xâm", "bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ"[iii]4; "Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế"[iv]5.

Như vậy quan điểm Hồ Chí Minh về đối tượng tham nhũng không chỉ là những người có chức, có quyền mà cả người dân bình thường nếu ăn cắp của công, buôn gian, bán lận, trốn thuế, hối lộ... cũng là tham nhũng và không chỉ tư lợi cho cá nhân mà còn tư lợi cho địa phương đơn vị... cũng là tội tham nhũng. Đây mới thực sự là tư tưởng sâu sắc, toàn diện, hết sức biện chứng của Hồ Chí Minh về tham nhũng, lãng phí mà mọi đối tượng đều có thể vấp phải nếu không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào sự cám dỗ của tiền bạc, vật chất... không làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên trước Đảng và nhân dân, bổn phận, trách nhiệm của một người công dân trước nghĩa vụ và quyền lợi đối với Tổ quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, luôn coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Đảng. Ngày 26/4/1962, Bộ Chính trị khóa III đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về "cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế; tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu". Đến năm 1963, Bộ Chính trị khóa III, tiếp tục có Nghị quyết số 85-NQ/TW ngày 24/7/1963 "về cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí quan liêu".

Đại hội V (tháng 3-1982) đã xác định: "Kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng".

Bước vào thời kỳ đổi mới, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đã chỉ rõ: "Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm.  Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc"[v]6. Tiếp đó Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, Nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng và coi đây là nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển bền vững đất nước, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đó là các Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 12/9/1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện "cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội"; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII "về tiến hành đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu"; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII "về một số nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng"; Nghị quyết 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII (15/15/1996) "về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng"; Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX, XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ XHCN. Đại hội X đã nêu rõ: "tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng"[vi]7. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 1/2012) đã ra Nghị quyết chuyên đề Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, trong đó có vấn đề "kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng"[vii]8.

Mới đây, Đại hội XII (tháng 1-2016), đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng, coi đây là sự sống còn của Đảng, của chế độ chính trị ở nước ta. Vì vậy vấn đề xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng được xác định là hai trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội "Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"(2) và "xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu"(3)[viii].

Ngày 1/2/2013 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 162-NQ/TW thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do trực tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Thực tế Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ và không bao giờ bao che, dung túng cho tội tham nhũng, tất cả những ai phạm tội tham nhũng, kể cả những người có chức, có quyền cao cấp, là ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng... đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc... Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "công tác phòng chống tham nhũng cũng đã được chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội"[ix]9.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vượt qua mọi khó khăn, phức tạp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mục tiêu "dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cả trong quá khứ lịch sử dân tộc, đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Đảng đã đề xướng và tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng rất kiên quyết, triệt để, đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, Việt Nam là một trong các nước có chế độ chính trị và sự ổn định chính trị nhất thế giới, được cả thế giới công nhận. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được, bác bỏ mọi luận điểm xuyên tạc của bọn phản động "Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, chỉ có chế độ đa đảng, thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ"./.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Thanh

 



1 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, NXB CTQG, H, 2010, tr.8.

2 Theo báo Nghệ An - điện tử.

3 Theo báo Nghệ An - điện tử.

 

4HồChí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 6, tr. 490.

5Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 6, tr. 488.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H, 2005, tr.17.

7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 22, 26.

8(2) Đảng Cộng sản, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành  Trung ương khóa XI, Nxb CTQG, Sự thật, H, 2011, tr.22, 26.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 51, 52.

9 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành phiên họp thứ 13. Báo QĐND số 20407, thứ ba ngày 23/1/2018, tr.1.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết