Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ (phần 2)

Ngày phát hành: 29/07/2019 Lượt xem 1957

II. Kết quả giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ: ưu điểm, hạn chế, bất cập, nguyên nhân
2.1. Ưu điểm
- Dưới ánh sáng của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội với những nội dung mang tính chính trị - pháp lý mới thể hiện sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm chính trị - pháp lý giữa Đảng, nhà nước và nhân dân. Với nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm đó, Đảng cộng sản Việt nam đã giữ vững và ngày càng phát huy là nhân tố định hướng sự tồn tại và phát triển mối quan hệ giữa 3 thành tố: Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Không có sự lãnh đạo của Đảng với các định hướng mới như khởi xướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các Nghị quyết của mình; bộ máy nhà nước không thể ngày càng được cải cách đổi mới và hoàn thiện; nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể của mình không thể tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đề ra trong Cương lĩnh được vận dụng và thực hiện trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Điểm nổi bật là đã từng bước nâng cao nhận thức về dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch, thượng tôn pháp luật trong nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
- Thể chế hóa Cương lĩnh, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Nhà nước ta là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”, tổ chức và hoạt động theo một nguyên tắc mới về chất so với trước đây “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2 Hiến pháp năm 2013). Với những tư duy chính trị - pháp lý mới đó, lần đầu tiên ở nước ta có sự phân công quyền lực Nhà nước một cách mạch lạc giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực trở thành một nguyên tắc Hiến định. Đến nay, bộ máy nhà nước được xây dựng và hoàn thiện thêm một bước; nhiệm vụ và quyền hạn của các thiết chế trong bộ máy nhà nước được quy định một cách minh bạch; hạn chế được sự dựa dẫm, ỷ lại; nhân dân có điều kiện để đánh giá hiệu lực và hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi quyền; giữa các quyền có điều kiện để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao. Công tác giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước được tăng cường.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội đã được Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 giao cho một nhiệm vụ, quyền hạn mới là giám sát, phản biện xã hội. Với nhiệm vụ và quyền hạn mới này, hàng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát, phản biện xã hội hàng ngàn cuộc. Từ kết quả trên, có thể nói giám sát và phản biện xã hội, tuy là một công việc mới nhưng đã trở thành hoạt động thường xuyên của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua hoạt động này đã tạo điều kiện để các tầng lới nhân dân phát huy quyền làm chủ tham gia vào quy trình xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
2.2. Hạn chế, bất cập
- Còn tình trạng có lúc, có nơi nhấn mạnh một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao tính tất yếu coi nhân dân làm chủ như là hệ quả là kết quả đương nhiên của sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, nhưng vai trò “đồng thời là bộ phận của hệ thống chính trị ấy” (Cương lĩnh) chưa thấy rõ, dẫn đến một bộ phận cán bộ đảng viên của Đảng và Nhà nước chưa thực sự trở thành công bộc của nhân dân; phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng còn rất hình thức. Dường như trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, vẫn có tổ chức cấp ủy đảng và cán bộ đảng viên của Đảng xem mình cao hơn Nhà nước và nhân dân, đứng trên Nhà nước và nhân dân; chưa thật sự xuất phát từ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Quyền lực chính trị của Đảng rất lớn nhưng cả trong điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước không quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của tổ chức đảng và cá nhân đứng đầu tổ chức đảng, nên dường như chưa kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp trên thực tế. Vì thế, cá biệt có trường hợp cá nhân có trọng trách của Đảng và Nhà nước ở các cấp, có điều kiện thao túng quyền lực vừa độc đoán, chuyên quyền, vừa buông lỏng vai trò lãnh đạo nấp dưới chiêu bài đúng quy trình, thủ tục.
- Một số tổ chức của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hoạt động chưa coi trong nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng hiến định cho sự ra đời 3 cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước, gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát và phản biện xã hội (Điều 9); công dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (Điều 6) và các quyền dân chủ trực tiếp cơ bản của công dân (các Điều ở Chương II). Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (bao gồm cả cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong của mỗi quyền (tự kiểm soát mình) và cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền) và cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo luật định (khoản 2 Điều 119). Tuy nhiên, đến nay các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đó chưa ra đời đầy đủ và chưa hoàn thiện. Đối với cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước tuy đã ra đời, bằng việc thể chế hóa trong Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam về giám sát và phản biện xã hội, nhưng quy định không đầy đủ trình tự, thủ tục, hiệu lực cũng như trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát và phản biện xã hội. Đối với cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các quyền mới chỉ coi trọng giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc thực hiện quyền hành pháp và tư pháp còn quyền hành pháp và quyền tư pháp, kiểm soát quyền lập pháp như thế nào còn bỏ ngỏ. Bên trong mỗi quyền cũng chưa hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực của mình. Luật tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ban hành sau Hiến pháp năm 2013 chưa có một quy định nào quy định cơ chế tự kiểm soát bên trong quyền lực của mình như thế nào. Trong kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết phải tự kiểm soát mình tốt thì mới nói đến kiểm soát quyền lực nhà nước đối với các cơ quan nhà nước khác. Kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cơ chế bảo hiến chuyên trách ở nước ta cũng chưa ra đời. Vì thế, chủ trương “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X) đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chính vì cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 chưa ra đời đầy đủ và chưa hoàn thiện nên “việc ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân”, tuy mấy năm gần đây được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân và dự luận xã hội.
Tổ chức và hoạt động của một số cơ quan trong bộ máy nhà nước có trường hợp không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, không có sự phân công, phân cấp và không coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước mà theo nguyên tắc tập trung vào cá nhân người đứng đầu Đảng và chính quyền các cấp, tập thể trở thành người hợp thức hóa ý muốn của người đứng đầu cấp ủy nên tình trạng thao túng quyền lực, tham nhũng, lãng phí xẩy ra khá phổ biến, để lại hậu quả mà những năm gần đây phải giải quyết.
Một số tổ chức, cơ quan trong bộ máy Nhà nước chưa thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân, chưa coi trọng việc thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân nhất là chính quyền ở cấp cơ sở.
- Dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực của sự phát triển. Nhiều quyền dân chủ trực tiếp của công dân được Hiến pháp ghi nhận, nhưng đến nay chưa được thể chế hóa như: “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (Điều 28 Khoản 1); quyền hội họp, lập hội (Điều 25)… Quyền bầu cử là quyền dân chủ chính trị quan trọng nhất trong một nhà nước dân chủ và pháp quyền chậm được đối mới. Các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp còn mang nặng tính hình thức. Các cuộc giám sát phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức nhiều nhưng chất lượng còn hạn chế. Thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng quyền con người, quyền công dân vẫn còn bị vi phạm nhiều. Có thể nói quyền làm chủ của nhân dân chưa được đảm bảo và phát huy đầy đủ.
2.3. Nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế
- Có được những ưu điểm nói trên trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ những tư tưởng và quan điểm mới của Đảng đề ra trong Cương lĩnh (sửa đổi, bổ sung năm 2011) như bổ sung vào nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước yếu tố kiểm soát quyền lực nhà nước; đề cao dân chủ trực tiếp, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp; dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước… 
- Còn những hạn chế, bất cập chủ yếu do các nguyên nhân:
+ Các phương thức lãnh đạo của Đảng đề ra trong Cương lĩnh là phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội nói chung. Việc vận dụng các phương thức này đòi hỏi không rập khuôn, máy móc, giống nhau cho các cơ quan và tổ chức của bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc vận dụng các phương thức lãnh đạo của Đảng, không ít trường hợp chẳng những không sáng tạo thêm được một phương thức lãnh đạo mới nào mà ngay các phương thức lãnh đạo đã có việc vận dụng còn rập khuôn, máy móc, thiếu linh hoạt. Ví dụ đối với Quốc hội, tổ chức và hoạt động của nó mang tính tập thể và đề cao dân chủ bàn bạc thì phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội phải khác với phương thức lãnh đạo đối với Chính phủ - một thiết chế lại chủ yếu coi trọng trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu Chính phủ và các Bộ trưởng; và lại càng phải khác với phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án – đề cao tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tìm kiếm và vận dụng các phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với đặc thù của các thiết chế và các tổ chức để phát huy vai trò của nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của nhân dân đang là một đòi hỏi của thực tiễn. Có thể xem đây là một nguyên nhân làm cho các thiết chế của bộ máy nhà nước dựa dẫm, ỷ lại Đảng, kém năng động, sáng tạo, không phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình.
+ Một số tổ chức, cơ quan của Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội … của nhân dân vẫn còn ỷ lại, dựa dẫm vào Đảng. Tính chủ động và thúc đẩy của Nhà nước và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng để tác động qua lại giữa các thành tố còn thiếu mạnh mẽ. Chính vì thế, có thể nói, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý mang tính ổn định, một chiều là chủ yếu, Đảng có khởi xướng và đề xuất chủ trương thì Nhà nước và nhân dân mới thực hiện. Ngược lại sự tác động của Nhà nước và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng để thúc đẩy, phát huy và phát triển vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng còn hạn chế. Có thể nói, quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ vẫn còn là quan hệ “tĩnh” một chiều nên có thể nói đó là nguyên nhân làm cho mối quan hệ kém năng động.
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân được Cương lĩnh thừa nhận có vai trò rất to lớn trong việc thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhưng đội ngũ cán bộ được các cấp ủy đảng bố trí chưa được tương xứng với vai trò của nó. Vì thế, tiếng nói của nhân dân thông qua người đại diện là Mặt trận các cấp chưa có “sức nặng” đối với Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Trong nền dân chủ nhất nguyên như nước ta, Mặt trận Tổ quốc, theo chúng tôi nghĩ, phải là một thiết chế hướng đến khắc phục những khiếm khuyết của nền dân chủ đó. Vì vậy, cán bộ, nhất là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc các cấp phải là những người có uy tín và năng lực tương xứng như những người nắm giữ cương vị chủ chốt của tổ chức Đảng và Nhà nước. 
III. Những vấn đề đặt ra về nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ
1. Ngày nay, những điều kiện tồn tại và phát triển mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã có sự thay đổi căn bản, đòi hỏi nhận thức và giải quyết mối quan hệ không thể như cũ mà phải có sự đổi mới mạnh mẽ về chất.
Các điều kiện tồn tại đã thay đổi căn bản, trước hết đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng đã bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, bộc lộ đầy đủ các quy luật vận động của nó. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng theo những nguyên tắc mới, chủ quyền nhân dân, phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước được đề cao. Dân trí và dân chủ của đông đảo các tầng lớp nhân dân được nâng lên một trình độ mới. Hội nhập sâu rộng không chỉ về kinh tế mà trên tất cả các mặt về văn hóa, khoa học, công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi tư duy và lối sống của con người. Tất cả các điều thay đổi đó, không thể không đặt ra đòi hỏi phải đổi mới nhận thức và cách thức giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
- Đối với Đảng không những vận dụng sáng tạo các phương thức lãnh đạo đã có phù hợp với điều kiện đã thay đổi và tìm kiếm các phương thức lãnh đạo mới đối với nhà nước và xã hội, mà còn phải đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức và nội dung lãnh đạo của mình đối với nhà nước và xã hội. Trước hết Đảng phải kiểm soát được quyền lực Nhà nước và sau đó là tự kiểm soát được quyền lực lãnh đạo của mình. Dân chủ và pháp quyền phải trở thành động lực phát triển của Đảng và là nhân tố quyết định dân chủ và pháp quyền trong quản lý của nhà nước và trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
- Đối với Nhà nước không chỉ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc mới, như tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước mà còn phải đảm đương chức năng kiến tạo và hướng dẫn các quan hệ xã hội mới, đáp ứng sự biển đổi nhanh chóng về tư duy và lối sống của con người do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa lại, bằng hoạt động lập pháp và lập quy của Quốc hội và Chính phủ. Quyền con người, quyền công dân nhất là các quyền dân chủ trực tiếp của công dân cần phải tiếp tục thể chế hóa. Công bằng và công lý tiếp tục được đề cao và xuyên suốt trong các hoạt động tư pháp. 
2. Hệ thống chính trị nước ta là hệ thống chính trị nhất nguyên. Hệ thống chính trị đó vừa có những ưu điểm nhưng cũng vừa có những khiếm khuyết. Thực tiễn vận hành của hệ thống chính trị nước ta chỉ ra rằng, mặc dầu Đảng ta trong Cương lĩnh của mình đã xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển; nhưng trên thực tế dân chủ có nơi vẫn còn hình thức, quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Nhận rõ điều đó, theo chúng tôi, một mặt, Đảng và Nhà nước trong tổ chức và hoạt động của mình phải thực sự dân chủ và minh bạch; đồng thời phải đảm nhận vai trò là nhân tố hàng đầu tạo lập môi trường và điều kiện để cho nhân dân làm chủ thực sự. Mặt khác, nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể của mình và từng cá nhân công dân phải nâng cao năng lực làm chủ. Theo đó, về tổ chức bộ máy nhà nước, nên chăng phải tăng cường thêm các thiết chế phản biện nhà nước đối với các chủ trương, chính sách và pháp luật của chính bản thân Đảng và Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đảm đương vai trò là một thiết chế khắc phục  cho các khiếm khuyết bằng việc tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội một cách thực chất, nâng cao nhận thức và tìm kiếm các giải pháp giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
IV. Bổ sung nhận thức và định hướng giải quyết mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ 
1. Bổ sung nhận thức
- Dân chủ xã hội chủ nghĩa muốn trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển, Đảng và Nhà nước phải thực sự dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình và đặc biệt tạo lập môi trường và điều kiện thực sự để cho nhân dân làm chủ thì mới có dân chủ trên thực tế.
- Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Vị trí và vai trò của các thành tố cấu thành mối quan hệ tuy khác nhau, nhưng bản chất của nó là bình đẳng, dân chủ xã hội chủ nghĩa và chủ quyền nhân dân xuyên suốt mối quan hệ ấy.
- Kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng và quyền lực nhà nước là nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, quyền lãnh đạo của Đảng, cũng như quyền lực nhà nước được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền là có giới hạn mà không phải vô hạn. Giới hạn đó là Hiến pháp. Vì vậy, để kiểm soát quyền lực cả Đảng và Nhà nước phải căn cứ vào Hiến pháp thể chế hóa một cách minh bạch và cụ thể quyền và trách nhiệm của mình làm căn cứ để kiểm soát quyền lực.
Trong kiểm soát quyền lực thì kiểm soát việc thao túng quyền lực của người đứng đầu của các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cơ quan nhà nước thuộc các cấp chính quyền có vai trò quyết định. Phòng chống sự tha hóa của quyền lực chủ yếu và cơ bản tập trung vào kiểm soát sự lộng quyền, lạm quyền, thao túng quyền lực của những người nắm giữ các trọng trách của các tổ chức Đảng và Nhà nước ở các cấp trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là mối quan hệ lớn và cơ bản nhất thuộc đời sống chính trị - pháp lý ở nước ta. Trong điều kiện mới và đặc thù của hệ thống chính trị nước ta, đòi hỏi phải có những tư duy mới và hành động mới, quyết liệt hơn để tiếp tục đổi mới về chất mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. 
2. Định hướng giải quyết mối quan hệ 
Một là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, theo các định hướng sau:
+ Trước hết, đổi mới tư duy để có những quyết định chính trị mới phù hợp với điều kiện mới.
+ Đổi mới tổ chức và hoạt động của Đảng bằng việc sửa đổi điều lệ Đảng, quy định một cách cụ thể quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức đảng (từ Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các tổ chức cấp ủy các cấp …) và các cá nhân có trọng trách của Đảng (bao gồm Tổng bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, bí thư cấp ủy các cấp, các ngành …). Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng quy định một cách minh bạch, đầy đủ, rõ ràng là công cụ để đề cao trách nhiệm, kiểm soát quyền lực, phòng chống sự lộng quyền, lạm quyền và thao túng quyền lực một cách có hiệu quả trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
+ Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với điều kiện mới theo định hướng tạo lập điều kiện và môi trường thuận lợi hơn để các thiết chế của bộ máy nhà nước năng động, sáng tạo, làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không dựa dẫm, ỷ lại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước để kịp thời phòng chống được sự thao túng quyền lực của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng.
+ Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức Đoàn thể của nhân dân theo định hướng phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân; dân chủ phải thực sự trở thành động lực của sự phát triển trong điều kiện mới.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thực sự là một Nhà nước dân chủ, pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, theo định hướng:
+ Tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII nhằm hình thành một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trước hết là kiểm soát được xã hội và sau nữa là kiểm soát được bản thân mình.
+ Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương theo Hiến pháp năm 2013 và các Nghị quyết của Đảng.
+ Xây dựng một Quốc hội mạnh và thực quyền về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước; một Chính phủ năng động, sáng tạo, quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả; một nền tư pháp vì công lý, vì quyền con người, quyền công dân.
Ba là, tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân để dân chủ thực sự trở thành động lực của sự phát triển trong thời gian tới theo định hướng:
+ Đảng và Nhà nước phải thực sự tạo điều kiện và môi trường để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật cởi mở, thân thiện, dễ dàng trong việc thực hiện các quyền dân chủ cơ bản của công dân. Trong đó sớm xây dựng và hoàn thiện các đạo luật về các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như Luật bầu cử, Luật về Hội, Luật về quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân, Luật giám sát và phản biện xã hội…
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phải nâng cao nhận thức, thực hiện mạnh mẽ, thực chất chức năng giám sát và phản biện xã hội; coi đó là phương tiện của những tổ chức đại diện nhân dân kiểm soát trước và sau đối mới đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.

(Hết)

GS.TS Trần Ngọc Đường

PGS.TS Phạm Văn Chúc


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết