Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Sự phát triển lý luận của Đảng về xây dụng nền văn hóa Việt Nam ​

Ngày phát hành: 07/02/2020 Lượt xem 8618

 

 

1. Sự phát triển lý luận của Đảng về tính chất và đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam

 Xác định tính chất và đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và đặt ra từ rất sớm. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã xác định nền văn hóa mới Việt Nam có ba tính chất là: dân tộc, khoa học, đại chúng; đồng thời chỉ rõ đó “là một thứ vǎn hoá có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung”[1]. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng ta phát triển thành luận điểm, xây dựng nền văn hóa với “nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc”. Sau 16 năm, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976), Đảng ta xác định và bổ sung luận điểm trên bằng việc thay thế cụm từ hình thức dân tộc bằng cụm từ tính chất dân tộc, tạo nên sự hiểu biết sâu hơn, hoàn chỉnh hơn một đặc trưng của nền văn hóa mới.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng vẫn tiếp tục trên tinh thần đó và xác định nội hàm đặc trưng văn hóa Việt Nam là: “...nền văn hoá mới là nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nền văn hoá mới vừa kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hoá Việt Nam”[2]. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 24 - 2 -1981 của Ban Bí thư khóa V Về những nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Nền văn hoá, nghệ thuật của ta thể hiện thống nhất tính dân tộc, tính đảng, tính giai cấp và tính nhân dân. Đó là đặc trưng cơ bản của nền văn hoá, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa”[3].

Từ năm 1986 đến nay, lý luận về văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, về tính chất và đặc trưng nền văn hóa nói riêng có bước phát triển, thể hiện tầm tư duy và nhận thức mới của Đảng về văn hóa. Xác định tính chất của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà chúng ta phấn đấu xây dựng, trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, Đảng ta nhấn mạnh các đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Những đặc trưng này là sự phát triển, hoàn thiện các đặc trưng dân tộc, khoa học, đại chúng đã được Đảng ta xác định trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; kết tinh những giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28-11-1987 của Bộ Chính trị khóa VI lần đầu tiên nêu tính chất của nền văn hóa là “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết chỉ rõ: “Nền văn hoá mới Việt Nam xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin là một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc”[4]. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VI về “Một số vấn đề cấp bách trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” nhấn mạnh đặc trưng nền văn hóa Việt Nam đang xây dựng: “Trong công cuộc xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc, phải coi trọng đời sống văn hoá của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quan tâm đời sống tinh thần ở nông thôn và các vùng dân tộc thiểu số”[5].

 

 

Cụm từ “xã hội chủ nghĩa đã được nêu trong đường lối xây dựng nền văn hóa từ văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) là “nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc” cho đến trước năm 1991. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), trong các văn kiện quan trọng của Đảng, tính ngữ “xã hội chủ nghĩa” đã không được đề cập (hoặc không được nhấn mạnh) khi nói đến tính chất của nền văn hóa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội... có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[6]. Cụm từ “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được Cương lĩnh xem là đặc trưng thứ ba trong số sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Có thể khẳng định, luận điểm “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là một thành tựu lý luận của Đảng ta trên lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. So với những nhận thức, quan điểm trước đây, luận điểm này là một bước phát triển về chất, cả tư duy lý luận và cả tổng kết thực tiễn. Nền văn hóa tiên tiến là nền văn hóa thấm sâu phẩm chất dân chủ, khoa học, nhân văn. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VII tiếp tục khẳng định và chỉ rõ hơn nền văn hóa mà nhân dân ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết viết: “Nền văn hoá mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[7]. Tiếp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đều khẳng định đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục được nhấn mạnh, nhưng có sự bổ sung, phát triển đặc trưng và tính chất của nền văn hóa Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ;...”[8].

Tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ của nền văn hóa Việt Nam là sự bổ sung, phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ mới. Tính nhân văn của nền văn hóa mà chúng ta xây dựng theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thể hiện ở ngay trong mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mà Đảng ta đã đề ra. Đây là nền văn hóa hướng tới đấu tranh, giải phóng cho con người, trước hết là nhân dân lao động khỏi sự áp bức, bóc lột về phương diện giai cấp, dân tộc và xã hội; phấn đấu để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ nhiều hơn những thành tựu văn hóa của dân tộc và nhân loại. Tính nhân văn không phải là sự quan tâm đến con người một cách chung chung, trừu tượng mà là sự quan tâm cụ thể, thiết thực, toàn diện và sâu sắc đối với con người, đối với các tầng lớp xã hội và các thành phần dân cư khác nhau nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tính dân chủ của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn liền với chế độ chính trị - xã hội tiến bộ “của dân, do dân và vì dân”. Nền văn hóa này khai thác động lực dân chủ trong nhân dân, tạo điều kiện để phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân và cộng đồng, đề cao trách nhiệm của công dân trước nhân dân, dân tộc và thời đại. Tính chất dân chủ của nền văn hóa thống nhất với việc đề cao ý thức công dân, đề cao trật tự kỷ cương xã hội và thống nhất giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trước pháp luật. Đồng thời phát huy dân chủ phải gắn liền với việc nâng cao ý thức chính trị, đạo đức xã hội và trình độ dân trí, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng bộ máy nhà nước, chống lãng phí, tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước và ngoài xã hội. Phát huy dân chủ phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, chống tư tưởng tự do vô chính phủ, tự do vô kỷ luật. Nền văn hóa tiến bộ là nền văn hóa thúc đẩy sự phát triển của đất nước dựa trên tư tưởng cách mạng và khoa học dẫn đường. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền văn hóa tiến bộ cũng là nền văn hóa thể hiện tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta những năm qua là phát triển và chuẩn xác hóa đặc trưng của nền văn hóa mà xã hội ta xây dựng. Trải qua quá trình nghiên cứu, thảo luận kỹ, nhìn lại toàn bộ lịch sử quá trình tiếp cận vấn đề văn hóa của Đảng ta, tham khảo các cách tiếp cận mới của UNESCO và của nhiều nước, để phù hợp với chủ trương mở cửa, chủ động hội nhập thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, Đảng ta khẳng định nền văn hóa nước ta là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và từng bước làm rõ nội hàm của các khái niệm “tiên tiến”, “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã tiếp tục bổ sung, phát triển và làm rõ hơn đặc trưng và tính chất của nền văn hóa Việt Nam, đó là nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” và tinh thần “nhân văn, dân chủ, tiến bộ” được bổ sung, phát triển với đặc trưng không chỉ nhân văn, dân chủ mà còn mang đặc trưng: dân tộc và khoa học. Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI viết: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”[9]. Quan điểm này đòi hỏi và mở ra khả năng kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vừa chú trọng việc giữ gìn, phát triển sắc thái văn hóa đa dạng của 54 dân tộc trong cộng đồng quốc gia Việt Nam, vừa củng cố sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc, tạo cơ sở để giữ vững bình đẳng và phát huy tính da dạng văn hóa của mỗi dân tộc, chống sự phân hóa và chia rẽ dân tộc. Đây là, sự tổng kết lý luận của Đảng trên lĩnh vực xây dựng nền văn hoá, con người Việt Nam hiện nay. So với những quan điểm trước đây, nội dung của luận điểm này là một bước phát triển về mới về chất, thể hiện chiều sâu tư duy lý luận của Đảng về phương diện văn hóa, đáp ứng được thực tiễn đòi hỏi của xã hội nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[10], trong điều kiện hội  nhập quốc tế, mở rộng, giao lưu văn hoá ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay.

Như vậy, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại có sự thống nhất hữu cơ giữa tính tiên tiến và tính đậm đà bản sắc dân tộc, giữa nhân văn, dân chủ và khoa học. Đây là kết quả của việc tổng kết kinh nghiệm, bổ sung và phát triển lý luận về văn hóa trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 90 năm qua. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Đảng ta đều đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, trước yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển lý luận về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có lý luận về văn hóa. Đặc trưng nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học là kết quả của quá trình nhận thức và phát triển lý luận về văn hóa của Đảng ta trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước.

 

 

 2. Sự phát triển lý luận của Đảng về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam

Trước năm 1986, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết bàn về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta cũng đã xác định ba nhiệm vụ cơ bản của văn hóa: “a) Tranh đấu về học thuyết, tư tưởng…; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. b) Tranh đấu về tông phái vǎn nghệ… làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng. c) Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết…”[11]. Những nhiệm vụ và giải pháp thể hiện trong  Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là cơ sở cho quá trình xây dựng văn hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã xác định nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng và văn hóa là “...xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng; đấu tranh chống tư tưởng và văn hoá phản động, lạc hậu của các giai cấp bóc lột. Trước mắt, cần phổ biến sâu rộng các nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng; tiến hành cải cách giáo dục, phát triển văn học, nghệ thuật; giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chống tư tưởng tư sản và tàn dư tư tưởng phong kiến, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hoá thực dân mới ở miền Nam”[12].

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng có sự thay đổi, bổ sung và phát triển cho phù hợp với yêu cầu mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (1993) Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt, xác định: “Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”[13].

Đến Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, nhận thức của Đảng về văn hóa được thể hiện rõ nét hơn, đầy đủ, sâu sắc hơn nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát triển nền văn hóa. Hội nghị đã xác định 10 nhiệm vụ cụ thể của văn hóa, gồm: “1. Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; 2. Xây dựng môi trường văn hóa; 3. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; 4. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; 5. Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; 6. Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; 7. Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; 8. Chính sách văn hóa đối với tôn giáo; 9. Mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; 10. Củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa”[14] và xác định bốn nhóm giải pháp quan trọng, gồm: “I. Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; II. Xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa; III. Tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; IV. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa”[15]. Đặc biệt, trong những quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Nghị quyết chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”[16]. Quan điểm này đã khắc phục lối “tư duy bao cấp”, gây nên tính thụ động, chờ đợi của người dân đối với Nhà nước trong thời kỳ trước đây. Theo đó, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Trên cơ sở quan điểm mới này, hàng loạt các chính sách nhằm thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, khai thác và huy động các nguồn lực khác nhau trong nhân dân để đầu tư và phát triển văn hóa được xây dựng, góp phần làm sống động đời sống văn hóa của đất nước, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, sản xuất, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Trung ương  khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Kết luận của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp Trung ương khóa IX nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm: “a) Tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội,... b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam theo 5 đức tính được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Trung ương khóa VIII; c) Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, phong phú...”[17] và 4 giải pháp đó là: “a) Giải pháp hàng đầu là nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với lĩnh vực văn hóa,.. b) Phát huy tính năng động sáng tạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các hội sáng tạo văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật và thông tin, báo chí trong sự nghiệp văn hóa,.. c) Đẩy mạnh giáo dục về chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo chuyển biến rõ rệt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, trí tuệ người Việt Nam theo 5 đức tính đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Trung ương khóa VIII xác định,.. d) Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa”[18].

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa được đúc kết cô đọng hơn, cụ thể hơn, tập trung vào 4 nội dung quan trọng, gồm: “1. Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; 2. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng; 3. Phát triển hệ thống thông tin đại chúng; 4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa;...”[19].

Từ sự tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Trung ương khoá VIII và triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã nêu lên sáu nhiệm vụ cơ bản đối với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cụ thể là: “1. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; 2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; 3. Xây dựng văn hóa trong kinh tế và chính trị; 4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; 5. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; 6. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”[20] và 4 nhóm giải pháp, đó là: “1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; 2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; 3. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; 4. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa”[21].

 

 

Các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp Trung ương khóa XI của Đảng đề cập không chỉ khẳng định các nhiệm vụ và giải pháp trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp Trung ương khoá VIII, Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, mà còn có sự bổ sung, phát triển mới về phương diện lý luận của Đảng trong việc thực hiện quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng với sự phát triển bền vững của đất nước. Mỗi một nhiệm vụ và giải pháp phản ánh từng mặt cụ thể trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay cần phải đạt được, nhưng các nhiệm vụ và giải pháp nằm trong một chỉnh thể thống nhất không tách rời, đều hướng tới thực hiện mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI của Đảng đã đề cập.

So với Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa IX và các văn kiện, nghị quyết trước đây của Đảng thì Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có sự phát triển, đó là mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người được Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của sự phát triển. Theo đó, vấn đề xây dựng con người Việt Nam lần đầu tiên được đưa lên tiêu đề và là nhiệm vụ đầu tiên trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đây là nét đặc sắc của Nghị quyết Hội nghị lần thứ  chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về văn hóa, là kết quả trực tiếp của thành tựu phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí, vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới.

Sự phát triển lý luận của Đảng về văn hóa Việt Nam nói chung, tính chất, đặc trưng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, không chỉ đáp ứng với sự đòi hỏi thực tiễn đời sống xã hội nước ta hiện nay, mà còn là những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài về phương diện văn hoá xuyên suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và làm sáng tỏ hơn nữa sự phát triển lý luận của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, góp phần thiết thực đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống./.

 

PGS, TS Phan Trọng Hào

Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1943), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 320.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1982), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 98.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1981), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 102.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 48, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 475.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (1989), Văn kiện Đảng toàn tập, tập  49,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010,  tr. 746.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 134.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 516.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 75.

 [9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 48.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 12.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 321.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 1018.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 515.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 58 – 69.

[15]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 70 - 82.

[16]Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 57.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VII,IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 283 - 284.

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VII,IX) Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 285 – 287.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 222 – 223.

[20] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 49 - 57.

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 58 - 62.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết