Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định, phát triển và việc thực hiện mối quan hệ này qua hơn 30 năm đổi mới

Ngày phát hành: 26/02/2019 Lượt xem 2448

1. Quá trình nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta nhận thức về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn, coi giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ này là một nhiệm vụ quan trọng. Có thể khái quát như sau:

- Giai đoạn trước đổi mới và 1986 -1990: Trong bối cảnh nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, coi đổi mới là động lực quyết định để thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển đất nước. Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc một vấn đề cốt tử, có tính nguyên tắc: Muốn đổi mới phải giữ được ổn định chính trị - xã hội và muốn có được ổn định lâu dài thì phải phát triển để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Như vậy phát triển là mục tiêu của đổi mới và ổn định. Công cuộc đổi mới đã đi vào cuộc sống và trở thành cuộc vận động xã hội sâu sắc và rộng lớn trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, vấn đề đổi mới, ổn định, phát triển thường được đề cập riêng rẽ, chưa có sự nhận thức đồng bộ, gắn bó hữu cơ với nhau. Giai đoạn này, do bối cảnh lịch sử cụ thể, Đảng và Nhà nước ta coi yếu tố ổn định là một điều kiện hàng đầu, đặc biệt là ổn định chính trị - xã hội.

- Giai đoạn 1991-2000: Đây là giai đoạn bắt đầu đi sâu vào đổi mới, từ yêu cầu của thực tiễn, Đảng ta coi đổi mới kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế,  nhấn mạnh việc giữ ổn định để phát triển nhanh hơn. Đổi mới kinh tế phải đi trước một bước so với đổi mới chính trị. Theo phương châm này, việc đổi mới kinh tế được đề cao và được triển khai mạnh mẽ. Các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991) và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 đã thể hiện rõ Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, vẫn rất coi trọng vấn đề đảm bảo ổn định, coi đó là điều kiện cơ bản của quá trình phát triển.

- Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: Đất nước đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế bắt đầu đẩy mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Về mặt nhận thức, đến Cương lĩnh 2011 Đảng ta mới chính thức xác định giải quyết các mối quan hệ lớn (8 mối quan hệ), trong đó có mối quan hệ giữa đổi mới, ổn đinh, phát triển là một nội dung quan trọng trong suốt thời kỳ quá độ. Do đó, Đảng đã coi trọng hơn việc giải quyết đồng bộ cả ba yếu tố đổi mới, ổn đinh, phát triển và được đặt trong một mối quan hệ hữu cơ với nhau hơn. Nhận thức và giải quyết mối quan hệ này được xác định theo nguyên tắc: Đổi mới là động lực, là phương thức - Ổn định là điều kiện - Phát triển là mục tiêu. Phải lấy mục tiêu để định hướng đổi mới và ổn định. Khi phát triển không đạt được các mục tiêu đặt ra, phải nhìn nhận kỹ lại các nội dung và phương thức đổi mới, ổn định.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Đảng và Nhà nước nhận thức ngày càng sâu sắc hơn quá trình Đổi mới - Ổn định - Phát triển đất nước không chỉ phụ thuộc vào điều kiện, tiềm lực nội tại của đất nước, mà còn phụ thuộc sâu sắc vào điều kiện, xu thế phát triển của thế giới, vào các mối quan hệ quốc tế mà Việt Nam tham gia.     

Vì vậy, trong quá trình thực hiện Cương lĩnh, một mặt Đảng lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả hơn từng thành tố Đổi mới, ổn định và phát triển; mặt khác, đã chú trọng hơn lãnh đạo giải quyết đồng bộ, hài hòa hơn giữa các thành tố này.

2. Việc thực hiện mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển

(1) Những thành tựu

Sau hơn 30 năm đổi mới và gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh của Đảng, có cơ sở để khẳng định rằng Đảng ta luôn luôn coi trọng các nhân tố đổi mới, ổn định, phát triển và chỉ đạo tổ chức thực hiện mối quan hệ này tương đối thành công để đưa đất nước phát triển. Từ thực tiễn giải quyết mối quan hệ đó có thể rút ra những nhận xét sau đây:

i) - Đổi mới được tiến hành liên tục với những nội dung, hình thức và bước đi ngày càng cao hơn, đa dạng hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trên bình diện chung cũng như trong từng lĩnh vực. Trong quá trình đổi mới, nhân tố ổn định, nhất là ổn định chính trị - xã hội luôn luôn được coi trọng và được bảo đảm, ngay cả trong những lúc khó khăn, bằng hệ thống pháp luật, bằng tuyên truyền thuyết phục, bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách đúng đắn, và nhất là bằng mang lại những thành quả thiết thực nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Nhân tố phát triển luôn luôn được coi là mục tiêu hướng tới của quá trình đổi mới, được Đảng và Nhà nước quan tâm cụ thể hóa thành hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để huy động mọi nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần, chủ thể, và cả xã hội tham gia thúc đẩy phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn.

ii) - Mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển là một trong những mối quan hệ lớn được Đảng ta đặc biệt chú trọng giải quyết trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc hơn mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, trong quá trình  lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đã chú trọng hơn trong ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp có khả năng “tích hợp” được vai trò của cả ba nhân tố đổi mới, ổn định, và phát triển; trong đó tùy theo yêu cầu, điều kiện và mục tiêu phát triển cụ thể để xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng của từng nhân tố đó trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm - chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết công bằng và bình đẳng xã hội, khuyến khích là giàu chính đáng theo pháp luật đi đôi với đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội ngày càng rộng hơn, hiệu quả hơn, không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển về kinh tế…đã thể hiện rõ tư tưởng này.

iii) - Từ “nhìn thẳng vào thực tiễn”, Đảng ta đã đổi mới tư duy, nâng lên thành đổi mới nhận thức, quan điểm, chủ trương, đến thể chế hóa thành hệ thống pháp, luật, cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển để đưa vào thực tiễn công cuộc đổi mới; rồi lại từ tổng kết thực tiễn để tiếp tục đối mới tư duy, đổi mới nhận thức, quan điểm để tiếp tục đổi mới, điều chỉnh luật pháp, cơ chế, chính sách. Quá trình này đã được Đảng quán triệt như một nguyên tắc nhất quán trong quá trình đổi mới, ổn định và phát triển đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam về cơ bản đã kịp thời thích ứng được với những thay đổi điều kiện trong nước cũng như bối cảnh quốc tế với những yêu cầu ngày càng cao hơn, mới hơn, phức tạp hơn trong quá trình phát triển, không để bị rơi vào các cuộc khủng hoảng mới.

iv) - Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển được đặt trọng tâm vào nhân tố con người với tư cách vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cả đổi mới, ổn định và phát triển. Vì vậy, Hiến pháp 2013, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách đã đề cao quyền con người, quyền công dân, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội đối với quá trình đổi mới, ổn định và phát triển đất nước.

v) - Quá trình đổi mới và phát triển đất nước ngày càng đi vào chiều sâu và tầm cao hơn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, nhân tố chủ quan của tất cả các chủ thể, nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước không ngừng được đổi mới và nâng cao hơn. Đây là một trong những nhân tố trọng yếu nhất đảm bảo cho quá trình đổi mới, ổn định và phát triển đất nước đạt được những thành tựu quan trọng.

vi) -Việc nhận thức ngày càng đúng hơn và giải quyết ngày càng có hiệu quả hơn mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong hơn 30 năm đổi mới:

-  Đất nước đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế  -xã hôi vào cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ XX ; có tốc độ phát triển vào loại cao trong khu vực và trên thế giới trong suốt những năm cuối 90 của thế kỷ XX và những năm 2000 - 2010; đưa đất nước thoát ra khỏi trình trạng kém phát triển và bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Sau một số năm tốc độ tăng trưởng bị chậm lại (2011 – 2016), từ năm 2017 đã lấy lại đà tăng trưởng cao (2018 – đạt 6.8%).

- Sự phát triển đất nước trong quá trình đổi mới đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Đời sống của nhân dân được nâng cao hơn (GDP - thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đã đạt 2.540 USD). Đặc biệt trong lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ hơn 50% khi mới bước vào công cuộc đổi mới, nay chỉ còn khoảng hơn 6% ; đời sống vật chất và tinh thầm của đại đa số dân cư được nâng lên…Nước ta sớm hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đó như nột điển hình.

- Dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển ; quyền con người, quyền công dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn.

- Ổn định chính trị được giữ vững ; trật tự an toàn xã hội về cơ bản được đảm bảo. Đó là nhân tố quan trọng để phát triển đất nước, thu hút đầu tư của nước ngoài và phát triển quan hệ quốc tế.

(2) Những hạn chế

- Mức độ đồng bộ, hài hòa trong quá trình đổi mới chưa được đảm bảo ở mức độ cao cả trên bình diện tương quan tổng thể giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đổi mới xã hội, và đổi mới trong từng lĩnh vưc. Đổi mới kinh tế đã đạt được những thành tựu quan trọng ; đổi mới chính trị cũng đạt đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên cho đến nay vẫn có những mặt chậm, chưa theo kịp và đồng bộ với đổi mới kinh tế và đổi mới xã hội. Trong từng lĩnh vực cũng có sự chưa đồng bộ, có những mặt chưa kịp thời, nên kết quả thu được còn hạn chế.

- Nhận thức và quan niệm về ổn định vẫn mang nhiều tính chất “ổn đinh tĩnh”, vẫn mang nặng tính hành chính, quan liêu, áp đặt. Cục bộ vẫn có những nơi do quan liêu, không nắm được kịp thời nguyện vọng và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhân dân, đồng thời lại tồn tại tệ tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong các tổ chức kinh tế - xã hội, làm lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước bị giảm sút; họ hoài nghi đối với một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến sự đồng thuận trong xã hội, rồi từ đó nảy sinh mất ổn định chính trị - xã hội, tiềm ẩn mầm mống bất ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển.  

- Tư duy về phát triển hiện đại (như quan điểm phát triển, nội hàm phát triển, thể chế phát triển, cơ chế, chính sách phát triển, động lực phát triển, chủ thể của phát triển…), về mô hình phát triển hiện đại trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở trình độ cao hơn, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền chưa được nghiên cứu sâu, có hệ thống để làm làm cơ sở cho việc tiến hành xây dựng và đổi mới mô hình phát triển trên thực tiễn. Phát triển chưa ổn định, có xu hướng giảm tốc độ phát triển, phát triển chậm đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng và phát triển chưa cao.

- Mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển được giải quyết tương đối toàn diện, nhưng chưa coi trọng đúng mức tính đồng bộ giữa các yếu tố nói trên trong tổng thể, và giữa các lĩnh vực cụ thể (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, hội nhập quốc tế…), giữa các vùng, miền, địa phương. Đổi mới, ổn định và phát triển chưa thật sự được gắn kết chặt chẽ với nhau; có những nơi, những lúc quá chú trọng phát triển kinh tế, mất dân chủ đã không chú trọng đúng mức đến đảm bảo ổn định xã hội (như để xảy ra mất ổn định ở Thái Bình vào năm 1994, 1997, ở Tây Nguyên đầu các năm 2001, 2004, 2008, và một số vụ việc xẩy ra tại một số địa phương trong những năm gần đây). Hay chạy theo tư duy kinh tế thuần túy đã cho đầu tư xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung bộ và Tây nguyên, gây nên rất nhiều hệ lụy về môi trường, tàn phá rừng, biến đổi sinh thái, tác động tiêu cực đến đời sống của rất nhiều hộ cư dân trong vùng và ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài đến sự phát triển bền vững (vừa rồi Bộ Công thương đã phải cắt bỏ hơn 500 dự án thủy điện nhỏ ở các tỉnh ra khỏi quy hoạch)…Trong các lĩnh vực xã hội, không ít những chính sách tính bao cấp bình quân cũng đã làm giảm đi động lực phát triển.

- Nhìn tổng thể, trong gần 10 năm trở lại đây động lực của đổi mới và phát triển đang bị suy giảm (dù hai năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đã được khôi phục) ảnh hưởng trực tiếp đến đổi mới, ổn định và phát triển. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện; năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dù được cải thiện nhưng vẫn thuộc loại thấp nhất trong các nước ASEAN. Khoảng cách phát triển so với các nước phát triển trong khu vực chậm được thu hẹp.

- Đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển theo chiều sâu chưa được coi trọng đúng mức. Cho đến nay thể chế, cơ chế, chính sách vẫn mang nặng tính phát triển theo chiều rộng. Sự phát triển của đất nước phụ thuộc rất lớn vào thị trường nước ngoài và FDI, nội lực của nền kinh tế còn yếu nên tính bền vững chưa cao, chịu nhiều rủi ro khi thị trường thế giới thay đổi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Đảng ta đã nhận thức sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức, yếu kém và bất cập ảnh hưởng đến tiến trình quá trình đổi mới và phát triển; nhận thấy là chúng ta chưa thấy hết yêu cầu đồng bộ, kịp thời trong thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển (giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị), chưa thấy hết sự thay đổi cả về chiều sâu, chiều rộng và tầm cao của yêu cầu đổi mới, ổn định và phát triển, cũng như nội hàm giá trị của mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Đây chính là những vấn đề cấn phải được khắc phục trong giai đoạn mới.

 

PGS.TS Trần Quốc Toản

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết