Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI ​

Ngày phát hành: 22/01/2020 Lượt xem 1976

 

1. Tầm nhìn, theo nguyên nghĩa hay nghĩa đen, là khoảng cách xa nhất mà mắt có thể nhìn thấy; nhưng trong xã hội, tầm nhìn còn được hiểu không chỉ là khả năng nhìn xa về khoảng cách không gian, mà cả khoảng cách thời gian, là năng lực thấy trước tương lai, xác định được tương lai muốn đạt đến một cách có căn cứ, không phải là viển vông, mơ mộng. Đó là năng lực “nhìn xa, trông rộng”, năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình, dự báo, xác định được tổ chức mình hay đất nước mình sẽ như thế nào trong tương lai. Tương lai mà tầm nhìn xác định không phải là tương lai gần, ngắn trong một, hai năm tới mà là tương lai xa, có khoảng cách thời gian dài, ít cũng phải 10, 20 năm, một thời kỳ, một giai đoạn phát triển. Do đó, tầm nhìn thường gắn với chiến lược, là tầm nhìn chiến lược; gắn với mục tiêu, là cơ sở, định hướng cho việc xác định mục tiêu và các nhiệm vụ chiến lược cần phải thực hiện để đạt được tầm nhìn đó. Tầm nhìn còn gắn với sứ mệnh, thể hiện mong muốn, niềm tin vào vai trò, giá trị, ý nghĩa của sự tồn tại, phát triển tổ chức mình, đất nước mình trong tương lai.

Tầm nhìn là một trong những yêu cầu hàng đầu, một trong những phẩm chất, đặc tính quan trọng nhất của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu một tổ chức, một quốc gia. Tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia là năng lực xác định được tương lai đất nước, những đặc điểm, đặc trưng lớn, cơ bản của đất nước trong tương lai. Điều đó đòi hỏi phải dựa trên phân tích, đánh giá đúng bối cảnh, diễn biến của tình hình quốc tế, xu thế phát triển của thời đại; bối cảnh tình hình, những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đặt ra, những mâu thuẫn lớn, cơ bản phải giải quyết đối với đất nước. Tương lai đó là cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ cần phải thực hiện để đi đến tương lai. Đồng thời, tầm nhìn của lãnh đạo, hình ảnh tương lai tươi đẹp của đất nước sẽ có sức tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để đạt tới tương lai đó. Tầm nhìn xa của lãnh đạo cũng là cơ sở, điều kiện cho việc xây dựng, chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng nắm bắt thời cơ, tạo bước phát triển nhảy vọt của cách mạng khi thời cơ đến. Thiếu tầm nhìn, không có sự chuẩn bị lực lượng sẽ không thể nắm bắt, tận dụng được thời cơ. Tầm nhìn xa của lãnh đạo đất nước còn là cơ sở bảo đảm cho sự kết nối, kế thừa, phát triển liên tục, nhất quán, không có mâu thuẫn, đứt đoạn giữa các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm, năm năm, 10 năm trong một giai đoạn, thời kỳ phát triển dài.

Tầm nhìn đúng đắn, nhìn xa, trông rộng của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại của đất nước ta, nhân dân ta đạt được trong 90 năm qua. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930 đã xác định rõ tính chất, mục tiêu của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân chủ nhân dân, đánh đuổi đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Tầm nhìn đó phản ánh và giải quyết đúng những mâu thuẫn cơ bản, những yêu cầu quan trọng, cấp bách nhất của đất nước và nhân dân ta, phù hợp với xu thế của thời đại, do đó, đã giành được sự đồng tình, ủng hộ, sự tham gia tích cực của nhân dân, tạo nên những phong trào cách mạng mạnh mẽ. Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra (1939), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với tầm nhìn xa, sáng suốt của mình, đã dự báo, thấy trước sự thất bại của phe phát xít sẽ mở ra cơ hội lớn cho cách mạng nước ta. Vì vậy, Người đã tìm đường về nước, cùng với Đảng ta lãnh đạo cách mạng, đưa mục tiêu chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc lên trước; xây dựng Mặt trận Việt Minh, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để vũ trang tuyên truyền gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng, đã tạo nên cao trào cách mạng và khi thời cơ đến (khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh), đã làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên độc lập tự do. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta (1946) và khi Mỹ thay thế Pháp, lập chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam (1954) chia cắt đất nước ta, đàn áp nhân dân ta ở miền Nam, gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã không bị động, bất ngờ, mà có sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ để giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là những bài học lịch sử quý báu, truyền thống vẻ vang của Đảng, nhân dân và đất nước ta.

 

 

2. Hiện nay, Đảng ta đang chỉ đạo xây dựng dự thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tổ chức vào đầu năm 2021. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội được yêu cầu không chỉ xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm 2021-2025, mà còn phải xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, là sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, truyền thống quý báu của Đảng. Xác định tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, thời gian từ nay đến đó còn 30 năm, còn qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, là cơ sở bảo đảm sự kiên định về định hướng phát triển đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội. Đây là yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, toàn diện các lĩnh vực; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc ta; trong khi đó, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi..., khi thách thức trên con đường phát triển của đất nước ta còn nhiều và lớn.

Tuy nhiên, không phải đến nay, khi chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta mới lần đầu tiên đặt ra yêu cầu xác định tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và nhất là Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đưa ra tầm nhìn “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Một nước công nghiệp hiện đại, theo quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh, là một nước có “cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo có tính nền tảng và các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng đạt trình độ công nghệ cao, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến”[2], có “nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”3. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà đất nước ta hướng tới là một xã hội có các đặc trưng cơ bản: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”4.

Không chỉ có tầm nhìn về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI, Cương lĩnh của Đảng còn có tầm nhìn về phát triển đất nước xa hơn, tới khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xác định “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[3]5. Đồng thời Cương lĩnh còn nêu ra 8 phương hướng cơ bản và 8 mối quan hệ lớn cần phải quán triệt, thực hiện tốt để thực hiện thành công các mục tiêu trên.

Tám phương hướng cơ bản là: (1) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; (2) Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; (4) Bảo vệ vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; (5) Thực hiện đường đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (6) Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; (7) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (8) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tám mối quan hệ lớn là: (1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; (2) Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; (3) Quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; (5) Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (6) Quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; (7) Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; (8) Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ[4]6. Các quan điểm, tầm nhìn của Cương lĩnh là cơ sở để xác định tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

3. Tầm nhìn của Đảng về phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, một mặt, đòi hỏi phải quán triệt các nội dung, quan điểm trong tầm nhìn đã được nêu trong Cương lĩnh của Đảng và kế thừa các quan điểm về mục tiêu phát triển đất nước trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng vừa qua. Nhưng mặt khác, hiện nay trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa kinh tế, mặc dù có những trở ngại do sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước. Đất nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, toàn cầu và khu vực (WTO, WB, IMF, AEC, APEC...), ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư song phương, đa phương với nhiều quốc gia, các khối kinh tế trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết cao. Nước ta đã cam kết tuân thủ nhiều chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung một số quy định của luật pháp, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức, tiêu chí đánh giá cho phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế là cần thiết và hợp lý.

Trong gần 35 năm đổi mới đất nước vừa qua, sau khi Hội nghị đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ khóa VII (1994) đánh giá nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm (trong thập niên 80 của thế kỷ trước) và đưa ra chủ trương “đẩy mạnh một bước công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[5]7, từ đó đến nay, các Đại hội VIII, IX, X, XI của Đảng đều ra mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XII của Đảng tổ chức vào đầu năm 2016 dự báo đến năm 2020 chưa thể thực hiện được mục tiêu tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đã điều chỉnh lại mục tiêu là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[6]8. Như vậy, tầm nhìn của Đảng phấn đấu đến giữa thế kỷ xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại nêu trong Cương lĩnh đã được các Đại hội Đảng những nhiệm kỳ vừa qua quán triệt thực hiện nghiêm túc, nhất quán.

Trong nhiều năm qua, trên thế giới, cũng như ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu để làm rõ thế nào là một nước công nghiệp và xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp. Một số học giả, nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu, có ý kiến đề xuất về vấn đề này, tiêu biểu như: W.Rostow, A.Inkeles, H.Chenery, Junho Yoo. Ở trong nước trong khoảng hơn 10 năm lại đây, đã có một số chương trình, đề tài khoa học, một số người nghiên cứu, đề xuất quan điểm của mình về vấn đề này, như các ông Trương Văn Đoan, Đỗ Quốc Sam, Cao Viết Sinh, Lưu Bích Hồ, Bùi Tất Thắng, Nguyễn Kế Tuấn, GS. Trần Thị Vân Hoa...  Nhưng quan điểm, ý kiến đưa ra, các tiêu chí đề xuất còn nhiều khác biệt; có người chỉ nêu một tiêu chí, người nêu 5 tiêu chí, người nêu 11 tiêu chí, 12 tiêu chí, 15 tiêu chí, cao nhất có người đưa ra 16 tiêu chí. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất tiêu chí GDP bình quân đầu người. Một số tiêu chí, như: tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội, tỷ lệ đô thị hóa được nhiều người đề xuất (nhưng mức cụ thể trong từng tiêu chí vẫn khác nhau). Một số nghiên cứu gần đây đưa ra các tiêu chí mới, như: chỉ số bền vững về môi trường ESI (hay chỉ tiêu chất lượng môi trường EPI), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); chỉ số sẵn sàng cho cách mạng 4.0... Tóm lại, ý kiến còn rất khác nhau. Hơn nữa còn một số vấn đề đặt ra, như thế nào là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thế nào là tạo được nền tảng của nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vẫn còn chưa định lượng được nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, trên thế giới từ nhiều năm nay, nhiều tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), cũng đã đưa ra nhiều cách để phân loại các nước trên thế giới. Những tổ chức này, do có các chức năng khác nhau, mục tiêu khác nhau nên đưa ra các cách phân loại khác nhau nhưng có tham khảo, phối hợp, thống nhất với nhau ở nhiều nội dung. Liên hợp quốc phân chia các nước trên thế giới thành 3 loại: những nước kém phát triển, những nước đang phát triển và các nước phát triển, dựa trên cơ sở là thu nhập bình quân đầu người. Mức thu nhập này được điểu chỉnh theo các giai đoạn phát triển, dựa trên các số liệu của Ngân hàng thế giới. Ngân hàng thế giới  phân loại các nước dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) thành 4 nhóm: nước có thu nhập thấp, nước có thu nhập trung bình thấp, nước có thu nhập trung bình cao và nước có thu nhập cao. Năm 2019, Ngân hàng thế giới dựa trên thu nhập bình quân đầu người của các nước năm 2017 đưa ra các tiêu chí cụ thể: quốc gia thu nhập thấp có GNI/người dưới 995 USD; quốc gia thu nhập trung bình thấp có GNI/người từ 996-3895 USD; quốc gia thu nhập trung bình cao có GNI/người từ 3896-12055 USD; quốc gia thu nhập cao có GNI/người trên 12056 USD.

 

 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định kỳ 3 năm một lần rà soát và lựa chọn các nước đủ điều kiện nhận ODA (Vốn hỗ trợ phát triển chính thức). Tất cả các nước có thu nhập thấp  (bao gồm tất cả các nước kém phát triển theo phân loại của Liên hợp quốc) và thu nhập trung bình theo tiêu chí phân loại của Ngân hàng thế giới, tức là các nước kém phát triển và đang phát triển đều thuộc đối tượng được xem xét nhận vốn ODA. Khi thu nhập bình quân đầu người của một nước tăng lên thì số lượng và các ưu đãi của vốn ODA cho nước đó sẽ giảm xuống. Khi một nước có thu nhập bình quân đầu người vượt mức thu nhập trung bình theo phân loại của Ngân hàng thế giới thì nước đó bị loại khỏi danh sách nhận vốn ODA. Như vậy, phần lớn các tổ chức quốc tế có uy tín đều phân loại các nước trên thế giới dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GNI/người) và trên cơ sở đó, chia thành các nước kém phát triển, nước đang phát triển và nước phát triển. Các nước kém phát triển là những nước có thu nhập thấp, những nước đang phát triển là những nước có thu nhập trung bình, nước phát triển là những nước có thu nhập cao. Mặc dù không có một quy định chính thức, nhưng thuật ngữ “nước phát triển” và “nước đã công nghiệp hóa” được sử dụng thay thế nhau ở các văn bản của các tổ chức quốc tế.

Riêng Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO), với vai trò, chức năng của một tổ chức thúc đẩy công nghiệp hóa ở các nước trên thế giới, nên thường sử dụng thuật ngữ “công nghiệp hóa” nhiều hơn là “phát triển”. Trong các Báo cáo phát triển công nghiệp của UNIDO nhiều năm qua, UNIDO lấy chỉ số giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến (MVA) bình quân đầu người (MVA/người) làm tiêu chí xác định nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa). Dựa trên tiêu chí này, UNIDO chia các nên kinh tế trên thế giới thành 4 nhóm: các nước công nghiệp đã công nghiệp hóa, các nước công nghiệp mới nổi, các nước đang phát triển khác và các nước kém phát triển.

- Nước đã công nghiệp hóa là nước có MVA bình quân đầu người ≥2500 USD. Tuy nhiên, UNIDO cũng thấy rằng một số nước sau khi đạt tiêu chí nước đã công nghiệp hóa, do có sự di chuyển các nhà máy sản xuất công nghiệp ra nước ngoài nên chỉ số MVA bình quân đầu người giảm xuống, thậm chí xuống dưới mức 2500 USD; nhưng điều đó không có nghĩa nước đó không còn là nước đã công nghiệp hóa. Vì vậy, UNIDO cho rằng bất kỳ nước nào có GDP bình quân đầu người ≥ 20.000 USD/năm đều được xem là nước công nghiệp (đã công nghiệp hóa), không kể MVA bình quân đầu người là bao nhiêu.

- Nước công nghiệp mới nổi là nước có MVA bình quân đầu người nhỏ hơn 2500 USD, nhưng lớn hơn 1000 USD hoặc GDP bình quân đầu người ≥10.000 USD/năm.

- Nước đang phát triển khác là những nước còn lại (trừ những nước kém phát triển).

- Nước kém phát triển là những nước kém phát triển theo tiêu chí của Liên hợp quốc.

Như vậy, mặc dù UNIDO có đưa ra tiêu chí MVA bình quân đầu người để xác định nước công nghiệp, nước công nghiệp mới nổi, nhưng về cơ bản việc phân loại các nước cũng dựa theo phân loại của Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới, chia các nước thành nước kém phát triển, nước đang phát triển và nước phát triển, dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người (GNI/ người) thấp, trung bình (có chia thành trung bình thấp, trung bình cao) và thu nhập cao. Đây là cách phân loại và tiêu chí được công nhận và sử dụng rộng rãi ở các nước, tổ chức quốc tế trên thế giới.

Đối với nước ta, với quan điểm vừa phải quán triệt tư tưởng của Cương lĩnh, kế thừa quan điểm của các Đại hội các nhiệm kỳ trước, vừa cần phải có những bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và khả năng của đất nước. Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện Đại hội XIII thời gian vừa qua, sau nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, cơ quan khoa học và tiếp thu ý kiến của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến nay, mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI đã bước đầu được xác định:

- Đến năm 2025: cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2030: trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Việc bổ sung tiêu chí về thu nhập, có thể định lượng được hàng năm, là để có cơ sở đánh giá khách quan và phù hợp với đánh giá chung của thế giới. Đến năm 2045, giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển (đương nhiên là nước đã công nghiệp hóa, theo quan điểm chung trên thế giới hiện nay), có thu nhập cao, sẽ vẻ vang sánh vai cùng bè bạn năm châu như mong ước của Bác Hồ 100 năm trước, là khát vọng của nhân dân ta, đất nước ta ngày nay, là tầm nhìn và sứ mệnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch HĐLLTW

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.71.

[2], 3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.75.

[3]4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.70.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.71.

[4]6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011.
Đại hội XII của Đảng bổ sung thêm một mối quan hệ lớn cần quán triệt và thực hiện tốt là quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

[5]7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), H, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tr.405.

[6]8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX),tr.467, 638; Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, tr.76; Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, tr.188; Văn kiện Đại hội XII, tr.76.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết