Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Tổ chức đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp vào cuộc sống

Ngày phát hành: 23/07/2021 Lượt xem 4856

 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”. Vấn đề quan trọng là làm gì để đưa nghị quyết vào thực tế cuộc sống có hiệu quả nhất? Điều đó đặt ra cho ngành nông nghiệp là phải phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng và các địa phương để triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trước hết phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung cốt lõi về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng hiện đại, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, khó lường,vv…Trên cơ sở đó làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức đến mỗi cán bộ, doanh nhân, nhà khoa học, người nông dân,vv.. để họ tự giác, sáng tạo, vận dụng thực hiện trên lĩnh vực nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy khi người sản xuất và các nhà nghiên cứu khoa học có nhận thức đúng bản chất sự việc họ mới có thể có hành động hiệu quả trong thực hiện.

Thời gian qua nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn, trong đó phần nào có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Nghị quyết của Đảng chỉ có thể được thực thi trên thực tế khi Đảng lãnh đạo Nhà nước sớm thể chế hóa các nội dung cốt lõi của Nghị quyết thành các văn bản pháp luật, làm cơ sở cho mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi người dân thực hiện, chấp hành. Cụ thể Nhà nước cần bổ sung sửa đổi luật đất đai, trong đó khẳng định đất đai vẫn là sở hữu của Nhà nước nhưng có thể xem xét cho phép người nông dân được bán quyền sử dụng cho người có nhu cầu theo thỏa thuận. Việc này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác để nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Việc gắn kết giữa bốn nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học rất cần có chính sách, nhất là chính sách kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, hộ nông dân; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, đầu tư công nghệ bảo quản và tổ chức thị trường xuất khẩu; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng thương hiệu quốc gia trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cũng rất cần Nhà nước sớm có chính sách đưa công nghiệp về nông thôn, có chính sách tái thiết nông thôn để thực hiện cho được mục tiêu “ly nông bất ly hương”, chính sách đào tạo nông dân trở thành chủ doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại,vv…Có các giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”, phải minh bạch thị trường, kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Đi đôi với việc tuyên truyền làm chuyển nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách, ngành nông nghiệp phải tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước như quy hoạch, thanh tra chuyên ngành, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các công trình thủy lợi,vv…Thúc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản,vv…Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư khoa học công nghệ và ứng dụng có chọn lọc các tiến bộ khoa học của thế giới vào điều kiện thực tế của nước ta, phát huy tốt nguồn lực con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, tài nguyên đất đai, nguồn nước,vv..trong nước và nguồn lực bên ngoài như khoa học quản trị, khoa học công nghệ và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 19/5/2021 “Nghĩ phải thật, nói phải thật, làm phải thật, hiệu quả thật, người nông dân được hưởng thụ thật”.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc thì trong nông nghiệp và nông thôn người nông dân cũng cần được khẳng định vai trò, vị trí như vậy để có cơ chế chính sách phù hợp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân trong thời gian tới.

 

Nguyễn Thế Trung
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết