Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Về Đảng Cộng sản Việt Nam (phàn 1)

Ngày phát hành: 18/07/2019 Lượt xem 9668


I. Sự phát triển nhận thức về Đảng Cộng sản Việt Nam

 1- Về bản chất của Đảng

Đại hội IV, V, VI của Đảng xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam  là Đảng của giai cấp công nhân dân Việt Nam, là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991) được thông qua tại Đại hội VII xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”[1]. Đây là bước phát triển nhận thức của Đảng ta về bản chất giai cấp, tính tiên phong của Đảng. Đại hội VIII của Đảng đã xác định nội hàm bản chất giai cấp công nhân của Đảng: Trong điều kiện hiện nay, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định và vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thường xuyên tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo quan điểm, lập trường giai cấp công nhân; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Chăm lo đời sống, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đến Đại hội X, Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[2]. Xác định như thế là quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng Cộng sản ra đời ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé. Đảng ta ra đời không chỉ là sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân mà còn với phong trào yêu nước. Đây là đặc thù Việt Nam, là sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người đã nhiều lần nói rằng, Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X của Đảng đã xác định: Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Đoàn Chủ tịch Đại hội X đã giải trình làm rõ bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện ở chỗ: mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ; Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng; lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển,…

Kế thừa diễn đạt về Đảng của Đại hội X, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[3]. Diễn đạt như thế vừa nói lên được bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa nói lên được nét đặc thù của Đảng ta theo sự phát triển sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tế Việt Nam và đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Diễn đạt như thế phản ánh bản chất của giai cấp công nhân một cách sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn. Điều đó đòi hỏi Đảng ta chẳng những phải trung thành với giai cấp công nhân, nâng cao lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, mà còn phải học tập, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tăng cường đoàn kết, tập hợp nhân dân, phấn đấu vì lợi ích của giai cấp và dân tộc.

Đại hội XII của Đảng yêu cầu “… tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng”[4]; “giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên”[5].

2- Về nền tảng tư tưởng của Đảng

Từ Đại hội VI về trước, Đảng ta xác định: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đến Đại hội VII, Cương lĩnh năm 1991 khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đây là một bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta. Đại hội IX của Đảng đã xác định khái niệm, nguồn gốc, nội dung, vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân;… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”[6]. Đây là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời, có sự đánh giá chính xác hơn, đầy đủ hơn vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[7]. Đảng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội XII nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016) đã rút ra một số bài học, trong đó, bài học đầu tiên là “trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”[8].

3- Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng; là sơ sở để xây dựng Đảng thành một chính thể có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Trong quá trình cải cách, cải tổ, các đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến sự tan rã của Đảng Cộng sản và làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này. Ở nước ta, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, cũng có một số ý kiến đòi xem xét lại nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí, có người còn cho rằng, nguyên tắc này đã lỗi thời, không còn phù hợp. Trong bối cảnh đó, Đảng ta vẫn kiên định thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Cương lĩnh năm 1991, tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam… lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Trên cơ sở kế thừa những nội dung Cương lĩnh năm 1991, Điều lệ Đảng được thông qua trong Đại hội X đã xác định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời, thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[9].

Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X có bước tiến là xác định rõ nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ:

“1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

3. Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”[10].

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.

Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội XI tiếp tục khẳng định những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng và nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ như Đại hội X của Đảng. Đại hội XII giữ nguyên Điều lệ Đảng đã được thông qua tại Đại hội XI.

4- Về phương thức lãnh đạo của Đảng

Cụ thể hóa Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII đã có những bổ sung, phát triển mới:

Về phương hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đại hội XII bổ sung, phát triển: Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các chủ trương, chính sách lớn, lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực, lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; các tổ chức của Đảng và đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực và hiệu quả.

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xác định: Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ xác định: Thực hiện nghiêm, nhất quán Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Đại hội XII bổ sung, phát triển: Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ và ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết.

Đại hội XII xác định rõ hơn nội hàm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội : Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hoá và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc bố trí cán bộ và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tham mưu kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành,...

(Còn tiếp)

                                                                                                                                                PGS.TS Nguyễn Viết Thông



[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.329.

[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.130.

[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.88.

[4] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.80.

[5] ĐCSVN: Sđd, tr.199.

[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.84-89.

[7] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.88.

[8] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr.69.

[9] ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.5.

[10] ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.17-19.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết