Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Xuất bản sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới ​

Ngày phát hành: 08/12/2020 Lượt xem 2059


1. Thực trạng xuất bản sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong các giai đoạn cách mạng, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn, Đảng ta đều xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm, đối tượng đấu tranh và gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đại hội X của Đảng xác định: “kiên quyết đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”[1]. Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn chặt với cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đại hội xác định: “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”[2]. Đại hội XII xác định: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”[3]. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nêu rõ: “Chúng ta cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, xác định đúng đắn mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.” v.v...

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, việc xuất bản sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng đã đạt được những thành tựu nhất định.

1.1. Thành tựu và nguyên nhân

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được nhiều cuốn sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Riêng Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản được 8 cuốn sách. Đó là Vững bước trên con đường đã chọn (2002); Lẽ phải của chúng ta (2004); Dân chủ, nhân quyền - Giá trị toàn cầu và đặc thù quốc gia (2011); Đảng Cộng sản Việt Nam - Trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử (2011); Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (2013); Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch (2014); Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam (2015); Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng (2017). Mới đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xuất bản cuốn Bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tình hình mới (2020). Các cuốn sách trên đã xây dựng luận cứ phê phán các loại quan điểm sai trái, thù địch.

Một là, xây dựng luận cứ phê phán các quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

(1) Các luận cứ phê phán các quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin

Đã có nhiều cuốn sách, trong đó có những bài viết phê phán các quan điểm phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin: Cuốn “Vững bước trên con đường đã chọn” có các bài viết: Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin của PGS.TS. Nguyễn Phú Trọng; Giá trị bền vững của học thuyết Mác về hình thái kinh tế xã hội của Phan Đăng Phú; Về một kiểu logic không thể chấp nhận của GS.TS. Trần Hữu Tiến; Tỉnh táo trước sự đổi màu của trào lưu xã hội - dân chủ của PGS. Hồ Kiếm Việt; Về trò bịp “phi ý thức hệ” của TS. Lưu Hà Vĩ;... Cuốn “Lẽ phải của chúng ta” có các bài viết: Có phải chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời? của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa; Về nhiệm vụ đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch của PGS.TS. Lê Văn Cương; v.v... Cuốn “Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch”, có các bài viết: Luận cứ phê phán quan điểm “chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, cùng lắm là thế kỷ XX, không còn phù hợp trong thế kỷ XXI” của GS.TS. Hoàng Chí Bảo; Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin là “ngoại lai”, bắt nguồn từ phương Tây không còn phù hợp với Việt Nam (!) của PGS.TS. Vũ Văn Phúc; Góp phần bác bỏ quan điểm sai trái “học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác là sai lầm, lỗi thời” của PGS.TS. Trần Văn Phòng; Luận cứ phê phán quan điểm sai trái “Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã lỗi thời, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là chế độ bóc lột nữa” của TS. Lê Minh Nghĩa. Cuốn “Phê phán các quan điểm sai tái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam”, có các bài viết: Về một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa; Chủ nghĩa Mác và thế giới đương đại của GS.TS. Vũ Văn Hiền; Chủ nghĩa Mác - Lênin - nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam của PGS.TS. Vũ Văn Phúc. Cuốn “Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng”, có các bài viết: Chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn; Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại mới của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn; v.v... Cuốn “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, có các bài viết: Những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa; Giá trị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay của GS.TS. Trần Văn Phòng, v.v...

Các bài viết đã đưa ra các luận cứ khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin; những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin: giá trị của phương pháp biện chứng duy vật; giá trị của quan niệm duy vật lịch sử; giá trị của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội; giá trị của học thuyết giá trị thặng dư; giá trị của học thuyết và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; giá trị của học thuyết về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

(2) Các luận cứ phê phán các quan điểm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh

Đã có rất nhiều cuốn sách có những bài viết cung cấp những luận cứ phê phán quan điểm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Nổi lên là: Giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giáp đăng trong cuốn “Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch”. Cuốn “Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam”, có các bài viết: Phê phán quan điểm sai trái, coi “tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam” của Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh; “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam” - một luận điệu phản khoa học, phi thực tế của Thiếu tướng, GS.TS. Trương Giang Long; Tư tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng sáng tạo và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam của TS. Nguyễn Đình Hòa. Cuốn “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, có các bài: Tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt, soi sáng sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của Trần Quốc Vượng; Tư tưởng Hồ Chí Minh - kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam của PGS.TS. Trần Minh Trưởng; Tư tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cách mạng Việt Nam của GS.TS. Mạch Quang Thắng; v.v...

Những công trình trên đã cung cấp các luận cứ làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản sau: Tư tưởng Hồ Chí Minh - mối quan hệ biện chứng thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam... Đồng thời đã cung cấp những luận cứ thực tiễn khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh: Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới gắn liền với sự vận dụng thiên tài chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam trên các vấn đề tiêu biểu: về mục tiêu và con đường phát triển của dân tộc Việt Nam; về cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; về vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền; về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Lý giải vì sao các thế lực thù địch, phản động cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Hai là, xây dựng các luận cứ phê phán quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Liên quan đến xây dựng luận cứ phê phán các quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đã có nhiều công trình nghiên cứu. Nổi bật là: Cuốn “Vững bước trên con đường đã chọn” có các bài viết: Luận điệu mới của các thế lực chống Đảng Cộng sản của PGS.TS. Nguyễn Phú Trọng; Nguyên tắc tập trung dân chủ - phải chăng đã lỗi thời của PGS.TS. Nguyễn Phú Trọng; Một đảng cầm quyền với phát huy dân chủ của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa;... Cuốn “Lẽ phải của chúng ta” có các bài viết: Vấn đề đảng cầm quyền và công cuộc đổi mới ở Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Phú Trọng; Phải chăng chế độ một đảng cầm quyền là mất dân chủ của PGS.TS. Tô Huy Rứa;... Cuốn “Đảng Cộng sản Việt Nam trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử”, có các bài viết: Bối cảnh xác lập vai trò và vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc; Đảng với việc đổi thay lịch sử dân tộc của PGS.TS. Trần Quang Nhiếp; Một đảng duy nhất cầm quyền - sản phẩm tất yếu của thực tiễn chính trị - xã hội ở Việt Nam của GS.TS. Phạm Ngọc Quang; Công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo - những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của PGS.TS. Nguyễn Viết Thông; Thực hiện cơ chế dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền của Nguyễn Đình Hương; Chống tham nhũng và bản lĩnh của Đảng cầm quyền của Hồ Quang Lợi. Cuốn “Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch” có các bài viết:  Bàn về cái gọi là “ở Việt Nam cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn; Luận bàn về vấn đề “dân chủ và đa đảng”, “một đảng lãnh đạo và vấn đề dân chủ” của TS. Nhị Lê  - Phạm Đình Đảng.

Các công trình trên đã đưa ra những luận cứ khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, là Đảng duy nhất cầm quyền trong điều kiện chính trị - xã hội ở Việt Nam; về vai trò lãnh đạo không thể phủ nhận của Đảng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Các bài viết cũng phản bác lại các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch về vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời cũng nêu ra những đề xuất về các vấn đề xây dựng Đảng với mong muốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả của mình trước dân tộc và lịch sử.

Ba là, xây dựng các luận cứ phê phán quan điểm phủ nhận, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Liên quan đến xây dựng các luận cứ phê phán quan điểm phủ nhận, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã có rất nhiều công trình. Nổi bật là: Cuốn “Vững bước trên con đường đã chọn”, có các bài viết: Định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta của PGS.TS. Nguyễn Phú Trọng; Vững bước đi con đường xã hội chủ nghĩa của GS. Đặng Xuân Kỳ;... Cuốn “Lẽ phải của chúng ta” có các bài viết: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục tiêu, lý tưởng của chúng ta của GS.TS. Phạm Ngọc Quang; Chúng ta cần con đường nào? của GS.TS. Trần Hữu Tiến;... Cuốn “Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” có các bài viết: Lý luận về chủ nghĩa xã hội ở nước ta của PGS.TS. Nguyễn Viết Thông; Triển vọng của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của PGS.TS. Trần Văn Phòng; Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam - mặt tất yếu lịch sử của PGS.TS. Vũ Văn Phúc; Nền tảng giá trị cho sự lựa chọn và kiến nghị mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Văn Huyên; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bản lĩnh chính trị của Đảng ta của GS.TS. Lê Hữu Nghĩa; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, niềm tin son sắt của dân tộc Việt Nam của GS.TS. Vũ Văn Hiền; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở khoa học và hiện thực của PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc. Cuốn “Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch” có các bài viết: Luận cứ phê phán quan điểm cho rằng “chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng, không bao giờ thực hiện được” của PGS.TS. Đỗ Thị Thạch; Luận cứ phê phán quan điểm cho rằng “Việt Nam lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là sai lầm lịch sử; nhà nước nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh” của GS.TS.NGND. Lê Văn Quang. Cuốn “Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam”, có các bài viết: Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam của GS.NGND. Nguyễn Đức Bình; Đằng sau đòi hỏi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh là gì? của Hà Đăng; Bảo vệ đường lối của Đảng trong thực tiễn của Hữu Thọ; Một sự lầm lạc rất đáng phê phán của PGS.TS. Nguyễn Viết Thảo; Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng của Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu. Cuốn “Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng”, có các bài viết: Đòi từ bỏ chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lớn của Hà Đăng; Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của GS.TS. Vũ Văn Hiền; Phê phán các quan điểm cho rằng “Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô” của Thiếu tướng, PGS.TS.NGND. Nguyễn Bá Dương; Phê phán quan điểm cho rằng “Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt” của PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo.

Các bài viết đã tập trung cung cấp các luận cứ khẳng định: vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định đối với cách mạng Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng trong tình hình hiện nay. Khẳng định tính đúng đắn và giá trị của Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; làm rõ các vấn đề: một Đảng Cộng sản duy nhất lãnh đạo vẫn đảm bảo dân chủ ở nước ta, phát huy dân chủ, tăng cường thống nhất trong Đảng, khắc phục “lợi ích nhóm”; khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; phê phán các quan điểm sai trái về vấn đề sở hữu (trong đó có vấn đề sở hữu về đất đai). Qua đó góp phần nhận thức sâu sắc hơn và thực hiện tốt các Nghị quyết 4, 5, 6 khóa XI của Trung ương và thực hiện sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, xây dựng Hiến pháp năm 2013.

Khái quát lại, các cuốn sách nêu trên đã cung cấp luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần làm nên những thành tựu trong cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đại hội XI nhận định: “chủ động hơn trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch”[4]. Đại hội XII nhận định: “Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh hơn”[5].

Nguyên nhân đạt được những thành tựu trên là do:

Một là, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng.

Trong các văn kiện đại hội và các nghị quyết chuyên đề Đảng ta đều xác định rõ quan điểm, yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách thức đấu tranh, phản bác. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, đã chỉ rõ: Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở mỗi thời kỳ, nhất là những bước ngoặt, thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng ta càng chủ trương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này.

Hai là, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong viết các bài cung cấp luận cứ khoa học phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương,... đã coi trọng xây dựng các cuốn sách cung cấp luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Hội đồng Lý luận Trung ương được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh và trực tiếp tham gia đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng và tích cực xây dựng các luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật in, phát hành nhiều cuốn sách cung cấp những luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan lý luận, trong đó có Hội đồng Lý luận Trung ương khẩn trương biên soạn và phát hành các cuốn sách cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

1.2. Hạn chế, bất cập và nguyên nhân

Việc xuất bản sách phục vụ trực tiếp phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Khuyết điểm của việc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có trách nhiệm của công tác xuất bản sách về chủ đề này. Đại hội XI nhận định: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng còn hạn chế; thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình””[6]. Đại hội XII nhận định: “Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”[7]. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII cũng nhận định: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Nổi bật là những hạn chế, bất cập sau:

Một là, chưa xác định rõ những nguyên lý cơ bản nào của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước đây đúng, hiện nay và về sau vẫn đúng; những nguyên lý nào của các cụ trước đây đúng, nay đã bị thực tiễn vượt qua, cần bổ sung, phát triển; những nguyên lý nào của các cụ không đúng từ khi nó ra đời; những nguyên lý nào của các cụ chúng ta nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cần phải nhận thức lại.

Hai là, việc tổng kết làm rõ sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.

Ba là, một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng lý luận chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo.

Bốn là, sức thuyết phục về khoa học, tính lý luận, bút chiến của một số bài viết, bài đấu tranh phản bác chưa cao. Mảng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, đạo đức của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ của Đảng, anh hùng dân tộc chưa hệ thống.

Năm là, việc phổ biến các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch chưa rộng rãi, chưa thường xuyên. Các cuốn sách phục vụ trực tiếp phê phán các quan điểm sai trái, thù địch đều được tiến hành theo phương thức sách Trung ương đặt hàng với số lượng hầu hết là 1.000 bản và là loại “sách không bán”.

Những hạn chế, bất cập trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan: Các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là vấn đề lớn, khó, vừa làm, vừa tổng kết, khái quát thành lý luận. Lý luận về đường lối đổi mới đang trong quá trình hình thành, phát triển. Chủ nghĩa tư bản có sức mạnh kinh tế, vẫn còn khả năng tự điều chỉnh. Âm mưu, thủ đoạn tấn công chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội ngày càng thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; triệt để khai thác, lợi dụng thành tựu của công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin để chống phá Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Nguyên nhân chủ quan: Trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận hạn chế, bất cập. Số chuyên gia đầu ngành ngày càng hẫng hụt. Cơ quan nghiên cứu lý luận chưa được tổ chức hợp lý. Cơ chế, chính sách đối với những người tham xuất bản sách về mảng đề tài này còn bất cập. Chưa có cơ chế bảo vệ những người tham gia đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Một số vấn đề lý luận đã chín, đã rõ nhưng chưa được kết luận làm cơ sở cho việc xây dựng các luận cứ trong xuất bản các cuốn sách đấu tranh.

 

2. Kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra và định hướng nhiệm vụ, giải pháp xuất bản sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

2.1. Kinh nghiệm

Từ thành tựu và hạn chế, bất cập trong việc xuất bản sách phục vụ trực tiếp phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Để xây dựng các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi phải nắm vững và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Một khi không nắm vững và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng thì không thể xây dựng được cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch hoặc có xây dựng được cuốn sách thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.

Hai là, phải thật chủ động, dự báo đúng tình hình, nắm chắc các quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời xây dựng những cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách khoa học, sắc bén.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch thường xuyên tìm mọi cách để phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh tụ... Điều đó chúng ta phải thật chủ động, dự báo các thế lực thù địch sẽ đưa ra những quan điểm nào để chủ động, kịp thời xây dựng các luận cứ phê phán các quan điểm đó.

Ba là, việc xuất bản các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

Các thế lực thù địch không ngơi nghỉ tiến hành các hoạt động phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta và tập trung vào những thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng như đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp, ban hành các luật quan trọng, nhạy cảm, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các lễ kỷ niệm lớn và chúng cũng tiến hành có trọng tâm, trọng điểm. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch một cách thường xuyên, liên tục và có trọng tâm, trọng điểm.

Bốn là, phải có trí tuệ, hiểu biết sâu rộng, đồng thời phải có dũng khí trong việc xuất bản sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

Các thế lực đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, đưa ra những quan điểm không phải không có căn cứ gì, không phải không có một phần sự thật nào. Chúng lợi dụng triệt để những sơ hở, sai lầm, khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta và của các cán bộ, đảng viên để tấn công chúng ta. Điều đó, đòi hỏi những người tham gia xuất bản sách phải có trí tuệ cao, hiểu biết sâu rộng mới có thể xây dựng được các cuốn sách có các luận cứ có sức thuyết phục và khoa học. Trên thực tế những người đưa ra luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch thường bị các thế lực thù địch tấn công trở lại bằng mọi thủ đoạn vừa tinh vi, vừa xấu độc, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp. Nếu không có dũng khí thì không dám đưa ra các luận cứ phê phán mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch.

Năm là, phải có tổ chức chặt chẽ; huy động được lực lượng đông đảo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, những người có uy tín trong cộng đồng tham gia xây dựng các cuốn sách phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

Các thế lực thù địch huy động được lực lượng đông đảo, được đầu tư lớn về phương tiện, cơ sở vật chất để tung ra và truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm. Để chiến thắng trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải có tổ chức chặt chẽ, huy động được lực lượng đông đảo, các chuyên gia đầu ngành, những người có uy tín trong cộng đồng. Chẳng hạn, để phê phán các quan điểm sai trái, thù địch về tôn giáo, dân tộc, nếu chúng ta huy động được các vị chức sắc trong các tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc tham gia đấu tranh sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, cơ chế bảo vệ những người tham gia viết các sách trực tiếp đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

2.2. Những vấn đề đặt ra, định hướng nhiệm vụ, giải pháp

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu: Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc xuất bản sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới đang đặt ra những vấn đề, đòi hỏi phải đổi mới.

Một là, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, càng đặt ra nhiều vấn đề lý luận cần được làm sáng tỏ. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta làm căn cứ để xây dựng các cuốn sách phục vụ trực tiếp cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xác định đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ  bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có những người làm công tác xuất bản sách.

Ba là, những người có quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là các thế lực thù địch ở nước ngoài mà có xu hướng xuất hiện ở trong nước ngày càng trẻ. Đòi hỏi phải nâng cao tính khoa học của các cuốn sách, bài viết; phải tuyên truyền rộng rãi các cuốn sách đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng công bố các quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, trong thời đại cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, văn hóa đọc sách giấy đang có xu hướng giảm mạnh. Điều đó, đòi hỏi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng phải đổi mới cách xuất bản sách giấy. Phải vừa xuất bản sách giấy, vừa xuất bản sách điện tử. Sách điện tử yêu cầu phải ngắn, gọn, xúc tích. Đòi hỏi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các cơ quan lý luận biên tập sách cho phù hợp với yêu cầu của sách điện tử.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TW

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2006, tr.132.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.257.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.201.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.161.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.186.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.172-173.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.142-142.

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết