Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Một số quan niệm về pháp quyền trên thế giới

Ngày phát hành: 01/11/2018 Lượt xem 6338

 

Ở một số nước có truyền thống lâu đời về pháp quyền, “pháp quyền” được biểu đạt bằng các thuật ngữ tiếng Anh là “Rule of Law”, tiếng Đức “Rechtsstaatlichkeit”, tiếng Pháp “prééminence du droit” . Ở Việt Nam, thuật ngữ “rule of law” tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt thành các thuật ngữ có nội hàm khác nhau như: Pháp quyền, chế độ pháp quyền , pháp trị , nhà nước pháp quyền , nguyên tắc pháp quyền. Ngoài ra, một số câu hỏi vẫn được nhiều người nghiên cứu, giảng dạy, học tập về chính trị, luật học, triết học ở Việt Nam quan tâm là hiểu thế nào là pháp quyền, những điểm chung và khác biệt giữa pháp quyền với chế độ pháp quyền, pháp trị, nhà nước pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền?

1. Khái quát lịch sử của tư tưởng pháp quyền

Trên thế giới, tư tưởng pháp quyền hình thành từ thời kỳ cổ đại. Yêu cầu về đảm bảo pháp quyền được đưa ra để phản ứng với sự lạm dụng quyền lực của chính quyền và chống lại sự tùy tiện của người cai trị với yêu cầu công quyền phải bị giới hạn bởi luật pháp. Tư tưởng pháp quyền tiếp tục được bồi đắp và phát triển qua nhiều giai đoạn. Lý thuyết pháp quyền được hình thành nên từ những ý tưởng đó.

Ở thời kỳ cổ đại, tư tưởng pháp quyền được phản ánh gắn với tên tuổi của một số nhà triết học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng như Solon (638-559 trước Công nguyên, viết tắt TCN), Pythagoras (580-500 TCN), Heraclitus (530-470 TCN), Democritus (460-370 TCN), Socrates (469-99 TCN), Plato (427-347 TCN), Aristotle (384-322 TCN). Solon đã cho rằng, “chỉ có pháp luật mới thiết lập được trật tự và tạo nên sự thống nhất” . Theo Pythagoras, pháp luật phải được đặt cao hơn các phong tục, tập quán truyền thống . Heraclitus cho rằng: “Muốn có tự do và bình đẳng thì nhân dân phải đấu tranh để bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của bản thân mình” . Democritus khi luận bàn về sự ra đời của Nhà nước và pháp luật đã cho rằng: “Sự tự do của công dân chính là sự tuân thủ pháp luật” . Trong nhận thức của Socrates, dân chủ không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật hay pháp luật bất lực. Giá trị cao nhất là công lý, nghĩa là con người ta sống tuân thủ pháp luật của Nhà nước . Khi nói về vai trò của pháp luật, Plato đã nhận xét: “Ta nhìn thấy sự sụp đổ mau chóng của Nhà nước, ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của một ai đó. Còn ở đâu mà luật pháp đứng trên nhà cầm quyền, còn họ chỉ là nô lệ của luật pháp thì ở đó ta nhìn thấy sự cứu thoát của Nhà nước” .

Trong quan niệm của Aristotle không phải con người có quyền tối thượng mà pháp luật mới là tối thượng. Theo Aristotle, để duy trì chính quyền thì “điều cần giữ gìn triệt để hơn là tinh thần thượng tôn pháp luật” . Tư tưởng của Aristotle đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, “không có nguyên tắc nào cũng như luật lệ nào đặt việc tranh quyền đoạt lợi làm mục tiêu lại có thể được xem là hữu ích hay chính đáng, dù đó là cá nhân hay quốc gia” .

Ở thời kỳ Trung cổ, tư tưởng pháp quyền dường như bị chèn ép bởi tư tưởng thần quyền và các giáo lý tôn giáo. Lý do của hiện tượng này là thời kỳ trung cổ mang dấu ấn sâu sắc của chế độ chuyên chế vương quyền và thần quyền, của bạo lực nhà nước và sự tôn sùng tôn giáo .

Đến thời kỳ Phục hưng, phong trào chống lại tư tưởng chuyên chế và thần quyền trung cổ đã xuất hiện ở châu Âu. Ở giai đoạn đó, người ta đòi hỏi phải tăng cường quyền lực nhà nước. Theo Nicollo Machiavelli (1469-1527), nhà chính trị bao giờ cũng phải ưu tiên sử dụng sức mạnh bạo lực. Vì vậy, Nhà nước phải có các công cụ bạo lực mạnh như quân đội, luật pháp để bảo vệ lợi ích quốc gia. Ủng hộ quan điểm đó, Jean Bodin (1530-1596) cho rằng, Nhà nước phải có quyền lực tuyệt đối, nó ở trên hết thảy, không phụ thuộc vào bất cứ quyền lực nào khác ở trong hay ngoài quốc gia .

Trong thời kỳ Tư bản chủ nghĩa, tư tưởng pháp quyền đã được phục hồi, kế thừa và phát triển mạnh gắn với lý thuyết phân quyền và học thuyết nhà nước pháp quyền tư sản. Chúng ta biết đến những người đại diện cho tư tưởng pháp quyền như: Thomas Hobbes (1588-1679), John Locke (1632-1704), C.L. Montesquieu (1689-1755), Jean-Jacques Rousseau (1712-1788), Immanuel Kant (1724-1804). Chẳng hạn, nói về vai trò của pháp luật trong mối quan hệ với Nhà nước, Immanuel Kant (1724-1804) cho rằng, Nhà nước là sự liên kết mọi người trong khuôn khổ của pháp luật nhằm giám sát và đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi công dân. Nhà nước lý tưởng là ở đó pháp luật chiếm địa vị tối thượng, không phụ thuộc vào bất cứ một cá nhân nào .

Theo Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831), Nhà nước hiện đại chỉ xuất hiện khi có sự khác biệt giữa các đẳng cấp trong xã hội, khi sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo trở nên quá lớn . Hegel nói đến Nhà nước hợp lý, ở đó sự thống nhất giữa ý chí của cá nhân với quy luật phát triển tất yếu của xã hội được đảm bảo. Luật pháp của Nhà nước là sản phẩm của một Nhà nước hợp lý và đương nhiên được đề cao. Sự đề cao pháp luật chỉ là hệ quả chứ không phải là tiền đề của nhà nước pháp quyền. Không phải cứ đề cao pháp luật là có được nhà nước pháp quyền . Theo Hegel, đề cao, tôn vinh pháp luật mới chỉ phản ánh được phần nào pháp quyền và nếu chỉ dừng ở quan niệm như vậy thì đó là tư tưởng pháp trị .

2. Một số quan niệm về pháp quyền thời kỳ hiện đại

Trong thế kỷ XX, pháp quyền tiếp tục được bàn luận ở nhiều quốc gia. Các khía cạnh của pháp quyền được phân tích trong một số nghiên cứu của A. V. Dicey , F.A. Hayek (1944, 1960 và 1973), Michael Oakeshott (1983), Joseph Raz (1977) và John Finnis (1980), Lon Fuller (1964), Ronald Dworkin (1985) và John Rawls (1971) , Gustav Radbruch (1878-1949), Arthur Kaufmann (1923-2001) , Sobota, Luhmann, Kunig … Mặc dù đã có hàng chục quyển sách và hàng trăm bài viết về pháp quyền, giới khoa học trên thế giới vẫn còn những ý kiến khác biệt khá lớn và vẫn còn tiếp diễn những cuộc tranh luận về khái niệm pháp quyền , về các yếu tố cấu thành nội dung khái niệm pháp quyền hay về những yêu cầu mà pháp quyền đòi hỏi , cũng như mục đích cổ súy việc áp dụng và cách nhìn về những lợi ích mà pháp quyền có thể mang lại và nhiều vấn đề khác.

Dưới đây có thể khái quát một số nhóm quan điểm chính hiện nay trên thế giới về pháp quyền.

1) Quan niệm về pháp quyền từ cách tiếp cận hình thức

Đại diện của nhóm quan niệm pháp quyền hình thức (the formal conception of the rule of law) gồm Joseph Raz, Albert Venn Dicey, Unger và Lon Fuller và một số nhà luật học khác. Joseph Raz là người thể hiện quan niệm hình thức về pháp quyền một cách rõ ràng nhất . Trong quan niệm của Joseph Raz, pháp quyền là lý tưởng chính trị mà một hệ thống pháp luật có thể không có hoặc có ở mức độ nhiều hay ít. Pháp quyền được phân biệt với dân chủ, công lý, bình đẳng, nhân quyền dưới mọi hình thức . Theo quan điểm này, một chế độ dân chủ sẽ không nhất thiết phải có pháp luật phù hợp với những nguyên tắc pháp quyền. Bất kỳ luật nào được cơ quan lập pháp thông qua một cách hợp pháp đều thỏa mãn yêu cầu của pháp quyền hình thức . Một khía cạnh quan trọng khác của pháp quyền là các đạo luật được ban hành phải có khả năng hướng dẫn hành vi của một người để họ có thể hoạch định cuộc sống của mình . Từ nguyên tắc chung đó, Joseph Raz đưa ra một số đặc tính cụ thể mà pháp luật nên có để có thể được coi là phù hợp với pháp quyền như: Pháp luật có thể được dự báo và không có tính hồi tố; luật tương đối ổn định; luật được hướng dẫn bởi các quy phạm mở, áp dụng chung và rõ ràng; tư pháp độc lập; quyền tiếp cận tòa án; các cơ quan thực thi pháp luật không được phép tùy tiện làm mất đi mục đích điều chỉnh của pháp luật .

Lý thuyết về pháp quyền của Albert Venn Dicey được hình thành từ ba nguyên tắc. Trước hết, pháp quyền nói đến uy quyền tuyệt đối hoặc tối cao của luật trong sự đối lập với ảnh hưởng của quyền lực tùy tiện và thủ tiêu sự tồn tại của độc quyền. Không ai có thể bị can thiệp hoặc bị trừng phạt một cách bất hợp pháp bởi chính quyền, ngoại trừ các vi phạm pháp luật được thiết lập theo cách thông thường trước tòa án quốc gia. Xã hội được cai trị bởi luật pháp. Chính phủ chỉ có thể làm những việc được ủy quyền bởi pháp luật hoặc thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Nguyên tắc thứ hai trong quan niệm pháp quyền của Dicey là sự bình đẳng trước pháp luật của tất cả các tầng lớp. Không có người nào đứng trên pháp luật và mọi người, bất kể địa vị hay cấp bậc của họ, đều phải tuân theo luật pháp thông thường của quốc gia. Cuối cùng, các nguyên tắc của luật tư được phát triển bởi hoạt động của nghị viện và của tòa án .

Lon Fuller nhắc đến yêu cầu về khả năng dự đoán được của pháp luật . Theo ông, việc trừng phạt một cá nhân sẽ không chính đáng nếu người ta phải tạo ra luật để xử lý những hành động đã xảy ra trong quá khứ trước khi có quy phạm pháp luật đó . Pháp luật không truy cứu trách nhiệm đối với chủ thể mà hành vi của họ được thực hiện trước khi luật có hiệu lực. Cũng theo Lon Fuller, rất khó hình dung nếu luật bị thay đổi hằng ngày và thật lố bịch nếu cá nhân phải chịu trách nhiệm bởi những quy phạm pháp luật được thay đổi hàng ngày đó . Lon Fuller đã đưa ra tám yêu cầu đối với pháp luật .

Brian Z. Tamanaha là tác giả của nhiều bài viết về pháp quyền. Quan điểm của ông về pháp quyền cơ bản phù hợp với quan điểm của Lon Fuller và Joseph Raz . Theo Brian Z. Tamanaha, pháp quyền đòi hỏi các quan chức chính phủ và công dân chịu sự ràng buộc bởi pháp luật và tuân theo pháp luật. Xã hội, trong đó các quan chức chính phủ và công dân bị ràng buộc bởi và tuân thủ pháp luật, là xã hội tồn tại dưới sự cai trị của pháp luật . Nếu hiểu theo nghĩa hẹp như vậy, pháp quyền đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật, bao gồm các quy phạm được đưa ra trước và được quy định một cách tổng quát, phổ biến và dễ hiểu, dễ tiếp cận, áp dụng công bằng với tất cả mọi người và có những cơ chế hoặc cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật khi có vi phạm . Quan niệm của Brian Z. Tamanaha về pháp quyền như đã nói ở trên chỉ tập trung vào pháp luật và không bao gồm dân chủ và quyền con người . Brian Z. Tamanaha cho rằng, ba vấn đề trung tâm của khái niệm pháp quyền là: (i) Chính quyền bị giới hạn bởi pháp luật; (ii) Tính hợp pháp hình thức; và (iii) Sự đối lập giữa sự thống trị của pháp luật và thống trị bởi con người. Trong định nghĩa đơn giản và cơ bản về pháp quyền chỉ đặt ra yêu cầu các quan chức chính phủ và công dân bị ràng buộc bởi và tuân theo luật pháp, mà không bàn luận về việc các luật đó được thực hiện như thế nào - dù thông qua các phương tiện dân chủ hay phương tiện khác - và không nhắc tới các tiêu chuẩn mà các luật đó phải thỏa mãn - dù được đo lường theo các tiêu chuẩn nhân quyền hay bất kỳ tiêu chuẩn nào khác .

Jan Wouters, Nicolas Hachez cho rằng, quan niệm pháp quyền hình thức đặt trọng tâm vào hình thức của việc tuân thủ pháp quyền hơn là nội dung của các luật lệ và giá trị mà nó theo đuổi .

Ở Việt Nam, từ cách tiếp cận pháp quyền hình thức, một vài ý tưởng về pháp trị đã hình thành trong quan niệm của Nguyễn Trường Tộ về sử dụng pháp luật để duy trì trật tự xã hội . Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm có nhận thức đầy đủ về pháp quyền. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) đã viết bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Véc-xây. Trong đó, Người yêu cầu thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” thành “Việt Nam yêu cầu ca”. Trong đó, Người đã yêu cầu phải ban hành Hiến pháp, quản lý nhà nước bằng luật pháp theo tinh thần “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thần linh pháp quyền trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc có thể hiểu chính là pháp quyền mà Người muốn ám chỉ. Tư tưởng về “thần linh pháp quyền” của Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền tảng cho quan điểm về một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay .

Từ các quan niệm trên về pháp quyền hình thức cho thấy, những người đại diện của nhóm quan điểm này chủ yếu đề cập đến cách thức mà luật pháp được ban hành, các yêu cầu đối với pháp luật và phạm vi hiệu lực về thời gian của nó . Với quan niệm pháp quyền hình thức như vậy, một hệ thống pháp luật mặc dù chứa đựng những quy phạm không hợp lý nhưng vẫn có thể được coi đáp ứng pháp quyền nếu thỏa mãn được các yêu cầu của quan niệm pháp quyền hình thức đã nêu ở trên. Trong quan niệm về pháp quyền hình thức, người ta không phán xét về chất lượng của pháp luật . Đây là điểm khác biệt giữa quan niệm hình thức và quan niệm nội dung về pháp quyền. Do không quan tâm đến chất lượng của các luật lệ và giá trị mà nó theo đuổi nên quan niệm pháp quyền hình thức thường bị chỉ trích bởi lý do pháp quyền vốn là một giá trị bảo vệ con người khỏi những bất công của luật pháp.

2) Quan niệm về pháp quyền từ cách tiếp cận nội dung

Những đại diện nổi bật cho quan niệm về pháp quyền từ cách tiếp cận nội dung (the substantive conception of the rule of law) là Dworkin, Sir John Laws và Trevor Allan , Dieter Grimm ,… Ngoài ra, pháp quyền từ cách tiếp cận nội dung được thể hiện qua cách giải thích của Liên hợp quốc về pháp quyền.

Quan niệm về pháp quyền từ cách tiếp cận nội dung thường nhấn mạnh chất lượng của pháp luật và các giá trị mà nó theo đuổi. Ở cách tiếp cận này, những người đại diện cho pháp quyền nội dung đồng ý với các nhà chính trị rằng, các đặc điểm như tổng quát và công khai là cần thiết để tạo ra tính hợp pháp của luật, nhưng họ cho rằng mối liên hệ giữa pháp luật và các quyền cơ bản phải được coi trọng . Những người đại diện cho pháp quyền nội dung ít quan tâm đến hình thức và quy trình, mà chú ý nhiều hơn đến những giá trị mà họ muốn thúc đẩy và đạt được. Vì thế, họ đã đưa vào khái niệm pháp quyền các giá trị như nhân phẩm, tự do, công bằng, công lý, dân chủ, quyền con người.

Gustav Radbruch cho rằng, công bằng, sự phù hợp với mục đích và sự an toàn pháp lý là ba phương diện của khái niệm pháp quyền . Theo Arthur Kaufmann, công bằng (theo nghĩa rộng) có ba khía cạnh: Sự bình đẳng (công bằng theo nghĩa hẹp), sự phù hợp với mục đích (công bằng xã hội) và sự bảo đảm an toàn pháp lý (hiệu lực của luật) . Bình đẳng là khía cạnh hình thức của công bằng, sự phù hợp với mục đích là khía cạnh nội dung của công bằng và sự bảo đảm an toàn pháp lý là chức năng của công bằng .

Theo Dieter Grimm, nhà nước pháp quyền được xây dựng trên ý niệm về công lý, công nhận các giá trị nội tại, sự tự do và bình đẳng của các cá nhân. Một Nhà nước theo đuổi pháp quyền theo nghĩa lý luận không phải là một Nhà nước tuân thủ theo pháp luật, mà là một Nhà nước ở đó pháp luật phản ánh một số khái niệm về công lý .

Liên hợp quốc coi pháp quyền là “một nguyên tắc quản trị mà trong đó tất cả mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công và tư, bao gồm cả Nhà nước, đều phải tuân thủ pháp luật được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng và được phán quyết một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Pháp quyền đòi hỏi các biện pháp để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, trách nhiệm pháp lý, công bằng trong áp dụng pháp luật, phân chia quyền lực, sự tham gia vào việc ra quyết định, tính tin cậy pháp lý, tránh sự tùy tiện và tính minh bạch của pháp luật và thủ tục” .

Pháp quyền được Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận là giá trị chung và trở thành nguyên tắc cơ bản , theo đó các quốc gia thành viên cũng như các tổ chức của EU luôn phải xem xét hành động của họ có phù hợp với Hiến pháp và Hiệp ước của Liên minh .

Pháp quyền cũng được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thừa nhận là một trong những giá trị hình thành, là mục tiêu, là nguyên tắc hành động của tổ chức này .

Quan niệm pháp quyền nội dung như đã đề cập ở trên tất nhiên không nhận được sự ủng hộ của những người theo quan điểm pháp quyền hình thức. Brian Z. Tamanaha không ủng hộ quan niệm pháp quyền gắn các giá trị như nhân phẩm, tự do, công bằng, công lý, dân chủ, các quyền con người. Ông đưa ra các lập luận rằng, pháp quyền là một tư tưởng liên quan đến tính hợp pháp (legality), trong khi dân chủ là một hệ thống quản trị (system of governance), và quyền con người là những chuẩn mực mang tính phổ biến (universal norms and standards) ; vì vậy, chúng là những thành tố tách biệt và tập trung vào những khía cạnh khác nhau của hệ thống chính trị - pháp lý và có thể tồn tại độc lập hoặc kết hợp với nhau. Lý do thứ hai để Brian Z. Tamanaha không tích hợp dân chủ, nhân quyền trong pháp quyền là nếu cho rằng pháp quyền đòi hỏi bao gồm yếu tố quyền con người và dân chủ thì điều này ám chỉ rằng chỉ có nền dân chủ tự do mới có pháp quyền. Nói cách khác, một xã hội mong muốn có pháp quyền thì phải hướng tới xã hội giống như nền dân chủ tự do. Điều này không hợp lý bởi ý nghĩa của pháp quyền bị gán với những giả định mang tính quy chuẩn còn đang gây nhiều tranh cãi để tạo ra kết quả mong muốn hoặc giả định được áp dụng với tất cả mọi người . Brian Z. Tamanaha dẫn chứng tư tưởng của John Rawls để biện luận rằng, việc đưa dân chủ và nhân quyền vào định nghĩa pháp quyền là trái ngược với nguyên lý chủ nghĩa tự do . Theo Brian Z. Tamanaha, cần tách pháp quyền, dân chủ và nhân quyền, cũng như những điều tốt đẹp khác mà chúng ta hướng tới như sức khỏe và an ninh, bởi sự trộn lẫn tất cả những điều này có xu hướng che khuất thực tế rằng xã hội và Chính phủ có thể tuân thủ pháp quyền, nhưng vẫn có thể bị cho là có thiếu sót nghiêm trọng .

3) Quan niệm trung dung về pháp quyền

Có người giải thích khái niệm pháp quyền từ cả phương diện nội dung và phương diện hình thức. Mark Ellis cho rằng, chỉ hợp lý nếu tiêu chuẩn của pháp quyền dựa trên cả định nghĩa hình thức và định nghĩa nội dung bởi nếu không có cấu thành nội dung chứa đựng các nguyên tắc phổ quát của công lý thì pháp quyền sẽ trở thành vô nghĩa .

Dự án Tư pháp thế giới (The World Justice Project - WJP) liệt kê bốn nội dung mang tính nguyên tắc sau đây của pháp quyền :

(1) Chính phủ, các quan chức, các cơ quan đại diện, cá nhân và các tổ chức tư nhân đều phải tuân thủ pháp luật.

(2) Luật pháp rõ ràng, công khai, ổn định và đúng đắn; được áp dụng chung và bảo vệ các quyền cơ bản, bao gồm sự an toàn về tính mạng và tài sản của con người và các quyền con người đã được xác định.

(3) Quy trình pháp luật rõ ràng, theo đó luật được ban hành có thể tiếp cận được, được quản lý và thi hành một cách công bằng và hiệu quả.

(4) Hoạt động tư pháp phải được thực hiện kịp thời bởi những đại diện có thẩm quyền, có đạo đức, độc lập và trung lập, có đủ nhân lực và nguồn lực cần thiết và làm việc với tinh thần phục vụ cộng đồng.

Theo WJP, “bốn nguyên tắc phổ quát nói trên tạo thành một định nghĩa chức năng của pháp quyền. Chúng được phát triển theo các tiêu chuẩn và quy phạm quốc tế đã được thừa nhận, đã được thử nghiệm và tinh luyện với sự tham vấn của nhiều chuyên gia trên toàn thế giới” .

Bốn nguyên tắc phổ quát được tiếp tục phát triển trong chín yếu tố đánh giá sau đây của Chỉ số luật pháp WJP hằng năm và trong mỗi Chỉ số luật pháp, WJP lại có các nhân tố đánh giá cụ thể. Chín yếu tố đánh giá của Chỉ số luật pháp WJP bao gồm : Những hạn chế về quyền hạn của Chính phủ (Constraints on Governments Powers - Yếu tố 1); Thiếu vắng sự tham nhũng (Absence of Corruption - Yếu tố 2); Chính phủ mở (Open Government - Yếu tố 3); Các quyền cơ bản (Fundamental Rights - Yếu tố 4); Trật tự và an ninh (Order and Security - Yếu tố 5); Thực thi pháp luật (Regulatory Enforcement - Yếu tố 6); Tư pháp dân sự (Civil Justice - Yếu tố 7); Tư pháp hình sự (Criminal Justice - Yếu tố 8); Tư pháp phi chính thức (Informal Justice - Yếu tố 9).

Những hạn chế về quyền hạn của Chính phủ (Yếu tố 1) đánh giá mức độ mà những người có liên quan bị ràng buộc bởi luật pháp. Nó bao gồm các phương tiện, trong đó có Hiến pháp và thể chế, qua các phương tiện đó, quyền hạn của Chính phủ và quyền hạn của các quan chức và đại diện của nó bị giới hạn và chịu trách nhiệm trước luật pháp. Trong Yếu tố 1 còn có sự kiểm tra phi nhà nước đối với quyền lực của Chính phủ của báo chí tự do và độc lập. Những nội dung được đánh giá trong Yếu tố 1 (Những hạn chế về quyền hạn của Chính phủ) là: Hiệu quả của việc kiểm tra thể chế về quyền lực của Chính phủ thông qua các cơ quan: Cơ quan lập pháp (Yếu tố 1.1), cơ quan tư pháp (Yếu tố 1.2), các cơ quan kiểm toán và đánh giá độc lập (Yếu tố 1.3), cũng như hiệu quả của việc giám sát phi chính phủ bởi các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự (Yếu tố 1.5), mức độ diễn ra quá trình chuyển giao quyền lực theo luật cũng được xem xét (Yếu tố 1.6). Ngoài các nội dung đánh giá nói trên, trong Yếu tố 1 cũng đánh giá sự trừng phạt đối với các quan chức chính phủ về hành vi sai phạm chính thức (Yếu tố 1.4) .

Yếu tố 2 (thiếu vắng sự tham nhũng) xem xét ba hình thức tham nhũng: Hối lộ, thu lợi không chính đáng từ lợi ích của công chúng hoặc tư nhân, và sự chiếm dụng quỹ công hoặc các nguồn lực khác. Ba hình thức tham nhũng này được kiểm tra đối với các nhân viên chính phủ trong ngành hành pháp (Yếu tố 2.1), cơ quan tư pháp (Yếu tố 2.2), quân đội và cảnh sát (Yếu tố 2.3) và cơ quan lập pháp (Yếu tố 2.4) bao gồm các tình huống, trong đó hành vi tham nhũng - từ hối lộ nhỏ đến hành vi gian lận - có thể xảy ra .

Yếu tố 3 (Chính phủ mở) được định nghĩa là một Chính phủ chia sẻ thông tin, trao quyền cho người dân bằng các công cụ để khiến Chính phủ phải có trách nhiệm về hành động của mình và thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các cuộc thảo luận chính sách công. Nhân tố này đánh giá mức độ công khai của các luật cơ bản và thông tin về các quyền hợp pháp và chất lượng thông tin do Chính phủ công bố (Yếu tố 3.1). Đồng thời, nó cũng xác định liệu các yêu cầu về thông tin do cơ quan chính phủ nắm giữ có được thực hiện đúng không (Yếu tố 3.2). Cuối cùng, nó đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế tham gia của công dân, bao gồm việc bảo vệ tự do ý kiến và biểu đạt, hội họp, hiệp hội và quyền kiến nghị (Yếu tố 3.3); và liệu người dân có thể đưa khiếu nại cụ thể lên chính quyền hay không (Yếu tố 3.4) .

Các quyền cơ bản (Yếu tố 4) đánh giá mức độ bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Nếu một hệ thống pháp luật không tôn trọng những quyền con người cốt lõi đã được thừa nhận rộng rãi trong luật quốc tế thì không được coi là có tính pháp quyền. Vì có rất nhiều chỉ số khác liên quan đến quyền con người và có lẽ không thể đánh giá được sự tuân thủ đầy đủ các quyền nên Yếu tố 4 tập trung vào các quyền đã được thiết lập theo Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người và có liên quan chặt chẽ với tính pháp quyền. Theo đó, Yếu tố 4 bao gồm việc tuân thủ các quyền cơ bản sau: Thực thi có hiệu quả pháp luật bảo đảm sự bảo vệ quyền bình đẳng (Yếu tố 4.1), quyền sống và an toàn của cá nhân (Yếu tố 4.2), theo đúng thủ tục của pháp luật quy định và các quyền của bị can (Yếu tố 4.3), tự do ngôn luận và biểu đạt (Yếu tố 4.4), tự do tín ngưỡng và tôn giáo (Yếu tố 4.5), quyền riêng tư (Yếu tố 4.6), tự do hội họp và lập hội (Yếu tố 4.7), và các quyền lao động cơ bản, trong đó có quyền thương lượng tập thể, cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, và xóa bỏ phân biệt đối xử (Yếu tố 4.8) .

Trật tự và an ninh (Yếu tố 5) đánh giá hiệu quả kiểm soát tội phạm (Yếu tố 5.1 tội phạm thông thường), bạo lực chính trị (Yếu tố 5.2 bao gồm khủng bố, xung đột vũ trang, và tình trạng bất ổn chính trị), và việc người dân không sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp cá nhân (Yếu tố 5.3 tự xử lý) .

Thực thi pháp luật (Yếu tố 6) đánh giá mức độ áp dụng và thực thi các quy định một cách công bằng và hiệu quả. Các quy định của chính quyền được thực thi có hiệu quả (Yếu tố 6.1) và được áp dụng, thi hành mà không bị ảnh hưởng bởi hành vi không chính đáng hoặc lợi ích cá nhân của công chức, viên chức (Yếu tố 6.2). Thủ tục hành chính được tiến hành kịp thời, không có sự chậm trễ bất hợp lý (Yếu tố 6.3); quy trình trong thủ tục hành chính được tôn trọng (Yếu tố 6.4) và tài sản cá nhân không bị tước đoạt nếu không có đền bù thỏa đáng (Yếu tố 6.5).

Yếu tố thực thi pháp luật không đánh giá các hoạt động nào mà chính quyền lựa chọn để điều chỉnh, và cũng không xem xét sự điều chỉnh của một hoạt động cụ thể đến mức độ nào là thích hợp. Thay vào đó, nó kiểm tra cách thức các quy định được thực hiện và thi hành. Để tạo thuận lợi cho việc so sánh, Yếu tố 6 chú ý các lĩnh vực điều chỉnh các quốc gia trong một hoặc nhiều mức độ, chẳng hạn như y tế công cộng, an toàn nơi làm việc, bảo vệ môi trường và hoạt động thương mại.

Tư pháp dân sự (Yếu tố 7) đánh giá, liệu những người bình thường có thể giải quyết các khiếu kiện của họ một cách hòa bình và hiệu quả thông qua hệ thống tư pháp dân sự. Tư pháp dân sự hiệu quả đòi hỏi hệ thống đó có thể tiếp cận được với chi phí phải chăng (Yếu tố 7.1), không bị phân biệt đối xử (Yếu tố 7.2), không tham nhũng (Yếu tố 7.3), và không chịu những tác động không hợp lý của các công chức (Yếu tố 7.4). Tư pháp dân sự có hiệu quả cũng đòi hỏi thủ tục tố tụng của tòa án phải được thực hiện một cách kịp thời và không bị trì hoãn một cách bất hợp lý (Yếu tố 7.5). Bên cạnh đó, Yếu tố 7 thừa nhận giá trị của cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế. Đồng thời, nó đánh giá khả năng tiếp cận, sự không thiên vị và hiệu quả của hệ thống hòa giải và trọng tài (Yếu tố 7.7) .

Tư pháp hình sự (Yếu tố 8) đánh giá hệ thống tư pháp hình sự. Các hệ thống tư pháp hình sự hiệu quả có thể điều tra và xét xử tội phạm thành công và kịp thời (Yếu tố 8.1 và 8.2), thông qua một hệ thống vô tư và không phân biệt (Yếu tố 8.4), không có tham nhũng và không chịu ảnh hưởng không chính đáng của chính phủ (Yếu tố 8.5 và Yếu tố 8.6), đồng thời đảm bảo quyền lợi của cả nạn nhân và bị can được bảo vệ hiệu quả (Yếu tố 8.7). Tư pháp hình sự có hiệu quả cũng đòi hỏi hệ thống cải huấn nhằm giảm bớt hành vi phạm tội (Yếu tố 8.3). Theo đó, đánh giá tư pháp hình sự nên được xem xét trên toàn bộ hệ thống, bao gồm cảnh sát, luật sư, công tố viên, thẩm phán, và các nhân viên trại giam .

Tư pháp phi chính thức (Yếu tố 9) được phản ánh ở nhiều quốc gia thông qua các hệ thống thông thường và phi chính thức, bao gồm các tòa án truyền thống, tòa án bộ lạc và tòa án tôn giáo và các hệ thống dựa vào cộng đồng trong việc giải quyết các tranh chấp. Yếu tố tư pháp phi chính thức bao gồm ba yếu tố cụ thể: Liệu các hệ thống giải quyết tranh chấp này có hiệu quả và kịp thời (Yếu tố 9.1), cho dù họ đang vô tư và tự do ảnh hưởng không thích hợp (Yếu tố 9.2), và mức độ tổng hợp sự tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản (Yếu tố 9.3). Các hệ thống này thường đóng một vai trò lớn trong các nền văn hóa, nhất là khi các thể chế pháp lý chính thức không cung cấp cho bộ phận lớn dân cư các biện pháp khắc phục có hiệu quả, hoặc khi các thể chế chính thức được xem là xa cách, tham nhũng hoặc không có hiệu quả.

4) Quan niệm về pháp quyền từ cách tiếp cận thủ tục

Những người giải thích pháp quyền từ cách tiếp cận thủ tục (The procedural aspects of the rule of law) đòi hỏi không chỉ sự tuân thủ nội dung pháp luật mà cả việc thực hiện pháp luật cần theo những trình tự, thủ tục nhất định do luật định. Quan niệm pháp quyền từ cách tiếp cận thủ tục không giống quan niệm pháp quyền từ cách tiếp cận hình thức với các nội dung đã phân tích ở trên. Pháp quyền từ cách tiếp cận hình thức nói đến cách thức mà luật pháp được ban hành, các yêu cầu đối với pháp luật và phạm vi hiệu lực về thời gian của nó. Pháp quyền từ cách tiếp cận thủ tục lưu ý cả việc tuân thủ các trình tự, thủ tục do luật định. Việc tuân thủ các thủ tục pháp lý có ý nghĩa quan trọng, bởi đòi hỏi của pháp quyền về thủ tục giúp cho việc thực hiện pháp quyền được công khai . Yêu cầu như vậy là hợp lý. Trên thực tế, trong pháp luật của hầu hết các quốc gia đều có các quy định về thủ tục đòi hỏi các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tuân thủ  như: Thủ tục giải quyết vụ án (xét xử), thủ tục trọng tài, thủ tục hành chính, thủ tục trong đầu tư, kinh doanh… Trong nhiều trường hợp, vi phạm quy định về thủ tục ảnh hưởng đến hiệu lực của hành động hoặc dẫn đến việc xem xét lại hành động đã được thực hiện; chẳng hạn, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu bị phát hiện thấy có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Lời kết

Pháp quyền là một tư tưởng chính trị có nhiều ảnh hưởng và có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc đàm luận đương đại trên thế giới . Do có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu về pháp quyền nên không có định nghĩa thống nhất về pháp quyền. Điểm chung nhất có thể thấy về mặt hình thức là pháp quyền đã và đang được thừa nhận ở không ít quốc gia như một giá trị tư tưởng cơ bản cần được tôn trọng và theo đuổi .

Điểm chung trong các quan niệm về pháp quyền là thừa nhận mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và pháp luật và sự ràng buộc của pháp luật , theo đó, quyền lực nhà nước phải được điều chỉnh bởi pháp luật, phát sinh trên cơ sở pháp luật và bị giới hạn, kiểm soát bởi pháp luật bằng cách buộc Nhà nước phải tôn trọng pháp luật do mình đặt và không đứng trên/đứng ngoài pháp luật. Pháp luật được sử dụng để quản lý quốc gia thay cho các quyết định của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Pháp luật được áp dụng cho cả người cai trị và công dân, theo đó mọi thành viên của xã hội, bao gồm cả Nhà nước đều phải tuân theo các quy định pháp luật và các thủ tục được công bố công khai . Với vai trò là quy tắc xử sự chung của xã hội, pháp luật cần đáp ứng những yêu cầu nhất định về hình thức, nội dung, thủ tục. Ngoài yêu cầu về tính hợp pháp của quyền lực và bình đẳng trước pháp luật, pháp quyền còn đòi hỏi pháp luật được bảo vệ bởi tòa án độc lập với thủ tục xét xử công bằng. Sự khác nhau trong các định nghĩa về pháp quyền là do cách tiếp cận vấn đề và sự quy nạp vào nội dung pháp quyền các yếu tố tự do, nhân phẩm, công bằng, công lý, dân chủ, quyền con người, cũng như mục đích điều chỉnh và yêu cầu về nội dung, về thủ tục tuân thủ pháp quyền.

Pháp luật, pháp quyền, pháp chế, pháp trị, nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp chế, nhà nước pháp trị, nguyên tắc pháp quyền, nguyên tắc pháp trị, nguyên tắc pháp chế là những thuật ngữ chính trị, pháp lý có nội hàm không đồng nhất và không được quan niệm thống nhất . Cần lưu ý rằng, khi dịch, diễn giải các thuật ngữ đó từ ngôn ngữ nước ngoài cần chú ý ngữ cảnh và tư tưởng, nội dung thực chất mà tác giả đưa ra định nghĩa đó muốn truyền đạt. Không thể lấy định nghĩa về pháp quyền của một tác giả trên thế giới và nói rằng thế giới đang hiểu pháp quyền như vậy. Trong Nhà nước tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, các nhà hoạch định chính sách, pháp luật và quản lý nên có những hiểu biết nhất định về pháp quyền, bởi tuân thủ pháp quyền vừa là đòi hỏi, vừa là phương châm hoặc quy tắc hành động của họ. Với sự khái quát có tính hệ thống về sự đa dạng và phức tạp trong quan niệm về pháp quyền trên thế giới nói trên, người đọc tham khảo, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp trong giải thích pháp quyền hoặc làm việc về các chủ đề liên quan đến pháp quyền./.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Minh

Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết