Thứ Ba, ngày 16 tháng 04 năm 2024

300 triệu cư dân ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt thường xuyên

Ngày phát hành: 01/11/2019 Lượt xem 1004

 

Đến năm 2050, khu vực duyên hải-nơi sinh sống của 300 triệu người trên thế giới sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề của những trận ngập lụt xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đây là kết luận của Nhóm nghiên cứu khí hậu, một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận đặt trụ sở tại Mỹ, trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communication ngày 29/10.

Báo cáo nhấn mạnh châu Á sẽ là khu vực phải chịu tổn hại nhất do phải hứng chịu những cơn bão có sức hủy diệt lớn cùng với sự gia tăng của các trận lốc xoáy và thủy triều dâng. Cụ thể, hơn 2/3 dân số có nguy cơ hứng chịu thảm họa thiên tai tập trung ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và điều chỉnh là dữ liệu về độ cao của mặt đất, vốn không được đánh giá đúng mức trước đó. Đồng tác giả công trình nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu kiêm giám đốc điều hành Nhóm nghiên cứu khí hậu, Ben Strauss, cho biết các dự đoán về mực nước biển không thay đổi nhưng khi dùng các dữ liệu về độ cao của mặt đất, họ phát hiện thấy số lượng cư dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng cao hơn so với dự đoán trước đó.

Với dân số thế giới tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050 và thêm 1 tỷ nữa vào năm 2100, trong đó phần lớn số dân tăng tại các siêu đô thị ven biển, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn cư dân buộc phải thích nghi môi trường sống luôn ngập nước hoặc rời bỏ nhà cửa. Theo kết quả nghiên cứu, ở thời điểm hiện tại, có hơn 100 triệu người đang sống dưới mực thủy triều dâng. Thực tế là chỉ có ít người trong số đó được sống trong môi trường bảo vệ có bờ đê bao quanh, còn lại hầu hết không được bảo vệ.

Nhà khoa học Scott Kulp-đồng tác giả báo cáo vừa công bố, cho rằng biến đổi khí hậu có khả năng tái định hình các thành phố, các nền kinh tế, đường bờ biển và các toàn bộ khu vực trên toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu các bờ đê có thể bảo vệ người dân ven biển, các chính phủ sẽ phải tiêu tốn bao nhiêu để xây dựng đường đê bảo vệ này và đường đê này sẽ kéo dài bao xa.

Có nhiều yếu tố kết hợp lại đe dọa đến cuộc sống của người dân sống trong phạm vi gần biển, một trong số đó là tình trạng khi đường bờ biển mở rộng, nước biển ấm lên đẩy nhanh tốc độ tan băng ở Greenland và Nam Cực, đã tan chảy với tốc độ 430 tỷ tấn/năm trong thập kỷ qua.

Báo cáo dẫn lại một nghiên cứu trước đó của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập đến thực trạng và cảnh báo về tình hình nước biển dâng cao cũng như tần suất diễn ra các cơn bão do biến đổi khí hậu. Báo cáo của IPCC cho biết kể từ năm 2006 đến nay, mỗi năm đường bờ biển tăng thêm gần 4mm và với tốc độ này, đến thế kỷ 22, đường bờ biển có thể tăng gấp 100 lần nếu lượng khí thải carbon không suy giảm.

Ngoài ra, nếu thực hiện được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học dự kiến mực nước biển có thể tăng khoảng 50cm đến năm 2100. Tuy nhiên, nếu tình trạng ô nhiễm carbon duy trì như tốc độ hiện nay thì mức tăng sẽ gần gấp đôi.

Yếu tố thứ hai là nhiệt độ tăng lên sẽ khiến các cơn bão nhiệt đới như bão lớn, lốc xoáy, gió giật...có cường độ mạnh hơn. Giáo sư Bruce Glavovic của Địa học Massey, New Zealand nhấn mạnh khí hậu ấm lên sẽ gây ra khủng hoảng về sự xuất hiện của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đến năm 2050, dự báo tần suất xảy ra những cơn bão có sức hủy diệt lớn sẽ là 1 lần/năm ở nhiều địa phương, đặc biệt là các nước khu vực nhiệt đới, thay vì 1 lần/1 thế kỷ như trước đây. Theo đó, những thiệt hại hàng năm do tình trạng ngập lụt gây ra được dự báo tăng từ 100-1.000 lần đến năm 2100./.

 

(TTXVN/Vietnam+)

 


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết