Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Bài toán phân bổ vaccine COVID-19 thêm rối vì khoảng cách giàu - nghèo

Ngày phát hành: 19/11/2020 Lượt xem 845


Tuần qua, thông tin rằng loại vaccine phòng bệnh COVID-19 của Pfizer và BioNtech cho hiệu quả bảo vệ cao trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đã mang lại những hy vọng rằng thế giới sắp tìm ra một thứ vũ khí có thể thay đổi cục diện cuộc chiến chống đại dịch. Đây cũng là lúc những quốc gia đã đặt hàng trước với Pfizer dường như tìm thấy ánh sáng le lói "cuối đường hầm" thoát khỏi những ngày tháng phong tỏa và hạn chế để khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, trong khi các quốc gia giàu có hơn gấp rút lên kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng tại quốc gia mình tới cuối năm 2021 thì các chuyên gia cảnh báo những quốc gia nghèo hơn và đang phát triển lại đang lúng túng tìm cách vượt qua những rào cản có thể khiến hàng tỷ người dân không thể tiếp cận loại vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy vaccine mRNA của các hãng có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới 90% và không gây ra những tác dụng phụ ở hàng nghìn tình nguyện viên. Theo sau kết quả thử nghiệm khả quan mới được công bố, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Pfizer và BioNtech dự kiến được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong những tuần tới, với số lượng cung ứng ban đầu dự tính là khoảng 1,3 tỷ liều vào năm 2021.
Với chi phí khoảng 40 USD cho 2 liều vaccine trong một chu trình chủng ngừa hoàn chỉnh, các quốc gia giàu có hơn đã nhanh chân đặt hàng trước hàng chục triệu liều cho người dân của mình, nhưng triển vọng có được vaccine dành cho những quốc gia nghèo hơn lại chưa rõ ràng.
Lường trước vấn đề cầu vượt cung khi một loại vaccine được cấp phép, tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX)  để đảm bảo phân bổ vaccine một cách hợp lý. COVAX nhận được cam kết của nhiều chính phủ, nhà khoa học, tổ chức cộng đồng và tư nhân, nhưng Pfizer không phải là một phần của liên minh này.
Theo Rachel Silverman, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, rất khó có khả năng phần nhiều trong số những lô vaccine đầu tiên đến được các quốc gia nghèo hơn. Dựa trên những thỏa thuận mua bán ký trước với Pfizer thì nhà phân tích này ước tính khoảng 1,1 tỷ liều (trên tổng số 1,3 tỷ liều dự kiến) đã được các quốc gia giàu có đặt mua. Điều này đồng nghĩa rằng số vaccine dành cho các quốc gia khác không còn nhiều. Một số quốc gia đặt hàng trước như Nhật Bản và Anh có tham gia COVAX, và điều này mang lại cơ hội rằng những vaccine họ đặt trước sẽ được chia sẻ cho các nước kém phát triển hơn. Trong khi đó, Mỹ, nước đã đặt trước quá nửa tổng số trên (600 triệu liều), không tham gia COVAX.
Điều phối viên vaccine COVID-19 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Benjamin Schreiber nhấn mạnh việc tất cả các quốc gia có cơ hội tiếp cận công bằng với vaccine là điều tối quan trọng. Thế giới cần ngăn chặn kịch bản các quốc gia giàu có nắm mọi cơ hội tiếp cận đầu tiên trong khi các quốc gia nghèo nhất không có đủ vaccine để phân phối.  Nghiên cứu mới công bố của Đại học Northeastern (Mỹ) thậm chí còn cung cấp những bằng chứng cho thấy tỷ lệ bao phủ vaccine có liên hệ với tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Nghiên cứu được tiến hành theo hai kịch bản, một là 50 quốc gia giàu có độc quyền tiếp cận 2 tỷ liều vaccine đầu tiên và hai là vaccine được phân bổ theo quy mô dân số thay vì theo khả năng chi trả. Kết quả cho thấy ở kịch bản đầu tiên, hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu là 33% trong khi ở kịch bản thứ hai, hiệu quả lên tới 61%.
  Liên minh vaccine Gavi, đồng chủ trì COVAX, nhận định kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những thành quả "vừa phải" mà các quốc gia giàu có đạt được khi độc quyền tiếp cận những liều vaccine đầu tiên không thể so sánh được với những thiệt hại "nghiêm trọng" mà các quốc gia nghèo hơn gánh chịu. Vì vậy, điều quan trọng là các quốc gia phải hợp tác./.

 

Theo TTVVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết