Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong điều kiện hội nhập quốc tế ​

Ngày phát hành: 23/01/2019 Lượt xem 4833


Trong điều kiện của thế giới hiện nay, khi toàn cầu hóa với sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã phát triển chưa từng có, kéo theo tất cả các nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế trở thành một tất yếu khách quan buộc tất cả các nước đều không thể bỏ qua hoặc cưỡng lại. Hội nhập để phát triển, muốn phát triển phải hội nhập. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế luôn tạo ra nhiều cơ hội và không ít thách thức đối với mọi quốc gia và mọi lĩnh vực. Hội nhập quốc tế trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt về chính trị, kinh tế, sự chi phối của các nước lớn và sự diễn biến phức tạp, hết sức khó lường của thế giới, đòi hỏi khi hội nhập mỗi nước phải biết giữ độc lập, chủ quyền cùng với an ninh xã hội, an ninh con người của đất nước mình.

Như vậy, hội nhập quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của thời cuộc, vừa là nhu cầu tồn tại của mỗi nước. Việc bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong quá trình hội nhập quốc tế là một trong những vấn đề cơ bản và thiết yếu hiện nay đối với nước ta.

I. Quan niệm về an ninh xã hội, an ninh con người

1. An ninh xã hội

An ninh xã hội là xã hội luôn ở trạng thái an toàn, bình yên, trong đó mọi điều kiện sống, sinh hoạt, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được bảo đảm an toàn, hài hòa, tất cả mọi người trong xã hội được sống ổn định, yên lành trên cơ sở quy phạm pháp luật và điều kiện vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện.

Xã hội được bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn chính là thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Thực tế cho thấy, dù cho người dân có thu nhập tốt, mức sống cao nhưng nếu xã hội bất ổn về chính trị, luôn bị đe dọa về nạn khủng bố, các cuộc xả súng giết người vô tội hàng loạt sẽ làm cho người dân lúc nào cũng hoang mang, lo sợ và cuộc sống chung của toàn xã hội sẽ bất an, bất hạnh.

Xã hội được bảo đảm an ninh không chỉ loại trừ được tiếng bom rơi, đạn nổ, bị đe dọa sinh mạng, mà còn đòi hỏi sự bảo đảm cho cuộc sống bình thường của mỗi con người từ khi sinh ra đến lúc lớn lên; từ những sinh hoạt thường nhật như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chăm lo sức khỏe; bảo đảm về an toàn giao thông; đến môi trường sinh thái trong lành, an toàn về thực phẩm, thức ăn, nước uống, không khí trong lành.

2. An ninh con người

Khái niệm An ninh con người do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra đầu tiên vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người. UNDP cho rằng: An ninh con người “là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày”. Theo đó, bảo đảm an ninh con người trên bảy phương diện: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Như vậy, an ninh con người được đặt ra trong sự hòa quyện và tương hỗ với những nội dung an ninh khác, an ninh con người có mối quan hệ với thời đại, xã hội và môi trường tự nhiên. Đến lượt mình, an ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu, hòa bình thế giới.

Vấn đề an ninh con người đã được Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực tiễn cao. Con người đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là hoàn toàn đúng. Xã hội suy cho cùng là xã hội của con người và vì con người. Thực hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu.

Tuy nhiên, từ khái niệm chung về an ninh con người lại có cách hiểu cụ thể khác nhau, dẫn tới những chính sách và hành vi rất khác nhau. Ở nhiều nước và nhiều thể chế chính trị coi trọng an ninh con người, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân; từ đó coi nhân dân là người chủ thực sự của xã hội; thể chế xã hội và ngay cả bộ máy nhà nước cũng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ đó, các chính sách và an ninh xã hội, công bằng xã hội, bình đẳng xã hội, xóa đói giảm nghèo… được coi trọng và thực hiện đầy trách nhiệm. Chính việc bảo đảm được an ninh con người sẽ làm cho an ninh quốc gia được bảo đảm, đất nước phát triển bền vững, hài hòa.

Khác với cách hiểu và cách làm như trên, một số nước phương Tây lại đặt cá nhân con người vào vị trí tối thượng, coi an ninh con người quan trọng hơn an ninh quốc gia, xóa bỏ thực tế an ninh quốc gia đang là yếu tố cơ bản quyết định hệ thống quốc tế và là chủ thể của an ninh quốc tế. Vì thế, trong nhiều trường hợp, lấy cớ là vì con người, người ta có thể tiến hành can dự quốc tế vào các quốc gia nào “có vấn đề” đối với con người. Đó chính là lợi dụng quan niệm về an ninh con người để tô điểm cho quan điểm phi lý “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, coi chủ quyền quốc gia không phải là thiêng liêng, không phải là bất khả xâm phạm.

Như vậy, cần phân biệt thấu đáo những quan điểm đúng đắn và quan điểm phản diện về an ninh con người. Bảo đảm an ninh con người phải là bảo đảm chủ quyền quốc gia của cả cộng đồng sinh sống, đó là chủ quyền thiêng liêng nhất, bao hàm an ninh con người và phục vụ cao nhất cho an ninh con người.

II. Hội nhập quốc tế và tác động của nó với việc bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người ở nước ta

Hội nhập quốc tế là quá trình quốc gia tham gia hợp tác, liên kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực khác, tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước với nguồn lực quốc tế, mở rộng không gian và môi trường để phát triển, chiếm lĩnh vị trí thích hợp có thể được trong quan hệ quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau và nhiều phương thức khác nhau. Các cấp độ hội nhập được thể hiện ở nhiều mức, từ thấp đến cao, từ song phương đến đa phương, có khi hội nhập được thực hiện cùng một lúc trong nhiều lĩnh vực với nhiều cấp độ. Có thể nói cả thế giới đang trong cao trào hội nhập quốc tế với tốc độ ngày càng nhanh và lĩnh vực ngày càng nhiều, dẫn tới sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng. Chính vì thế, hội nhập quốc tế là quá trình phức tạp chứa ẩn nhiều yếu tố thuận nghịch. Xem xét trên hai lĩnh vực quan trọng trong mục tiêu hội nhập quốc tế ở các quốc gia trong đó có Việt Nam là việc bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, có thể thấy rõ hội nhập quốc tế tác động hai chiều thuận nghịch nhau.

1. Về tác động thuận

Một là, hội nhập quốc tế góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hội nhập quốc tế càng sâu rộng, không gian chính trị chiến lược và vị thế của Việt Nam càng được nâng cao. Việt Nam chủ động, nhất quán tham gia bảo vệ hòa bình, hợp tác và phát triển, đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tạo dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác bình đẳng, ổn định, lâu dài, đi vào chiều sâu, cùng có lợi, tạo sự đan xen lợi ích địa chính trị chiến lược; đẩy lùi, làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nhập quốc tế đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới phương thức phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các thành tựu có được nhờ mở cửa, hội nhập đã góp phần quan trọng tạo cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng tiếp tục đổi mới tư duy, hoạch định đường lối, chính sách sát hợp với đời sống quốc tế và trong nước, đưa tới những thành quả ngày càng to lớn.

Hai là, hội nhập quốc tế tạo thuận lợi cho Việt Nam thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Việt Nam có môi trường và điều kiện thuận lợi để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiến trình toàn cầu hóa, sự phát triển năng động của khu vực cùng xu hướng liên kết kinh tế đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam gia nhập, tranh thủ các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, những thành tựu mới về khoa học, công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Việc thực hiện các cam kết quốc tế trong tiến trình hội nhập vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện để Đảng Cộng sản Việt Nam đổi mới tư duy lý luận về thời đại, thế giới đương đại; mở rộng quan hệ với các đảng, tăng cường đối ngoại Đảng, nâng cao vị thế quốc tế của Đảng và của đất nước; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Từ đó, Đảng lãnh đạo việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo tiêu chí quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam có điều kiện thích ứng cao với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và khu vực.

Hội nhập quốc tế tác động tới việc điều chỉnh vai trò của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Nhà nước tập trung vào quản lý, điều hành vĩ mô, kiến tạo phát triển và phát huy dân chủ trong đời sống xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ hạn chế và kiểm soát được quyền lực, cải cách hành chính được đẩy mạnh và tiến bộ. Thông qua hội nhập quốc tế, năng lực và kinh nghiệm quản lý kinh tế thị trường được nâng lên và hiệu quả hơn.

Hội nhập quốc tế cũng tạo động lực thúc đẩy các nhà quản lý, doanh nhân, doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tăng cường quản trị, đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh. Việc thực hiện các cam kết hội nhập giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tiếp cận vốn, công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh. Mặt khác, việc chủ động tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện để các bộ, ngành và doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy tắc thương mại mới của thế giới đang định hình, từ đó thúc đẩy kế hoạch và giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng định hình các quan điểm, chủ trương, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Đồng thời, để phát triển nguồn nhân lực cho hội nhập, công tác cán bộ của Đảng cũng được đổi mới, thúc đẩy việc xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới.

Ba là, hội nhập quốc tế cũng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Thông qua thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thương mại, hợp tác lao động, thu hút đầu tư, du lịch, hội nhập quốc tế tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ… tạo cơ hội để các tầng lớp nhân dân tiếp cận tri thức và giá trị tốt đẹp của nhân loại, từ đó nâng cao trình độ học vấn, mặt bằng dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.

Tất cả những yếu tố nêu trên đều có tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

2. Về tác động không thuận

Một là, hội nhập kinh tế quốc tế làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương và thúc đẩy xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào bên ngoài. Trong môi trường hội nhập, các biến động bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực tác động nhanh và mạnh đến kinh tế Việt Nam thông qua kênh thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ. Ngay việc thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng gây khó khăn cho việc thu ngân sách. Việc mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng trong điều kiện sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng còn yếu sẽ tiềm ẩn rủi ro, bất ổn. Các thị trường như bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ rất dễ bị nước ngoài thâu tóm.

Hội nhập quốc tế làm bộc lộ sự yếu kém trong năng lực cạnh tranh vì kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và xuất khẩu hàng gia công có giá trị gia tăng thấp; vào khai thác tài nguyên, khoáng sản. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới và kém hiệu quả, còn tuyệt đại doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, phát triển manh mún nên không đủ sức cạnh tranh khi hội nhập sâu hơn.

Hội nhập quốc tế đang thúc đẩy xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào bên ngoài về đầu tư và xuất khẩu, là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vừa qua. Vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam bình quân gần 50% tổng đầu tư xã hội. Việc quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI cũng như thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khiến khu vực kinh tế trong nước không chỉ bị phụ thuộc mà còn bị tụt hậu ngày càng xa.

Hai là, hội nhập và liên kết quốc tế có thể làm gia tăng nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mở cửa, tự do hóa, hội nhập làm cho những biến động xấu, tiêu cực về môi trường an ninh - phát triển ở khu vực và thế giới như khủng bố, tội phạm quốc tế, an ninh mạng… có cơ hội để có thể xâm nhập vào Việt Nam. Tình hình đó tác động vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội. Cùng với nó, xu hướng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, học tập, du lịch ngày càng nhiều, trong đó có những thể nhân ở các nước, các vùng lãnh thổ có hoạt động ly khai, tôn giáo cực đoan, tội phạm nên dễ dẫn tới những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Không những thế, các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập để đẩy mạnh hoạt động phá hoại kinh tế thông qua hợp tác, đầu tư tác động vào nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Ba là, hội nhập quốc tế sâu rộng trong khi “sức đề kháng” về văn hóa chưa cao dễ bị những loại hình văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập qua các ấn phẩm văn hóa và trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng Internet. Việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa cũng có thể dẫn tới nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ dịch vụ văn hóa của các nước, nhất là trong lĩnh vực nghe, nhìn.

Từ những tác động thuận và không thuận nêu trên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra được một số kinh nghiệm và xác định những việc cần phải làm để có thể phát huy những mặt tích cực, khắc phục, đối phó với những thách thức và tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Để tránh gây ra những đảo lộn về xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh xã hội, an ninh con người trong hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định giải quyết hợp lý giữa các quan hệ: quan hệ giữa bảo đảm độc lập, tự chủ, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người của đất nước với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữa quyền lợi và nghĩa vụ của đất nước trong các thể chế hội nhập; giữa mục tiêu kinh tế xã hội trong nước với những yêu cầu và đòi hỏi của bên ngoài; giữa các vấn đề kinh tế thương mại với các lĩnh vực khác. Nếu không kịp thời thích ứng, phản ứng linh hoạt, điều chỉnh hợp lý, không khai thác được lợi thế so sánh của mình, thì sẽ rất dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Phải cân nhắc, lựa chọn những ngành mình có lợi thế cạnh tranh để mở cửa, đồng thời xác định những ngành và lĩnh vực cần tập trung củng cố để có thể cạnh tranh được trong tương lai.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, để góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ chính yếu sau:

- Đảng và Nhà nước xác định giữ vững an ninh quốc gia, an ninh xã hội, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng nhân dân, nhất là giữa công an, quân đội, ngoại giao trong công tác bảo vệ an ninh xã hội, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh con người.

- Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Ban hành và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, tiến hành đồng bộ các biện pháp chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, củng cố và hoàn thiện phương thức quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nâng cao trình độ dân trí, kiềm chế đến mức thấp nhất tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Bảo đảm mọi mặt về an ninh xã hội, an ninh con người bằng cách đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, an ninh môi trường. Đấu tranh phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xác định công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhận thức và trách nhiệm toàn xã hội và trách nhiệm của từng công dân trong việc bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người./.

 

GS.TS Vũ Văn Hiền

Phó Chủ tịch HĐLTLW

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết