Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

COVID-19: Hàn Quốc tập trung vào yếu tố con người thay vì các biện pháp đóng cửa

Ngày phát hành: 05/08/2020 Lượt xem 774

Sau khi kiềm chế được dịch COVID-19 trong thời gian ngắn, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm tiếp theo, trong đó có Hàn Quốc. Trên thực tế, ngay khi quốc gia này tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội vào tháng 5-2020 để giảm bớt ảnh hưởng kinh tế, thì số ca nhiễm mới đã tăng đột biến. Vậy Hàn Quốc đã làm gì để đối phó với đợt sóng dịch thứ hai này?

 

Một điểm xét nghiệm lưu động ở Seoul.

 

* Ca nhiễm mới tăng đột biến khi giãn cách xã hội không đảm bảo

Nếu như trong làn sóng dịch COVID-19 lần đầu tiên, Hàn Quốc được đánh giá là đã kiểm soát thành công dịch bệnh với số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ ở mức một con số, thì kể từ sau khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội ngày 6-5, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm các ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại ở mức hai con số, đặc biệt là từ ổ dịch tại hộp đêm và quán bar tại khu phố Tây Itaewon tại thủ đô Seoul.
Cụ thể, trong tuần cuối cùng của đợt giãn cách xã hội (từ ngày 29-4 đến ngày 5-5), số ca nhiễm bình quân mỗi ngày ở Hàn Quốc mới chỉ ở mức 7,43 ca. Nhưng chỉ một tháng sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, ở thời điểm tuần từ ngày 27-5 đến ngày 2-6, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đã tăng gấp 6 lần, bình quân 45,14 ca/ngày. Đến cuối tháng 6, các ca nhiễm ở Hàn Quốc vẫn trong xu hướng tăng. Tình trạng xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể, vốn tập trung nhiều tại thành phố Deajeon, khu vực thủ đô Seoul, vùng phụ cận gồm thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi, đều có xu hướng lan rộng ra những địa phương khác. Đầu tháng 7, Hàn Quốc còn ghi nhận một vụ lây nhiễm tập thể trên một con tàu của Nga cập cảng Gamcheon, thành phố Busan. Tính trung bình trong đợt lây nhiễm của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai này, mỗi ngày Hàn Quốc ghi nhận trung bình trên dưới 60 ca mắc mới.
Có thể thấy, kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh giãn cách xã hội vào ngày 6-5, tại nước này đã xuất hiện các cụm lây nhiễm chủ yếu là ở những nơi quy định giãn cách xã hội không được đảm bảo, tập trung đông người làm việc và sinh hoạt tập thể như nhà thờ, câu lạc bộ bóng bàn, bệnh viện, văn phòng lớn hay kho hàng. Tuy nhiên bên cạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, Hàn Quốc cũng đối mặt với nguồn lây nhiễm từ nước ngoài khi số công dân Hàn Quốc và người nước ngoài từ các vùng dịch nhập cảnh về rất lớn.
Tình hình này đã "đảo ngược" những thành quả Hàn Quốc đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, khi quốc gia Đông Bắc Á từng được coi là một trong những hình mẫu chống dịch COVID-19 trên thế giới nhờ kiểm soát hiệu quả đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 đầu tiên hồi tháng 2.

 

 * Tập trung vào yếu tố con người, thay vì áp dụng các biện pháp đóng cửa 

Trước bối cảnh xuất hiện làn sóng dịch thứ hai, giới chức y tế Hàn Quốc mới đây đã phải đánh giá lại tình hình dịch bệnh, thừa nhận dự đoán ban đầu cho rằng làn sóng thứ hai sẽ đến vào mùa Thu hoặc mùa Đông tới là sai, và khẳng định việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp diễn nếu người dân còn tiếp xúc gần với nhau. Đồng thời, Chính phủ cũng như cơ quan y tế Hàn Quốc đã liên tục khuyến cáo người dân cần chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài chống dịch COVID-19.
Để ứng phó với đợt sóng dịch tái bùng phát này, Hàn Quốc tập trung vào yếu tố con người, thay vì áp dụng các biện pháp đóng cửa như đợt dịch trước đó. Một đội ngũ tinh nhuệ (đội săn virus), bao gồm các nhà dịch tễ học, các chuyên gia về cơ sở dữ liệu và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ưu tú, đã được tập hợp để tìm cách ứng phó với dịch bệnh. Phương pháp chủ yếu được Hàn Quốc áp dụng là xét nghiệm trên diện rộng và điều tra dịch tễ học, một kinh nghiệm đã từng giúp quốc gia này từ ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới về mức có thể kiểm soát dịch bệnh trong đợt dịch bùng phát hồi tháng 2-2020.
Ngoài ra, đối với các ca bệnh “nhập khẩu” từ nước ngoài về, kể từ 13-7, Hàn Quốc đã yêu cầu những khách nhập cảnh đến từ một số quốc gia bị đánh giá là rủi ro cao về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Danh sách quốc gia bị đánh giá rủi ro cao bao gồm Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Theo đó, các khách đến Hàn Quốc từ 4 quốc gia trên sẽ bị yêu cầu cung cấp giấy xác nhận xét nghiệm PCR có kết quả âm tính, được thực hiện trong vòng 48 giờ trước đó và được cấp bởi các tổ chức y tế, trung tâm xét nghiệm mà các phái bộ Hàn Quốc tại nước ngoài lựa chọn. Trong trường hợp số ca nhiễm "nhập khẩu" tiếp tục tăng trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ mở rộng danh sách yêu cầu trên với 11 quốc gia khác.
Theo Bloomberg, kết quả của việc ứng phó đợt sóng dịch thứ hai này là Hàn Quốc hiện có tỷ lệ các ca COVID-19 không rõ nguồn lây thuộc hàng thấp nhất thế giới, ở mức 8% so với mức hơn 50% ở những nước tái bùng phát dịch gần đây. Bên cạnh đó, công nghệ theo dõi lộ trình đi lại cũng giúp phát hiện nhanh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng để kịp thời ứng phó. Mới đây nhất, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận ngày 3-8 Hàn Quốc có thêm 23 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó số ca nhiễm trong cộng đồng ở mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Các ca mới, bao gồm 20 ca nhập khẩu và 3 ca trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên thành hơn 14,3 nghìn ca. Cũng theo KCDC, một tin vui nữa là nước này không có thêm ca tử vong nào bởi đại dịch COVID-19 và có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 ở Hàn Quốc đã hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên thành 13.280 ca.

 

* Và khôi phục kinh tế
Mặc dù đã có dấu hiệu tích cực trong chống dịch COVID-19, song không thể phủ nhận ảnh hưởng của dịch đã khiến kinh tế Hàn Quốc suy giảm trong hai quý liên tiếp.
Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 3,3% trong quý II-2020 so với quý trước đó. Cùng với mức giảm 1,3% của quý I, đây là lần đầu tiên kinh tế Hàn Quốc sụt giảm hai quý liên tiếp kể từ năm 2003 và cũng là mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 1998. Đây là hệ quả trực tiếp của đại dịch COVID-19 gây gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, xuất khẩu giảm sút.
Thực tế, dịch COVID-19 lan rộng toàn thế giới đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống càng đẩy nhanh tốc độ đi xuống của nền kinh tế Hàn Quốc khi quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm tới 16,6% trong quý II-2020, mức giảm sâu nhất kể từ năm 1963; nhập khẩu cũng bị thu hẹp 7,4%.
Thêm vào đó, các lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa chưa từng có ở hầu khắp các quốc gia nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã làm ngành Du lịch tê liệt, đồng thời cản trở hoạt động sản xuất và xuất khẩu ở nước ngoài của các công ty Hàn Quốc, khiến dòng vốn đổ về bị “bóp nghẹt”. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng GDP của Hàn Quốc sẽ giảm ít nhất 0,4% trong năm 2020, thậm chí là tới 2,1% theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu điều này là hiện thực, 2020 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái kể từ năm 1998.
Tuy nhiên, các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn tin rằng Hàn Quốc có thể phục hồi nhanh hơn một số nước trong khu vực. Nỗ lực này đang gặp thuận lợi khi chỉ số tiêu dùng trong quý II đã tăng 1,4% nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc đã chi 277.000 tỷ won (khoảng 231 tỷ USD), tương đương 10% GDP, để hỗ trợ nền kinh tếứng phó với đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia đối tác của Hàn Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty Hàn Quốc dần khôi phục. Nhiều lĩnh vực mà Hàn Quốc đã đầu tư, thúc đẩy làm động lực tăng trưởng như dữ liệu lớn, các dịch vụ mạng thế hệ 5G, nhà máy thông minh, y sinh học, trí tuệ nhân tạo…đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ có thể tăng tốc trong thời gian tới khi Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp thúc đẩy đà tăng trưởng. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi kinh tế Hàn Quốc là một trong những mắt xích trọng yếu và có ảnh hưởng lớn tới kinh tế khu vực và toàn cầu./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết