Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Đại dịch Covid-19: Ấn tượng Việt Nam

Ngày phát hành: 24/12/2020 Lượt xem 2080

“COVID-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?" - đó là tiêu đề hai bài viết, một trên báo Les Echos của Pháp, một trên tờ New York Times của Mỹ. Năm 2020, nhiều bài viết như thế đã xuất hiện trên báo chí, truyền thông quốc tế, các quan chức, học giả nước ngoài cũng đưa ra hàng loạt đánh giá, nhận định để lý giải cho thành công của Việt Nam, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, dư luận quốc tế ấn tượng về một Việt Nam vừa là "ngọn hải đăng" trong chống dịch COVID-19 và "điểm sáng" trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và thích nghi với trạng thái "bình thường mới".

 


   Trên mặt trận ứng phó với COVID-19, thành công của Việt Nam được coi như một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi là "bài học ý nghĩa với các nước đang phát triển khác". Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề cao cách thức Việt Nam ứng phó với COVID-19 trong đợt dịch đầu tiên cũng như đợt tái bùng phát ở Đà Nẵng và kêu gọi các nước khác tham khảo những biện pháp mà Việt Nam áp dụng.
Truyền thống quốc tế đánh giá Việt Nam là “hình mẫu”, là “tấm gương” trong cuộc chiến khó khăn chống lại đại dịch nguy hiểm, xuất phát từ thực tế Việt Nam được coi là quốc gia rất dễ bị tổn thương bởi có đường biên giới dài và giao thương rộng rãi với "tâm dịch" Trung Quốc, trong khi có mật độ dân cư đông đúc và cơ sở hạ tầng y tế, nguồn lực còn hạn chế. Bởi vậy mà thành công của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 khiến dư luận khâm phục và đánh giá cao. 
Giới chuyên gia đều chung nhận định bài học trước tiên là Chính phủ Việt Nam đã phản ứng mau lẹ, dứt khoát, nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt, chủ động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những biện pháp đồng bộ, linh hoạt. Như tổng kết của hãng tin Sputnik (Nga) thì bí quyết căn bản là "Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề ra chiến lược quốc gia về đấu tranh chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện chính xác chiến lược đó". Điều đó đã giúp Việt Nam phản ứng và kiểm soát hiệu quả không chỉ trong đợt bùng phát dịch đầu tiên với đợt phong tỏa hồi tháng 4, mà cả khi dịch tái bùng phát ở Đà Nẵng sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, dẫn tới đợt phong tỏa hồi tháng 7. Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng Việt Nam có thể kiểm soát thành công sau khi các ca bệnh mới xuất hiện ở Đà Nẵng vì "Việt Nam đã từ lâu phát triển một hệ thống toàn diện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm". Đại diện WHO thực sự ấn tượng khi Chính phủ Việt Nam nhanh chóng triển khai hành động nhằm ứng phó với sự xuất hiện trở lại của COVID-19 và "Việt Nam cũng làm tất cả những gì tốt nhất để dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn".
"Bài học" nữa mà dư luận quốc tế nhấn mạnh chính là "sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội" trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Kết quả khảo sát của các hãng quốc tế cho thấy Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân tin tưởng và ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19. Đơn cử như cuộc khảo sát của hãng YouGov thực hiện hồi tháng 5, có tới 97% người Việt Nam tin tưởng chính phủ đang xử lý dịch COVID-19 tốt và 90% tin tưởng vào những phương tiện truyền thông nước nhà đăng tải về dịch bệnh.

 

 

Lý giải về điều này, Đại diện WHO tại Việt Nam Kidon Park nêu rõ: "Chính phủ Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo rằng người dân được bảo vệ khỏi COVID-19 và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh". Trang Times of India thì nhận định: “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh”. Điều đó đã khơi dậy được ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết trong mỗi người dân Việt Nam, thúc đẩy hành động tập thể và có trách nhiệm để cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng chống đại dịch. Trang Project Syndicate kết luận rằng "bí quyết" của Việt Nam là “một ban lãnh đạo quyết tâm, phản ứng nhanh chóng, thông tin chính xác, minh bạch và sự đoàn kết giúp người dân bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng”. Trang Asia Times, khi đánh giá "Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc xử lý đại dịch COVID-19", cũng nhấn mạnh câu chuyện thành công của Việt Nam nhờ vào việc đóng cửa và phong tỏa hiệu quả, nghiêm túc chấp hành quy định đeo khẩu trang, tích cực truy vết nguồn lây và tuyên truyền rõ ràng cho người dân về các nguy cơ. Tất cả những biện pháp này được thực hiện hiệu quả nhờ sự tín nhiệm cao dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Asia Times, người dân Việt Nam luôn tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chăm lo cuộc sống và đưa đất nước thoát khỏi mọi cuộc khủng hoảng. 
    Ấn tượng về những biện pháp của Việt Nam ứng phó với đại địch, tuần báo lObs (Pháp) khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu” trong cuộc chiến chống COVID-19. Điều quan trọng hơn, như trang Times of India kết luận: “Thành công của Việt Nam tạo hy vọng rằng COVID-19 có thể bị khống chế và đánh bại. COVID-19 không phải là không thể vượt qua". 
     Việc kịp thời chặn đứng các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, cắt đứt “vòi bạch tuộc” COVID-19 đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển trong tình hình mới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai, Việt Nam nằm trong số ít nước vẫn duy trì tăng trưởng ấn tượng. Với mức tăng trưởng 2,12% trong 9 tháng đầu năm, tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) nhận định Việt Nam đang trở thành "câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong đại dịch". 
   Ngân hàng HSBC dự đoán Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020. IMF dự báo GDP của Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,4% và tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 6,5% năm tới. WB cho rằng Việt Nam năm 2020 sẽ đạt tăng trưởng 2,5-3%, còn Ngân hàng Standard Chartered đưa ra con số 3% trong năm nay và 7,8% vào năm 2021. 
         Theo hãng tin Sputnik, nhờ đạt được những thành công cơ bản trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ “bật dậy và phục hồi nhanh chóng” giai đoạn hậu COVID-19. Trang mạng channelnewsasia.com cho rằng công tác xử lý tốt đại dịch COVID-19, xuất khẩu tăng vọt và chi tiêu công lành mạnh đã giúp Việt Nam vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu trong năm 2020 và trên đà phục hồi nhanh. Các nhà phân tích dự đoán Việt Nam có thể sẽ là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. 
          Trang proactiveinvestors.co.uk (Anh) nhận định khả năng phục hồi giữa đại dịch đã “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác được "tiếp thêm động lực". Cùng chung nhận định này, trang Globalnews.ca lưu ý thành công của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống dịch COVID-19 đã “giúp tăng thêm độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam”, theo đó Việt Nam đang định vị mình như là “một địa bàn an toàn cho kinh doanh”. Có thể minh chứng cho những nhận định trên bằng việc hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản đã tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam - Nhật Bản trong tháng 7 năm nay để tìm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Hãng sản xuất ô tô Hyundai của Hàn Quốc cũng bắt đầu xây dựng một xưởng sản xuất thứ hai tại Việt Nam, có khả năng sản xuất 100.000 chiếc xe mỗi năm.
        Cũng phải nhắc tới ấn tượng và sự xúc động của cộng đồng quốc tế khi Việt Nam, dù nguồn lực hạn chế, đã luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với các nước ngay từ những ngày đầu chống dịch. Đó là các gói hỗ trợ trang thiết bị y tế trị giá hơn 7 tỷ đồng cho Lào, cho Campuchia; hỗ trợ Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; Myanmar 50.000 USD hay mới nhất là 35.000 khẩu trang; tặng Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Đó còn là các đợt hỗ trợ khẩu trang, vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam tự sản xuất để giúp Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19.
          Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio, trong thư cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ quốc gia châu Ấu ứng phó với đại dịch COVID-19, khẳng định: "Người dân Italy sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết". Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) LB Nga Valentina Matvyenko cũng bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Nga lô hàng y tế chống dịch, coi đây là "tinh thần đoàn kết đặc biệt có giá trị trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch COVID-19”. 
   Đề cao những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam cho nỗ lực của quốc tế chống "kẻ thù chung", Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) lưu ý với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề ra các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong khu vực, thống nhất các quốc gia thành viên ASEAN trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi thông qua hàng loạt sáng kiến, tổ chức các hội nghị trực tuyến với chủ đề hợp tác quốc tế và khu vực  chống dịch COVID-19, khởi động cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3)....
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp, cập nhật thông tin về biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác để hồi phục nền kinh tế và hỗ trợ người dân; tham gia các hội nghị G20, Phong trào không liên kết về phòng, chống dịch bệnh. Trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến, tích cực phối hợp với các quốc gia thành viên khác thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, văn kiện nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó với COVID-19.
Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng LHQ khóa 75 thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh". Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ, mà chính những thành tựu của Việt Nam trong kiểm soát dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong đàm phán và thông qua văn kiện này. 
   Khép lại một năm mà dư luận quốc tế cho rằng "Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công", giới chuyên gia đều lạc quan cho rằng với kinh nghiệm chống dịch sau cả 3 đợt dịch bùng phát của năm 2020, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển và đẩy mạnh kinh tế trong giai đoạn này. Còn theo Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động do đại dịch COVID-19, chính những thành quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong thực hiện "mục tiêu kép" ở trong nước và đóng góp hiệu quả trên trường quốc tế đã giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu, một lần nữa khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.  
 
NGUYỄN HẰNG (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết