Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển

Ngày phát hành: 16/09/2021 Lượt xem 906

Tích cực nghiên cứu, phát triển các giải pháp, sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) phòng, chống dịch COVID-19; thúc đẩy và nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam; huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển KH&CN… là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc “Đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng’’ diễn ra chiều 15/9/2021.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những

giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống - Ảnh: VGP/Nhật Bắc


 Nỗ lực đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước
Báo cáo kết quả nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong hệ thống Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – VUSTA), TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam cùng đội ngũ trí thức KH&CN, trải qua chặng đường dài dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã nỗ lực phấn đấu liên tục vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc để từ một tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện trở thành một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam.
VUSTA là nơi tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN hiện có 153 hội thành viên, bao gồm 63 Liên hiệp Hội địa phương, 90 Hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc (tăng 13 hội ngành so với năm 2015), Quỹ VIFOTEC, Nhà Xuất bản Tri thức, Báo Tri thức và Cuộc sống và 596 tổ chức KH&CN trực thuộc (tăng 198 đơn vị so với năm 2015). Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp, quy tụ và thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức KH&CN (tăng 0,9 triệu, tương đương 22,2% so với năm 2015), chiếm tới 32,4% trí thức KH&CN cả nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, tri thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam luôn mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa KH&CN trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước; phát triển đất nước phải dựa và bằng KH&CN.
Trong thời gian qua, VUSTA đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, hệ thống VUSTA thực hiện 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, góp ý khách quan và kịp thời nhiều chủ trương, chính sách lớn. VUSTA cũng đã hỗ trợ trên 100 lượt hội thành viên thực hiện hoạt động phổ biến kiến thức. 5 năm qua, các hội thành viên viên đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cho hơn 13 triệu lượt người. Thực hiện thành công 38 nhiệm vụ cấp quốc gia, 300 cấp bộ/tỉnh và 2.000 cấp cơ sở trên cơ sở xã hội hóa một cách mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Thực hiện 540 dự án với giá trị 101,8 triệu USD từ viện trợ nước ngoài.
Nhiều nhà khoa học có uy tín đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Các đại biểu đã phát huy được vai trò là người đại biểu của nhân dân, nói lên tiếng nói của đội ngũ trí thức KH&CN và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đội ngũ trí thức KH&CN trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, VUSTA đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo KH&CN Việt Nam. Đã có 7.677 công trình, giải pháp kỹ thuật trên cả nước tham dự các cuộc thi sáng tạo KH&CN với 1.490 công trình đạt giải. Tham gia triển lãm sáng tạo KH&CN ở các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… để giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm KH&CN. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã giải thắng khu vực và quốc tế. VUSTA đã 3 lần tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu cho 445 trí thức.

 Đội ngũ trí thức cần nghiên cứu, phát triển sản phẩm khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch
Để xây dựng VUSTA xứng đáng là tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, VUSTA sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn phát triển tổ chức, thực hiện thống nhất chế độ chính sách cán bộ từ Trung ương đến địa phương và làm tốt công tác hội viên.
Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy tính sáng tạo trong hoạt động của VUSTA dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN; nâng cao chất lượng tham mưu, chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng hoạt động tôn vinh, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo KH&CN.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử, ông cha ta luôn quý trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta xác định quan điểm phát triển đất nước phải bằng và dựa vào KH&CN, coi đây là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng khẳng định, đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và trí thức KH&CN nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp; tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí...
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của KH&CN nước nhà như: đội ngũ trí thức KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình; chưa đáp ứng được những mong muốn và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các sản phẩm có hàm lượng chất xám, hàm lượng KH&CN phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân chưa nhiều; chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ… Đặc biệt, Thủ tướng còn bày tỏ băn khoăn về tình trạng “chảy máu chất xám”, không khai thác hết chất xám của đất nước.
Nhấn mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 6 trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và 12 nhiệm vụ chủ yếu, đòi hỏi phải có nhận thức mới, tư duy khoa học mới gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, để KH&CN trở thành động lực phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình hành động phát triển về KH&CN, trong đó gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, gắn với chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số để mang lại giá trị, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Liên hiệp Hội Việt Nam quán triệt tất cả chủ trương, định hướng phát triển KH&CN đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII đến từng hội viên để thống nhất tư tưởng và hành động; coi trọng và tăng cường vai trò của đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức; tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, có thể còn kéo dài với biển chủng mới, đội ngũ trí thức cần tích cực nghiên cứu, phát triển các biện pháp, các sản phẩm KH&CN phòng, chống dịch, phát huy hơn nữa vai trò, uy tín của mình trong hỗ trợ công tác thông tin, truyền thông để phổ biến rộng rãi, giải thích rõ ràng với nhân dân về khía cạnh, góc nhìn khoa học của những biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Đồng thời cần có giải pháp để thúc đẩy và nâng cao chất lượng các công bố khoa học quốc tế của Việt Nam; huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp cho phát triển KH&CN; tăng cường hợp tác công-tư… Cùng với đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế để thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và có chế độ trọng dụng, đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân tài./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết