Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Đông Nam Á ứng phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?

Ngày phát hành: 26/03/2020 Lượt xem 1206

 

Việc Myanmar và Lào ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên vào ngày 24-3 đã đánh dấu toàn bộ khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã bị dịch COVID-19 tấn công. Tính đến ngày 25-3, toàn khu vực ASEAN có trên 4.500 ca nhiễm virus và 112 người tử vong. Trong đó, Malaysia có số ca nhiễm nhiều nhất và Indonesia có số ca tử vong nhiều nhất khu vực. Diễn biến dịch COVID-19 diễn ra quá nhanh khiến các nước ASEAN phải tăng cường và đẩy nhanh các biện pháp chống dịch.

 

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào

ngày 23/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

 

* Lào và Myanmar - hai thành viên cuối cùng của khu vực bị COVID-19 tấn công
Chiều 24-3, đại diện Bộ Y tế Lào thông báo nước này đã có 2 trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên. Như vậy Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á có ca nhiễm COVID-19. Cả hai bệnh nhân này đều đi thăm và làm việc tại Thái Lan trong thời gian qua. Trước Lào, Myanmar ngày 24-3 cũng thông báo 2 ca mắc đầu tiên là hai người đàn ông trở về từ Mỹ và Anh.
Sau khi ghi nhận các ca mắc đầu tiên, Myanmar đã ngay lập tức công bố các biện pháp cứng rắn đối với người nhập cảnh vào quốc gia này. Bộ Ngoại giao và Cơ quan hàng không dân dụng Myanmar yêu cầu những người có quốc tịch Myanmar và những người nước ngoài tới Myanmar sẽ phải cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh. Các biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 25-3 và sẽ thay thế các biện pháp được công bố trước đó. Một số biện pháp khác của Myanmar còn có: toàn bộ người nước ngoài trước khi lên bất cứ chuyến bay nào đến Myanmar được yêu cầu trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 được cấp không quá 72 giờ trước ngày khởi hành. Những người này sẽ được cách ly tập trung 14 ngày khi nhập cảnh vào Myanmar. Các quan chức ngoại giao được Myanmar công nhận và các quan chức của Liên hợp quốc làm việc tại Myanmar trước khi lên bất cứ chuyến bay nào đến Myanmar cũng cần trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 được cấp không quá 72 giờ trước ngày khởi hành. Những người này sẽ được cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày khi đến Myanmar.
Trong khi đó, Lào cũng đã chuẩn bị kịch bản để đối phó khi COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh số lượng lao động người Lào trở về nước ngày càng tăng, Lào đã quyết định sử dụng ba địa điểm tại Thủ đô Vientiane làm nơi cách ly và chữa bệnh với khả năng sắp xếp được gần 1.500 giường bệnh. Hiện, Lào có hơn 100 nghìn lao động đơn giản tại nước ngoài, trong đó chủ yếu là tại Thái Lan. Kể từ ngày 17-3, Lào đã thực hiện cách ly bắt buộc đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào nước này nếu bị sốt. Chính phủ Lào cũng đã ra lệnh tạm đóng 10 cửa khẩu tiếp giáp các nước láng giềng, khuyến cáo người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết qua biên giới, đóng cửa các trường mẫu giáo trên toàn quốc từ ngày 17-3 đến 16-4.

* Malaysia và Indonesia là tâm dịch ở Đông Nam Á
Hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, nước đang bị dịch COVID-19 tấn công mạnh nhất là Malaysia và Indonesia. Đặc biệt là Malaysia, với tổng số ca nhiễm là gần 1.800 ca và 17 ca tử vong (tính đến trưa ngày 25-3), Malaysia đang là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á. Nguyên nhân khiến tốc độ lan truyền COVID-19 diễn ra nhanh chóng ở nước này do liên quan tới sự kiện tôn giáo (kéo dài từ ngày 27-2 đến ngày 1-3) tại đền thờ Masjid Sri Petaling ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Sự kiện này đã thu hút khoảng 16.000 người tham dự, trong số đó có khoảng 14.500 người là các tín đồ Hồi giáo Malaysia. Theo Bộ Y tế Malaysia dự báo, số ca bệnh sẽ có thể tăng đột biến vào tuần tới khi nước này vẫn đang tiến hành truy tìm những người tham gia sự kiện tôn giáo trên.
          Trước sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 25-3 đã gia hạn lệnh phong tỏa đất nước thêm hai tuần, đến ngày 14-4 thay vì đến ngày 31-3 như lệnh phong tỏa trước đó.  Theo đó tất cả những buổi tụ tập đông người, bao gồm các hoạt động tôn giáo, thể thao, văn hóa, xã hội đều bị cấm. Tất cả các cơ sở kinh doanh cũng sẽ phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi. Mệnh lệnh còn yêu cầu tất cả người Malaysia không được đi du lịch nước ngoài, trong khi người Malaysia trở về từ nước ngoài sẽ phải theo dõi sức khỏe và tự cách ly trong 14 ngày; cấm du khách và người nước ngoài vào Malaysia; dừng hoạt động của tất cả các trường học và cơ sở đào tạo, bao gồm cả đào tạo bậc cao và trung tâm dạy nghề. Trước đó, ngày 27-2, Malaysia đã tung ra gói kích thích kinh tế năm 2020 nhằm xử lý rủi ro dịch COVID-19. Ngày 22-3, chính phủ Malaysia còn huy động quân đội thực thi lệnh hạn chế đi lại trong vòng 2 tuần nhằm đối phó với việc một số người dân chưa chịu tuân thủ lệnh hạn chế đi lại.
          Giống như Malaysia, Indonesia cũng được xem là nước bị dịch tấn công mạnh nhất ở Đông Nam Á. Với số ca mắc đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần qua, Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm đen” của đại dịch COVID-19. Tuy số ca nhiễm bệnh ở Indonesia hiện gần 700 người, ít hơn Malaysia, nhưng số ca tử vong của Indonesia lại đang nhiều nhất ở Đông Nam Á với 55 người, chiếm tỷ lệ hơn 8,4%. Con số này được các chuyên gia cho rằng đây đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và có vẻ như điều tệ hại nhất đối với quốc gia đông dân thứ tư thế giới này sẽ dần lộ diện trong những tuần tới. Trong khi đó một số ý kiến cho rằng con số người mắc COVID-19 của Indonesia nói trên có khả năng thấp hơn nhiều so với thực tế do quy mô xét nghiệm hạn chế. Người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về vấn đề COVID-19, ông Achmad Yurianto cho biết, ước tính có khoảng 600 đến 700 nghìn người dân nước này có nguy cơ bị mắc bệnh. Nhiều người cho rằng, Indonesia đã bỏ lỡ mất “thời gian vàng” để ngăn chặn dịch bệnh, trong khi các nỗ lực cho đến nay vẫn chưa đủ mạnh và hiệu quả.
Trước thực trạng đó, Indonesia ngày 23-3 đã ban hành sắc lệnh cho phép cảnh sát hành động các biện pháp cứng rắn đối với những cá nhân tổ chức các sự kiện đông người. Sắc lệnh kêu gọi người dân hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người như các cuộc họp, hội thảo, lễ hội âm nhạc, diễu hành, sự kiện thể thao, hội chợ. Trường hợp bất khả kháng thì các sự kiện phải đảm bảo cự ly an toàn giữa những người tham dự. Sắc lệnh cũng cảnh báo người dân không nên tích trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã kêu gọi người dân học tập, làm việc, cầu nguyện tại nhà nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên cho đến nay Indonesia vẫn chưa chọn giải pháp phong tỏa, điều này khiến công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

* Nhiều nước đẩy mạnh các biện pháp chống dịch
Tại Thái Lan, với tổng số ca nhiễm là hơn 930 người và 4 người tử vong, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 24-3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, áp dụng từ ngày 26-3 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Với số ca nhiễm trên, Thái Lan được ghi nhận là nước có số người nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai ở Đông Nam Á, sau Malaysia. Chính vì vậy, chính quyền nước này đang áp dụng các biện pháp mạnh như đóng cửa trung tâm thương mại, các tụ điểm vui chơi và không loại trừ các biện pháp giống như thiết quân luật nếu tình trạng không được cải thiện. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại, trong thời điểm hiện tại, nếu Thái Lan không thiết quân luật trên toàn quốc, số người nhiễm có thể sẽ tăng hơn 30% mỗi ngày, lên đến hơn 350.000 người trước ngày 15-4. Nếu số ca mới vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như vậy, nhiều khả năng Thái Lan sẽ đứng trước  nguy cơ trở thành một “Italy ở khu vực Đông Nam Á”. Kể từ ngày 25-3, chính phủ Thái Lan còn yêu cầu tất cả các hành khách sử dụng tàu điện nội đô, tàu điện sân bay… đều phải đeo khẩu trang. Các nhà quản lý dịch vụ sẽ chuẩn bị khẩu trang để bán ở mỗi bến tàu với giá hợp lý cho những khách hàng không kịp chuẩn bị.
Còn tại Singapore, kể từ sau khi ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên do COVID-19 vào ngày 21-3, Chính phủ Singapore đã ngay lập tức đưa ra biện pháp sàng lọc ca nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài nhập cảnh vào đảo quốc này. Đến nay Singapore đã ghi nhận hơn 550 ca nhiễm và 2 ca tử vong.  Trong bối cảnh đó, Singapore yêu cầu từ 23h59 ngày 23-3, tất cả khách lưu trú ngắn hạn sẽ không được phép nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore. Chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vận tải đã được cấp thẻ làm việc (EP) và người đi theo (DP) được phép trở lại Singapore, nhưng sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày. Thời gian lệnh cấm này có hiệu lực còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ, thời gian và số lượng người Singapore từ nước ngoài trở về cũng như diễn biến dịch bệnh hằng ngày tại Singapore. Từ ngày 24-3, các quán bar, rạp chiếu phim và khu vui chơi giải trí cũng phải đóng cửa. Bên cạnh đó, Singapore cũng cấm mọi hoạt động tụ tập trên 10 người, ngoại trừ nơi làm việc và trường học. Các trung tâm thương mại, bảo tàng và nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải giảm công suất hoạt động.
Philippines tính đến ngày 25-3 đã ghi nhận hơn 550 ca nhiễm bệnh, trong đó có 35 người tử vong. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật cho phép Tổng thống thực thi các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch COVID-19.  Luật trên đã được Quốc hội Philippines thông qua sau một phiên họp đặc biệt kéo dài ngày 23-3. Luật này trao cho Tổng thống "các quyền hạn sẵn sàng hành động để triển khai hiệu quả chính sách quốc gia ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19". Theo đó, trao quyền cho tổng thống tạm thời chỉ đạo các hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân phục vụ lợi ích chung khi cần thiết. Trước đó, Philippines đã ngừng toàn bộ hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila kể từ ngày 13-3, cũng như các biện pháp cách ly cộng đồng mà Tổng thống Duterte gọi là “phong tỏa” thủ đô để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Chính phủ Campuchia thì hiện vẫn đang để ngỏ khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp. Tính đến chiều ngày ngày 25-3, Campuchia đã xác nhận 93 ca mắc COVID-19. Trong khi đó, Brunei ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 9-3, đến nay đã có tổng cộng 50 ca nhiễm bệnh. Chính phủ Timor Leste thì đã ra lệnh đóng cửa biên giới 1 tháng, bắt đầu từ ngày 19-3 đến 19-4; với quyết định đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh đối với 147 quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Timor Leste cũng tạm thời bị đình chỉ. Quốc gia này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 21-3 vừa qua…/.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết