Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Giá trị dân tộc giúp Việt Nam vượt khó để thích ứng linh hoạt và phục hồi kinh tế

Ngày phát hành: 17/10/2021 Lượt xem 887


Theo đài BBC, Việt Nam bắt đầu bàn về phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các ca nhiễm mới đang giảm trên toàn quốc.


Cuốn sách “The Values Compass” của tác giả Mandeep Rai, in năm 2020, khám phá giá trị quan trọng nhất ở từng nước trong 101 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với mỗi nước, tác giả chọn ra một “giá trị” mà có thể xem là tiêu biểu giúp cho quốc gia đó thành công. Nếu nhận định của tác giả về giá trị chủ lực của Việt Nam là chính xác, có vẻ Việt Nam sẽ sớm khắc phục được những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.

 


Khả năng phục hồi
“Resilience”, thường được dịch sang tiếng Việt là “kiên cường” hay “khả năng phục hồi”, là từ khóa mà tác giả dành cho Việt Nam.  Bà Mandeep Rai nhắc lại sự phục hồi “phi thường” của Việt Nam sau chiến tranh 1975, là minh chứng cho sự kiên cường của cả dân tộc. Bà cho biết: “Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tự do hóa nền kinh tế và bắt đầu thấy những lợi ích đáng kể.


Năm 2017, Việt Nam củng cố vị trí là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, với tăng trưởng GDP 6,7%, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài lên đến 17,5 tỷ USD. Đây còn là đất nước tiến bộ: khoảng 25% CEO và giám đốc tại các công ty Việt Nam là phụ nữ và Việt Nam đứng thứ 2 trên toàn châu Á khi nói về phụ nữ ở các vị trí quản lý cấp cao”.

 

Bà Mandeep Rai chỉ ra khả năng phục hồi của Việt Nam được thể hiện rõ ràng không chỉ ở trong nước mà còn ở cộng đồng Việt kiều. Bà cho biết:
“Trong 2 thập niên sau chiến tranh Việt Nam, khoảng 800.000 người Việt đã rời khỏi đất nước. Họ đã giúp tạo ra một cộng đồng hải ngoại phát triển mạnh, có 4 triệu người, trải dài từ Pháp đến Australia, Nhật Bản, Canada và Ba Lan.
Dù trong điều kiện nào, người Việt Nam thường tìm ra cách vượt qua. Hơn thế nữa, họ luôn cố gắng làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh khó khăn. Càng khó có điều kiện, khả năng phục hồi và khả năng thích ứng càng trở nên mạnh mẽ”.

 


Tác giả cho rằng người dân thế giới “đều có thể noi gương Việt Nam về cách ứng phó khi gặp nghịch cảnh”.


Trong phần giới thiệu sách, tác giả viết: “Giá trị cốt lõi của một quốc gia được định hình, trong nhiều trường hợp, qua nhiều thế kỷ hoặc thiên niên kỷ, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không ngừng phát triển nhưng không bao giờ thay đổi về cơ bản. Khi thay đổi địa chính trị, kinh tế, tôn giáo và môi trường đã phát triển xung quanh họ, những giá trị này phần lớn vẫn được giữ nguyên”.


Chính phủ Việt Nam hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết