Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng thêm nhiều biện pháp mạnh chống dịch

Ngày phát hành: 24/07/2021 Lượt xem 1009

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục lúc 6h sáng 24/7. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

 

Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ 6 giờ ngày 24/7/2021, còn TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 tới ngày 1/8, đồng thời bổ sung thêm các biện pháp mạnh, nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

* Hà Nội tận dụng tối đa ''thời gian vàng''
Sau khi ghi nhận 70 ca nhiễm mới trong một ngày - số ca mắc tính theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch, với 6 chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, tối 23/7 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn thành phố trong 15 ngày từ 6 giờ ngày 24/7. Đến sáng 24/7, Hà Nội ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến nay) lên 675 trường hợp, trong đó số ca mắc trong cộng đồng là 417 trường hợp.
Theo đó, Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh"; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định; người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng... và thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp...
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg lúc này là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Đồng thời yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành phố phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

 

Quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm không còn tình trạng người dân đi tập thể dục. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN


Nhấn mạnh, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kêu gọi: mọi người dân nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện các quy định chống dịch. Cùng với đó, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Để đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả, thành phố đã thành lập Sở chỉ huy thành phố để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7.
Về bảo đảm đời sống nhân dân, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông Vận tải đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa. Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm. Khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm…
Về công tác điều trị, hiện tại, có 4 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đang điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, là: Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hiện, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang xây dựng kế hoạch và dự kiến sẽ chuyển đổi thành trung tâm điều trị hồi sức tích cực, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với 500 giường. Chiều 23/7, Sở Y tế Hà Nội khảo sát khu cách ly tại ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và Trường Quân sự (thị xã Sơn Tây). Dự kiến, hai đơn vị này cũng sẵn sàng chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng; mỗi khu đáp ứng khoảng 800 giường bệnh.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ chia thành 3 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19. Tầng 1 dành cho bệnh nhân nhẹ không triệu chứng, điều trị tại các bệnh viện dã chiến; tầng 2 dành cho bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý nền, điều trị tại bệnh viện, như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bắc Thăng Long...; tầng 3 dành cho bệnh nhân nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ngoài ra, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn sẽ hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội. Việc phân tầng điều trị sẽ giúp giảm tải, bảo đảm giãn cách, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nâng cao mọi mặt năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng; bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca. Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được Trung ương phân bổ.

* TP Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp mạnh
TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7. Sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, với những biện pháp quyết liệt, Thành phố đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, diễn biến dịch tại Thành phố vẫn rất phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong toả, cách ly. Số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng... Từ 19 giờ 23/7 đến 6 giờ 24/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 2.070 ca COVID-19 trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư lên 52.544 ca.

 

Các tuyến đường lớn như Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) hướng vào trung tâm TP HCM trong những ngày dãn cách


Vì vậy, theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, Thành phố sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn theo tinh thần Chỉ thị 12, ký ngày 22/7 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, cư dân ở các khu phong toả thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp người xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp). Với một số khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ; người đang cách ly tập trung tuyệt đối không được ra khỏi phòng và tiếp xúc trực tiếp người khác (trừ trường hợp cấp cứu).
Các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà cần thực hiện nghiêm theo hướng dẫn ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu). Chính quyền sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những hộ dân này. Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.
Thành phố tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh; các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Ngân hàng, chứng khoán được hoạt động ở mức độ vừa phải để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể làm việc luân phiên, bố trí nhân sự làm trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách. Chỉ những doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ...
Về an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân xong gói hỗ trợ lần 2 trị giá 886 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, trợ giúp nhóm người yếu thế trong xã hội (xe ôm, xe công nghệ, người bán vé số, người giúp việc nhà, lao động tự do bị mất việc…); người lao động, người sử dụng lao động, bà con tiểu thương… phải ngưng hoạt động do dịch COVID-19. Hiện các cấp, các ngành của Thành phố tiếp tục bổ sung diện đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội; tăng nhanh tốc độ chi trả trợ cấp theo chủ trương của Chính phủ.
Về ổn định tình hình cung ứng thực phẩm cho người dân, bằng các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các bên, nguồn cung ứng thực phẩm từ Nam Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ về Thành phố đã được khơi thông. Hệ thống siêu thị đã tăng năng lực đáp ứng 80% nhu cầu của người dân. Hiện 40 chợ truyền thống đã hoạt động trở lại, với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Các chợ đầu mối cũng từng bước nối lại hoạt động phù hợp với tình hình./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết