Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Học giả Australia: Năm 2020, Việt Nam nâng cao vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu

Ngày phát hành: 22/12/2020 Lượt xem 696


Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia) mới đây đánh giá rằng năm 2020 là một năm đầy thách thức và biến động đối với thế giới vì đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, năm 2020 là năm Hà Nội nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu.

 

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: TTXVN


Theo ông Thayer, năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc đề ra các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong khu vực đã nâng cao uy tín của Việt Nam, đặc biệt là giữa các đối tác đối thoại.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam lần thứ hai trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Điều này thể hiện sự ủng hộ nhất trí của khối châu Á tại LHQ và đa số ủng hộ của các thành viên Đại hội đồng LHQ.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong bốn lĩnh vực:
Thứ nhất, Việt Nam thống nhất các quốc gia thành viên ASEAN trong nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi.
Thứ hai, Việt Nam tạo dựng sự đồng thuận về lập trường trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường. Nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Thứ ba, Việt Nam đã điều hành thành công việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thứ tư, Việt Nam củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ 3 nguyên tắc xây dựng an ninh toàn cầu: cam kết đa phương hóa lấy LHQ làm trung tâm; nâng cao vai trò của các tổ chức khu vực, chẳng hạn như ASEAN và sự hợp tác mở rộng của ASEAN với LHQ và HĐBA; tất cả các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11.

 

Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 17 sáng 20/11,

tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN


Đánh giá về chính sách của Việt Nam đối với các vấn đề “nóng” như COVID-19 và các tranh chấp trên Biển Đông, học giả người Australia cho rằng, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan sang Đông Nam Á, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển chương trình nghị sự thông thường của ASEAN sang trọng tâm ưu tiên là tổ chức ứng phó với đại dịch. Việt Nam đã đi tiên phong trong việc sử dụng hình thức trực tuyến để tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức y tế ASEAN và các nhà lãnh đạo chính phủ chủ chốt khác.
Việt Nam hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt về COVID-19. Việt Nam đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của các đối tác đối thoại bằng cách tổ chức các cuộc họp cấp cao ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như các cuộc gặp song phương với các đối tác đối thoại khác như Mỹ. Thành công của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN ứng phó với COVID-19 là nhờ một phần không nhỏ vào những nỗ lực thành công trong việc kiểm soát đại dịch ở trong nước.
Một tháng trước khi Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN, Malaysia đã gửi Công hàm gửi Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Động thái này dẫn đến một loạt các công hàm từ các nước khác như Philippines, Indonesia, Việt Nam, Mỹ, Australia, Pháp, Đức và Anh trong năm 2020. Việt Nam đã tăng cường tuyên bố chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách hội tụ quan điểm về tầm quan trọng cơ bản của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Dự báo về các thách thức ngoại giao của Việt Nam trong năm 2021, Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với ít nhất 5 thách thức ngoại giao lớn:
Thứ nhất, quản lý phục hồi hậu COVID-19, đặc biệt là Sáng kiến Liên minh Gavi, để cho thấy rằng Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác được tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19.
Thứ hai, thực hiện các nghĩa vụ trong 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn - Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển bền vững ở hạ lưu sông Mekong bằng cách phát triển sức mạnh tổng hợp của nhiều cơ chế đa phương đang được triển khai, tránh chồng chéo và cạnh tranh giữa các quốc gia tài trợ.
Thách thức thứ tư và thứ năm có liên quan đến nhau. Ban lãnh đạo mới của Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ với Trung Quốc và chính quyền Biden của Mỹ để đảm bảo rằng Biển Đông tiếp tục là một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết