Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Hội nghị Tổng kết "Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" ​

Ngày phát hành: 18/12/2020 Lượt xem 1640

Sáng ngày 18/12/2020, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết "Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020" (mã số KX.04/16-20).

 

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  nêu rõ: Đây là chương trình khoa học trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, trước hết là khoa học về lý luận chính trị; phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng.

 

 

Ngay sau Đại hội XII của Đảng, theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương đã sớm triển khai Chương trình này. Việc tổ chức thực hiện được chuẩn bị bài bản từ khâu xây dựng thuyết minh trên cơ sở rà soát, tổng hợp tất cả hệ thống đề tài trước đây, căn cứ vào đó xác định yêu cầu đặt hàng cho các đề tài trong Chương trình.

Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức nghiên cứu và đấu thầu để mở rộng sự tham gia của các nhà khoa học trong cả nước; chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý cả nội dung và tài chính; xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định bảo đảm việc kiểm tra chặt chẽ. Việc xây dựng bộ máy Ban Chủ nhiệm, Văn phòng Chương trình, hướng dẫn tổ chức triển khai đề tài được thực hiện khá chặt chẽ theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ nhiệm đề tài trong quá trình triển khai; nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Đến nay, các đề tài đã được nghiệm thu, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Chương trình KX.04/16-20 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao", Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu lý luận chính trị trong giai đoạn 2021 - 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần tiếp tục làm rõ những nội dung đặt ra, yêu cầu sắp tới cho cả giai đoạn phát triển không chỉ của một nhiệm kỳ, chuẩn bị cho tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, đặt ra tầm nhìn phát triển đến năm 2045. Do đó, Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025 (mã số KX.04/21 - 25) có vai trò đặc biệt quan trọng để hoàn thiện lý luận, đặc biệt là lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, về chủ nghĩa xã hội và xây dựng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, phải chuẩn bị thật tốt thuyết minh Chương trình và hệ thống các đề tài, làm sao để hệ thống Chương trình bao quát đầy đủ những vấn đề quan trọng, cả vấn đề chung và vấn đề cụ thể về đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Văn phòng Chương trình phải xác định cơ quan có đủ điều kiện tham gia, chú ý các chủ nhiệm đề tài là các đồng chí có kinh nghiệm, có quá trình nghiên cứu sâu về mặt lý luận. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Văn phòng Trung ương… có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Lý luận Trung ương để bố trí kinh phí, tạo cơ chế đặc thù trong quản lý… hoàn thành Chương trình giai đoạn tới.

 

 

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình, Giáo sư, Tiến sĩTạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 trình bày  Báo cáo "Tổng kết Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020 và định hướng Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025"

Báo cáo tổng kết nhấn mạnh, bám sát chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chủ nhiệm Chương trình ngay từ đầu đã xây dựng kế hoạch hoạt động và được cụ thể hóa hàng năm, hàng quý, kịp thời chỉ đạo các đề tài, những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần nghiên cứu phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phục vụ Trung ương ra các nghị quyết.

Chương trình đã tập hợp, huy động được đội ngũ chuyên gia đông đảo cả nước ở các học viện, viện nghiên cứu lớn, các đại học quốc gia, trường đại học lớn tham gia. Chương trình được tổ chức chặt chẽ, công khai, minh bạch, được sự đồng tình cao của các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài.

Kết quả nghiên cứu các đề tài trong Chương trình có nhiều điểm mới. Nổi bật là kết quả nghiên cứu nhiều đề tài đã kịp thời cung cấp những căn cứ lý luận, thực tiễn, góp phần thiết thực để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết chuyên đề. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp vào xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Văn kiện đã phát hành sách; góp phần xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có nhiều phát hiện mới. Các kết quả nghiên cứu đóng góp hiệu quả và trực tiếp vào xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng về việc chuẩn bị Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức nghiên cứu khảo sát, tọa đàm với một số bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương, học viện, viện nghiên cứu và Đại học quốc gia Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; tham khảo ý kiến của một số chuyên gia nghiên cứu lý luận, một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở định hướng chung và tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ sở nghiên cứu khoa học, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã xây dựng Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 (mã số KX 04/21-25) như sau:

Về mục tiêu: Góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030;  Xây dựng cơ sở lý luận - thực tiễn nhằm góp phần phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mới qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong giai đoạn tới, nhất là phục vụ xây dựng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, đề xuất lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trong bổ sung, hoàn thiện nền tảng tư tưởng của Đảng.

Về định hướng nội dung nghiên cứu:  Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề: (1) Những vấn đề lý luận chung: Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về những thành tựu phát triển lý luận chính trị hiện đại của thế giới; về chủ nghĩa tư bản hiện đại, v.v...;(2) Những vấn đề về chính trị: Tiếp tục nghiên cứu những vấn đề về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; cơ chế vận hành bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; về vấn đề dân chủ và kiểm soát quyền lực… phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” trong Đảng, trong xã hội; (3) Những vấn đề về kinh tế: Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển các khu vực kinh tế; vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; về phát triển nông nghiệp, dịch vụ; về phát triển nhanh và bền vững thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; (4) Những vấn đề về văn hóa, xã hội và con người: Nghiên cứu tổng kết thực tiễn những vấn đề về văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường, tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra như: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Mô hình, phương thức quản lý phát triển xã hội; các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, quan hệ giai tầng, phân tầng xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, an ninh con người, đạo đức, kỷ cương xã hội…; (5) Những vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Nghiên cứu làm rõ những vấn đề trọng yếu về bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu những biến động lớn về chính trị, kinh tế, an ninh của thế giới và khu vực; cục diện quan hệ của các nước lớn, các nước láng giềng, tương quan lực lượng trên thế giới, các định chế khu vực và toàn cầu mới, đặc biệt là những vấn đề an ninh phi truyền thống tác động đến nước ta; vai trò tiên phong và đổi mới hoạt động công tác đối ngoại, v.v...

 

Một số hình ảnh về Hội nghị

 

 

PV

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết