Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Hội thảo khoa học "Cách tiếp cận thí điểm để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo: Bài học và kinh nghiệm từ Trung Quốc"

Ngày phát hành: 12/04/2019 Lượt xem 1008

 

   Thực hiện Chương trình phối hợp công tác năm 2019, vừa qua, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam và UNDP Việt nam tổ chức hội thảo quốc tế "Cách tiếp cận thí điểm để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo: Bài học và kinh nghiệm từ Trung Quốc". PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Đẵng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

   Theo giới thiệu của UNDP tại Việt Nam, Phó giáo sư khoa học chính trị, Đại học Michigan Yuen Yuen Ang, người có hơn 10 năm nghiên cứu tại Trung Quốc và là tác giả cuốn sách " Trung Quốc thoát bẫy nghèo như thế nào" đã trình bày với hội thảo chuyên đề nghiên cứu về những bài học, kinh nghiệm thoát nghèo của Trung quốc trong quá trình cải cách, mở cửa.

   Báo cáo của tác giả tập trung vào 4 vấn đề: Nền tảng của sự năng động kinh tế ở Trung Quốc; định hướng từ trên xuống; ngẫu hứng từ dưới lên; bùng nổ công nghệ Trung Quốc: 3 điều nên biết.

   Theo tác giả, nền tảng chính trị của sự năng động kinh tế của Trung Quốc không phải là quản lý từ trên xuống, mà là "ngẫu hứng có định hướng".

   Giai đoạn trước khi cải cách thị trường, trung Quốc đã từng là một nước rất nghèo. Năm 1964, GDP bình quân đầu người (USD) của Trung Quốc còn thấp hơn cả Bangladesh và Cămpuchia, nhưng sau 50 năm cải cách (2014), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã gấp gần 8 lần 2 nước này. Vậy điều gì đã dẫn đến sự chuyển đổi lớn như vậy? Lý giải điều này, tác giả đưa ra so sánh: Ở thời kỳ Mao Trạch Đông có 2 điểm nổi bật là việc đầu tư hạ tầng trên diện rộng; Chính phủ trung ương mạnh, điều hành từ trên xuống. Thời kỳ cải cách, bên cạnh 2 yếu tố trên (đầu tư hạ tầng trên diện rộng; Chính phủ trung ương mạnh, điều hành từ trên xuống), xã hội Trung Quốc có thêm 5 điểm mới, đó là mở cửa thị trường; khu vực tư nhân năng động; ưu tiên tạo điều kiện cho phát triển nông thôn quy mô nhỏ; phát triển phù hợp với từng địa phương; "ngẫu hứng" có định hướng (thay đổi vai trò của chính phủ). Điểm nổi bật trong thời kỳ cải cách ở Trung quốc là sự thay đổi tư duy về vai trò của chính quyền trung ương và địa phương. Cách làm trước đây là chính quyền trung ương ra lệnh và lập kế hoạch; chính quyền địa phương thực hiện mệnh lệnh, nay thay đổi: chính quyền trung ương giữ vai trò đạo diễn, định hướng; chính quyền địa phương được "ngẫu hứng" trong thực hiện, trong sử dụng nguồn lực địa phương, tạo ra sự phát triển phù hợp với từng địa phương.

  Trong thời kỳ cải cách, Chính phủ Trung Quốc đã giải quyết khá thành công các mối quan hệ giữa "ngẫu hứng" và có định hướng trong hệ thống nhà nước; giữa "ngẫu hứng" và có đạo diễn giữa nhà nước và doanh nghiệp; giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị[1]. Và đây chính là chìa khóa tạo ra sự phát triển vượt bậc trong nỗ lực thoát bẫy nghèo ở Trung Quốc thời gian qua.

  Các ý kiến bình luận, trao đổi tại hội thảo đã đem lại nhiều thông tin bổ ích, gợi ý cách tiếp cận mới, kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phục vụ quá trình xây dựng các văn kiện, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.

PV

 



[1] Các đánh giá phổ biến cho rằng Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, giới lãnh đạo cải cách luôn theo đuổi cải cách chính trị, chỉ có điều những cải cách chính trị này không theo cách các nhà quan sát phương Tây mong đợi (theo tác giả)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết