Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Hội thảo "Quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trương, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Ngày phát hành: 29/06/2019 Lượt xem 952

 

Sáng 28-6-2019, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Trường Đại học khoa học xã hội & nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo "Quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0". Đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý của nhà trường, Hội đồng Lý luận Trung ương và nhiều cơ quan khoa học đã tới tham dự hội thảo. PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học khoa học xã hội & nhân văn đồng chủ trì hội thảo.

Trong những năm đổi mới vừa qua, cùng với tăng trưởng kinh tế, quản lý phát triển xã hội có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dân tộc, tôn giáo để giải quyết các vấn đề xã hội... Ngân sách nhà nước dành cho các chương trình quốc gia nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gia tăng hằng năm. Việt Nam đã hoàn thành hầu hết và cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đặc biệt là đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nhiều chính sách để ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Quan tâm thực hiện chính sách chăm sóc người có công. Đã thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khoẻ cho người dân đồng thời tạo điều kiện để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro trong đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường. Đời sống và thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên... Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành công thì thực tiễn quản lý phát triển xã hội trong thời gian qua cũng đặt ra những tình huống mới mà nếu không kịp thời xử lý sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường. Báo cáo chính trị của tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “…, quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn nhiều hạn chế, khuyết điểm… Việc giải quyết một số vấn đề xã hội chưa hiệu quả; …; giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng,… chưa có chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả đối với vấn đề biến đổi cơ cấu, phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội, kiểm soát rủi ro, giải quyết mâu thuẫn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh cho con người.

 

 

Để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách so với các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới. Vấn đề đặt ra là Trong quá trình đổi mới hiện nay, bên cạnh đổi mới kinh tế, đổi mới thể chế chính trị..cần đặc biệt quan tâm  tới đổi mới quản lý phát triển xã hội để vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh về kinh tế lại vừa đảm bảo sự ổn định xã hội, gia tăng phúc lợi, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các nhóm xã hội, và bảo vệ môi trường.

Sau báo cáo đề dẫn của GS.TS Phạm Quang Minh, từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã trao đổi làm rõ những căn cứ lý luận, thực tiễn về quản lý phát triển xã hội, quản trị phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều kinh nghiệm quốc tế, nhiều bài học lịch sử cũng được nêu ra góp phần làm sâu sắc hơn những lập luận khoa học. Kết quả hội thảo là đóng góp thiết thực cho quá trình nghiên cứu nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của thể chế trong quản lý phát triển xã hội đảm bảo đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết