Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Hội thảo quốc gia "Đổi mới tư duy kinh tế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm"

Ngày phát hành: 06/12/2018 Lượt xem 1104

 

Quang cảnh hội thảo

 

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề "Đổi mới tư duy kinh tế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm". GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TW, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW, PGS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới.

Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm rất cần tư duy kinh tế đổi mới, sáng tạo. Thông qua hội thảo hôm nay, Hội đồng Lý uận Trung ương, trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ tiếp thu các ý kiến để góp phần vào xây dựng các dự thảo của Văn kiện Đại hội Đảng XIII sắp tới”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, trong những năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức mới trong bối cảnh toàn cầu, dẫn đến nhu cầu bức thiết phải phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm. Điều kiện để có thể thúc đẩy quá trình phát triển đó nằm ở chỗ phải đổi mới tư duy kinh tế cho phù hợp với bối cảnh mới, làm nền tảng cho việc đổi mới toàn diện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Sau báo cáo đề dẫn, hội thảo đã nghe 3 tham luận và 8 ý kiến trao đổi về nhiều khía cạnh đặt ra từ hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, kinh tế, xã hội và môi trường là một chỉnh thể thống nhất. Mỗi phần trăm tăng trưởng phải hàm chứa sự bền vững của cả tự nhiên và xã hội. Theo ông, Việt Nam cần hướng tới mô hình kinh tế bền vững cao, nơi kinh tế là cấu phần của xã hội và xã hội là cấu phần của tự nhiên; con người là trung tâm, bình đẳng cơ hội tham gia và chia sẻ thành quả. GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định, hệ thống doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững là nền tảng sức mạnh kinh tế, thịnh vượng và phát triển bền vững quốc gia. Nhà nước cần tiếp tục đổi mới tư duy, quan điểm về các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành một hướng đi mới thiết thực mà quốc gia nào cũng thấy cần thiết đáp ứng nhu cầu và mục tiêu trước mắt, cũng như lâu dài.

Đối với mỗi quốc gia, để phát triển theo định hướng tốt đẹp đó nhất định phải biết kết hợp giữa nỗi lực trong nước và sức mạnh quốc tế, phát triển kinh tế trong nước với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, khi đặt vấn đề đổi mới tư duy kinh tế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm cần phải quan tâm đến đổi mới tư duy trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập quốc tế phải bảo vệ được độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia. Trong hội nhập quốc tế cần phải thực hiện kép, nghĩa là lấy hội nhập quốc tế để xử lý tồn đọng bên trong, nhưng đồng thời bảo vệ được kinh tế vĩ mô, thiết lập được các yếu tố mới cho phát triển mới tăng trưởng mới theo mô hình phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm”.

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, sau hơn 30 năm chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới; khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa; nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế ngày càng rõ nét; những thách thức về tăng trưởng và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn. Từ thực tiễn đổi mới của đất nước hơn 30 năm qua và từ thực tế phát triển kinh tế của các quốc gia thành công trên thế giới, các đại biểu đã nêu ra  nhiều giải pháp, mô hình phát triển để một nước nông nghiệp như Việt Nam có thể tiến hành công nghiệp hóa thành công...

 

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu kết luận hội thảo

 

Phát biểu kết luận hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định, qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có những bước phát triển rất dài, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên so với yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của tình hình quốc tế, trong nước, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tư duy đổi mới còn chậm thay đổi. Cái khó nhất hiện nay là cùng một lúc chúng ta phải giải bài toán kép. Đó là phải tìm lời giải cho những bất cập sau hơn 30 năm đổi mới đang đặt ra, đồng thời phải tiếp cận nhanh vào cái mới do thực tiễn phát triển của thế giới đang đặt ra. Ở đây có hai vấn đề đặt ra về mặt tư duy. Thứ nhất, nếu chỉ chìm đắm trong việc giải quyết cái cũ thì mãi mãi lạc hậu, ngược lại, nếu nóng vội đi vào cái mới mà quên giải quyết cái cũ thì cũng là ảo tưởng. Thứ hai, không bao giờ được xa rời, thoát ly thực tiễn đất nước. Hội thảo hôm nay rất bổ ích. Hội thảo đã gợi mở nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn./.

 

Nguyễn Tiến

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết