Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Hội thảo “Thế giới trong thập niên 2011-2020, dự báo đến năm 2030: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách"

Ngày phát hành: 02/04/2019 Lượt xem 1178

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thế giới trong thập niên 2011-2020, dự báo đến năm 2030: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách”.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, an ninh, quốc phòng đến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu. Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá đặc điểm của thời đại, tình hình thế giới và khu vực trong giai đoạn 2011-2020; dự báo xu thế đến năm 2030 và tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI; kiến nghị các giải pháp góp phần tận dụng thời cơ, điều kiện thuận lợi và hạn chế những tác động tiêu cực giúp Việt Nam vượt qua thách thức, khó khăn ở giai đoạn tới. 20 bài tham luận của các nhà khoa học đã được gửi tới hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Vũ Văn Hiền nhấn mạnh: "Việc nhận rõ cục diện và tình hình thế giới trong mỗi thời điểm nhất định luôn là vấn đề được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Mỗi quốc gia, dân tộc cần biết mình đang sống trong bối cảnh thế giới và khu vực như thế nào, với những tính chất, đặc điểm, nội dung và xu thế phát triển ra sao. “Biết mình, biết người” là phương thức cơ bản và rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Với một quốc gia, một dân tộc, điều này càng hệ trọng và hết sức cần thiết. Hiểu biết sâu sắc về tình hình thế giới giúp chúng ta tìm ra xu hướng tất yếu trong vô vàn những hiện trạng phức tạp, mang tính ngẫu nhiên của đời sống quốc tế, giúp ta nhìn xa, trông rộng, nắm bắt khuynh hướng và cách thức phát triển của thế giới để lựa chọn hướng đi phù hợp với sự phát triển của lịch sử, lương trước được những thách đố phức tạp, tránh được những vấp váp sai lệch trên đường đi tới; từ đó không bị chao đảo hoặc bị cuốn trôi trước những biến động nhanh chóng, phức tạp của đời sống quốc tế. Chỉ nhận rõ tình hình hiện tại, dự báo xác thực những tình huống trong tương lai chúng ta mới có thể tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tìm ra giải pháp đi tắt, đón đầu để theo kịp bước đi của nhân loại."

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về phân tích rõ đặc điểm trong giai đoạn hiện nay của thời đại, những mâu thuẫn chủ yếu, xu hướng vận động, vấn đề của thời đại, lực lượng của thời đại, vấn đề toàn cầu, toàn nhân loại đang đặt ra đối với thế giới đương đại.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Vấn đề toàn cầu hóa tác động trực tiếp đến an ninh và phát triển của tất cả các nước trong đó có Việt Nam: “Khi công nghiệp chuyển mạnh quá, chỉ còn dịch vụ. Lúc ấy thu nhập giảm sút, bất bình đẳng gia tăng, đặc biệt nhân công khoa học công nghệ không có đất dụng võ. Khi các nước trỗi dậy giành được sức mạnh thì quyền lực chuyển dịch. Ba cái đó tác động với nhau và dẫn đến toàn cầu hóa. Đầu tiên là khủng hoảng và sau đó là không thể duy trì được trạng thái hiện nay”.

Các đại biểu cũng phân tích về tác động của tình hình thế giới và khu vực đối với Việt Nam./.

 

PV

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết