Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Indonesia phát triển nguồn nhân lực cho Cách mạng Công nghiệp 4.0

Ngày phát hành: 14/02/2019 Lượt xem 1520

Báo Jakarta Post (10/2) có đăng bài viết với tựa đề: “Indonesia phát triển nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”. Nội dung bài viết như sau:

 

 

Để hỗ trợ sự phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư còn được gọi là Công nghiệp 4.0, Chính phủ Indonesia kêu gọi các tổ chức giáo dục hợp tác để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của Indonesia.

Trong một hội thảo gần đây tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Jakarta, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati kêu gọi nâng cấp hệ thống giáo dục hiện tại và cho rằng các trường nên điều chỉnh cách tiếp cận của họ để dạy các kỹ năng mềm, đào tạo giáo viên mới và đơn giản hóa chương trình giảng dạy của mình.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho biết là một phần của những nỗ lực này, Chính phủ đã phân bổ 20% của khoản ngân sách tổng cộng 495 nghìn tỷ Rupiah (35,4 tỷ USD) - trong tổng ngân sách nhà nước năm 2019 cho giáo dục. Với sự phân bổ trên, Chính phủ Indonesia hy vọng 9,8% tổng số dân hiện còn bị xếp vào diện nghèo khó có quyền truy cập vào giáo dục. Theo bà Sri Mulyani Indrawati các quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ học bổng, cung cấp các khoản trợ cấp giáo dục cho người nghèo như Thẻ thông minh Indonesia (KIP), xâ dựng và đưa vào hoạt động nhiều trường dạy nghề hơn.

Chương trình cải thiện giáo dục là một trong những nội dung quan trọng được chính phủ của tổng thống Joko Widodo (Jokowi) hết sức quan tâm, theo đó Indonesia cần phải chủ động trong công tác giáo dục - đào tạo để sớm chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trong cuộc chạy đua vào nhiệm kỳ thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 4 năm nay, một trong những cam kết của ông Jokowi đối với các cử tri là việc tích cực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực để cải thiện các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Indonesia, Hanif Dhakiri vào cuối năm ngoái đã cho biết rằng chính phủ sẽ tập trung vào việc cải thiện năng lực của các công nhân lành nghề bằng cách đào tạo các khóa học cơ bản để cấp chứng chỉ. Những nỗ lực này bao gồm cải thiện việc tăng cường tiếp cận và phát triển hơn nữa chất lượng đào tạo nghề và các chương trình thực tập với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Theo ông Hanif, Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch hợp tác với khu vực tư nhân để cung cấp các chương trình thực tập độc lập.

Cũng trong cuộc hội thảo về phát triển nguồn nhân lực phục vụ cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa qua, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp đại học phải nhận thức được những thay đổi trong hệ thống kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong thời đại hiện nay để chủ động về tương lai của mình.

Các chuyên gia thế giới cũng dự đoán rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ tiếp tục phá vỡ thị trường việc làm khi nó được thiết lập để thay thế con người tại nơi làm việc. Theo một nghiên cứu năm 2018 của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, 800 triệu việc làm sẽ bị thay thế bằng tự động hóa vào năm 2030.

Với những thay đổi đi kèm với sự phát triển công nghệ, ông Kalla cho biết Indonesia nên tận dụng lợi thế nhân khẩu học của mình vào năm 2030 khi phần lớn dân số của quốc gia này trong độ tuổi lao động. Theo Phó tổng thống Indonesia, sự nhận thức về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ giúp người lao động đảm bảo một công việc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn đang phát triển tốt. Khi công nghệ phát triển vượt bậc và thay thế nhiều hoạt động của con người có nghĩa là rất nhiều công việc sẽ biến mất trong khi nhiều công việc mới lạ bắt đầu xuất hiện, những lĩnh vực mới này là những nội dung các tổ chức giáo dục nên tập trung đào tạo cho sinh viên của mình.

Đã có một số trường đại học của Indonesia nắm bắt được xu hướng này và chủ động trong công tác đào tạo của mình điển hình như Đại học Prasetiya Mulya, nơi đã giới thiệu một chương trình khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ứng dụng (STEM) vào năm 2017 để trang bị cho sinh viên những thách thức của Công nghiệp 4.0.

Hiệu trưởng Đại học Prasetiya Mulya, Djisman Simandjuntak cho biết năm 2018 rằng trường đã chuẩn bị nhiều phương tiện khác nhau cho sinh viên, bao gồm tòa nhà phòng thí nghiệm Prasetiya Mulya và trung tâm học tập kỹ thuật số. Viện STEM của trường đại học STEM hiện cung cấp sáu chương trình học đại học gồm: Toán kinh doanh, kỹ thuật hệ thống máy tính, công nghệ kinh doanh kỹ thuật số, kỹ thuật năng lượng tái tạo, công nghệ kinh doanh thực phẩm và kỹ thuật thiết kế sản phẩm.

Để thúc đẩy lực lượng lao động có kỹ năng tốt hơn, Bộ trưởng Tài chính Indoneisa, Sri Mulyani khẳng định, Chính phủ Indonesia sẽ luôn sử dụng các công cụ tài chính của đất nước để phát triển nguồn nhân lực thông qua các lĩnh vực khác nhau. Bà nói rằng, Bộ Tài chính hiện đang làm việc để hỗ trợ tốt hơn cho ngành công nghiệp thông qua các chính sách tài khóa khác nhau. Bộ trưởng Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh: “chính sách tài chính của chúng tôi liên quan đến các kỳ nghỉ thuế và các khoản phụ cấp thuế nhằm hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước”.

Nguyễn Vũ Hùng (TTXVN)

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết