Thứ Ba, ngày 16 tháng 04 năm 2024

Năm 2019 sẽ có nhiều “bứt phá” tạo động lực cho kinh tế Việt Nam về đích

Ngày phát hành: 31/12/2018 Lượt xem 717

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong thập kỷ, các cân đối vĩ mô đều vượt chỉ tiêu

Theo nhận định định của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Không chỉ đạt kỷ lục về tộc độ tăng trưởng, trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%,

Kết quả tăng trưởng cho thấy nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên khi năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm.

Khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, cao hơn mức tăng các năm giai đoạn 2012-2016, trong đó các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP như bán buôn, bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi... đều đạt mức tăng trưởng khá.

Hoạt động thương mại dịch vụ năm 2018 có mức tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

Bức tranh này đã cho thấy chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP năm 2018 đạt 33,5%, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 33-34%.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 51,6 điểm trong tháng 3, tăng cao 55,7 điểm trong tháng 6 và đạt đỉnh 56,5 điểm trong tháng 11. Kết quả này báo hiệu sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh đã tăng suốt từ tháng 1/2016.

Cũng theo Nikkei, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng trong tháng 11, khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, tạo thêm nhiều việc làm mới. Đây là những nền tảng vững chắc để chuẩn bị những bước đột phá cho năm 2019 nhằm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm 2016-2020.

5 động lực cho tăng trưởng 2019

Trong nhận định đưa ra trước giới truyền thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” nhằm tạo động lực cho kinh tế Việt Nam về đích vào năm 2020.

Theo phân tích của ông Lâm, năm 2018 nền kinh tế Việt Nam đã tạo dựng các động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 và các năm tiếp theo.

Trước hết, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết FTA với mức độ cắt giảm sâu rộng.

Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nước ta với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam.

Thời gian qua, môi trường kinh doanh của nước ta đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế: Năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp; năm 2018 có hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các doanh nghiệp bổ sung cho nền kinh tế gần 3,9 triệu tỷ đồng.

Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới.

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao; nuôi trồng thủy sản tập trung chuyển sang các loài trọng điểm dùng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản nâng cao giá trị sản xuất gấp 2,3 lần, trong đó riêng chuyển đổi 1 ha đất canh tác lúa sang nuôi tôm nước lợ sẽ nâng cao giá trị gấp khoảng 5 lần.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019 với sự hỗ trợ tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu như Samsung, LG, Fomosa, Toyota…

Thứ tư, nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 khi nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh, nhiều nhà máy chế biến thực phẩm dự kiến đi vào hoạt động và hàng loạt công trình, dự án khác sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019.

Thứ 5, với quy mô dân số trên 95 triệu dân Việt Nam và số lượng khách quốc tế đến nước ta ngày càng tăng cao là thị trường tiềm năng tạo động lực cho khu vực sản xuất, dịch vụ và tăng trưởng năm 2019, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nằm trong top 10 điểm phát triển du lịch nhanh nhất thế giới với số lượng khách quốc tế dự kiến tiếp tục tăng cao trong năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh những động lực và cơ hội lớn, nền kinh tế cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng năm 2019 cũng như trong các năm tới.

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

Kinh tế thế giới đang tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thánh thức gia tăng. WB; IMF và OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,7% năm 2018 và 3,5% năm 2019.

Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không còn diễn ra đồng đều trên diện rộng như năm 2017 và đầu năm 2018, động lực của các nền kinh tế lớn suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại.

Thêm vào đó, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn thông qua liên kết kinh tế, đồng thời bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường.

Ngoài ra, kinh tế Mỹ đang quá “nóng” do đó Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá tạo áp lực không nhỏ lên điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của nước ta.

Bên cạnh yếu tố về thương mại toàn cầu suy giảm, cạnh tranh chiến lược diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh này, theo khuyến nghị của Tổng cục Thống kê, nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế 2019 là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế để duy trì đà tăng trưởng như hiện nay.

“Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, chúng ta đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 của Quốc hội đề ra là 6,6%-6,8% trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới", ông Lâm nói.

Đồng thời theo ông Lâm, để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra, năm 2019 cần tập trung vào một số giải pháp sau: Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển...

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định CPTPP, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế...

 

Mai Phương (Báo ĐTVN) 

 

 

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết