Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

Những yếu tố quyết định thành công của nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu

Ngày phát hành: 25/11/2020 Lượt xem 1260


Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng một cách bất thường trên toàn cầu, với nhiều nền kinh tế tiên tiến và mới nổi bị thu hẹp hơn 10%, trong khi một số khác thậm chí còn giảm gần 20%. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái một cách bất thường cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, kéo dài vài tháng ở hầu hết các quốc gia bởi số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng hơn 5% chỉ trong quý III/2020. 

 

* Các yếu tố quyết định thành công

Trong bài viết đăng trên nhật báo The Australian ngày 23/11, ông Jeremy Lawson, nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Aberdeen Standard Investments có trụ sở tại Australia, lưu ý  rằng mặc dù tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng là một tin tốt, nhưng sự phục hồi này đi kèm với một yếu tố rất quan trọng. 

Tăng trưởng được phục hồi nhanh nhờ việc nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế đối với các loại hình công việc và hoạt động xã hội. Song chính sự nới lỏng này, cùng với hàng loạt sai lầm liên quan đến sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát trở lại trên diện rộng của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch.

Kết quả là cho đến nay, chỉ có một vài quốc gia tìm được sự cân bằng phù hợp giữa việc khởi động lại nền kinh tế và giữ an toàn cho người dân. Hơn nữa, số liệu của các nước Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) còn cho thấy tốc độ phục hồi đang giảm dần và không thể loại trừ khả năng suy thoái kép ở một số quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Lawson, những tin tức mới nhất này chính là một lời nhắc nhở kịp thời rằng phần lớn câu chuyện về đại dịch và hậu quả của đại dịch vẫn còn ở phía trước. 

Chuyên gia kinh tế này cho rằng có 4 yếu tố quyết định thành công của các nỗ lực phục hồi kinh tế hay mức độ thiệt hại lâu dài gây ra bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh bao gồm: Chất lượng ứng phó về sức khỏe cộng đồng đối với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai; sự phát triển và tính hiệu quả của vắc-xin phòng bệnh, bao gồm cả khả năng của các chính phủ trong việc triển khai tiêm chủng cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; sự sẵn sàng của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì sự hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong thời gian nhu cầu của khu vực tư nhân vẫn còn yếu; và khả năng của các chính phủ trong việc đưa ra các quyết định khó khăn cần thiết để giúp nền kinh tế đất nước có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng mới và có thể tận dụng các cơ hội tăng trưởng trong tương lai.

Trên thực tế, ông Lawson nhận định khi thế giới bắt đầu hướng nhìn về tương lai dài hạn, chỉ có một điều chắc chắn là, tương lại này sẽ rất khác so với quá khứ gần đây.

Đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy một số xu hướng đã có từ trước cuộc khủng hoảng. Các xu hướng này bao gồm đổi mới và triển khai kỹ thuật số; sự chậm lại của quá trình toàn cầu hóa; sự chuyển hướng sang sử dụng chính sách tài khóa như là công cụ chính để quản lý nhu cầu; cách thức mà bất bình đẳng kinh tế và xã hội lâu nay đang làm xói mòn lòng tin vào các thể chế chính trị và chất lượng của các lựa chọn chính sách công; và áp dụng lãi suất “thấp hơn, lâu hơn”, làm hạn chế lợi nhuận tổng của các tài sản.

Tuy nhiên, đại dịch cũng đang tạo ra các xu hướng mới mà trước đây chưa thể lường trước hoặc ít nhất là không được dự đoán sẽ diễn ra nhanh chóng như vậy, ví dụ như thay đổi trong mô hình làm việc và du lịch, cùng nhu cầu về các mô hình kinh doanh, sức khỏe và xã hội an toàn với đại dịch.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng cho thấy con người còn thiếu chuẩn bị như thế nào cho việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhưng đang diễn ra chậm hơn.

 

* Những thách thức phía trước

Đề cập đến các thách thức ở phía trước, ông Lawson cho rằng những thách thức này có một số điểm chung chính. Một là, những thách thức này phụ thuộc vào chất lượng của các biện pháp can thiệp của chính phủ. Toàn bộ lợi ích của cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ không có ý nghĩa nếu các chính phủ không có các chính sách và quy định chia sẻ các lợi ích tiềm năng này cho nhiều công ty và cá nhân hơn trong xã hội.

Tương tự, quá trình “xanh hoá” nền kinh tế toàn cầu để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ không thể diễn ra nếu các chính phủ không “xanh hóa” việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và định giá carbon đủ cao. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần giải quyết vô số sự bất bình đẳng còn tồn tại trong xã hội hiện nay. 

Điểm chung thứ hai là vai trò hỗ trợ mà các nhà đầu tư có thể thực hiện. Các nhà quản lý tài sản là những người kết nối các nguồn tiết kiệm lớn với các cơ hội đầu tư. Trong bối cảnh đó, quyết định phân bổ vốn của các nhà đầu tư giúp định hình rất nhiều cho tương lai.

Do đó, với việc chú ý đến bản chất phức tạp của việc thay đổi kinh tế và xã hội, cũng như kỳ vọng ngày càng tăng của công chúng, các nhà đầu tư có thể trở thành động cơ thay đổi tích cực và mang lại lợi nhuận bền vững hơn cho khách hàng của mình thông qua việc áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong giao dịch với các công ty đối tác, tác động đến các chính phủ, và kiểm soát hành vi của chính các nhà đầu tư.

Và điểm chung cuối cùng là sự thừa nhận rằng những thách thức của môi trường chính trị, kinh tế và thị trường hậu COVID-19 cũng là một cơ hội to lớn vì các thách thức này có khả năng dẫn tới những thay đổi cơ cấu quan trọng ở nhiều quốc gia cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết