Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

Nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư để nâng cao chỉ số HDI

Ngày phát hành: 20/10/2018 Lượt xem 2141

           

          Việt Nam đang có nhiều tiến bộ về phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc giảm bớt chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, thu hẹp khoảng cách giới, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải và đa dạng sinh học. Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo công bố Các chỉ số phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam, chiều 17-10-2018, tại Hà Nội.

          * HDI của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao

       Chỉ số phát triển con người - Human development index (HDI) là thước đo tổng hợp về sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia hay vùng lãnh thổ trên các phương diện: thu nhập (thể hiện qua GDP bình quân đầu người), tri thức (thể hiện qua chỉ số học vấn) và sức khoẻ (thể hiện qua tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh) của con người.

          Theo tài liệu “Các Chỉ số phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam”, Chỉ số phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước (cùng xếp hạng năm 2016). Việt Nam chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức Phát triển con người cao.

          Trong Chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực y tế và giáo dục nhưng tăng trưởng chậm về thu nhập. Tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ hai ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2 – cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

          Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy những tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. Chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197 và đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam là 5%, cao hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Á.

          Mặc dù có nhiều tiến bộ trong phát triển con người và giảm nghèo đa chiều, nhưng các đại biểu cho rằng, Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và các nhóm dân cư. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở khu vực đô thị là 2,1% trong khi khu vực nông thôn là 6,45%; dân tộc Kinh là 6,4%, dân tộc Mông lên đến 76,2%, dân tộc Dao là 37,5%, dân tộc Khmer là 24%...

          Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có thể tự hào về tiến bộ đạt được trong giảm nghèo đa chiều, giúp 6 triệu người thoát nghèo trong 4 năm, từ năm 2012 đến năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Thách thức đặt ra là cần giải quyết tình trạng nghèo thâm căn cố đế, tập trung ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trong các vùng địa lý khó khăn.

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, với Chỉ số phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức Phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng, miền và nhóm dân cư, tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức Phát triển con người cao.

          * Thống kê chỉ số HDI Việt Nam từ 1990 đến nay

          Theo số liệu của UNDP, HDI qua các giai đoạn của Việt Nam từ năm 1990 đến nay như sau: năm 1990: 0,475; năm 1995: 0,529; năm 2000: 0,579; năm 2005: 0,616; năm 2010: 0,654; năm 2015: 0,684; năm 2016: 0,689; năm 2017: 0,694.

          Theo Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), kể từ lần đầu tiên được UNDP công bố vào năm 1990, đến nay chỉ số HDI của Việt Nam tăng dần đều qua các năm mặc dù sự tăng trưởng chưa phải là cao. Từ một quốc gia có chỉ số phát triển con người thấp, Việt Nam đã vươn lên nhóm nước có chỉ số phát triển con người trung bình. Một điều đáng lưu ý là so với những nước cùng thứ hạng, về tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn thua kém nhiều quốc gia nhưng về Chỉ số phát triển con người Việt Nam đã ngang bằng, thậm chí còn cao hơn.

          Kể từ năm 2010 có sự điều chỉnh trong việc tính toán chỉ số HDI. Chỉ số HDI được tính theo phương pháp mới có sự chênh lệch so với cách tính cũ, cụ thể là thấp hơn so với cách tính cũ. Một trong những lý do là vì số năm đi học trung bình và số năm đi học kỳ vọng của Việt Nam còn khá thấp nên đã làm giảm đáng kể chỉ số giáo dục, thêm một số yếu tố khác như sự gia tăng bất bình đẳng của Việt Nam cũng đã kéo theo sự sụt giảm chỉ số HDI.

          So sánh tiến bộ về phát triển con người giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực trên cơ sở tính đến sự khác biệt về xuất phát điểm của trình độ phát triển, cho thấy Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất trong giai đoạn 1990-2000, song vị trí này đã bị lùi dần trên bảng xếp hạng trong hai giai đoạn sau là 2000-2008 và đặc biệt là từ 2008 trở lại đây.

          * Về chỉ số HDI

          Phát triển con người từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả và tổ chức trên thế giới. Từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, quan điểm về phát triển con người, với tư cách là một lý thuyết phát triển kinh tế xã hội, đã được UNDP đề xuất và được thể hiện trong các báo cáo thường niên về phát triển con người (bắt đầu từ năm 1990). Theo đó, phát triển con người là một quá trình mở rộng cơ hội lựa chọn và năng lực cho con người, trong đó, có những sự lựa chọn mang tính thiết yếu như: có một cuộc sống mạnh khỏe và lâu dài; có kiến thức; được tiếp cận với những nguồn lực để có một cuộc sống tươm tất trong đó thu nhập là một trong những phương tiện để đạt được điều này. Ngoài ra còn có những sự lựa chọn khác như các cơ hội tự do về chính trị-kinh tế-xã hội để con người được sáng tạo và sản xuất, được đảm bảo quyền con người và được kính trọng.

          Cùng với việc đưa ra quan điểm và cách tiếp cận về phát triển con người, năm 1990, UNDP cũng đưa ra chỉ số để đo lường sự phát triển con người - HDI. Có ba tiêu chí được đưa vào tính toán trong chỉ số HDI bao gồm sức khỏe (được đo bằng tuổi thọ trung bình, đơn vị tính là năm), học vấn (được đo bằng tỷ lệ biết chữ của người lớn và tỷ  lệ nhập học các cấp giáo dục tiểu học, trung học, đại học) và mức sống (được đo bằng GDP bình quân đầu người).

          Giá trị của chỉ số HDI được thể hiện từ giá trị 0-1 (trong đó giá trị 1 là giá trị cao nhất). Nhờ vào việc lượng hóa, người ta có thể xếp hạng sự phát triển con người giữa các quốc gia và khu vực thể hiện ở vị trí quốc gia đang đứng ở điểm nào trong thang điểm từ 0-1. Từ đó sắp xếp các quốc gia và vùng lãnh thổ vào các mức: phát triển, phát triển trung bình hay kém phát triển.

          Do xã hội ngày càng phát triển và khả năng thu thập số liệu ngày càng tốt hơn, người ta thấy rằng các chỉ số cũ không đo lường hết được sự phát triển con người nên đến năm 2010, UNDP đã có một số điều chỉnh trong cách tính toán chỉ số HDI. Mặc dù vẫn đo lường ba tiêu chí là kinh tế, giáo dục và y tế nhưng chỉ số HDI từ năm 2010 có sự thay đổi về chỉ báo đo lường, giá trị tính các chỉ số thành phần và công thức tính toán HDI. So với thời điểm trước năm 2010, phương pháp tính mới này có thêm vào chỉ số nghèo đói đa chiều (MPI) gắn với hai yếu tố: bình đẳng và bền vững.

          Thông thường nước nào GDP đầu người cao thì xếp hạng HDI cũng cao. Vì khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục tiến bộ. Ngược lại nếu giáo dục và y tế tốt, người dân có sức khỏe và trình độ thì lại làm ra GDP cao. Điển hình trong nhóm nước này là Na Uy.

          Tuy nhiên cũng có một số nước có xếp hạng GDP bình quân đầu người và HDI khác xa nhau. Một số nước châu Phi dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà giàu lên nhanh chóng, nhưng lợi tức thu nhập không được phân bố đồng đều cho người dân được hưởng. GDP bình quân đầu người cao nhưng đại bộ phận người dân vẫn có cuộc sống nghèo khó. Cuộc sống nghèo khó sẽ làm cho chỉ số về y tế và giáo dục chỉ đạt mức thấp và kéo tụt xếp hạng HDI xuống./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết