Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Phiên khai mạc toàn thể WEF ASEAN: Việt Nam đưa sáng kiến hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN

Ngày phát hành: 13/09/2018 Lượt xem 2610

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN

 

Tham dự phiên toàn thể có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nguyên thủ, lãnh đạo nhiều nước như: Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Phó Thủ tướng Thái Lan - Prajin Juntong, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa…

 

       Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị. Ảnh: TTTXVN

 

Theo GS Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập WEF, hội nghị thượng đỉnh cao cấp nhất được tổ chức lần thứ 27 này cho thấy tiềm năng khu vực ASEAN có sức mạnh chính trị mạnh mẽ nhất trong thế giới đang phân mảnh hiện nay. Thế giới đang vào cuộc đua làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh càng tăng cùng sự phát triển của cuộc cách mạng này.

Cũng theo ông Klaus Schwab, để thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các chính phủ ASEAN tạo ra các điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. Cuộc cách mạng này sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. “Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”, ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Việt Nam đưa ra 4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy lùi những thách thức từ cuộc cách mạng này. Thứ nhất là kết nối số, chia sẻ dữ liệu. Thứ hai là hài hòa môi trường kinh doanh và “tại diễn đàn này Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN. Thứ ba là ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và cần xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm này. Thứ tư, là cần xây dựng chiến lược ươm mầm tài năng.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, ASEAN được dự báo là là khu vực kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới 2030; dân số trẻ, khoảng 25 tuổi; một số nền kinh tế đang phát triển dựa trên công nghệ số; GDP khoảng 2.700 tỷ USD… Đây là những điều kiện quan trọng để ASEAN tận dụng tốt những cơ hội mang lại của cách mạng công nghiệp 4.0. Để thúc đẩy phát triển khu vực, Singapore đưa ra sáng kiến thành lập trung tâm nghiên cứu mới để thông qua đó hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN.

 

 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể WEF ASEAN 2018. Ảnh: TTXVN


Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930 thế kỷ trước, chưa bao giờ cuộc chiến thương mại lại bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay nhưng “Chính phủ Indonesia và công dân sẵn sàng chống chọi Thanos như trong phim "Cuộc chiến vô cực”. Dẫn bộ phim với nhân vật Thanos muốn xóa bỏ 1/2 dân số toàn cầu sao cho những người còn sống sót hưởng thụ toàn bộ tài nguyên nhưng, Tổng thống Joko Widodo cho rằng, điểm sai lầm là tài nguyên không phải hạn chế mà là vô hạn. Bởi lẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra hiệu suất ngày càng cao hơn. Sự tiến bộ về công nghệ đã cho phép tiết kiệm, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng giúp giảm chi phí cho sản phẩm, dịch vụ khiến rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn với người thu nhập thấp và “ASEAN sẽ đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh tinh thần doanh nhân, cách mạng công nghiệp 4.0 là nhân tố chủ chốt để xác định hướng đi tiếp theo cho các nền kinh tế; định hình lại các nhân tố sản xuất, hành vi tiêu dùng... Sự tiến bộ về công nghệ dựa trên trí tuệ thông minh, sử dụng người máy; công nghệ sinh học... đã đem lại sự thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, những khó khăn mà các nước khu vực cũng có thể gặp phải về trình độ giáo dục; thiếu khung pháp lý đủ mạnh bảo vệ sự an toàn của số liệu, dữ liệu...

 

Với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực. Diễn đàn có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự kiện cũng là nơi hội tụ của 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN, trong đó, phần lớn là các start-up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông. Bao gồm gần 60 phiên thảo luận, hội nghị WEF ASEAN là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực chia sẻ ý tưởng, chính sách, biện pháp về phát triển khởi nghiệp, tranh thủ cơ hội cũng như hợp tác giải quyết các vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho các nước ASEAN và khu vực.

 

Theo SGGP

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết