Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh đang được nghiên cứu ở Nga

Ngày phát hành: 05/01/2021 Lượt xem 1263

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên-Xô (tháng 7-1955)


TTXVN (Sputnik) - Năm 2020 là năm kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ý tưởng của Người đã được biết tới ở Nga; có nhiều bài báo, bộ phim, cuốn sách hay về Bác Hồ. Cuốn sách mới nhất là “Di sản Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới” bằng tiếng Anh đã ra mắt vào tháng 10/2020. Cuốn sách này được nhà xuất bản Đại học Tổng hợp Moskva giới thiệu. Đây là bộ sách chuyên khảo tập thể của 47 nhà khoa học Nga và Việt Nam phản ánh ở mọi khía cạnh cuộc đời và di sản của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam.


Thành phố trên sông Neva có tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thành phố Saint Petersburg, thủ đô văn hóa của Nga, có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân tới nước Nga Xôviết vào năm 1923. Chính tại đây vào những năm 1930, sinh viên Nga bắt đầu học tiếng Việt và cuốn sách giáo khoa đầu tiên đã được xuất bản ở đây.
Chính tại thành phố này, cách đây 10 năm, Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (SPBU) đã thành lập Viện Hồ Chí Minh đầu tiên và cho đến nay cũng là duy nhất trên thế giới. Viện Hồ Chí Minh đã tổ chức và tham gia rất nhiều hội nghị, hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như về chính trị và kinh tế của Việt Nam. Tham gia các hoạt động này có các nhà khoa học không chỉ từ Khoa Phương Đông của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg mà còn từ Khoa Kinh tế và Khoa Quan hệ quốc tế.
Kể từ năm 2015, Viện tổ chức một loạt hội thảo về di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường SPBU là cơ sở giáo dục đầu tiên tại Nga chuẩn bị các khóa đào tạo về tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này giúp sinh viên và mọi người hiểu rõ hơn về Việt Nam, những nét đặc trưng và yếu tố bảo đảm những thành công của Việt Nam.
Trường SPBU sẵn sàng chia sẻ các khóa học này với nhiều đối tượng nhất. Hiệu trưởng của SPBU Nikolai Kropachev, thành viên thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Chúng tôi cùng với các đồng nghiệp Việt Nam đề xuất tạo các khóa học trực tuyến về tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng sáng tạo của tư tưởng này ở Việt Nam hiện đại, đặc biệt là cung cấp các khóa học này bằng các thứ tiếng khác nhau, không chỉ bằng tiếng Nga và tiếng Việt, và đưa chúng vào các nền tảng giáo dục khác nhau.
Ngày nay,  SPBU được xếp hạng thứ ba về số lượng khóa học trên nền tảng giáo dục trực tuyến uy tín nhất Coursera, đứng sau Google và Đại học Illinois. Trên nền tảng Rosobrazovanie, SPBU dẫn đầu bảng xếp hạng, 148 trong tổng số 600 khóa học đến từ trường đại học này, có 2 triệu người học online.
SPBU là cơ sở đại học đầu tiên đưa ra các khóa học tiếng Nga trên nền tảng trực tuyến của Trung Quốc. Và việc đưa các khóa học trên nền tảng Coursera sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người. Nếu chúng tôi tạo ra các khóa học với nội dung phong phú, thú vị bằng các ngôn ngữ khác nhau, điều đó sẽ rất hữu ích cho việc truyền bá thông tin tích cực về những thành tựu của Việt Nam hiện đại, về tư tưởng Hồ Chí Minh trên toàn thế giới”.


Để hiểu nhau hơn
Hiệu trưởng trường SPBU cho rằng việc tạo ra các chương trình văn bằng kép để đào tạo các chuyên gia về ngôn ngữ, kinh tế và văn hóa sẽ rất hữu ích cho sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam:
“Chúng tôi dự định tăng cường kiến thức về Việt Nam trong các chương trình giáo dục truyền thống về triết học, kinh tế và du lịch. Điều này sẽ giúp đào tạo các chuyên gia có thể đóng góp đáng kể vào sự hợp tác giữa hai nước chúng ta trong các lĩnh vực khác nhau. Sẽ rất tốt nếu Việt Nam cũng giới thiệu các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về Nga để đào tạo các chuyên gia có kiến thức về kinh tế, văn hóa và du lịch của nước Nga”.
SPBU sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học Việt Nam chuẩn bị các khóa học về Nga. SPBU đã thu lượm được những kinh nghiệm hợp tác phong phú với các trường đại học của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết