Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Vì sao Anh chi nhiều nhưng hiệu quả chống dịch COVID-19 thấp?

Ngày phát hành: 02/12/2020 Lượt xem 921
Vương quốc Anh đã chi rất nhiều cho việc phòng, chống đại dịch COVID-19, nhưng hiệu quả cả về y tế và kinh tế đều thấp hơn so với các nước có trình độ phát triển tương đương, đứng cuối bảng trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

 


Vương quốc Anh đang đẩy mạnh các biện pháp chống dịch Covid-19. Ảnh: Guardian.

Ngày 25/11, Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) của Anh cho biết, nền kinh tế Anh dự kiến sẽ suy giảm 11,3% trong năm 2020, chính phủ sẽ cần vay 394 tỷ bảng Anh để bù đắp cho việc nguồn thu thuế giảm và chi 280 tỷ bảng cho cuộc chiến chống COVID-19.

Theo phân tích của tờ Financial Times của Anh, so với mức trung bình của các nền kinh tế G7 khác, mức chi cho phòng chống COVID-19 của Chính phủ Anh cao hơn 80%, nhưng sản lượng của nền kinh tế Anh lại giảm sâu hơn 90% và số người tử vong do COVID-19 cao hơn gần 60%.

Các nhà kinh tế cho rằng chiến dịch phòng chống COVID-19 của Anh kém hiệu quả bắt nguồn từ việc chính phủ nước này đã để cho dịch bệnh lây lan quá rộng cả trong mùa Xuân và mùa Thu trước khi thực thi các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến việc chính phủ nước này buộc phải thực hiện các hạn chế hà khắc hơn và làm suy yếu nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak là người trong nội các liên tục lên tiếng ủng hộ nới lỏng các hạn chế. Trong bản đánh giá chi tiêu của chính phủ, ông Sunak cho rằng mức chi tiêu công lớn chưa từng có trong thời bình đã giúp đảm bảo được mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn so với các nước khác. Ông nói: “Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Vương quốc Anh thấp hơn Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Canada và Mỹ”.
Kết quả này xuất phát từ số tiền mà Chính phủ Anh đã bỏ ra để can thiệp, hỗ trợ việc làm, các hộ gia đình và các công ty trong thời kỳ đại dịch. Sự hỗ trợ của Chính phủ Anh diễn ra trên diện rộng. OBR ghi nhận 127 tỷ bảng đã được chi cho các dịch vụ công, trong đó riêng chương trình xét nghiệm và truy dấu là 22 tỷ bảng; 72 tỷ bảng cho các chương trình hỗ trợ việc làm và 34 tỷ bảng hỗ trợ doanh nghiệp.

Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh tuần trước đã chỉ trích chính phủ vì sự chậm trễ trong việc mua đồ bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế, khiến người nộp thuế phải tiêu tốn thêm 10 tỷ bảng so với việc nếu mua PPE trong năm 2019.

Hệ thống xét nghiệm và truy dấu của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cũng bị chỉ trích là không đưa ra kết quả xét nghiệm và thông báo nguy cơ nhiễm bệnh từ việc tiếp xúc với người bệnh đủ nhanh để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong mùa Thu này.

Mặc dù, như Bộ trưởng Tài chính Sunak lưu ý, các chương trình hỗ trợ việc làm đã giúp hạn chế sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhưng  đã không ngăn chặn được việc Anh rơi vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 300 năm hay giúp cải thiện hoạt động kinh tế của Anh so với các quốc gia tương đương khác. GDP giảm 11,3% là mức giảm sâu hơn bất kỳ quốc gia G7 nào khác.

Một yếu tố dẫn đến kết quả hoạt động kinh tế của Anh kém so với quốc tế bắt nguồn từ sự khác biệt trong cách đo lường sản lượng của khu vực công, nhưng theo các nhà kinh tế, không thể lấy điều đó giải thích cho sự yếu kém trên cũng như cho việc Anh đã chi đáng kể cho việc cứu người trong đại dịch, nhưng tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên 100.000 dân của Anh vẫn ở cuối bảng xếp hạng quốc tế.

Đánh giá các dữ liệu này, Jonathan Portes, Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học King's College London, cho biết: "Vấn đề xuất phát từ việc hồi tháng Ba (nước Anh) phong tỏa quá muộn khiến dịch bệnh lây lan trong các nhà dưỡng lão, và sau đó là việc trì hoãn các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai sau khi hầu hết các nhà khoa học và nhà kinh tế nhận ra rằng biện pháp này là không thể tránh khỏi”.

Giáo sư Jonathan Portes nói thêm rằng có bằng chứng rõ ràng về “các hoạt động mua sắm lãng phí và có khả năng tham nhũng”, điều có thể “làm xói mòn lòng tin của công chúng và doanh nghiệp vào chiến lược của chính phủ, khiến kinh tế phục hồi khó khăn hơn”.

Samuel Tombs, nhà kinh tế học tại công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics, cho rằng hành động chậm chạp trong việc đối phó với COVID-19 là nguyên nhân dẫn đến Anh có kết quả kém cỏi cả về kinh tế và y tế. Ông nói thêm: “Ví dụ, Đức đã có các đợt phong tỏa ngắn hơn và ít khắc nghiệt hơn vì nước này đã hành động sớm hơn để áp đặt các hạn chế".

Tony Yates, một nhà kinh tế học độc lập và đang vận động để Chính phủ Anh gắn kết chính sách về y tế và kinh tế lại với nhau, cho rằng với việc các bộ trưởng vẫn đang nói về sự lựa chọn giữa mạng sống và kế sinh nhai, “việc hoạch định chính sách ở Anh vẫn mắc kẹt trong thế giới cổ lỗ sĩ, trong đó hai vấn đề này tách biệt nhau”. Ông Tony Yates cũng chỉ trích quyết định nới lỏng các hạn chế khi dữ liệu của chính phủ vẫn cho thấy vẫn có gần 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Sunak vẫn hy vọng rằng sự phục hồi kinh tế của Anh trong năm tới sẽ mạnh mẽ hơn so với các nước khác, một phần là do Anh đã có một thời kỳ suy thoái sâu và một phần vì Anh đã sớm mua được một khối lượng lớn vắc-xin ngừa COVID-19./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết