Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

Chương trình “Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”(mã số KX.04/16-20) sau gần 2 năm hoạt động

Ngày phát hành: 14/08/2018 Lượt xem 3874

(HDLL) Ngày 31-5-2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định số 1380/QĐ-BKHCN ban hành Quy chế quản lý Chương trình khoa học xã hội trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, theo đó, Hội đồng Lý luận Trung ương là “Bộ chủ trì”, trực tiếp tổ chức, quản lý toàn bộ chương trình.


I- Xây dựng Chương trình


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư ngày 24-12-2015 về chủ trương, trong nhiệm kỳ tới tiếp tục triển khai Chương trình nghiên cứu lý luận 2016-2020, Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẩn trương cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều cuộc trao đổi tọa đàm với các cơ quan nghiên cứu lớn như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học lớn, các viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và hàng trăm nhà khoa học, quản lý có trình độ cao, am hiểu lĩnh vực chính trị để xác định những nội dung cấp thiết cần phải nghiên cứu trong giai đoạn 2016-2020. Kết quả đã hình thành được Khung của Chương trình với định hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu và yêu cầu đối với sản phẩm Chương trình.


Ngày 31-5-2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định số 1380/QĐ-BKHCN ban hành Quy chế quản lý Chương trình khoa học xã hội trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, trong đó có một điểm rất mới, đó là Hội đồng Lý luận Trung ương được giao trách nhiệm là “Bộ chủ trì”, trực tiếp tổ chức, quản lý toàn bộ chương trình. 


Thực hiện quy chế mới, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình, gồm có 5 đồng chí (4 đồng chí trong Thường trực Hội đồng và 1 nhà khoa học); Văn phòng Chương trình gồm 7 thành viên do 1 đồng chí Ủy viên Ban Chủ nhiệm làm Chánh Văn phòng. Ngay sau thành lập, Ban Chủ nhiệm đã họp quyết định một số công việc của Chương trình trong 6 tháng cuối năm 2016 và ban hành một số quy chế, quy định: Quy chế hoạt động của Chương trình và các đề tài thuộc Chương trình; Quy định quản lý tài chính chương trình, quy định chế độ chi tiêu quản lý chung của Chương trình KX.04/16-20. Đây là những văn bản cụ thể hóa các quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, quản lý Chương trình.


Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Chủ nhiệm Chương trình đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua về định hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu và các vấn đề (đề tài) cụ thể cần nghiên cứu của chương trình. Theo phê duyệt của Ban Bí thư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình nghiên cứu lý luận 2016-2020 có các mục tiêu:


(1)- Góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020.

(2)- Góp phần tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận nhằm cung cấp cơ sở cho việc định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
(3)- Bổ sung các cơ sở lý luận-thực tiễn nhằm góp phần phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030).


Để thực hiện các mục tiêu trên, nội dung nghiên cứu của Chương trình tập trung vào các vấn đề:


- Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, nhất là vấn đề giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, làm cơ sở khoa học thực tiễn cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về một số nội dung của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế, về phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất; về vai trò của các thành phần kinh tế; tư duy đột phá về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; về phát triển bền vững.
- Nghiên cứu những biến động lớn về chính trị, kinh tế, an ninh của thế giới và khu vực; cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, tương quan lực lượng trên thế giới…. tác động đến nước ta.
- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn những vấn về văn hóa xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và môi trường, tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra như : mô hình, phương thức phát triển xã hội. quản lý phát triển xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu làm sáng tỏ về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề trọng yếu về bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- Nghiên cứu những vấn đề về Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền, đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, trong đó tập trung nghiên cứu về mục đích, nội dung, phương thức, điều kiện cầm quyền; tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, vấn đề dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham ô, lãng phí; xây dựng văn hoá, đạo đức trong Đảng; kiểm soát quyền lực của nhà nước pháp quyền.


II- Tổ chức thực hiện


1- Tổ chức tuyển, xét chọn đề tài.


Ban Chủ nhiệm đã gửi đến 66 cơ quan, đề nghị chuẩn bị hồ sơ tham gia xét chọn. Sau 1 tháng chuẩn bị có 53 hồ sơ tham gia xét chọn 30 đề tài. Ban Chủ nhiệm đã lập Hội đồng mở hồ sơ và kết quả 53 hồ sơ đều hợp lệ, đủ điều kiện tham gia xét chọn, giao trực tiếp.


Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã ra quyết định thành lập 30 Hội đồng tư vấn xét chọn, giao trực tiếp.


Từ ngày 26-11 đến 2-12-2016, các hội đồng tư vấn xét chọn đã họp với sự tham dự của đại diện vụ Khoa học xã hội và tự nhiên, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ.


30 Hội đồng tư vấn đến dự họp đảm bảo về số lượng theo quy định và thực hiện nghiêm chỉnh theo quy chế của Bộ Khoa học và Công nghệ. Với tinh thần làm việc rất khách quan, khoa học, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng cân nhắc, so sánh kỹ các hồ sơ để xác định được hồ sơ thuyết minh đề tài xứng đáng trúng tuyển. Kết quả, có 29/30 đề tài được đề nghị trúng tuyển, 01 đề tài không trúng tuyển (đề tàu KX04.10/16-20; Phát triển nhanh và bền vững: Kinh nghiệm thành công của Thế giới và định hướng chính sách của Việt Nam trong điều kiện mới) vì nội dung không đạt yêu cầu mà Hội đồng Lý luận Trung ương “đặt hàng”. Sau đó thời gian “đấu thầu” lại và Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã được chọn.


2- Thẩm định nội dung và kinh phí các đề tài trong Chương trình.


Từ ngày 26-11 đến 1-12-2016, Tổ thẩm định đã họp với sự tham gia của đại diện của Vụ Kế hoạch-Tổng hợp, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tổ thẩm định đã rà soát các nội dung mà Hội đồng tư vấn xét chọn đã kết luận cần sửa chữa, bổ sung của các đề tài. Đồng thời, Tổ Thẩm định cũng đã xác định kinh phí cho từng đề tài. 
Cuối tháng 12-2016, Hợp đồng triển khai các đề tài đã được Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết với cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài.


Sau Hội thảo “Những vấn đề lý luận chính trị-phương pháp nghiên cứu và cách thức tổ chức thực hiện Chương trình”, nhận thức về vị trí, nội dung, và cách thức tổ chức, phương pháp luận nghiên cứu đã đạt được thống nhất cao. Cụ thể là :
Một là, Chương trình KX.04/16-20 là Chương trình trọng điểm cấp quốc gia, nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, có sự chỉ đạo trực tiếp về mục tiêu định hướng nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.


Mục tiêu, nội dung nghiên cứu gắn liền với việc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sang tỏ và sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới ở nước ta.


Hai là, Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị này mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa –xã hội-con người, quốc phòng-an ninh-đối ngoại. Song không phải là nghiên cứu tất cả các vấn đề thuộc mỗi lĩnh vực, mà chỉ tập trung vào những vấn đề mới, cấp thiết dưới góc độ lý luận chính trị, có liên quan trực tiếp đến hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.

 

Ba là, đối tượng để cung cấp sản phẩm nghiên cứu là cấp là lãnh đạo (Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư). Các tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các cơ quan nghiên cứu khoa học lớn, các học viện và trường đại học lớn. Các sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho việc làm sáng tỏ các quan điểm nghị quyết Đại hội XII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đồng thời phục vụ kịp thời các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bốn là, phương pháp luận nghiên cứu của Chương trình dựa trên phương pháp luận nghiên cứu mác xít, đồng thời chọn lọc sử dụng các phương pháp cụ thể để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận.


Đặc biệt chú ý tổng kết thực tiễn cách mạng của nước ta trong hơn 30 năm đổi mới.


Năm là, cơ quan chủ trì tổ chức, quản lý Chương trình là Hội đồng Lý luận Trung ương có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chấp nhận; đồng thời kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khác, để thực hiện tốt chức năng tư vấn của Hội đồng và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.


Sáu là, việc sử dụng kinh phí của Chương trình phải bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả, không lãng phí, đúng các quy định hiện hành. 


3- Kiểm tra định kỳ 


6 tháng 1 lần, Ban Chủ nhiệm Chương trình phối hợp với các vụ chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra định kỳ việc thực hiện nội dung, tiến độ của các đề tài. Đến tháng 6-2018, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tiến hành kiểm tra lần thứ 3. Thực tế qua kiểm tra cho thấy, chủ trương kiểm tra định kỳ theo quy chế đã ban hành là đúng và phù hợp, được các cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đồng tình cao và hoan nghênh.


4- Chắt lọc kết quả nghiên cứu 


6 tháng 1 lần, các đề tài phải có báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu mới theo nội dung đã được duyệt, đồng thời có những đề tài báo cáo theeo những nội dung gợi ý của Ban Chủ nhiệm Chương trình để phục vụ cho những đề án trình Trung ương, các chuyên đề cấp thiết phục vụ Ban Chấp hành Trung ương. Đến tháng 6-2018, đã 3 lần các đề tài có báo cáo chắt lọc kết quả nghiên cứu. Hội đồng Lý luận Trung ương – Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tổng hợp các nội dung nghiên cứu mới của các đề tài báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư đúng theo quy định.


5- Tổ chức hội thảo, khảo sát thực tiễn 


Quán triệt quan điểm lý luận gắn với thực tiễn, tổng kết thực tiễn rút ra những vấn đề mới về lý luận, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã chỉ đạo các đề tài bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết trong quá trình triển khai đề tài. Các đề tài đã có kế hoạch cụ thể khảo sát tại các địa phương, và sau các chuyển từ khảo sát đều có báo cáo khoa học. Đến nay, hầu hết các đề tài đã hoàn thành khảo sát thực tế. Một số đề tài có yêu cầu điều tra xã hội học cũng đã hoàn thành xử lý số liệu.
Những đề tài được phê duyệt đi khảo sát nước ngoài đã hoàn thành kế hoạch và có báo cáo khoa học gửi về Ban Chủ nhiệm Chương trình.


Hầu hết các đề tài đã hoàn thành hội thảo theo kế hoạch. Với phương châm, trọng nội dung, nhiều đề tài đã tổ chức có hiệu quả các cuộc hội thảo. Đồng thời các đề tài rất coi trọng tổ chức các tọa đàm chuyên môn sâu nên đã đưa lại những kết quả rất thiết thực, sâu sắc, phục vụ cho công tác nghiên cứu. 


**


Sau gần hai năm triển khai thực hiện Chương trình, cho thấy cách thức tổ chức “Bộ chủ trì” của Hội đồng Lý luận Trung ương đối với Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị là rất phù hợp, đúng đắn. So với các nhiệm kỳ trước, Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn này đã rút ngắn được thời gian chuẩn bị các thủ tục hành chính là 1 năm. Việc đưa Chương trình vào hoạt động sớm 1 năm đã tạo điều kiện cho các đề tài nghiên cứu và có sản phẩm phục vụ ngay cho việc soạn thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Đến nay hầu hết các đề tài đã triển khai toàn diện nội dung nghiên cứu; hoàn thành khảo sát trong nước và ngoài nước; tổ chức các hội thảo. Các đề tài đang tập trung hoàn thành một số nội dung còn lại, chuẩn bị xác định báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Đặc biệt đã có 04 đề tài đã có bản thảo lần thứ nhất tổng hợp kết quả nghiên cứu để chuẩn bị hội thảo, xin ý kiến chuyên gia và có thể bảo vệ cấp cơ sở vào cuối năm 2018.


Hầu hết các đề tài đã và đang triển khai tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, cao học. Hơn 150 bài báo đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và 5 bài báo được đăng ở các tạp chí có uy tín ở nước ngoài. Xuất bản 8 cuốn sách chuyên khảo và nhiều kỷ yếu khoa học.


Đặc biệt kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã phục vụ trực tiếp kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bộ, ban, ngành và xây dựng Luật như : Đề tài 04 của Ban Tổ chức Trung ương, Đề tài 27 của Học viện Ngoại giao, Đề tài 28 Viện Khoa học xã hội nhân văn Bộ Quốc phòng, Đề tài 11 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Đề tài 14 của Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề tài 24 của Tổng cục An ninh, Đề tài 25 của Học viện An ninh nhân dân vè xây dựng Luật An ninh mạng…. Một số đề tài đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các luận cứ lý luận – thực tiễn phục vụ các báo cáo tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong việc ra Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII). Hiện nay các đề tài đều đang thực hiện đúng tiến độ, sẽ hoàn thành bảo vệ cấp quốc gia vào tháng 10-2019./.

 

Lê Đức Thắng

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết