Thứ Bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024

Kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2003 tại Lâm Đồng

Ngày phát hành: 17/07/2023 Lượt xem 3336

Hội nghị tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng năm 2022. 

 

1. Một số kết quả dạt được

 

a) Về nhận thức

Vấn đề chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ quan trọng được tập trung thực hiện ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đã được gắn chặt với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong toàn tỉnh. 

Nhiệm vụ chuyển đổi số được xác định là trách nhiệm trực tiếp của Lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, vì vậy, cần thường xuyên tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

 

Để phục vụ nhiệm vụ này, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã có chuyên mục về chuyển đổi số. Tỉnh đã xây dựng chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng tại địa chỉ: http://chuyendoiso.lamdong.gov.vn., và thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bản tin tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số. Ngoài ra, Báo Lâm Đồng và Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng cũng đã xây dựng các chuyên mục chuyển đổi số với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số.

 

  UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều Hội nghị, buổi làm việc với các công ty, tập đoàn lớn như: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Mobifone, Tập đoàn FPT, … để giới thiệu, quảng bá, mời gọi đầu tư triển khai thực hiện các dự án thành phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 10/10, hướng đến mục tiêu chính là chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp, Tỉnh đã tổ chức hội thảo hưởng ứng Ngày chuyển đổi số năm 2022, hội thảo “Chuyển đổi số - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”.  Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các Sở, ban, ngành đoàn thể, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cùng hơn 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong và ngoài tỉnh. 

 

Một số đơn vị đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp triển khai ký kết hợp tác về chuyển đối số: Tỉnh đoàn Lâm Đồng và VNPT Lâm Đồng tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về viễn thông, truyền thông và chuyển đổi số, giai đoạn 2023-2027; Sở Xây dựng và VNPT Lâm Đồng ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong ngành xây dựng, giai đoạn đến năm 2025, Viettel Lâm Đồng ký kết hợp tác thực hiện dịch vụ công cùng Sở Kế hoạch và đầu tư …

 

b) Về thể chế

Tỉnh đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 về việc Kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng thành Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội làm Phó Trưởng ban thường trực, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Thành viên thường trực và lãnh đạo các sở, ban, ngành.

 

Đối với cấp huyện: 12/12 đơn vị đã có Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện. Trong đó chủ tịch UBND cấp huyện là trưởng ban. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Đối với cấp huyện ủy: 12/12 đơn vị đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU.

Ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 9953/KH-UBND ngày 26/12/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng năm 2023; Kế hoạch số 5961/KH-UBND ngày 10/8/2022 về thực hiện hiện Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số hoạt động của Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng hàng năm; Kế hoạch số 681/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh về việc Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 2772/KH-UBND ngày 25/04/2022 của UBND tỉnh về việc Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 3232/KH-UBND ngày 11/5/2022 của UBND tỉnh về việc Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 4865/KH-UBND ngày 04/7/2022 về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch 1392/KH-UBND ngày 09/3/2021 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2664/KH-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh về chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 4858/KH-UBND ngày 04/7/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” …

 

c) Hạ tầng số

Hạ tầng bưu chính, viễn thông được quan tâm đầu tư phát triển nhanh chóng, đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền cũng như nhu cầu của nhân dân. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%. 100% các sở ban ngành, huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ phủ đạt 100% khu dân cư); Đã triển khai thí điểm 06 điểm phát sóng 5G.

 

Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) đồng bộ, thống nhất sử dụng chung; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; duy trì ổn định Hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm hành chính tỉnh tập trung hoạt động ổn định;

 

Hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh; hoàn thành kết nối 11/15 cơ sở dữ liệu (CSDL), hệ thống thông tin với Trục kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, các nền tảng số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh gồm: Nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước chủ quản, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội: Nền tảng địa chỉ số;  Nền tảng bản đồ số (CSDL đất đai); Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ( LGSP); Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng hóa đơn điện tử ( ngành thuế );  Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội (04 nền tảng): Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng sàn thương mại điện tử; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); Nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) …

 

d) Nhân lực số

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 135 cán bộ, công chức (CBCC) chuyên trách về CNTT và  khoảng 500 nhân lực công nghệ thông tin trình  độ cao làm việc trong các doanh nghiệp viễn thông, CNTT.

 

Để tăng cường nhân lực số, ngành Giáo dục tỉnh luôn chú trọng đào tạo kỹ năng tin học cho học sinh, sinh viên tạo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh; 100% các trường học đều có các phòng máy dành riêng cho việc đào tạo tin học; tham gia chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đối tượng lãnh đạo UBND cấp xã, tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025”.

 

Triển khai thực hiện mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng:

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các đơn vị triển khai, kiện toàn Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đơn vị cấp xã 142/142 tổ (đạt 100%), đối với tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố 11/12 huyện đã kiện toàn (trừ thành phố Bảo Lộc).

 

Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến với 98 điểm cầu thu hút khoảng 1.000 học viên là thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn các huyện. Đến nay đã triển khai tập huấn cho 2.649 học viên. Đào tạo về chuyển đổi số các đối tượng khác trên địa bàn tỉnh 700 học viên (Hội phụ nữ, doanh nghiệp, đoàn thanh niên…)

 

e) An toàn an ninh mạng

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Lâm Đồng có trang thiết bị tương đối hiện đại, thiết bị An toàn thông tin hoạt động tốt, sẵn sàng theo dõi và hoạt động 24/7. Dữ liệu của Trung tâm dữ liệu tỉnh được sao lưu, dự phòng đảm bảo an toàn, khả năng phục hồi cho các hệ thống thông tin trọng yếu dùng chung.

 

Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp, tăng cường khả năng thích ứng chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

 

Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đã triển khai và hoàn thành kết nối với Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng quốc gia mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai Chính quyền điện tử.

 

Sở Thông tin Truyền thông thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về các nguy cơ mất ATTT, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin cũng như tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để qua đó thúc đẩy ứng dụng và phát triển thông tin truyền thông một cách an toàn và hiệu quả. Tham gia các chiến dịch đảm bảo an toàn thông tin mạng và mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động, điều phối.

 

g) Chính quyền số

100% cơ quan Đảng, các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối cho 100% các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện. 100% Đảng ủy cấp xã được đấu nối lên huyện và kết nối vào mạng diện rộng của Đảng bằng đường truyền Mega, WAN, VPN.

 

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định, đã hoàn thành kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, khai thác 11/15 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia. Đã phối hợp cơ quan chuyên môn Bộ Công an ( Cục A05, A06) hoàn thành đánh giá an toàn an ninh thông tin đảm bảo kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh và Cổng dịch vụ công của tỉnh.

 

Một số ứng dụng công nghệ thông tin kết nối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; trục liên thông văn bản điện tử; hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; Cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử… Cổng thông tin điện tử của tỉnh tích hợp triển khai liên thông với trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND cấp huyện. Hiện nay công nghệ số đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... Các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin được thực hiện đồng bộ.

 

 Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh (dichvucong.lamdong.gov.vn) được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương. Hoàn thành việc kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Cung cấp tổng số 1.756 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 681 dịch vụ công trực tuyến một phần (mức 3 cũ) chiếm 38%; 486 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức 4 cũ) chiếm 27,53%, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.

 

h) Đô thị thông minh:

Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) tại thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương và huyện Đạ Tẻh, thành phố Bảo Lộc và ngành giáo dục đào tạo. với nhiều dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp với mục đích vừa phát triển đô thị, thành phố thông minh, vừa thực hiện chuyển đổi số tại địa phương. Tại Văn phòng UBND tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm hệ thống IOC toàn tỉnh. Một số ứng dụng triển khai rộng rãi đến cấp huyện như: ứng dụng kết nối chính quyền với người dân (eGOV-CONNECT) hiện đã triển khai cho 12/12 đơn vị cấp huyện triển khai.

 

Kết nối các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng Quốc gia: CSDL quốc gia về dân cư: đang phối hợp Bộ Công an để kết nối CSDL quốc gia về dân cư với trục LGSP và Cổng dịch vụ công tỉnh; CSDL quốc gia về bảo hiểm: đã kết nối với Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, đã xây dựng tra cứu bảo hiểm xã hội trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng; CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Đã kết nối, đồng bộ số lượng hồ sơ từ phần mềm của Bộ Tư pháp sang phần mềm một cửa điện tử Igate; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp: đã kết nối với Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng, đã xây dựng tra cứu  trên cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng; CSDL về đất đai quốc gia: Bộ TNMT đang triển khai phần mềm đồng bộ từ trung ương tới địa phương.

 

i) Kinh tế số và xã hội số:

Tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số (số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông – CNTT) khoảng 500 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 0,45%. Tuy nhiên các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu hiện vấn là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thiết bị công nghệ thông tin, gia công phần mềm.

 

Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh (như zalopay, zalo connect, zaloshop, zaloAds, Facebook...)

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng: Số lượng thẻ nội địa trên địa bàn tỉnh là 1,1 triệu thẻ chiếm 83% dân số tỉnh. Số thanh niên có tài khoản tại ngân hàng là 318.802 người chiếm 61% trong tổng số thanh niên từ 15 đến 39 tuổi.

 

Công nghệ số quản lý tài chính trong lĩnh vực nông lâm nghiệp: triển khai hệ thống quản lý thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y, chăn nuôi bằng phần mềm ứng dụng và thanh toán qua hóa đơn điện tử; triển khai thí điểm ứng dụng chi trả điện tử tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 139 đơn vị là tổ chức và 1.186 hộ gia đình cộng đồng; chi trả 1.325 tài khoản điện tử giao dịch thông qua Ngân hàng Agribank và Viettelpay.

 

Tỉnh Lâm Đồng có 12 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng website https://nongsandalatlamdong.vn, đây là một kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình tới mọi người, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Tại đây giới thiệu  toàn bộ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng là thế mạnh của nông sản Lâm Đồng do đơn vị mình sản xuất ra cho khách hàng dễ dàng tìm kiếm, nắm bắt thông tin, so sánh chất lượng, giá cả, đánh giá, phản hồi, chia sẻ cộng đồng ...  Mở rộng cơ hội tiếp cận, kết nối, hợp tác giữa người sản xuất - người kinh doanh - người tiêu thụ - người cung cấp các dịch vụ kèm theo, tạo thành chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, từ đó hình thành một thị trường cạnh tranh lành mạnh, tích cực, thúc đẩy sự học hỏi kỹ thuật, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất cho doanh nghiệp.

 

Các sàn TMĐT được tham gia nhiều nhất hiện nay là: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng tham gia trên sàn quốc tế như: Alibaba, Amazon. Đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn nhiều doanh nghiệp/HTX/hộ kinh doanh tham gia sàn Voso.vn của Cty Bưu chính Viettel và Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. đến nay, Tổng số hộ SXNN được đào tạo kỹ năng KD lên sàn TMĐT đạt 88.668 hộ; số/loại sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT là 2.510 sản phẩm với số giao dịch là 21.448 lượt, tổng giá trị giao dịch là  3,21 tỷ đồng.

 

Số lượng người dân sử dụng điện thoại smartphone là 782.250 người, đạt 59%. Tỷ lệ thanh niên sử dụng điện thoại: 96,36% (trong đó có 85,02% sử dụng smartphone); tỷ lệ thanh niên sử dụng máy tính: 68,24%; tỷ lệ thanh niên sử dụng Internet: 92,65%.

 

Nhiều nền tảng được phát triển để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, đời sống của người dân như: ứng dụng liên lạc (Zalo, Viber, Facebook…); ứng dụng gọi xe, giao hàng (Grab, Vill…); ứng dụng phục vụ xem truyền hình (VTV Go, FPT Play, HTV Play…); Ứng dụng sức khỏe điện tử ( sổ sức khỏe điện tử,…); Ứng dụng bảo hiểm xã hội VssID; ứng dụng phục vụ giáo dục (Mobiedu, Vnedu, K12online…); ứng dụng phục vụ mua sắm (Postmart.vn; voso.vn; Shopee; Lazada, Tiki, Sendo…), ứng dụng định danh điện tử (VNEID).

 

Số lượng người dân được hướng dẫn, tiếp cận những kỹ năng số (sử dụng dịch vụ công, kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt, an toàn thông tin cơ bản…) thông qua các kênh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo hướng dẫn như tổ công nghệ cộng đồng, cổng hành chính công Zalo, Đài Phát thành truyền hình, truyền thanh cơ sở, màn hình điện tử công cộng, ứng dụng đô thị thông minh ngày càng tăng với số lượng tương tác, tham gia gần 600.000 lượt.

 

Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển hệ sinh thái các ứng dụng công nghệ số nhằm cung cấp các dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho người dân.

 

 Triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân. Các Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống góp phần xây dựng văn hóa số trong cộng đồng; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của người dân lên môi trường số.

Các Sở ban ngành và địa phương đều triển khai kênh thông tin để tuyên truyền, tương tác với người dân và doanh nghiệp bằng nền tảng mạng xã hội Zalo, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia quan tâm.

 

        k) CSDL quốc gia về dân cư (Đề án 06)

Tính đến ngày 15/5/2023, đã thu nhận 1.337.291 hồ sơ cấp CCCD; 456.012 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, trong đó: 71.685 tài khoản mức độ 1; 384.327 tài khoản mức độ 2; hiện có 179.122 tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt đạt tỷ lệ 26,2%.

 

2. Triển khai nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo:

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 thực hiện chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ….

 

- Rà soát các thủ tục hành chính và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình với các thủ tục hành chính đủ điều kiện.

- Ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đã được phê duyệt.

- Triển khai quản trị dữ liệu, xây dựng hạ tầng dữ liệu, xây dựng nền tảng dùng chung, sẳn sàng kết nối, bền vững làm nền tảng cho chuyển đổi số.

- Khẩn trương triển khai Đề án 06 gắn với bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực chất, tránh hình thức; chủ động tổ chức thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc

- Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Khai thác triệt để thông tin, dữ liệu đã có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo Kiến trúc Chính quyền điện tử.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thu hút, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

- Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số.

- Đẩy mạnh triển khai hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là trong khâu hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng trên đại bàn tỉnh.

- Triển khai các giải pháp an toàn an ninh thông tin..

- Thực hiện đánh giá, công bố xếp hạng mức độ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện.

 

PV. (Nguồn: Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tại buổi

Tọa đàm do Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức tại Lâm Đồng)

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết