Thứ Sáu, ngày 26 tháng 04 năm 2024

Kiến nghị của đề tài "Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại"

Ngày phát hành: 12/03/2021 Lượt xem 8771

Đề tài "Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại", mã số KX.04.13/16-20, do GS.TS Trần Thị Vân Hoa làm Chủ nhiệm đã bảo vệ thành công xuất sắc. Dưới đây là một số kiến nghị của Đề tài

 

 

Đề tài "Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại", mã số: KX.04.13/16-20, có mục tiêu tổng quát là: Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đánh giá thực trạng quá trình xây dựng hệ tiêu chí và mức độ đạt được tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam; xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại áp dụng vào Việt Nam phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại; đề xuất giải pháp để nước ta đạt được các tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đề tài đã đề xuất được hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại và các nhóm giải pháp nhằm đạt được hệ tiêu chí đó. Đề tài có 15 kiến nghị quan trọng, được chia thành 3 nhóm sau:

 

1. Nhóm kiến nghị về xác định mục tiêu phát triển đất nước:        

Kiến nghị 1: Cần điều chỉnh để làm rõ mục tiêu phát triển đất nước theo hướng nhất quán và đảm bảo nguyên tắc SMAT

            Đề tài kiến nghị khi xác định mục tiêu phát triển đất nước trong nghị quyết Đại hội XIII, cần đảm bảo các nguyên tắc SMATER có nghĩa là: cụ thể, có thể đo lường, so sánh và đánh giá được, có khả năng đạt được, có thời gian rõ ràng, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và thực tế. 

Mục tiêu phát triển đất nước ghi trong Đại hội Đảng lần thứ XIII là: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập/người cao vào năm 2035. Mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa thành các tiêu chí về mức thu nhập theo GNI/người cho từng giai đoạn mà Việt Nam cần đạt được, đó là năm 2025: đạt GNI/người đạt mức trung bình (4.500 - 5000 USD); năm 2035 đạt ngưỡng cận dưới của nước thu nhập cao (trên 12.500 USD) và năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại/ nước phát triển có thu nhập cao (trên 32.000 USD).

         Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với tư duy của Đảng về tầm nhìn dài hạn về phát triển nước công nghiệp đã được xác định từ những năm 1960 và mục tiêu đã được thông qua trong Cương lĩnh xây dựng đất nước do Đại hội XI, đó là: “đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN”. Nếu đặt mục tiêu phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là không chỉ rõ mức độ (trình độ) và thời điểm trở thành nước công nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế, khó được quốc tế thừa nhận và khó đánh giá mức độ đạt được mục tiêu vì thuật ngữ “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là riêng có của Việt Nam. Cho đến nay, trên thế giới chỉ tồn tại các thuật ngữ để chỉ mức độ phát triển kinh tế - xã hội, như: nước đã phát triển, nước đã hoàn thành công nghiệp hóa (nước công nghiệp), nền kinh tế tiên tiến, nước công nghiệp mới nổi NICs, nước đang phát triển và nước kém phát triển. Hầu hết các nước phát triển, hay nước đã hoàn thành công nghiệp hóa đều là thành viên của OECD, nhiều nước NICs có mục tiêu trở thành thành viên OECD. Riêng Trung Quốc có thuật ngữ: xã hội khá giả, xã hội toàn diện khá giả và mục tiêu xây dựng nước công nghiệp hiện đại XHCN, có thu nhập cao. Hơn nữa, nếu dùng các thuật ngữ “cơ bản”, hay “sớm trở thành” hay “hướng hiện đại” thì không xác định được thời điểm đạt được, dẫn đến mục tiêu mơ hồ. Hơn nữa, các thuật ngữ này dễ dẫn đến sự giải thích khác nhau nên khó thống nhất mục tiêu chung và huy động sự quyết tâm của toàn dân.

                    

2. Nhóm kiến nghị về đổi mới tư duy, nhận thức và cách tiếp cận về nước công nghiệp và hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Kiến nghị 2: Đổi mới tư duy về nước công nghiệp và hệ tiêu chí nước công nghiệp trong bối cảnh mới:

          - Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, tư duy nhận thức về nước công nghiệp đã từng bước được đổi mới, ngày càng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới, cần tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ trong tư duy nhận thức về mục tiêu phát triển đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nước công nghiệp mà chúng ta nói đến không phải đơn giản là đất nước có ngành công nghiệp/công nghiệp chế tạo phát triển. Nước công nghiệp hiện đại trong bối cảnh mới phải được hiểu là quốc gia thịnh vượng, phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường, ứng dụng tốt các thành quả của CMCN4.0 trong tất cả các ngành, các lĩnh vực đời sống XH.

- Không đồng nhất mục tiêu phát triển đất nước trở thành nước công nghiệp với mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa. Cần phải có tư duy rõ ràng rằng CNH và phát triển các ngành công nghiệp truyền thống không phải là con đường, là cách thức duy nhất để xây dựng nước công nghiệp hiện đại. Do vậy, hệ tiêu chí phát triển nước công nghiệp theo hướng hiện đại không phải bao gồm các chỉ tiêu về CNH và phát triển các ngành công nghiệp.

        - Tiêu chí nước công nghiệp hiện đại cần được hiểu theo nghĩa rộng, gắn với tính hiện đại, thời đại và hội nhập. Hệ tiêu chí nước công nghiệp hiện đại phải bao gồm các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là phải bám sát các tiêu chí thể hiện sự đổi mới sáng tạo, phát triển con người và phát triển bền vững. Thực tế đã cho thấy, một số nước và vùng lãnh thổ đã trở thành thành viên của OECD không phải bằng con đường CNH truyền thống mà là do đã tận dụng được các lợi thế của thời đại như Israel (phát triển các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao); Hồng Kong (phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính - ngân hàng), Singapore (phát triển giáo dục đào tạo và các ngành công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao).

          - Không gắn tiêu chí công nghiệp hóa với tiêu chí trở thành nước công nghiệp hiện đại vì công nghiệp hóa là một quá trình, còn nước công nghiệp hiện đại là đích đến, là mốc đánh dấu trình độ đạt được tiêu chí ở một thời điểm nhất định. Vì vậy, khi xây dựng hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần xác định rõ ngưỡng đạt được theo từng giai đoạn cụ thể theo chuẩn quốc tế và có thể so sánh được với các nước trên thế giới.

 

 Kiến nghị 3: Tiếp cận hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo mục tiêu phát triển đất nước.

Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên là hệ thống các tiêu chí phản ánh thành quả phát triển và nội hàm của đất nước khi đạt được ngưỡng của “nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới là các tiêu chí gọn, dễ phấn đấu và có tính mở, tính động lực (gắn với người dân) như phấn đấu trở thành thành viên OECD (Israel) hay xây dựng xã hội khá giả với mục tiêu cứ sau 10 năm GDP/người tăng gấp đôi (Trung Quốc) hoặc GDP vượt qua một mốc nào đó (ví dụ Trung Quốc đặt ra mục tiêu GDP vượt mức 10.000 tỷ và đứng thứ 2 trên thế giới) .v.v.

          Với cách tiếp cận như vậy, cần xác định nước công nghiệp hiện đại là nước có nền kinh tế phát triển, có thể được xếp vào nhóm các nước đã phát triển (theo cách phân loại OECD); hay nền kinh tế tiên tiến theo cách phân loại của IMF; hoặc nước có thu nhập cao theo cách phân loại của WB và chỉ số phát triển con người ở mức rất cao theo cách phân loại của UNDP. Từ “hiện đại” là tính từ chỉ tính chất của tăng trưởng theo quan điểm tăng trưởng hiện đại, phản ánh sự hiện đại của nền kinh tế, hiện đại của xã hội, hiện đại của môi trường. Từ “hiện đại” cũng phản ánh tính thời đại, tính tiên tiến trong cách tiếp cận khác với các nước công nghiệp truyền thống trước đây, đó là nền công nghiệp hiện đại có sự lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển không chỉ là của các ngành, các lĩnh vực kinh tế khác mà tác động đến sự phát triển XH, văn hóa và hành vi làm việc, ứng xử của con người trong nền kinh tế đó. Nước công nghiệp theo hướng hiện đại với tư cách là bước trung gian để đạt đến nước công nghiệp hiện đại, có các đặc điểm tương đồng với các nước công nghiệp mới (NICs), công nghiệp mới nổi nhưng vẫn phải thể hiện được xu thế và sự tăng trưởng hiện đại của nền kinh tế.

 

Kiến nghị 4: Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại áp dụng cho Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau:

           + Mục tiêu của xây dựng hệ tiêu chí là làm rõ thành quả phát triển đất nước tại thời điểm đạt nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vừa là động lực để thúc đẩy toàn dân vừa là định hướng phát triển và đặc biệt làm rõ được các thước đo để xác định mức độ phát triển đất nước cũng như vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

+ Hệ tiêu chí cần mang tính tổng quát thể hiện những nét cơ bản về hình ảnh đất nước trong tương lai và phản ánh được bản chất của nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Tính hiện đại ở đây được thể hiện ở các tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của Việt Nam trong thời đại mới với việc ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế và ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu.

+ Mức độ đạt được của các tiêu chí trong hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phản ánh rõ mức độ giàu mạnh của đất nước, mức độ tiến bộ của xã hội trong sự so sánh với thế giới, qua đó, định vị được hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Có thể tham khảo mức đã đạt được của các nước mới gia nhập OECD hoặc nhóm nước công nghiệp mới NICs làm tiêu chuẩn để xác định ngưỡng cần đạt được của các tiêu chí.

+ Các tiêu chí đưa ra trong hệ tiêu chí phải bảo đảm khả năng ứng dụng thực tế, có hệ thống dữ liệu thống kê đủ độ tin cậy, có chỉ dẫn rõ ràng về phương pháp tính toán các chỉ tiêu; nằm trong các chỉ tiêu thông dụng thuộc “Hệ thống thông tin Thống kê” (Statistical information system – SIS) của Liên hợp quốc và phù hợp với khả năng thống kê về kinh tế - xã hội của Việt Nam.

+ Số lượng các tiêu chí không quá nhiều để đảm bảo dễ nhớ, dễ hiểu, theo chuẩn quốc tế.

 

Kiến nghị 5: Đề xuất hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại áp dụng cho Việt Nam và thời điểm đạt được hệ tiêu chí ở năm 2035 và 2045                   

          Căn cứ vào cách tiếp cận, yêu cầu đối với hệ tiêu chí; căn cứ vào khả năng có được số liệu trong hệ thống thống kê Việt Nam; căn cứ vào mức phát triển của một số nước ở thời điểm gia nhập OECD, cũng như các mức đạt được của các nước công nghiệp mới; dựa vào kinh nghiệm của một số quốc gia khi xác định mục tiêu phát triển đất nước, đề tài kiến nghị Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại cho Việt Nam bao gồm 5 tiêu chí cụ thể là (1) tiêu chí phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế (GNI/người); Trình độ CNH (tỷ lệ lao động trong nông nghiệp); Trình độ phát triển XH (chỉ số phát triển con người HDI); mức độ bền vững về môi trường (chỉ số chất lượng môi trường EPI); và mức độ sáng tạo của nền kinh tế (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII). Trong mỗi tiêu chỉ nêu trên, có các chỉ tiêu thành phần. Tổng hợp hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam đến năm 2035 và 2045 được thể hiện ở bảng sau.

Bảng 1: Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam

và dự báo thời gian đạt tiêu chí

TT

Các mục tiêu phát triển

Tiêu chí

2035

Mức chuẩn cơ bản đạt nước CN theo hướng hiện đại

2045

 

1

Kinh tế và CNH

Thể hiện: Dân giầu, nước mạnh

GNI/người (USD Atlas)

> 12.500

>32.000

2

% lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội.

< 20

< 10

3

Xã hội: Dân chủ, công bằng

Chỉ số phát triển con người (HDI). Điểm: 0-1,0

> 0,8

> 0,9

 

4

Môi trường

Bền vững

Chỉ số chất lượng môi trường (EPI). Điểm: 0-100

> 55

> 60

 

5

Văn minh, hiện đại

Xu hướng thời đại

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)*. Điểm 0-100

 

>55

 

> 60

 

* Trừ tiêu chí EPI và GII chưa có trong hệ thống Thống kê Việt Nam, còn tất cả các chỉ tiêu khác đều đã có trong hệ thống Thống kê Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2016, Chính phủ đã có các nghị quyết hàng năm và giao cho Bộ KHCN & các bộ ngành chịu trách nhiệm các chỉ tiêu thành phần để tăng GII (như NQ02/NQ-CP năm 2019). Bộ KH&CN đã làm cuốn sổ tay về chỉ số GII để theo dõi hàng năm và tuyên truyền về chỉ tiêu này.

 

3. Nhóm kiến nghị về phương hướng, giải pháp và điều kiện đạt được hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại:

Kiến nghị 6: Về phương hướng, cần tận dụng tốt lợi thế và các cơ hội do CMCN4.0 đem lại để có các giải pháp đột phá, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, gắn phát triển nhanh vượt trội với bền vững về XH và môi trường, phát huy vai trò của khu vực tư nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo và xây dựng xã hội khởi nghiệp nhằm tạo ra các nguồn lực phát triển mới; lấy con người làm trung tâm, coi trọng đồng thuận xã hội, nâng cao vị thế của văn hóa và truyền thống dân tộc; đảm bảo độc lập và chủ quyền của dân tộc.

 

Kiến nghị 7: Các giải pháp để tăng GNI/người nhanh và vượt trội đạt trên 12.500 USD vào năm 2035

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, GNI/người thường bằng khoảng 92-95% GDP/người, tốc độ tăng trưởng bình quân GNI giai đoạn 2000 – 2017 là 10,75%. Đề tài đề xuất các giả pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trong thời kỳ dài bằng các kế hoạch rõ ràng, khai thác các động lực từ đổi mới sáng tạo, khu vực kinh tế tư nhân và nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khững khâu có giá trị gia tăng cao, tái cơ cấu nền kinh tế; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống thống tin; huy động các nguồn vốn cho tăng trưởng; kiểm soát lạm phát và duy trì cán cân vĩ mô; phát triển các quĩ đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo; cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch tạo điều kiện cho DN phát triển.

 

Kiến nghị 8: Các giải pháp giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống mức dưới 20% vào năm 2035

Để giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp xuống dưới 20% vào năm 2035, đề tài đề xuất các giải pháp như (1) tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông sản có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp CNC; (2) phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp mới nhằm thu hút có hiệu quả lao động từ nông nghiệp chuyển sang; (3) thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm biến các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống thành hàng hóa có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu; (4) đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người dân.

 

Kiến nghị 9: Các giải pháp tăng chỉ số HDI đạt tối thiểu 0,8 điểm vào năm 2035

Để đạt được HDI tối thiểu là 0,8 điểm vào năm 2035, đề tài đề xuất các giải pháp như: (1) hoàn thiện và đổi mới toàn diện hệ thống giáo và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng tiếp cận chuẩn quốc tế, từng bước đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy để tiếp thu nhanh nhất tri thức nhân loại; (2) tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động và phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn; (3) gắn đào tạo với NCKH và chuyển giao công nghệ; (4) đầu tư phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; (5) nâng cao ý thức phòng bệnh và rèn luyện sức khỏe trong toàn dân.

 

Kiến nghị 10: Các giải pháp cải thiện tiêu chí chất lượng môi trường EPI đạt trên 55 điểm vào năm 2035

Để đạt được mục tiêu đến năm 2035 EPI của Việt Nam đạt ở mức trung bình khá của thế giới là 55,0 điểm, đề tài đề xuất các giải pháp như (1) Nhất quán theo đuổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững, tiến tới thay thế các các mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên sang các mô hình tăng trưởng xanh dựa vào KHCN; (2) thu hút FDI sạch và chuyển dịch vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; (3) phát triển các ngành dịch vụ xanh, tận dụng các lợi thế của hội nhập thương mại quốc tế; (4) coi môi trường là tài sản quí giá để phát triển kinh tế, cần lượng hóa giá trị của tài sản môi trường để có phương án khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả; (5) nhìn nhận đúng giá trị và đóng góp của tài nguyên và môi trường trong phát triển kinh tế quốc gia; (6) đầu tư thỏa đáng cho bảo vệ môi trường.

 

Kiến nghị 11: Các giải pháp tăng chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) đạt trên 55 điểm.

Theo dự báo của đề tài, đến năm 2035 Việt Nam sẽ đạt được giá trị trên 55 điểm nhờ những giải pháp sau: (1) đổi mới cơ chế, chính sách và tăng cường quản trị công cho hệ thống đổi mới sáng tạo; (2) thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với chức năng thúc đẩy thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ dựa trên đổi mới sáng tạo; (3) xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số; (4) phát triển các sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành các ngành nghề mới mà Việt Nam có thế mạnh; (5) nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; (6) thúc đẩy liên kết các mạng lưới hợp tác về đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; (7) hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để đổi mới sáng tạo; (8) đổi mới và hình thành văn hóa, thói quen đổi mới sáng tạo để phát triển.

 

Kiến nghị 12: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN và xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính

      + Tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền theo hướng thật sự bảo đảm được tính độc lập cần thiết của ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là có sự kiểm soát lẫn nhau giữa ba quyền đó có hiệu lực, hiệu quả.

      + Nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội, đổi mới cơ cấu Quốc hội theo hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách; hạn chế những người trong cơ quan hành pháp, tư pháp tham gia vào cơ quan lập pháp.

      + Xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính. Thể chế hiện đại - mà trọng tâm của nó là nhà nước kiến tạo, liêm chính và hành động - luôn được coi như một khâu đột phá chiến lược để giải phóng những động lực mới - đó là sức đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam - mà yếu tố thể chế đóng vai trò then chốt.

     + Thực sự tuân thủ quy luật tự do cạnh tranh bình đẳng của thị trường; xây dựng nền kinh tế thị trường thực sự đầy đủ, đồng bộ, triệt để xóa bỏ các yếu tố bao cấp, xin – cho, thực hiện đúng nguyên tắc tự do cạnh tranh, tạo ra sự cạnh tranh thật sự lành mạnh, sôi động. 

 

Kiến nghị 13: Đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, khai thác các nguồn lực mới và xây dựng xã hội khởi nghiệp, phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân.

Đề tài kiến nghị cần kiện định thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu hàng đầu nhằm vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vượt bẫy thu nhập trung bình, phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Bên cạnh đó cần xây dựng môi trường để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp và phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân.

 

Kiến nghị 14: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đổi mới, sáng tạo để thực hiện mục tiêu phát triển nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

             Đề tài kiến nghị coi nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Tiếp tục coi nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đổi mới sáng tạo là một trong các trụ cột để phát triển trong thời gian tới. Muốn vậy cần (1) xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, có mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng về đội ngũ, chuẩn về kiến thức và trình độ đào tạo, chuẩn về kỹ năng và thái độ làm việc, chuẩn về thể lực để có mục tiêu phấn đấu chứ không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu; (2) xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, qui hoạch lại hệ thống giáo dục đào tạo và đặc biệt cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện trong từng giai đoạn; (3) tăng cường tính chủ động cho các trường trong học thuật và phát triển đội ngũ; (4) xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng  chuẩn và khuyến khích các trường thực hiện kiểm định quốc tế để khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực về giáo dục và đào tạo; (5) Cần lựa chọn và đầu tư có trọng điểm vào một số trường, một số ngành nhằm đưa các trường đại học vào bản đồ giáo dục quốc tế; (6) tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên để tăng tính quốc tế của các trường; (7) thu hút và đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục và phát huy năng lực các nhà khoa học có uy tín; (8) từng bước đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức sử dụng trong các trường học.

 

Kiến nghị 15, cập nhật và hoàn thiện hệ thống tài khoản quốc gia SNA

Đề tài kiến nghị Chính phủ, Tổng cục Thống kê và các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng của hệ thống tài khoản quốc gia của Việt Nam thống nhất với SNA2008 để đảm bảo tính tương thích và thống nhất với các quốc gia khác trên thế giới và tăng độ tin cậy khi so sánh quốc tế và xác định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

+ Định kỳ, thường xuyên và minh bạch hóa việc điều chỉnh tài khoản quốc gia để có được các chuỗi số liệu trong nước nhất quán theo thời gian phục vụ cho công tác lập dự báo, tăng độ tin cậy của kết quả dự báo và giúp đưa ra các phân tích chính sách đúng, ban hành chính sách phù hợp.

+ Tăng độ bao phủ của các vấn đề trong hệ thống tài thông tin tài khoản quốc gia, đảm bảo phản ánh kịp thời các vấn đề phát triển của nền kinh tế như: các giao dịch quốc tế bao gồm cả chuỗi giá trị và các công cụ tài chính; các giá trị tạo ra từ sự phát triển của nền kinh tế số như blockchain và bitcoin, hay các giá trị tạo ra từ nền kinh tế chia sẻ; tính bền vững về môi trường thông qua phản ánh các vấn đề suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu (bổ sung chỉ số EPI); tác động của KHCN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế thông qua chỉ số GII[1].

+ Tăng độ tin cậy của các số liệu thống kê, tăng cường tính độc lập và khách quan trong thu thập và cung cấp dữ liệu của TCTK để hạn chế những điều chỉnh đột ngột, gây ra sự nghi ngờ đối với người dân.

+ Đổi mới công tác quản lý số liệu thống kê từ khâu xây dựng phương án đến triển khai điều tra, xử lý, tổng hợp và tính toán theo chuẩn quốc tế.

+ Tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác thống kê, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung, kết nối giữa các nguồn thông tin.

 

Kiến nghị 16: Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:

1. Khai thác vốn trí tuệ để tạo ra các nguồn lực mới cho tăng trưởng nhanh nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng CN4.0 và toàn cầu hóa

2. Nâng cao chỉ số phát triển con người trong bối cảnh CMCN4.0 và toàn cầu hóa ở Việt Nam

3. Liên kết trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và CMCN4.0

4. Tư duy nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh mới của CMCN4.0 và toàn cầu hóa

5. Nhận thức mới về vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước trong bối cảnh mới

6. Phát triển năng lực làm việc của người Việt Nam trong bối cảnh mới của CMCN4.0 và toàn cầu hóa đến năm 2035

7. Vai trò của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong bối cảnh mới

8. Vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

9. Vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045

10. Mô hình phát triển kinh tế bền vững đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045

 
PV (nguồn: Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.13/16-20 )
 

[1] Hiện nay, trong số 5 tiêu chí mà đề tài đề xuất, có 3 tiêu chí đã có trong hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia và được tổng cục thống kê công bố hàng năm là GNI/người, HDI và tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Riêng tiêu chí GII và tiêu chí EPI chưa có trong hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia. Một số chỉ số trong tiêu chí GII cũng còn thiếu ảnh hưởng đến tính chính xác của các kết quả xếp hạng công bố hàng năm. Do đó cần sớm bổ sung các chỉ tiêu này vào hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chứ không chỉ dựa vào công bố của nước ngoài.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết