Thứ Năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024

74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9: Bài học lớn về 'mẫu số chung' toàn dân tộc

Ngày phát hành: 03/09/2019 Lượt xem 1812

Tròn 74 năm trước, vào chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8 và Quốc khánh 2/9 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học thành công quý giá, trong đó có bài học lớn về chính sách dân tộc sáng suốt, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân nhờ tìm ra được “mẫu số chung" về lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam

Áp dụng một chính sách dân tộc đúng đắn trong mối quan hệ đan chéo giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp để cuối cùng hướng đúng dòng chảy của khát vọng độc lập, tự do của mọi người dân Việt Nam. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó cũng là bài học mà sau 74 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lượt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, t.7 tr. 38).

“Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam” với lòng yêu nước thương nòi có những nét riêng so với các dân tộc khác, do quá trình hình thành dân tộc, do đặc điểm văn hóa, tập tính, cách giáo dục trong gia đình và trong cộng đồng, do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử mà cụ thể là truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm...

Chú thích ảnh
Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình hay còn gọi là Quảng trường
 Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. 
Ảnh tư liệu: TTXVN

Từ năm 1945 đến nay cách mạng Việt Nam đã đi từ thử thách này đến thử thách khác, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác – đuổi  phát xít Nhật, chống thực dân Pháp, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên mỗi chặng đường của cách mạng Việt Nam, Đảng ta có những sách lược, chiến lược khác nhau phù hợp với bối cảnh lịch sử và nhiệm vụ cụ thể. Song xuyên suốt các chặng đường đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc.

Tư tưởng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành trong giai đoạn Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp, vì vậy nội dung chủ chốt của vấn đề dân tộc ở Việt Nam là độc lập, tự do. Nhiệm vụ trước mắt vào thời điểm đó của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc, thực dân chứ chưa phải là cuộc cách mạng dân chủ như ở nhiều nước không phải là thuộc địa. Cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta được đặt sau cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Hơn một năm sau, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Tiếp đó, ngày 17/7/1966, khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “...Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ gắn chặt làm một của hai vấn đề là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 

Năm 1887, nhằm thi hành chính sách chia để trị, thực dân Pháp lập ra “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp, gồm năm xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cao Miên) do một viên Toàn quyền người Pháp đứng đầu.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp về việc chia cắt đất nước Việt Nam: “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”.

Gần một năm sau, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ (tháng 6/1946), Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.

Chân lý này đã được ghi trong Khoản 1, Điều 5, Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam”.

Mẫu số chung về lợi ích của các tầng lớp nhân dân

Sự thành công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9 và những thắng lợi kế tiếp sau đó của cách mạng Việt Nam là dựa trên nền tảng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vượt qua những mâu thuẫn giai cấp để chống lại kẻ thù chung của dân tộc.

Để tập hợp các tầng lớp xã hội đang có mâu thuẫn với nhau về quyền lợi thì Đảng ta và Bác Hồ đã tìm ra được “mẫu số chung” về lợi ích của toàn dân tộc, tức giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc một cách khoa học, biện chứng và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử.

Đó chính là bài học về phương pháp cách mạng

Chú thích ảnh
Ngày 25/8/1945, Ủy ban Giải phóng dân tộc do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ảnh tư liệu: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra kẻ thù chung của mọi tầng lớp người Việt Nam, dù là “dân cày, dân buôn, nhà tư sản, công nhân” -  đó là giặc ngoại xâm, cụ thể là thực dân Pháp. Bản Tuyên ngôn độc lập viết: “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Từng câu chữ của Bác rất khúc chiết, nêu bật chiến tuyến giữa “ta” (người Việt) – “dân ta, các nhà tư sản ta, công nhân ta” và “chúng” (thực dân Pháp). Bác viết: “…Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Để có được nền độc lập cho nước nhà vào ngày 2/9/1945 thì trước đó, vào ngày 19/5/1941, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Đây là liên minh chính trị do Bác Hồ làm Chủ tịch với mục đích công khai là "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Tiếp đó, ngày 6/6/1941 Bác Hồ gửi thư thư kêu gọi các bậc phụ huynh, các hiền nhân chí sĩ, các bậc phú hào yêu nước, các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và tay sai: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Cách mạng là việc chung của toàn thể nhân dân. Sự nghiệp chống đế quốc, tay sai giành độc lập, tự do là nhiệm vụ của toàn dân tộc. Chuẩn bị lực lượng và lực lượng vũ trang, đặc biệt là đội quân chính trị quần chúng có ý nghĩa rất cơ bản. Nhiệm vụ đánh Pháp- Nhật không phải là nhiệm vụ riêng của thợ thuyền và dân cày, mà là nhiệm vụ chung của cả dân tộc không phân biệt giai cấp”.

Như vậy là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận rằng các vị kỳ hào, địa chủ, tư sản… trước hết là những người Việt Nam trong thân phận của người dân mất nước, trong họ tiềm tàng năng lực chống thực dân, đế quốc, có thể tập hợp họ vào một tổ chức cứu quốc cùng với nông dân, thợ thuyền. Dù các vị này thuộc giai tầng trên (nhưng không phải là những kẻ thống trị) thì ý nghĩa của từ “đồng bào” vẫn lớn hơn hết thảy.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Sử học Vũ Quang Hiển (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) viết: “Nhờ có sự đổi mới về tư duy, chính trị, tổ chức mà đến giữa tháng 8/1945, cao trào kháng Nhật dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh, Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã tạo dựng được đội quân chính trị quần chúng hùng hậu, có tính chất dân tộc rộng rãi, sẵn sàng và quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Vì vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám có ưu điểm lớn so với các cuộc cách mạng nhiều nước trên thế giới. Đó là cuộc cách mạng tập hợp được tuyệt đại bộ phận nhân dân cả nước, diễn ra nhanh chóng và ít đổ máu”.

“Mẫu số” trong trang sử mới

Sau 74 năm, đặc biệt là sau 33 năm đổi mới, đất nước Việt Nam bước sang một trang sử mới với những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế - xã hội và vị thế trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện những thách thức không thể xem nhẹ đối với nền tảng đại đoàn kết toàn dân, làm suy giảm sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Đó là nguy cơ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân và nhóm lợi ích cũng như thái độ thờ ơ chính trị, vô cảm đối với những giá trị thiêng liêng nhất của dân tộc. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh việc kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, khoét sâu các mâu thuẫn xã hội, kích động tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải đưa ra những nghị quyết, chính sách mới trong việc tập hợp mọi tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Ðảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước để củng cố vững chắc niềm tin của các giai cấp, dân tộc, các tầng lớp nhân dân vào con đường cách mạng đã chọn.

Bên cạnh việc ban hành những quyết sách mang tính vĩ mô thì Đảng và chính quyền cần phải xác định được “mẫu số chung mới” về lợi ích giữa các giai cấp, dân tộc, lực lượng xã hội, các thành phần kinh tế trong giai đoạn hiện nay.  

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện nay có gần 20 triệu nông dân, 11 triệu công nhân, 4,9 triệu trí thức, 2,4 triệu công chức, viên chức, 2 triệu doanh nhân (hoạt động trong hơn 346.000 doanh nghiệp), hơn 13 triệu người thuộc các dân tộc thiểu số, khoảng 24 triệu người theo đạo… Bên cạnh đó là 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại 109 quốc gia trên thế giới.

Các giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư ở nước ta đang trong quá trình phân hóa, sự khác biệt về mức thu nhập và hưởng thụ ngày càng lớn. Sự chênh lệch giàu nghèo giãn rộng giữa các giai tầng, nhóm dân cư, vùng miền đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền tảng đại đoàn kết dân tộc.

Thực tiễn cách mạng từ năm 1945 đến nay cho thấy sự đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Điều quan trọng hiện nay là phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Cụ thể, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, dân tộc, lực lượng xã hội, các thành phần kinh tế, nhóm dân cư…

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dịp thích hợp để chúng ta ôn lại và suy ngẫm sâu hơn về bài học lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút từ hiện thực đấu tranh cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

 

Trần Quang Vinh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết