Chủ Nhật, ngày 12 tháng 05 năm 2024

78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2024): Giữ lời hứa với cử tri và nhân dân

Ngày phát hành: 06/01/2024 Lượt xem 386

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử 

 

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã diễn ra trên cả nước và thành công rất tốt đẹp, đánh dấu một mốc son chói lọi trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam. Qua 78 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các quyền lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào

 
Tư tưởng xây dựng một nhà nước kiểu mới mà ở đó nhân dân là người chủ của đất nước đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh nhận định trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927): Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc.


Sáng kiến triệu tập Quốc dân Đại hội của Người đã hình thành từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hội nghị phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật - Pháp “Lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo tinh thần dân chủ, Chính phủ đó do Quốc dân đại hội cử lên”.
Dự đoán thiên tài của Người về “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa” trong thư gửi Quốc dân đồng bào tháng 10/1944,  Người nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải triệu tập Đại hội đại biểu Quốc dân để thành lập “Một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể Quốc dân ta; cơ cấu tổ chức đó phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc bầu cử ra”, “một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các nước hữu bang”.


Ngày 16/8/1945, trước thời khắc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Đình Tân Trào (Tuyên Quang) với sự tham dự của đại biểu đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí của dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, phong kiến, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới.


Tại Đại hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Trường Chinh, đọc báo cáo trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời). Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy tước vũ khí của Nhật, giành lấy chính quyền. Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giành chính quyền từ tay quân Nhật, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định về Quốc kỳ, Quốc ca và nhiều chiến lược quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. 10 điểm trong chính sách của Việt Minh được đại hội thông qua, như: Tiến hành võ trang nhân dân; Tịch thu tài sản của giặc và Việt gian sung công và chia cho dân nghèo… Chính sách 10 điểm cũng quyết định đem lại quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ và nhiều quyền khác liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân lúc bấy giờ.


Quốc dân Đại hội Tân Trào đã khẳng định một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của văn minh nhân loại, thể hiện quyền tự do, dân chủ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Mặc dù có số lượng đại biểu không nhiều (hơn 60 đại biểu), nhưng đây được coi là một đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.


Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan: “Quốc dân Đại hội Tân trào chính là tiền thân của Quốc hội Việt Nam. Đây là kết quả của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ có quyết sách được thông qua tại đây mà sau đó Cách mạng Tháng Tám thành công. Trên cơ sở đó, Hồ Chủ tịch tuyên bố rành mạch rằng phải sớm tổ chức ngay tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Như vậy, hơn 4 tháng sau khi Quốc dân Đại hội Tân Trào, chúng ta có Tổng tuyển cử và có Quốc hội khóa I”.

Đến Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

 
Tiếp nối thành công của Quốc dân Đại hội, sau khi giành được độc lập, trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đề ra nhiệm vụ là phải tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt: “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.


Theo đó, ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và ngày 5/1/1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”.


Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể người dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6/1/1946 - đi bầu cử Quốc hội.

 

Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)


Và bất chấp sự phá hoại của bọn phản động ở các tỉnh phía Bắc và dưới bom đạn của thực dân Pháp ở phía Nam, tỷ lệ đi bầu cử ở các địa phương vẫn đạt từ 89%; trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc-Trung-Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Chính phủ tuyên thệ
nhậm chức tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I (2/3/1946). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)


Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể  đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể  đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.


Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh dấu sự ra đời của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; thành lập một Chính phủ thống nhất, ban hành một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ.


Thắng lợi của Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho Nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.


Đó còn là sự khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam; khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân

 
Trải qua gần 80 năm, từ Quốc dân Đại hội Tân Trào tới sự ra đời của Quốc hội khóa I đến nay, 15 khóa Quốc hội, nhiệm kỳ hoạt động Quốc hội là quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, Quốc hội đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình đó, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng.
Quốc hội khoá I, ngay sau khi ra đời, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 3/1946) đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để điều hành đất nước; và tại Kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946, đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.


Tiếp đó, cho đến năm 1960, Quốc hội đã cùng Nhân dân cả nước thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước cải cách dân chủ, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiếp tục đấu tranh giành độc lập ở miền Nam và thực hiện thống nhất nước nhà.


Quốc hội các khoá II, III, IV, V (từ năm 1960 đến năm 1976), hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Đấu tranh giải phóng miền Nam, đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.


Từ khoá VI trở đi, Quốc hội nước ta là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Sau kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976, Quốc hội đã tích cực xây dựng hệ thống pháp luật, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước.


Quốc hội các khoá VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm của Quốc hội các khoá trước, ngày càng chủ động, sáng tạo, đổi mới, có bước tiến quan trọng, cả về tổ chức và hoạt động, thúc đẩy việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đi lên chủ nghĩa xã hội.


Quốc hội khóa XIV đã thông qua 73 luật, 2 pháp lệnh và 31 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội bắt đầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu. Trong muôn vàn khó khăn từ bối cảnh đặc biệt, Quốc hội đã có những hành động đặc biệt, những quyết sách đặc biệt, luôn phát huy cao nhất tinh thần chủ động, từ sớm từ xa, linh hoạt thích ứng, đổi mới căn cơ và hành động quyết liệt trong tất cả lĩnh vực để hoàn thành trọng trách với Đảng, với cử tri và nhân dân. Đến nay, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đi được nửa chặng đường.
Nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là thời điểm đất nước ta gặp nhiều thách thức bởi “những cơn gió ngược” từ tình hình chung của thế giới. Nhưng chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Những lời hứa với cử tri, nhân dân đã và đang được Quốc hội quan tâm thực hiện.


Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi tối đa cho công dân và kích cầu du lịch.


Với nhiều quyết sách quan trọng được Quốc hội ban hành một cách kịp thời, Chính phủ quyết liệt thực hiện, người dân và doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ nên dù trong bối cảnh đầy khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được động lực tăng trưởng và luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Những thành quả của quá trình phát triển cũng đưa Việt Nam lên thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Năm 2023, "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc… ./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết